Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Kí ức 30-4-1975

Thứ Tư, 29/04/2015, 10:11
40 năm sau "ngày đất nước trọn niềm vui", non sông liền một dải, nhiều đổi thay đã diễn ra, những người lính năm xưa cũng đã người còn người mất, nhưng kí ức 30-4-1975 luôn là bất khả xâm phạm đối với rất nhiều người. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc, trận đánh cuối cùng giữa Sài Gòn, những hy sinh mất mát ngay vào giây phút hòa bình đã gõ cửa, những niềm vui không thể nén dồn thêm cảm xúc, lại trở về thúc giục mỗi một cá nhân...

Giây phút lịch sử

Khánh Lam

Buổi trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, có mặt trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thọ sau này thành nhà văn nổi tiếng, đã trào lên một cảm giác hoang mang: Từ ngày mai đây, mình, một gã trai Hà Nội chưa nghề ngỗng gì đã từ trường học thẳng ra chiến trường, sẽ tiếp tục sống sao đây, làm gì để tồn tại giữa hòa bình khi công việc duy nhất quen thuộc đến thời khắc lịch sử này chỉ là cầm súng.

Những giây phút bối rối xen trào giữa nỗi hân hoan, hạnh phúc tột đỉnh của anh lính Nguyễn Văn Thọ đã trở đi trở lại, phảng phất hình hài trong rất nhiều tác phẩm của nhà văn đã ra mắt bạn đọc...

Kí ức 30-4-1975 của Trung đoàn trưởng Trung đoàn Triệu Hải anh hùng, người lính Nguyễn Huy Hiệu cũng ăm ắp đầy cho tới 40 năm sau. Là người chỉ huy một trong năm cánh quân tiến vào Sài Gòn theo hướng Lái Thiêu - Gò Vấp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã may mắn được chứng kiến, tiếp cận nhiều chân dung lịch sử hữu danh và vô danh. Vùng kí ức ngồn ngộn ấy đã thành nguồn sức mạnh dồi dào, thành năng lượng dâng trào để Nguyễn Huy Hiệu trở thành vị tướng thực sự, Thượng tướng, đảm đương trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho tới khi về hưu.

Thủ đô Hà Nội trong ngày 30-4 của 40 năm trước.

Rồi một người lính bình thường, từ trại giam của Mỹ - ngụy đã được giải phóng vào ngày 30-4, và trở thành chính người tiếp quản Tây đô Cần Thơ... Những kỉ niệm hi hữu đã tiếp thêm niềm tin, sự kiên định cho nhà văn Hùng Lý, một cây bút đang được cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức đón nhận, yêu mến. Nhưng họ chỉ là số ít, con số rất nhỏ nhoi so với một hàm số khổng lồ những người lính đã tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, trọn vẹn hoàn tất bài ca thống nhất.

40 năm sau "ngày đất nước trọn niềm vui", non sông liền một dải, nhiều đổi thay đã diễn ra, những người lính năm xưa cũng đã người còn người mất, nhưng kí ức 30-4-1975 luôn là bất khả xâm phạm đối với rất nhiều người. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc, trận đánh cuối cùng giữa Sài Gòn, những hy sinh mất mát ngay vào giây phút hòa bình đã gõ cửa, những niềm vui không thể nén dồn thêm cảm xúc, lại trở về thúc giục mỗi một cá nhân...

Nhắc nhớ về đồng đội đã nằm xuống, nhắc nhớ về những hy sinh mất mát, những khoảnh khắc duy nhất trong đời, mường tượng lại không khí của Sài Gòn, không khí miền Nam và cả nước thời điểm 40 năm trước, cũng tức là nhắc nhớ chính mình phải sống tròn vẹn hơn, tử tế hơn, bao dung nhân ái và luôn hướng một tấm lòng tri ân với quá khứ nhiệm màu.

Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Trận đánh cuối cùng

My Sol (thực hiện)

- Là người chỉ huy một trong năm cánh quân tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975, 40 năm đã qua, điều gì còn đọng lại trong ông như một vùng kí ức không thể phai mờ được về thời khắc lịch sử ấy?

+ Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng). Chúng tôi được lệnh giải phóng 13 mục tiêu của địch tại Gò Vấp. Đêm 29, Trung đoàn dừng chân ở Búng, một địa danh cách Bắc Lái Thiêu (Bình Dương) chừng 10km. Tin báo về ở gần đó có một gia đình cơ sở Cách mạng là má Sáu Ngẫu có thể giúp đỡ chúng tôi nhiều chuyện để nắm tình hình đối phương.

Đêm, trời mưa, chúng tôi men theo con lộ tới một căn nhà nhỏ đang le lói ánh đèn, khe khẽ gõ cửa và thầm thì: "Chúng tôi là bộ đội giải phóng đang cần giúp đỡ". Má mở cửa, nhìn thấy chúng tôi nói nhỏ: "Hồ Chí Minh". Tôi trả lời má "muôn năm".

Nhận đúng ám hiểu, biết chắc là người đằng mình, má đi vào buồng trong lấy ra một tấm bản đồ. Tấm bản đồ đó chỉ rõ chi tiết các cơ sở đồn trú, các mục tiêu của đối phương mà chúng tôi phải vượt qua. Sáng hôm sau, ngày 30-4, tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã theo chúng tôi tiến vào Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các mục tiêu đã được cấp trên giao phó tại Gò Vấp. Có tấm bản đồ, đơn vị thêm phần chủ động nên đỡ được thương vong rất nhiều. Tấm bản đồ đó đã được chúng tôi trao lại cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, và được trân trọng như một hiện vật giá trị của Bảo tàng.

Tấm bản đồ do má Sáu Ngẫu trao cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy Trần Văn Thu đêm 29/4/1975 (ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp).

Từ đêm đặc biệt đó, chúng tôi và gia đình má trở thành những người thân quen. Má vốn là một giáo viên dạy Pháp văn ở Sài Gòn, có chồng hy sinh cho Cách mạng và hai con cũng theo má, làm cơ sở của ta. Sau ngày má trăm tuổi, chúng tôi cùng các con má chung tay chăm lo xây dựng phần mộ, và năm nào ban liên lạc Trung đoàn 27 cũng gặp nhau ở Lái Thiêu, thắp hương tưởng niệm, kể những chuyện vui buồn của cuộc đời bên mộ má…

- Trận đánh ngày 30-4 có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời binh nghiệp của ông, thưa Thượng tướng?

+ Đấy là trận đánh cuối cùng, trận đánh kết thúc chiến tranh. Cuộc đời binh nghiệp của tôi được tham gia 4 trận đánh lớn, Mậu Thân năm 1968, đường 9 Nam Lào năm 1971, giải phóng Quảng Trị năm 1972 và giải phóng Sài Gòn năm 1975, nhưng khoảnh khắc của ngày 30-4-1975 vẫn là khoảnh khắc đáng nhớ nhất, vĩ đại nhất. Mỗi dịp đến ngày thống nhất đất nước, nhớ má Sáu Ngẫu, tôi còn nhớ Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, người đã anh dũng hy sinh ngay trong những giây phút cuối cùng trước khi hòa bình tới. Khi tiến vào một mục tiêu ở Gò Vấp, là tổng hội y dược học của đối phương, tôi chạm trán với Cục trưởng Cục Quân y Việt Nam Cộng hòa Phạm Hà Thanh.

Nghe giọng tôi, Phạm Hà Thanh nói rằng: Thưa quý ông, hình như quý ông là người Nam Định, tôi cũng là đồng hương của quý ông đây. Lúc đó tôi vẫn phải nghiêm mặt: Ở đây không phải lúc nhận đồng hương, tôi đề nghị ông đầu hàng và bàn giao toàn bộ. Sau này Phạm Hà Thanh sang Mỹ viết hồi kí, có nhắc đến tôi, nhưng gọi là một cán bộ tên Phong. Trong chiến đấu, tôi lấy mật danh là Phong, như gió, như người đi đầu để tự khích lệ mình luôn xông lên phía trước.

Anh Lê Văn Thức bị địch đày ra Côn Đảo xúc động gặp lại người Mẹ thân yêu trong ngày vui chiến thắng. Ảnh: Lâm Hồng Long.

