Làm giám khảo truyền hình: Mua vui nhưng đừng dễ dãi

Thứ Hai, 14/11/2011, 08:00
Vẫn biết ngồi ghế Ban giám khảo trong một cuộc thi, nhất là những cuộc thi phát sóng trực tiếp trên truyền hình luôn là ngồi "ghế nóng". Trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả truyền hình, nếu người giám khảo không chính xác, không công tâm thì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của thí sinh và của dư luận...

Mấy năm gần đây, trên các kênh truyền hình nở rộ nhiều cuộc thi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như "Việt Nam Idol", "Bước nhảy hoàn vũ", "Việt Nam Next top Model", "Cặp đôi hoàn hảo"… Đây là các chương trình có fomat nước ngoài, thực chất là các chương trình truyền hình giải trí với chiêu thức có Ban giám khảo chấm điểm cộng với bình chọn của khán giả để loại bỏ dần thí sinh qua mỗi tuần. Tuy nhiên, những nhận xét và việc chấm điểm của Ban giám khảo không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình của khán giả. Trong không ít trường hợp, vì những phát ngôn gây sốc, có phần phản cảm của mình mà có vị giám khảo đã phải chọn giải pháp rời khỏi cuộc thi trước sức ép của dư luận (như trường hợp nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình "Bước nhảy hoàn vũ 2011").

Năm ngoái, trong chương trình "Việt Nam Idol 2010", giám khảo Siu Black cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của thí sinh Sơn Lâm và khán giả, khi chị có lời nhận xét bị xem là thiếu thiện chí liên quan đến ngoại hình của thí sinh này. Rồi ca sĩ Mỹ Tâm trong lúc ngồi ghế giám khảo "Sao Mai - Điểm hẹn" cũng gặp phải sự phản ứng không hay của dư luận vì lời nhận xét có phần "thái quá" về tiết mục biểu diễn của thí sinh Hà Hoài Thu.

Mới đây nhất, trong chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" phát sóng trực tiếp tối Chủ nhật hàng tuần trên VTV3, giám khảo Lê Hoàng - người nổi tiếng là giám khảo khắt khe, khó tính trong nhiều cuộc thi đã phải nhận không ít lời chỉ trích của khán giả trong phần chấm điểm với một vài cặp thí sinh, tiêu biểu là cặp đôi Minh Quân - Lê Khánh. Ca sĩ Minh Quân đã trả lời phỏng vấn báo chí tỏ ý rất thất vọng về nhận xét "trước sau bất nhất" của giám khảo Lê Hoàng. Mặc dù ở đêm thi sau đó, giám khảo Lê Hoàng và Minh Quân đã có phần "giải hòa" đầy thiện chí, và cặp đôi Minh Quân - Lê Khánh đã nhận được nhiều lời khen ngợi cũng như điểm số cao hơn từ Lê Hoàng nhưng họ vẫn quyết định rời khỏi cuộc chơi, nhường cơ hội cho những cặp đôi khác.

Vẫn biết ngồi ghế Ban giám khảo trong một cuộc thi, nhất là những cuộc thi phát sóng trực tiếp trên truyền hình luôn là ngồi "ghế nóng". Ở đó, những ưu và nhược điểm của người giám khảo gần như không thể "che giấu" được, nếu như họ không kỹ càng trong lời nói và chuẩn mực trong hành động. "Cân, đong, đo, đếm" một tiết mục thế nào là quan điểm, hiểu biết riêng và là văn hóa của từng giám khảo. Trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả truyền hình, nếu người giám khảo không chính xác, không công tâm thì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của thí sinh và của dư luận.

Tuy nhiên, việc nhận xét đúng, chấm đúng nhưng không được cứng nhắc, phải đủ duyên dáng, hóm hỉnh để không gây nhàm chán với khán giả là một yêu cầu không dễ dàng với những người giữ vai trò "cầm cân nảy mực" trong một cuộc thi đề cao yếu tố giải trí. Văn hóa ứng xử cũng như kiến thức, hiểu biết của khán giả có ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ của công chúng, góp phần định hướng cho công chúng trong thưởng thức nghệ thuật. Một Ban giám khảo chuẩn mực sẽ góp phần nâng tầm cho cuộc thi, nâng tầm cho các thí sinh, nghệ sĩ tham gia chương trình, và quan trọng hơn là nâng tầm hiểu biết cho khán giả.

