Kiện vi phạm tác quyền ở Việt Nam: Vẫn như ném đá ao bèo
Trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm (còn gọi là Dale Carnegie Viet Nam, viết tắt DCVN) vừa công bố khởi kiện về vi phạm quyền tác giả. Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DCVN cho biết, người bị khởi kiện là ông Lê Như Hiếu, một chuyên viên huấn luyện cũ của trường. Ông Lê Như Hiếu tham gia giảng dạy ở các lĩnh vực nội dung chương trình gồm: Lãnh đạo đột phá/ Đắc Nhân Tâm - Bí quyết thành công, Kỹ năng lãnh đạo dành cho nhà quản lý, Lợi thế bán hàng, Kỹ năng trình bày đạt hiệu quả cao và Hội thảo chuyên đề.
Theo DCVN, trong thời gian hợp đồng với trường còn hiệu lực, ông Lê Như Hiếu đã có hành vi sử dụng và cung cấp những quy chuẩn, chương trình, sản phẩm và tài liệu giảng dạy của DCVN cho một số khách hàng đang đàm phán hợp đồng với nhà trường từ năm 2010. Sau khi DCVN chấm dứt hợp đồng, ông Hiếu vẫn sử dụng các tài liệu trong chương trình đào tạo cũng như logo của DCVN để thực hiện các khóa huấn luyện. Đồng thời ông này còn lập một công ty khác cạnh tranh với trường bằng chính bộ chương trình và phương pháp của DCVN.
Tại buổi công bố, tất cả các chứng cứ gồm tài liệu vi phạm, thừa nhận vi phạm và cam kết không tái phạm của ông Hiếu được trình bày đầy đủ, chi tiết. "Ông Hiếu có văn bản thừa nhận vi phạm tác quyền, hứa sửa sai. Tuy nhiên thời gian qua ông không có chuyển biến tích cực. Sau nhiều lần thỏa thuận với nhau nhưng không đi đến tiếng nói chung, ngày 13/2, trường đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh để nhờ pháp luật phân xử" - bà Khánh Linh nói.
DCVN là trường đào tạo doanh nhân được nhượng quyền từ Dale Carnegie Mỹ từ năm 2007. Tổ chức này của Mỹ đã có bề dày lịch sử 101 năm. Đây là đơn vị được thành lập bởi chính Dale Carnegie (1888-1955), tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi mà vui sống".
Khi đến bất cứ quốc gia nào, Dale Carnegie cũng đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia đó. Theo bà Khánh Linh, việc vi phạm tác quyền của ông Lê Như Hiếu đã gây ảnh hưởng và tổn thất lớn cho hoạt động kinh doanh của DCVN. "Khi tác quyền bị xâm phạm, không ai có thể toàn tâm toàn ý tập trung nghiên cứu, sáng tạo, phát triển hoàn thiện chương trình được. Đó cũng là thiệt hại khó nhìn thấy của trường chúng tôi".
Trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) họp báo công bố khởi kiện vụ vi phạm tác quyền. |
Vụ việc này gợi nhớ đến hai tác phẩm của Dale Carnegie là "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" do First News mua bản quyền từ NXB Simon & Schuster cũng bị xâm phạm bản quyền trắng trợn suốt 3 năm liền. Đây là hai cuốn sách mà First News theo kiện tới cùng. First News được biết đến là một đơn vị luôn nỗ lực đi đầu trong việc chống lại nạn xâm phạm tác quyền bằng các vụ kiện gây tiếng vang năm 2012. Đó là vụ thắng kiện hai trường ngoại ngữ ở Tp HCM là Trường Anh ngữ Quốc tế Úc Châu với mức bồi thường là 380 triệu đồng; Trường Anh văn Hội Việt - Úc thừa nhận hành vi sai trái và xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó, đơn vị này tiếp tục thắng kiện Trường Ngoại ngữ quốc tế Mỹ về việc bán sách photocopy, băng video và CD in lậu các tựa sách luyện thi TOEIC và TOEFL iBT mà First News đang nắm giữ tác quyền của Compass Media (Mỹ) độc quyền xuất bản tại Việt Nam. Trường Ngoại ngữ quốc tế Mỹ đã bồi thường cho First News trên 729 triệu đồng.
Việc đền bù thiệt hại của các đơn vị vi phạm với First News được coi là thành công lớn trong môi trường tác quyền bị xâm phạm nặng nề như ở Việt Nam. Khác với First News, DCVN xem ra vẫn còn "châm chước" khi không đòi bên vi phạm bồi thường thiệt hại.
Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học, Luật sư Nguyễn Vân Nam, đại diện pháp lý của DCVN, cho biết: "DCVN chỉ yêu cầu tòa án xác định hành vi vi phạm, yêu cầu ông Hiếu chấm dứt và không tái phạm, đồng thời xin lỗi công khai trên 3 kỳ báo do DCVN chỉ định tờ báo. Ông Hiếu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với DCVN vừa vi phạm với Dale Carnegie Mỹ. Do đó, chúng tôi đang chuyển hồ sơ vụ việc cho Dale Carnegie tại Mỹ để họ có hướng giải quyết".
