Kiểm soát tham nhũng để tăng trưởng

Thứ Sáu, 09/03/2018, 08:45
Ngày 22-2-2018, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 2 điểm (so với khảo sát năm 2016, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ). Trong đó 0 điểm là mức tham nhũng cao nhất và 100 điểm là mức tham nhũng thấp nhất. Điều này chứng tỏ mức độ tham nhũng ở nước ta vẫn rất cao. 


Tuy nhiên, Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.  Trong năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, công tác phòng, chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao.

Ngoài ra, một loạt cán bộ dính kỷ luật, cách chức chỉ vì "lỗi" đưa người nhà vào chỗ này chỗ khác, thậm chí vì "nâng đỡ không trong sáng" mà một Phó Chủ tịch tỉnh đã bị mất chức.

Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế, nếu chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp tăng 1 điểm, điều này thể hiện rằng chính phủ, quốc gia đó đã ít tham nhũng hơn, tương đương với việc năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm đến 4% GDP. Do đó, tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà những người nghèo bị tác động mạnh bởi tham nhũng.

Nếu tham nhũng ngày càng phát triển, sẽ gây tâm lý bất ổn ở người dân và doanh nghiệp, tạo nên suy nghĩ trốn tránh nghĩa vụ đóng góp của mình cho xã hội, cho đất nước. Như vậy dẫn đến việc ngân quỹ nhà nước để tăng lương và xây dựng các chính sách chống tham nhũng cũng giảm theo, trở thành một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực.

Hiện nay, GDP của Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 tỷ USD, vậy nếu chúng ta phấn đấu để tăng thêm 1 điểm trong bản xếp hạng, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng thì mỗi năm kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 4% GDP, tức là đất nước có thêm 8 tỷ USD/năm (khoảng trên 160 nghìn tỷ đồng). Năm 2017, Việt Nam tăng 2 điểm so với năm 2016, ước tính chúng ta sẽ có thêm hơn 320 nghìn tỷ đồng. Nhìn lại năm 2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đạt mục tiêu 6,7%, nhưng chúng ta chỉ đạt 6,2%.

Năm 2017, Quốc hội đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm cố gắng đạt 6,7%, nhưng cuối năm tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% vượt mọi dự báo cao nhất trong 6 năm trở lại đây.  Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng trong năm qua, nhờ việc quyết liệt chống tham nhũng mà kinh tế có những bước đột phá đáng kể?

Qua đánh giá và xếp hạng của TI, Việt Nam có thể thấy được phần nào tình hình tham nhũng của mình qua sự đánh giá của cộng đồng quốc tế, cũng như xác định được vị trí và tương quan giữa mức độ tham nhũng của mình so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Trước thực tế cảm nhận về tham nhũng đã có thay đổi theo hướng tích cực, điều này đi liền với việc người dân Việt Nam tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng của Đảng, Nhà nước và như vậy, công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam đạt được những bước tiến.

Để có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng như: Phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh. Độc quyền dẫn đến cơ chế xin - cho, cơ chế xin - cho là động lực dẫn đến hối lộ và tham nhũng. Lợi dụng độc quyền, một số người tự cho phép mình đồng nhất bản thân với định chế mà mình được giao nhiệm vụ đại diện, nhân danh lợi ích chung của mọi người mà ra những quyết định có lợi cho một bộ phận, một nhóm lợi ích để từ đó thu lợi cho bản thân.

Luật hoá việc cung cấp và khai thác thông tin, bởi khi thông tin bị bưng bít nghĩa là chỉ một nhóm thiểu số người được biết và việc can thiệp vào các chính sách tài chính, tín dụng, ngân hàng, khai thác khoáng sản, đầu tư các dự án, quá trình định giá cổ phần các doanh nghiệp… và đây là môi trường để tham nhũng càng có điều kiện sinh sôi, nảy nở.

Khi ngân sách, kinh phí, thu chi không được công bố công khai chi tiết cho doanh nghiệp và người dân thì mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, chi bao nhiêu, chẳng ai được biết. Chính vì thế dẫn đến tình trạng ngầm bán thông tin, hối lộ để biết thông tin. Chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Tuy nhiên,  hoạt động của các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả và cũng khó lòng hiệu quả được khi tình trạng thiếu thông tin xác thực là phổ biến. Không rõ ràng về thông tin cũng ảnh hưởng đến việc đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.

Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thiết chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực của cơ quan Nhà nước, giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Và điều quan trọng là có cơ chế bảo đảm được nguyên tắc công khai, minh bạch, đó là vấn đề mà Việt Nam cần phải thực hiện nếu muốn chống tham nhũng để tăng trưởng kinh tế.

Cù Tất Dũng
.
.