Các nghệ sĩ ngồi ghế Ban giám khảo chương trình "Cặp đôi hoàn hảo".

NSND Đoàn Dũng là người đã nhiều lần ngồi ghế Ban giám khảo chấm các cuộc thi nghệ thuật. Ông cũng là người theo dõi rất nhiều cuộc thi trên truyền hình gần đây và có nhiều ý kiến xác đáng xung quanh câu chuyện làm giám khảo khó hay dễ.

- Thưa NSND Đoàn Dũng, ông có theo dõi chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" đang phát sóng trên truyền hình không và ông có nhận xét gì về các thành viên Ban giám khảo của chương trình?

+ Không chỉ "Cặp đôi hoàn hảo" mà rất nhiều chương trình truyền hình có tính chất "thi thố", có Ban giám khảo chấm điểm thí sinh… tôi đều theo dõi rất kỹ. Xem xong mỗi chương trình tôi thường có ý nghĩ thế này, cho dù là các chương trình được tổ chức lấy mục đích giải trí phục vụ khán giả là chính, việc chấm điểm không phải chuyện ăn thua, thì việc lập ra một Ban giám khảo ngồi đấy để nhận xét, chấm điểm thí sinh vẫn phải có tiêu chí rõ ràng. Ở chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" mà chúng ta đang xem vào tối Chủ nhật hàng tuần trên truyền hình, tôi thấy đang thiếu tiêu chí cần thiết, nên Ban giám khảo nhận xét mỗi người một phách, chấm điểm mỗi người một kiểu, rất "vô tội vạ", làm cho người xem thấy phản cảm, búc xúc. Một khi Ban giám khảo thiếu chuẩn mực thì sẽ dẫn tới việc khó mà công bằng trong đánh giá các thí sinh, và như thế cuộc chơi cũng sẽ thiếu công bằng. Giám khảo không chuẩn mực cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của công chúng. Vì đây là các chương trình được truyền hình trực tiếp, không chỉ khán giả ở trường quay mà khán giả cả nước, thậm chí là khán giả quốc tế xem nữa. Cho nên, tôi rất mong các quý vị ngồi ghế Ban giám khảo xem lại tư thế giám khảo của mình?

- Nói về tư thế của Ban giám khảo trong một cuộc thi, thì với ông điều gì là quan trọng nhất?

+Tôi nghĩ thế này, mỗi một cuộc thi đều có những yêu cầu riêng. Một cuộc thi trong một lĩnh vực chuyên nghiệp nào đó nó cũng khác với một cuộc thi vui vẻ trên truyền hình, nơi mà người nghệ sĩ tham gia không lấy thắng thua làm trọng, miễn là mang đến cho khán giả một món ăn tinh thần hấp dẫn nào đó. Nhưng dù cuộc thi nào đi nữa thì Ban giám khảo vẫn phải giữ một thái độ ứng xử văn hóa, nhẹ nhàng, không được tự nhiên chủ nghĩa một cách quá trớn hay có những lời nói xúc phạm thí sinh. Nhất là trong một cuộc thi mà thí sinh cũng là những người nổi tiếng, đã thành danh trong lĩnh vực của họ. Nhận xét dù có hóm hỉnh, hài hước, gây cười thế nào cũng phải xuất phát từ sự chân thành của người ngồi ghế của người được chọn để "cầm cân nảy mực". Mua vui khán giả là cần thiết trong một chương trình truyền hình giải trí, nhưng đừng dễ dãi. Trong "Cặp đôi hoàn hảo" và trước đó là một số cuộc thi như "Bước nhảy hoàn vũ", "Việt Nam Idol" tôi cảm giác có giám khảo phát ngôn hơi tùy tiện, nghĩ gì nói nấy thì phải. Trong khi lẽ ra họ phải suy nghĩ kỹ hơn, thận trọng hơn trong phát ngôn, vì họ đang nói trước hàng triệu khán giả.