Về việc chưa đòi bồi thường, ông Nam giải thích: "Trong các vụ vi phạm quyền tác giả, khó có thể quy tất cả ra bằng tiền. Và việc tính toán để quy ra thành tiền cũng là chuyện khó khăn. Đây cũng là yếu tố khiến các vụ kiện kéo dài". Có lẽ sợ những phiền hà, rắc rối nên vụ vi phạm tác quyền của Trường Doanh nhân PACE tương tự như Trường DCVN cách đây chưa lâu, người bảo vệ cho PACE và giảng viên vi phạm chỉ thỏa thuận bằng lời xin lỗi và cam kết không tiếp tục vi phạm.
Những tiền lệ trước mắt khiến nhiều người lo ngại các đơn vị, cá nhân khi bị vi phạm sẽ ngại ngùng, rụt rè và sợ phiền toái trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính mình vì khó lập chứng cứ, khó thi hành án và tính toán thiệt hại. Bởi đến nay, vụ họa sĩ Lê Linh kiện Công ty Phan Thị vi phạm quyền tác giả quanh bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" kéo dài từ năm 2006 vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó, các vụ thắng kiện vẫn chưa thể đền bù thỏa đáng thiệt hại tài chính và uy tín của đơn vị, cá nhân bị vi phạm.
Là người đi đầu trong phong trào chống nạn vi phạm bản quyền, ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Công ty Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết chi phí và công sức theo kiện đôi khi còn lớn hơn nhiều tiền thắng kiện. Trong năm năm qua, thiệt hại tài chính do bị vi phạm bản quyền của First News ước tính lên đến 40 tỉ đồng. Số tiền đền bù thiệt hại so với lợi nhuận của bên vi phạm thu được không là gì. Chưa kể, bên bị xâm phạm mất uy tín vì những cuốn sách, tác phẩm in lậu bán với giá cao ngất ngưởng mà chất lượng lại tệ hại. Cơ quan xuất bản thua lỗ, Nhà nước thất thu tiền thuế. Việc thưa kiện chỉ phần nào đánh động dư luận và vớt vát lại phần nào uy tín, danh dự của bên bị xâm phạm.
Ngoài ra, vì tâm lý nể nang, e sợ bị trả thù, không muốn làm to chuyện nên ở các vụ có mức độ nhẹ, việc kiện tụng tác quyền thường được kết thúc theo kiểu tự dàn xếp. Tâm lý "vô phúc đáo tụng đình" cộng với thói quen sống chung với tình trạng nạn vi phạm bản quyền tràn lan khiến bên bị xâm hại không muốn phiền toái. Nếu hòa giải không được thì mới kéo nhau ra tòa như trường hợp của DCVN hay First News trước đó đã làm. Đó cũng là điều kiện cho những kẻ tội phạm tác quyền tha hồ hoành hành.
Theo Luật sư Nguyễn Vân Nam, việc xử lý các vụ vi phạm tác quyền ở Việt Nam không bao giờ được rốt ráo, và hình thức xử phạt, chế tài vẫn còn rất nhẹ khiến người ta không sợ. Rất nhiều người có kiến thức về luật bản quyền và sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Do đó, cần phải có những hình thức xử phạt từ cao tới thấp, từ phạt vi phạm hành chính, xử lý dân sự đến hình sự. Ngay cả mức phạt hành chính bằng tiền cũng nên tăng cao hơn nhiều so với mức phạt quá nhẹ hiện hành.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2013, Bộ đã tổ chức 110 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 81 cá nhân và tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Đa số là sản phẩm sao chép sách ngoại văn, giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các chương trình phần mềm máy tính, tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh, đăng tải lên website, phát sóng chương trình, video clip âm nhạc… Tuy nhiên số vụ xử lý vi phạm còn quá ít ỏi trong khi đó các đơn vị, cá nhân tự mình đứng lên khởi kiện thì lại càng thêm hiếm hoi. Chuyện thắng kiện do đó cũng như ném đá ao bèo.
Nhưng ông Nguyễn Văn Phước vẫn bày tỏ quyết tâm: "Chúng tôi không kiện vì mưu cầu vật chất mà mong muốn trước hết là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng vi phạm, ném một hòn đá vào vấn nạn xâm phạm tác quyền ở Việt Nam. Đồng thời, đòi lại sự công bằng cho các doanh nghiệp chân chính. Kêu gọi các đơn vị cùng liên kết chống lại nạn vi phạm bản quyền".
Luật sư Nguyễn Vân Nam cũng cho biết: "Tuy biết kiện tụng trong điều kiện bảo vệ bản quyền quá mong manh của Việt Nam mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc nhưng chúng tôi quyết kiện đến cùng. Chúng tôi muốn được sự ủng hộ của truyền thông, pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, nhằm bảo vệ đạo đức xã hội, đạo lý trong kinh doanh, đặc biệt là trong kinh doanh giáo dục, đào tạo. Làm được điều đó, chúng ta đã chung tay tạo nên một môi trường trong sạch, chính trực. Điều này tạo điều kiện thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn trên thế giới là chủ sở hữu rất nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ có giá trị đang cân nhắc phát triển mở rộng tại Việt Nam"