Lại chuyện thi cử

Thứ Năm, 15/07/2021, 10:33
Việc một nam sinh ở TP Hồ Chí Minh ngất xỉu trong phòng thi và sau đó có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2 khiến nhiều người phải giật mình. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tuyên bố rằng, Bộ không ép các địa phương phải tổ chức kỳ thi nếu điều kiện không phù hợp. Rõ ràng đã có một sự duy ý chí trong việc kiên quyết tổ chức bằng được kỳ thi tốt nghiệp THPT ở TP Hồ Chí Minh - một địa phương đang ở tâm bão của đợt dịch thứ 4 này.


Đề ngữ văn năm nay không dở, nhưng nó không hay, và nó vẫn đi vào lối mòn của mọi năm. Vẫn là hai câu hỏi, với những bó hẹp về thể loại trình bày dành cho thí sinh. Và nó cũ, khi sử dụng thơ Xuân Quỳnh. “Sóng” là một bài thơ kinh điển, Xuân Quỳnh là một nữ sỹ tài năng nhưng đề văn có nhất thiết cứ phải căn cứ vào các tác phẩm kinh điển và những tác giả tên tuổi hay không? Điều gì đang diễn ra ở đây khi những người ra đề chưa quan tâm tới cảm xúc của những thí sinh không hề yêu thơ? Rõ ràng, đề văn không có tính phổ quát, tính khai phóng và thiếu sự quan tâm tới sở thích cá nhân của một bộ phận thí sinh.

Trong cùng thời gian ấy, mạng xã hội có truyền nhau một đề thi ngữ văn của nước ngoài, trong đề chỉ duy nhất một câu hỏi và một đòi hỏi không được trình bày bằng thơ. Đề ngữ văn ấy mang tính phổ quát rất cao, tôn trọng quan điểm riêng của thí sinh để nhấn mạnh tính khai phóng của giáo dục, đề cao khả năng tư duy riêng của từng thí sinh và hi vọng từ đó có thể tìm được “ngọc” chứ không chỉ những thí sinh vượt được vũ môn.

Có quá nhiều vấn đề gắn liền với đời sống và xã hội có thể đưa vào đề ngữ văn mà nó hoàn toàn khơi gợi được sự cởi mở trong mỗi thí sinh trong việc thể hiện quan điểm riêng của mình. Một đề ngữ văn như thế không chỉ cho phép chúng ta sẽ có một kỳ thi hiệu quả, đánh giá đúng năng lực thí sinh mà còn mở ra cơ hội để lớp người đi trước hiểu được tâm sự của thế hệ trẻ hiện đại. Và ra những đề ngữ văn như vậy có khó hay không? Xin thưa, không hề thiếu những chuyên gia ngôn ngữ có thể ra được những đề ngữ văn “hấp dẫn”. Cơ bản là hệ thống giáo dục có chấp nhận một đổi mới dễ dàng như thế hay không, hay họ đang cố tiếp tục gò mình, gò thí sinh vào một cái khung học và thi ngữ văn máy móc, rập khuôn, không dám đề cao cái tôi cá nhân trong quan điểm.

Xã hội hiện nay đã cho phép đa chiều hơn về bày tỏ quan điểm, cảm xúc khi mạng xã hội tạo ra một kênh hữu hiệu cho mỗi cá nhân làm việc đó. Có thể thấy, rất nhiều người học ngữ văn ở trường không được đánh giá cao (bằng điểm số) nhưng có cách thể hiện trên trang cá nhân vô cùng đặc sắc. Họ tự học thêm từ chính việc đọc, viết theo đúng sở trường, sở thích của mình.

Một nền giáo dục khai phóng là nền giáo dục đặt học sinh vào trọng tâm, trân trọng các góc nhìn, phương pháp biểu đạt của các em. Nền giáo dục như thế không thể tồn tại trong một lối dạy, ra đề, chấm thi bảo thủ theo kiểu “em cần hiểu theo cách mà các thầy muốn em hiểu”. Cảm thụ văn chương phải đi từ cảm thụ đời sống trước mắt, một thứ cảm thụ tôn trọng tính tự do. Nếu nhà trường, giảng đường, trường thi không cấp cho các em cái tự do biểu đạt này và các em tìm kiếm nó ở các kênh xã hội khác, đó sẽ là nền tảng của một mâu thuẫn xã hội rất lớn trong tương lai gần.

Văn Đoàn
.
.