Khuynh hướng sáng tạo và gu thẩm mỹ trong sáng tác trẻ

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:00
Một tác phẩm văn học có giá trị sẽ mang lại điều gì? Nó mang lại những sự kiện tâm hồn cho bạn đọc. Đây chính là sự sống còn của một tác phẩm văn học. Nó thay đổi tâm hồn người đọc chứ không phải thỏa mãn tâm lý thường nhật của người đọc. Nhưng quá ít các nhà văn trẻ nhận ra điều đó. Họ bị cuốn vào công việc làm ra những sự kiện xã hội nhiều hơn...

Những sự kiện tâm hồn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tôi thực sự cầm bút viết văn khi 25 tuổi. Như vậy là đã 33 năm sáng tạo. Hiện thực bây giờ đã vô cùng khác hơn 30 năm trước. Có những thay đổi trong đời sống xã hội mà cho dù tự do đến đâu lúc đó tôi cũng không thể nào tưởng tượng được như mức độ gây tội ác của con người, như sự phát triển của Internet, như chuyện tình yêu và hôn nhân đồng tính ở Việt Nam...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

33 năm trước, tôi cầm bút trong một thế giới tinh thần làm nên bởi những run rẩy, những lãng mạn, những giày vò, những tưởng tượng, và một cảm hứng sống tưởng không có gì mạnh hơn. Có người nói: nhà văn bây giờ đã khác, văn chương bây giờ đã khác, không cần run rẩy, không cần lãng mạn, không cần trí tưởng tượng... mà chỉ cần sự trần trụi của hiện thực đời sống. Và rằng sự run rẩy, lãng mạn, trí tưởng tượng đã trở nên phù phiếm với văn chương thời hậu hiện đại và một cảm hứng mãnh liệt không còn phù hợp với văn chương của thời đại mới. Họ nói: chỉ cần một hiện thực trần trụi và một thi pháp, họ có thể có tác phẩm.

Nhưng nếu bây giờ tôi mới 25 tuổi và cầm bút viết văn trong một hiện thực quá nhiều khác biệt so với hiện thực 33 năm trước thì tôi có thay đổi thế giới tinh thần của tôi không? Câu trả lời là không. Bởi không sống và viết trong thế giới tinh thần như vậy, chúng ta đã vô tình rời xa bản chất của nghệ thuật, xa rời cuộc sống và khó lòng tạo ra cái đẹp nghệ thuật.

Ngày nay, áp lực, tốc độ và cách thức của đời sống quá lớn. Nó giống như một tấm bê tông khô cứng và vô cảm khổng lồ đè bẹp những vẻ đẹp mong manh, những khoảng tĩnh lặng sâu thẳm và  những náo nức không cưỡng nổi trong tâm hồn con người. Đó là những thứ không thể nào thiếu được để sinh ra nghệ thuật. Không ít những người trẻ đã đánh mất những điều đó. Họ tóm lấy rất chính xác một đề tài nóng bỏng đầy tính xã hội và xử lý nó bằng một văn bản với một tốc độ rất nhanh. Họ tập trung hầu như tất cả để tìm một giải pháp ngôn ngữ và cấu trúc chứa đựng đề tài đó.

Với cách đó, họ có thể dễ dàng làm ra một tiểu sử với một cuộc sống phức tạp cho nhân vật của mình nhưng không làm ra được tâm hồn sâu thẳm và đầy trắc ẩn của nhân vật đó. Tác phẩm của họ là một sản phẩm của trí thông minh chứ không phải những biến động của một số phận. Những khối gỗ vuông vắn cùng với bản báo cáo khoa học về loài thảo mộc nào đó không bao giờ có khả năng dựng lên được đời sống với những vẻ đẹp của một cái cây.

Một cái cây chỉ hiện lên và có sức quyến rũ người đứng nhìn khi nó hiện ra với những khoảng tối trong vòm lá, tiếng xào xạc của lá, với những cành cây gãy, những mùa lá rụng, những cơn gió bới tung đám lá lên, với những tiếng chim, những mùa hoa, những chùm quả và chìm trong ánh sáng và bóng tối của dương gian. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Nó là một cái cây trong góc vườn, bên hồ nước, trên đỉnh đồi chứ không phải là một khối gỗ sạch sẽ.

Những cuốn sách được đón đọc của những người viết trẻ.

Chưa bao giờ các nhà văn trẻ Việt Nam lại có được tự do sáng tạo như bây giờ. Tự do là một phép thiêng giúp con người làm nên những điều kỳ diệu. Họ đã viết ra không ít những vẻ đẹp bất ngờ với lối đi riêng biệt của họ. Nhưng không ít người trong họ đang rời xa tự do đến với sự tùy tiện. Họ đã nhầm lẫn giữa tự do và sự tùy tiện cá nhân. Tự do cho nhà văn một bầu trời còn tùy tiện đào cho nhà văn một cái huyệt. Tự do cho nhà văn đi đến tận cùng của sự tưởng tượng và sự biến ảo của ngôn từ. Tùy tiện tiếp tay cho nhà văn dấn sâu vào sự ích kỷ, phi ý thức và phi thẩm mỹ. Sự tùy tiện thường gây ra phản ứng của dư luận dễ hơn, nhanh hơn và rộng hơn, nhất là trong thời đại phát triển của mạng xã hội. Và nhà văn lầm tưởng đó là những hiệu ứng tích cực hay là sự ảnh hưởng của giá trị tác phẩm.