- Ông từng nói hầu như năm nào ông và các đồng đội cũ cũng quay trở lại Lái Thiêu, quay lại Sài Gòn - TP HCM vào dịp kỉ niệm 30-4. Những địa danh đã trở thành một vùng kí ức không thể phai mờ của ông đã thay đổi thế nào sau 40 năm qua?

+ Chắc chắn đó là một sự thay da đổi thịt đến kì lạ, một sự lớn mạnh mà mỗi người lính chúng tôi luôn chất chứa niềm tự hào. Tự hào chứ, tự hào vì ý thức được rằng mình đã được tham gia giải phóng Lái Thiêu, giải phóng Sài Gòn, được gặp những con người bình dị mà cực kì anh hùng như má Sáu Ngẫu. Tôi nghĩ, không phải riêng tôi mà bất kì người lính nào may mắn được góp mặt trong đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn, tiến vào các địa phương miền Nam trong mùa xuân năm 1975 thần thánh đều coi đó vùng kí ức quý giá, làm điểm tựa vững vàng cho những năm tháng tiếp theo của cuộc đời...

- Trân trọng cảm ơn Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu.

Tấm bản đồ do má Sáu Ngẫu trao cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy Trần Văn Thu đêm 29/4/1975 (ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp).

Anh Lê Văn Thức bị địch đày ra Côn Đảo xúc động gặp lại người Mẹ thân yêu trong ngày vui chiến thắng. Ảnh: Lâm Hồng Long

Ngày giải phóng của riêng tôi

Hùng Lý (từ CHLB Đức)

Tôi bị địch bắt ngày 12/4/1975 khi cùng đơn vị đánh chi khu quân sự Ba Càng, tỉnh Vĩnh Long (cũ) bất thành. Lúc đó tôi là lính Tiểu đoàn 307, đoàn U Minh, quân giải phóng miền Tây Nam bộ. Ngày 30-4-1975, nằm trong phòng biệt giam thuộc trung tâm thẩm vấn vùng 4 chiến thuật ở ngay sát sân bay quân sự Trà Nóc, Cần Thơ, tôi vẫn cảm nhận được không khí náo động bất thường bên ngoài. Thỉnh thoảng nhiều tiếng súng đồng loạt rộ lên rồi tắt ngấm. Dường như những tiếng súng ấy bắn ra không nhằm vào đối phương. Có khi cả tràng dài xối xả như giải khuây. Có lúc lại ậm ực tắc cú như dỗi hờn.

Tác giả Hùng Lý ngày còn ở trong quân ngũ.

Sau này tôi mới biết đấy là những viên đạn cuối cùng được bắn ra từ họng súng của những người lính mang sắc phục Việt Nam Cộng hòa. Ngoài tiếng súng, không khí bên ngoài còn náo loạn bởi tiếng động cơ lên xuống hối hả của những chiếc phi cơ. Trong những ngày nằm ở đây, chưa bao giờ tôi thấy máy bay lên xuống nhiều như thế. Tôi linh cảm có một biến cố lớn đang xảy ra. Nhưng không thể đoán đấy là thời điểm đại quân ta sắp sửa toàn thắng.  

Mọi ngày, vì đang trong thời gian tra xét, thông thường tôi bị gọi lên phòng thẩm vấn ít nhất một lần. Trái với lệ thường, ngày hôm đó buồng giam của tôi và cả những buồng bên cạnh không một lần vang lên tiếng rít đến chói tai của bản lề xoay khi cửa mở. Cả bữa ăn chiều độc vị: một môi cơm hẩm và nửa môi mắm cá đổ trong chiếc mũ sắt hoen gỉ của nhà binh, cũng không có. Ban ngày trời vẫn còn nắng. Nắng soi qua mấy lỗ thông hơi nhỏ tý thành những vệt sáng mảnh trên bức tường xám lạnh của buồng giam như hy vọng mong manh của người lao tù.

