Kịch tiếng Anh: Đường dài còn lắm gian nan

Thứ Sáu, 17/08/2018, 08:07
Sân khấu kịch nói nhiều năm qua gặp khó thì kịch tiếng Anh lại càng lâm vào thế èo uột. Nó chủ yếu vẫn là nơi giao lưu, trau dồi vốn liếng ngoại ngữ của học sinh, sinh viên chứ rất ít sân khấu chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân và du khách nước ngoài.


Kéo dài gần 10 năm, có thể xem chương trình sân khấu học đường của Khoa Văn học Anh Mỹ, trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh có sức sống bền bỉ nhất trong làng kịch tiếng Anh tại Việt Nam. Diễn viên của sân khấu này đa phần là sinh viên, giảng viên đại học. Không chỉ vậy, từ kịch bản đến đạo diễn, đạo cụ… đều là "cây nhà lá vườn". Các vở được chuyển thể từ tác phẩm văn chương nước ngoài nổi tiếng như: "The sister's keeper", "The Danish girl", "Jane Eyre", "A Christmas Carol", "Lolita", "And then there were none"...

Nếu như những năm trước, chương trình chỉ quy tụ sinh viên trong trường thì giờ đây các sinh viên, giảng viên trường khác cũng tham gia. Mỗi năm, chương trình có một đợt công diễn nhiều vở kịch tiếng Anh như cách sinh viên thuyết trình về tác phẩm mình học. Vé được phát miễn phí.

Một vở kịch tiếng Anh trong chương trình sân khấu học đường của Đại học Mở TP Hồ Chí Minh.

Gần 10 năm hoạt động, các vở diễn ngày càng được trau chuốt, chuyên nghiệp hóa hơn. Năm 2012, chương trình này chính thức đến với đông đảo khán giả tại sân khấu chính quy là Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ nhiệt tình của đạo diễn Khánh Hoàng và diễn viên Huỳnh Tấn.

Ông Lê Quang Trực, giảng viên Khoa Văn học Anh Mỹ, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là cách hay để sinh viên học hỏi, nâng cao khả năng ngoại ngữ. "Việc dạy học tiếng Anh qua diễn kịch là hình thức dạy và học sáng tạo, sinh động mà không có bài học nào trên giảng đường hiệu quả bằng. Hóa thân vào các nhân vật còn giúp sinh viên bồi dưỡng và phát triển những giá trị nhân văn, phát triển kỹ năng ứng xử, hoạt náo, nói chuyện trước đám đông..." - ông phân tích.

Các vở truyền tải câu chuyện nhân văn, triết lý sống sâu sắc với cách diễn mộc mạc của sinh viên. Không chỉ khán giả trong nước mà rất nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi được xem kịch tiếng Anh do các bạn trẻ Việt thể hiện. Tuy nhiên, cũng như các nhóm kịch của Đại học RMIT và một số trung tâm ngoại ngữ, kịch mục của Đại học Mở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của một sân khấu học đường còn nghiệp dư, mục đích rèn luyện tiếng Anh là chính. Thế nên, chất lượng nghệ thuật chưa thật sự chinh phục khán giả khó tính, nhất là khi diễn vở kinh điển.

Điểm lại sân khấu kịch tiếng Anh chuyên nghiệp do những nghệ sĩ có nghề đảm nhận ở nước ta thì đúng là "của hiếm". Các vở tiếng Anh ấn tượng như "Người ngựa - ngựa người", "Cái bồ" của Kịch Phú Nhuận đã trở thành chuyện quá khứ cách đây 10 năm.

Thời điểm đó, "bà bầu" Hồng Vân ôm tham vọng tạo nên một sân khấu tiếng Anh chuyên diễn những vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng để quảng bá đến khách du lịch quốc tế. Bấy giờ, dàn diễn viên gạo cội của Kịch Phú Nhuận như Thái Hòa, Đức Thịnh, Vân Anh, Thanh Vân, Hòa Hiệp, Quốc Thái, Kim Huyền... đều được cử đi học tiếng Anh cấp tốc. Các vở ăn khách như "Số đỏ", "Bỉ vỏ", "Chí Phèo"... được "bà bầu" Hồng Vân nhanh chóng tìm người chuyển soạn sang Anh ngữ.

Một thực tế cần thừa nhận là kịch tiếng Anh rất kén khán giả. Trình độ ngoại ngữ của các diễn viên Việt Nam đều chưa ổn, kỹ năng phát âm chưa chuẩn nên không phát huy hết giá trị nghệ thuật của tác phẩm, sự xuất thần cần có của người diễn viên. Diễn viên người Việt Nam thoại kịch bằng tiếng Anh chắc chắn không hay bằng người bản xứ. Vắng khách, các vở này dần rơi vào quên lãng.

