Lá phiếu niềm tin...

Thứ Bảy, 14/05/2016, 08:19
Có một ngày hội vui chung của toàn quốc từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt trẻ già trai gái, tất cả từ 18 tuổi trở lên có quyền công dân đều đi bỏ phiếu. Nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ "Lá phiếu hôm nay" viết năm 1960 lúc bầu cử Quốc hội khóa II, có câu thơ: "Mỗi cử tri là một người mơ mộng". Mơ mộng ở đây như là một khát vọng niềm tin gửi gắm. Lá phiếu bầu cử đã hiện thực hóa, đã chở cả bao tâm tình nghĩ suy có cả sức nặng, sức tải của thời gian, lịch sử của quá khứ và bắt đầu cho một tương lai.. .


Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới giành độc lập 4 tháng. Cuộc bầu cử diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị phức tạp. Ở Nam bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở các cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Đã có những người làm công tác vận động bầu cử hi sinh - đó là những "lá phiếu máu".

Trong âm vang náo nức tưng bừng của ngày trọng đại đó (6/1/1946), nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết ca khúc "Ngày Quốc hội" với nhịp điệu rộn ràng - Rộn ràng từ lòng người: "Đâu quốc dân Việt Nam mau/ Cùng nhau cầm lá phiếu mau/ Cùng nhau cùng đem phiếu ta đi bầu…". 

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946.

Tronglời phát biểu trước đó một ngày, Bác Hồ đã kêu gọi: "Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta. Vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử. Vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân được hưởng quyền dân chủ của mình". Khi Bác Hồ ra ứng cử ở Thủ đô Hà Nội, mọi người: "Đề nghị Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử này và suy tôn Cụ là Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam".

Hồ Chủ tịch gửi lời cảm tạ và nói: "Tôi là một công dân Việt Nam nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định". Còn nhớ những ngày đó, đất nước muôn vàn khó khăn đối phó với thù trong giặc ngoài, lại lo giặc đói, giặc dốt. Những lớp bình dân học vụ được mở ra khắp các bản làng xóm thôn. Những người dân lần đầu tiên được học chữ, được đánh vần tên của những người mình lựa chọn bầu trên những lá phiếu còn thơm mùi mực mới. Và niềm tin về quyền làm chủ của con người làm chủ đất nước cũng bắt đầu hình thành có điểm tựa vững chắc từ đó.

Tôi nhớ Quốc hội khóa IV được bầu ngày 6/4/1975, lúc đó cha tôi đang ở chiến trường. Ba tôi cùng những người lính đội mũ tai bèo chân đi dép lốp chiếc ba lô con cóc hồi hộp trên lưng với những tăng, những võng chung chiêng giữa bạt ngàn cây rừng Trường Sơn. Tuy họ không trực tiếp bỏ phiếu nhưng chính họ là hiện thân những lá - phiếu - sống với một vẻ đẹp lý tưởng cao cả.

Mỗi cuộc bầu cử Quốc hội là một cái mốc lịch sử đánh dấu một chặng đường phát triển của đất nước. Sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, chúng ta đã có một cuộc chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Sau khi bầu cử quốc hội khóa IV chưa đầy một tháng, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước thống nhất.

Một năm sau, 4/1976, nhân dân cả nước sôi nổi đi bầu Quốc hội chung của nước CHXHCN Việt Nam. Cha tôi từ chiến trường trở về vẫn mặc trên mình bộ quân phục màu xanh hòa chung dòng người đi bỏ phiếu. Lá phiếu đổi bằng bao xương máu, có những đồng đội của ông mãi mãi nằm lại chiến trường. Họ đang ở tuổi tràn đầy sức sống chưa một lần nắm tay người yêu, chưa một lần được bỏ lá phiều làm quyền cử tri.

Cha tôi nói: "Hôm nay bỏ phiếu là bỏ cho cả những người đã mất". Lá phiếu phập phồng trên tay mà cứ ngỡ như có cả hơi ấm, hơi thở, sức sống của: "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).

Những ngày này ở trên đảo xa, những người lính trẻ lần đầu tiên được đi bỏ phiếu chắc cũng thao thức khó ngủ. Hòm phiếu được đặt trang trọng trên chiếc bàn phủ vải đỏ ở ngay cột mốc thiêng liêng: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" với Quốc huy đất nước hình bông lúa và chiếc bánh xe. Chưa bao giờ Tổ quốc gần gũi thế. Tổ quốc ở Trường Sa. Tổ quốc ngay trong tên những người được vinh dự bầu chọn nặng tình trong từng lá phiếu.

Trong ngày vui này, trái tim mỗi người như được đập chung với trái tim cả nước. Lá phiếu của mỗi người cũng giống như tất cả lá phiếu của cử tri cả nước. Có thể nói đó là ngày hội của cộng đồng: Cộng đồng trong cả tâm tư tình cảm, cộng đồng trong cả tình cảm và trí tuệ; cộng đồng cả mọi miền đất nước từ lời ăn tiếng nói, từ phong tục tập quán chung hai tiếng đồng bào của con Lạc cháu Hồng. Và cộng hưởng: Cộng hưởng từ quá khứ oanh liệt của bốn nghìn năm lịch sử đất nước, cộng hưởng từ tiếng reo ca nông trường, xưởng máy đến những đồng lúa vàng tươi. Cộng hưởng từ những nhịp cầu khổng lồ bắc qua sông rộng, từ những tuyến đường: đường bộ, đường thủy, đường không chắp cánh ước mơ vươn ra thế giới.

Đất nước 41 năm thống nhất Nam Bắc liền một dải, dân trí được nâng cao như nhà thơ Chính Hữu đã viết: "Lá phiếu này ta bỏ cho ta". Quyền dân chủ được phát huy tối đa. Cuộc tìm kiếm người có tài có đức được hội tụ, được lựa chọn, được quyết định qua sức nặng niềm tin lá phiếu. Một tờ giấy mỏng mà chứa đựng bao trữ lượng, bao tâm tình, bao khát vọng.

Nguyễn Ngọc Phú
.
.