Tối, trời bỗng đổ mưa như trút nước. Mưa gõ ầm ào như giận dữ trên mái tôn của buồng giam. Ban ngày đang là những âm thanh náo loạn. Sau cơn mưa, im lặng bao phủ đến rợn người. Tôi đang nằm co quắp trên nền xi măng buốt lạnh, đầu gối lên chiếc mũ lính bằng sắt thì nghe thấy tiếng đập cửa ầm ầm ngoài hành lang. Rồi tiếng xủng xoảng mở xích khóa cửa bên ngoài. Tiếng những bước chân bước gấp trước cửa các buồng giam. Lại tiếng đập cửa và tiếng gọi giật giọng: "Có ai trong này không? Có ai trong này không?".

Tôi chụp vội chiếc mũ sắt lên đầu và trườn mình vào góc chết của buồng giam. Tôi nghĩ đến khả năng địch thủ tiêu những người lính tù. Lại có tiếng quát hỏi. Đâu đó trong từng buồng giam có tiếng đáp lí nhí của những người tù. Cửa từng buồng giam được mở tung. Vẫn tiếng người đàn ông đó dằn giọng: "Ra đi! Ra hết đi!".

Trong ánh đèn pin nhấp nhoáng, ngoài những người mặc áo tù, tôi nhìn thấy hai người đàn ông, một già, một trẻ. Người đàn ông có tuổi cánh tay bên trái bị cụt, mũi to, mặt sần trông dữ dằn như dân đao búa. Thấy chúng tôi cụm lại một góc đầy cảnh giác, ông hạ giọng nói: "Giải phóng rồi. Anh em mình ra ngoài đi!".

Chúng tôi không tin vào tai mình hay không tin vào lời nói của người đàn ông có khuôn mặt bậm trợn nên ai vẫn đứng ở vị trí đấy. Thấy vậy, ông rút từ trong túi ra một mảnh giấy đã được chuẩn bị trước dúi vào tay một người lính tù già dặn nhất và nói bằng giọng ôn tồn: "Bây giờ bọn tui phải đi công chuyện tiếp. Các chú vào thành phố gặp ban quân quản để giúp họ tiếp quản thành phố này. Lúc nào rảnh qua tui. Địa chỉ đây", rồi họ gấp gáp bỏ đi.

Chúng tôi vẫn cảnh giác, đi từng người một, theo đội hình chiến đấu, thận trọng bước ra khỏi khu hành lang buồng giam. Ra đến ngoài, không khí mát rượi. Đúng là không khí của tự do. Ngoài sân không một ánh điện, không một bóng người. Trên nền xi măng loang loáng những vũng nước đọng sau cơn mưa, quần áo lính, mũ nón, súng ống vứt la liệt. Nhìn lên cột cờ ở giữa sân trung tâm nơi hàng ngày vẫn treo một lá cờ ba sọc biểu tượng cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, nay bị hạ xuống lưng chừng và có ai đó đã xé rách nó thành nhiều mảnh, trông te tua thảm hại. Chúng tôi nhặt vội những khẩu súng vứt lăn lóc trên sân để trang bị cho mình, chớp nhoáng hội ý và nhận định: Chắc chắn là địch đã bỏ chạy. Nhưng có thể cuộc bỏ chạy mang tính cục bộ nên có thể vẫn có nơi địch đang cố thủ. Bằng cứ là đâu đó thỉnh thoảng vẫn rộ lên tiếng súng.

Chúng tôi quyết định sẽ đi về nơi có quầng sáng lớn nhất. Nơi vẫn còn tiếng súng để bắt liên lạc với bộ đội ta. Sau khi cử người lính già dặn nhất làm chỉ huy tạm thời, chúng tôi thận trọng đi theo đội hình chiến đấu men theo các bờ ruộng tiến về thành phố.

Mò mẫm trong bóng tối chừng một tiếng, bỗng dưng những người đi đầu dừng lại rồi cùng đứng hẳn lên chỉ về vùng sáng phía xa. Chúng tôi cùng nhìn theo và sửng sốt đến bàng hoàng. Trên nền trời đêm đen thẫm chỉ bảng lảng một chút ánh sáng đèn nhưng vẫn nổi bật và ngạo nghễ tung bay lá cờ nửa đỏ, nửa xanh. Lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lá cờ yêu dấu mà bao nhiêu năm đồng bào miền Nam sống trong vùng kìm kẹp vẫn gọi một cách trìu mến là "cờ giải phóng".