Mở thêm sân khấu Super Bowl, bà bầu Hồng Vân hy vọng đây là nơi để những vở tiếng Anh có dịp tiếp cận công chúng thường xuyên hơn. Thế nhưng, chỉ vài năm, việc duy trì hoạt động của sân khấu này cũng lâm vào khó khăn, buộc phải đóng cửa. Theo nghệ sỹ Hồng Vân, nguyên nhân không thu hút khán giả của sân khấu Supper Bowl còn bởi địa điểm của nhà hát quá xa trung tâm khiến các công ty du lịch không thể đưa khách đến xem.

Một cảnh trong vở kịch tiếng Anh "Love song" của nhóm kịch Dragonfly Theatre.

Diễn kịch nói bằng tiếng Anh không chỉ đòi hỏi diễn viên phải thành thạo Anh ngữ mà còn phải hiểu được thần thái, hồn cốt của tiếng Anh để truyền tải cảm xúc trong lời nói. Bởi đây là kịch nói nên vai trò của lời thoại rất quan trọng để mang đến cảm xúc cho khán giả. Hiểu được điều này, nhiều sân khấu tiếng Anh sinh sau đẻ muộn gắng sức quy tụ dàn diễn viên có quốc tịch ở những nước chuyên sử dụng tiếng Anh. Dragonfly Theatre là một ví dụ. Đây là nhóm kịch do ba "ông Tây" gồm Jaime Zuniga, Brian Riedlinger và Aaron Toronto thành lập.

Hơn 7 năm qua,  Dragonfly Theatre đã giới thiệu thành công nhiều vở diễn đến với khán giả TP Hồ Chí Minh như: "Little Prince", "The last five years", "The importance of being earnest"… Nhiều vở kịch của nhóm được dàn dựng và biểu diễn ở các sân khấu chuyên nghiệp và có tiếng như sân khấu Thế giới Trẻ (vở "The importance of being earnest"), Sân khấu kịch 5B (vở "The last 5 years")...

Nếu sân khấu kịch Phú Nhuận xen lẫn một hoặc hai diễn viên nước ngoài để giúp câu chuyện thuyết phục thì việc sở hữu dàn diễn viên đều là ông Tây, bà đầm khiến Dragonfly Theatre có chất lượng không kém sàn diễn quốc tế. Khán giả có cảm giác họ đang xem những vở kịch kinh điển ở trời Âu.

Sân khấu Soul Live Project của nhạc sĩ Thanh Bùi cũng là địa điểm của những người yêu kịch tiếng Anh chất lượng cao. Các vở kịch nổi tiếng được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như "The secret garden", "Love song", "Lend me a tenor", "The run"… được dàn dựng công phu, làm thỏa mãn những khán giả khó tính.

Nhạc sĩ Thanh Bùi cho hay, anh mong muốn tạo dựng một sân khấu kịch tiếng Anh chuyên nghiệp nhằm giúp khán giả Việt tiếp cận với các vở kịch kinh điển của thế giới, từ đó góp phần phát triển các hoạt động nghệ thuật bằng tiếng Anh. "Hy vọng, trong tương lai không xa, chúng tôi có thể dựng thêm những vở nổi tiếng khắp thế giới như "Les miserables", "The lion king", "Phantom of the opera"…" - anh tâm sự.

Điều đáng buồn là dù được đánh giá cao, đêm diễn thường kín khán giả nhưng các vở kịch này không sáng đèn thường xuyên. Bởi phải chờ một thời gian dài thì sân khấu mới gom đủ lượng khán giả mong muốn. Các sân khấu kịch tiếng Anh cũng ra đời theo kiểu manh mún, tự phát nên chưa được nhiều người chú ý. Vấn đề khan hiếm kịch bản, nguồn diễn viên, địa điểm biểu diễn vốn là bài toán khó cho sân khấu kịch nói chung thì với kịch tiếng Anh nó càng khó vạn bội. Hầu hết các vở đều phải diễn tại sân khấu có quy mô nhỏ, điều kiện vật chất thiếu thốn.

Tuy nhiên, việc phát triển dòng kịch này là điều tất yếu để bắt kịp quá trình hội nhập khi khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Đạo diễn Jaime Zuniga, thành viên của nhóm kịch Dragonfly Theatre bộc bạch: "Người nước ngoài ở Việt Nam đi xem phim và nghe nhạc quốc tế rất phổ biến. Riêng kịch thì không có nơi nào phục vụ. Đó là lý do mà chúng tôi thực hiện dự án kịch bằng tiếng Anh. Dù gặp nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng mang đến những vở kịch hay nhất, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. 

Chúng tôi hy vọng khán giả thành phố sẽ yêu thích và có thói quen xem kịch tiếng Anh. Chúng tôi cũng mong sẽ dựng được vài vở kịch mỗi năm, mỗi vở trụ rạp được một thời gian dài giống như các sân khấu lớn khác". Ngoài việc đưa các vở kinh điển thế giới đến khán giả Việt, chúng ta cũng cần cho bạn bè thế giới biết đến các vở kịch nói nổi tiếng của nước mình. Mà nhịp cầu ngôn ngữ lúc đó không gì khác ngoài Anh ngữ.

Phan Thi Uyên
.
.