- Trong một chương trình truyền hình giải chí, nên chăng cũng cần sự ngẫu hứng của Ban giám khảo để hấp dẫn khán giả, thưa ông?

+ Theo tôi, khi đã ngồi ghế Ban giám khảo rồi thì không nên ngẫu hứng. Vì sự ngẫu hứng nó chứa rất nhiều cảm tính ở đó. Nghệ sĩ tham gia có thể ngẫu hứng còn giám khảo thì cần sự tỉnh táo, chuẩn mực. Một lời nói trước đám đông của người ngồi ghế Ban giám khảo có thể ảnh hưởng đến các thí sinh và công chúng rất ghê gớm. Nó cũng có thể nâng tầm của Ban giám khảo lên hoặc làm tầm thường hóa hình ảnh của Ban giám khảo đi. Có những điều có thể nói trong lúc "trà dư tửu hậu" được, nhưng nếu trực tiếp trước đông đảo khán giả thì không được phép. Tôi thấy rất phản cảm việc anh Lê Hoàng khen chê thí sinh đẹp trai đẹp gái, chị Siu Black thì quá tự nhiên chủ nghĩa, anh Lê Minh Sơn được xem là giám khảo "đứng đắn" cũng có lúc nói những câu đại loại: "Tôi rất dốt tiếng Anh nhưng nghe bạn hát thì tôi lại hiểu được". Pha trò kiểu ấy tôi nghĩ nó hơi buồn cười, thậm chí nó còn ít nhiều có ý xúc phạm thí sinh nữa. Rồi việc chấm điểm thí sính cũng rất không ổn. Tôi chả thấy trên thế giới có một Ban giám khảo nào người cho điểm 10 người lại cho điểm 6 như trường hợp anh Lê Hoàng chấm cho cặp thí sinh Minh Quân - Lê Khánh ở đêm thi thứ nhất "Cặp đôi hoàn hảo". Rồi đến đêm thi thứ 2 anh lại bất ngờ cho cặp đôi này 9 điểm. Bị chê là khắt khe thì đến đêm thi thứ 3 Ban giám khảo bất ngờ lại cho các cặp đôi toàn điểm cao ngất ngưởng. Nó khiến cho khán giả cảm thấy giám khảo đúng là rất… bông phèng. Điều quan trọng nhất trong việc chấm điểm của Ban giám khảo là chấm đúng, chứ không phải chuyện chấm rộng hay chấm hẹp.

- Mấy năm gần đây, các chương trình truyền hình có tính chất thi thố, trong đó Ban giám khảo được xem là một phần "ăn khách" của chương trình… đang nở rộ. Tuy nhiên xu hướng chọn giám khảo của các nhà tổ chức thường lựa chọn những gương mặt giám khảo đã "quen tên biết mặt" với khán giả, cho dù họ chưa chắc đã phải là người giỏi chuyên môn. Cho nên, sau mỗi cuộc thi thường để lại rất nhiều tranh cãi. Ông có ý kiến gì về thực tế này?

+ Việc mời các gương mặt cũ ngồi ghế Ban giám khảo dường như là một giải pháp an toàn mà các nhà tài trợ, các nhà tổ chức lựa chọn. Việc này là dễ hiểu. Nhưng nếu họ không năng động tìm kiếm những gương mặt mới để "đổi món" cho khán giả trong các cuộc thi thì khán giả sẽ nhàm chán rất nhanh. Người hiểu biết trong từng lĩnh vực không thiếu. Người có khả năng lập ngôn, ứng xử trước đám đông cũng không thiếu, cớ sao cứ chọn một vài gương mặt cũ là điều mà các nhà tổ chức nên suy nghĩ….

- Xin cảm ơn NSND Đoàn Dũng

V.Q
.
.