Chúng tôi lặng đi xúc động. Chưa bao giờ trong mỗi chúng tôi lá cờ mang ý nghĩa vừa cao cả vừa thiết thực đến thế. Trong thời khắc này nó là sự sống, là tự do của mỗi chúng tôi. Chúng tôi như người chết được hồi sinh, cùng nhảy cẫng lên ôm lấy nhau vừa cười, vừa khóc và đồng thanh hô to: "Giải phóng rồi! Giải phóng thật rồi!" rồi cùng ùa chạy về nơi có lá cờ như những đứa con thất lạc lâu ngày trở về với mẹ. Từ đêm đó chúng tôi và những tù binh trong trại giam khác cùng với bộ đội từ bên ngoài vào trở thành những đơn vị đầu tiên tiếp quản thành phố Cần Thơ.

Sau chiến tranh một năm, tôi về lại trường đại học. Ra trường, tôi được nhận về một viện nghiên cứu. Trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm đó, vì là bộ đội đã trải qua chiến trường, tôi được giáo sư viện trưởng mời lên bục sân khấu để trả lời trước toàn thể cán bộ nhân viên trong cơ quan một câu hỏi: Ngày 30-4-1975, anh ở đâu và làm gì? Tôi đã thuật lại cho mọi người toàn bộ câu chuyện trên. Kể xong, cả hội trường lặng im. Chẳng ai vỗ tay như thường làm khi vừa nghe xong một báo cáo khoa học.

Tôi quay sang giáo sư viện trưởng. Mắt ông đỏ hoe. Rồi ông đứng dậy tiến về phía tôi, cầm lấy tay tôi giơ cao và nói to, đầy xúc động: "Chúng ta chào mừng lá cờ giải phóng! Chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam!". Ông lặng đi một chút rồi xoay người ôm lấy tôi nói tiếp, giọng vẫn nghẹn ngào: "Vì có ngày đó chúng ta mới có thêm một đồng nghiệp là chiến sỹ này". Cả hội trường khi đó mới bừng lên những tiếng vỗ tay.

Mới đấy mà đã bốn chục năm trôi qua. Vị giáo sư khả kính của chúng tôi nay đã thành người thiên cổ. Người đàn ông cụt tay đã mở cửa tù cho chúng tôi năm nào chắc cũng đã đi xa. Chúng tôi chỉ gặp ông trong năm đầu sau giải phóng. Rồi chúng tôi ra Bắc. Ông đi khu kinh tế mới. Từ đó bặt tin nhau. Thời đó ông đã ngoài ngũ tuần. Chúng tôi, những thằng lính trẻ Hà Nội, tuổi còn chưa đủ đôi mươi, nay cũng đã xấp xỉ sáu mươi cả rồi.

Hồi gặp ông mới biết ngoài khuôn mặt dữ dằn, ông là người hiền lành và khiêm nhường. Chỉ duy nhất một lần ông kể cho chúng tôi nghe về cái đêm lịch sử ấy. Số là ông ở trong ban địch vận của thành phố, vì thế ông quen và đang cảm hóa chính người lính coi tù tại trung tâm thẩm vấn. Trước khi rút chạy, chỉ huy ra lệnh cho anh ta phải đặt mìn phá tung khu biệt giam. Nhưng do được giác ngộ, anh ta đã không làm. Nhưng anh ta cũng chưa đủ dũng cảm trực tiếp mở cửa cho chúng tôi mà đưa về cho ông toàn bộ chìa khóa và sơ đồ khu biệt giam.

Bốn mươi năm trôi qua, chiến tranh cũng đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng hàng năm cứ vào dịp 30-4, tôi lại bồi hồi nhớ về những năm tháng mình đã trải qua thời binh lửa, nhớ đồng đội cùng vào sinh ra tử và không thể quên kỷ niệm những ngày lao tù. Với riêng tôi, ngày 30-4-1975 quả thật là ngày giải phóng.

Khánh Lam-My Sol-Hùng Lý (thực hiện)
.
.