Một tác phẩm văn học có giá trị sẽ mang lại điều gì? Nó mang lại những sự kiện tâm hồn cho bạn đọc. Đây chính là sự sống còn của một tác phẩm văn học. Nó thay đổi tâm hồn người đọc chứ không phải thỏa mãn tâm lý thường nhật của người đọc. Nhưng quá ít các nhà văn trẻ nhận ra điều đó. Họ bị cuốn vào công việc làm ra những sự kiện xã hội nhiều hơn. Mục đích này gần giống mục đích của truyền thông đại chúng. Những tác phẩm như thế chỉ thỏa mãn tâm lý xã hội chứ không lay động tâm hồn bạn đọc. Và những cuốn sách như vậy sẽ nhanh chóng bị gấp lại vĩnh viễn khi người ta đọc hết trang cuối cùng.

Và tôi muốn nhắc lại ý mở đầu trong bài viết nhỏ này. Đó là một thế giới tinh thần mà mỗi nhà văn phải có và được sống trong đó khi cầm bút. Nếu cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta không xy ra những sự kiện tâm hồn thì chúng ta không thể nào làm ra những sự kiện tâm hồn trong tác phẩm của mình. Và chính thế, hiện thực và những quan niệm sống có thể thay đổi mà chúng ta không lường trước được, nhưng sự run rẩy, lòng trắc ẩn, cảm xúc lãng mạn, trí tưởng tượng kỳ lạ.... sẽ mãi mãi là những điều không bao giờ cũ trong việc làm nên cái đẹp nghệ thuật nếu không muốn nói là những yếu tố mang tính quyết định làm nên giá trị của tác phẩm.

Nhà văn trẻ Nguyễn Quỳnh Trang: Thế hệ những tác giả sinh năm 1990, chưa có ai được gọi là "nhà văn"

Việt Hà (ghi)

- Thưa nhà văn Nguyên Quỳnh Trang. Nhiều người cho rằng, văn học trẻ đang chạy theo thị hiếu số đông, xa rời đời sống, ảnh hưởng bởi tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Theo chị thì sao?

+ Trên thực tế, những cuốn sách đang bán chạy trên thị trường chủ yếu dành cho thanh thiếu niên. Độc giả tiêu thụ sách nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay thuộc về giới trẻ. Theo thống kê từ trang bán sách trực tuyến Tiki.vn, 25 đầu sách bán chạy nhất năm 2014, ngoài giáo dục, kỹ năng sống, kinh doanh, thì có 11 cuốn sách dành riêng cho lứa tuổi mới lớn với nội dung chủ yếu là "yêu". Đó là các cuốn sách:  "Người yêu cũ có người yêu mới" (Iris Cao); "Anh sẽ yêu em mãi chứ" (Gào); "Yêu người yêu người ta" (Gia Đoàn); "Yêu đi rồi khóc" (HamletTrương); "Từ yêu đến thương" (Nguyễn Phong Việt); "Cố chấp yêu" (Ploy Ngọc Bích)… Đồng thời và bên cạnh đó, là những cuốn sách bắt nguồn từ các bài viết trên mạng xã hội, tác giả xuất phát từ một "blogger" hay "face booker". Để bạn đọc hưởng ứng và ưa thích các câu chuyện được viết ra, các tác giả dĩ nhiên sẽ chiều theo thị hiếu đám đông, đó là những trang viết mô tả đời sống rõ nét nhất, chân thực nhất… chúng mang tính báo chí hơn là một tác phẩm văn học.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang.

- Thị hiếu thẩm mỹ của các tác giả trẻ bây giờ đã khác. Nhiều người cho rằng, không nên lấy những chuẩn mực cũ để đo đếm giá trị các tác phẩm của những người viết trẻ.

+ Giá trị tác phẩm vẫn nằm ở chỗ những ảnh hưởng của chúng tới tư duy cảm xúc người đọc, định hướng về lối sống, và nhất là giàu tính nhân văn, đưa con người tới gần giá trị của việc làm "Người". Không có chuẩn mực nào được gọi là cũ hay mới, cũng như đã chọn nghề viết văn, thì cần có trách nhiệm và ý thức rõ ràng trên từng câu chữ của mình. Ngày nay, tôi thấy nhiều người viết chăm chỉ phát biểu ý kiến cá nhân trên các diễn đàn, báo chí, hội nghị, hội thảo văn học nhiều hơn là làm công việc thực sự: viết văn. Là nhà văn, quan trọng nhất là việc viết ra các tác phẩm, đưa chúng đến với người đọc, chứ không chỉ tuyên ngôn.

- Nhiều người viết trẻ muốn bứt phá, họ cách tân, đổi mới, học hỏi và cập nhật những xu thế mới của phương Tây. Liệu đó có phải là một giá trị khi cốt lõi của văn chương vẫn là chạm tới trái tim con người?

+  Trên thực tế, để trở thành nhà văn - người viết văn chuyên nghiệp, các tác giả trẻ cần biết chọn con đường đi độc lập và cần được trang bị trước hết về mặt tư tưởng, văn hóa, sau đó là tri thức, trải nghiệm cuộc sống, cùng nghệ thuật viết, văn phong, sáng tạo ngôn từ. Để chạm tới trái tim độc giả, trước hết người viết cũng cần viết ra từ cảm xúc chân thực trái tim mình. Chính vì thế, số lượng người viết được gọi đúng danh là "nhà văn" không nhiều, họ tồn tại tương đối độc lập với nhu cầu thị trường, cũng như chọn lối đi riêng biệt không thể lẫn với bất kì ai khác. Đồng thời tạo nên một thế giới tinh thần riêng đầy nội lực, hấp dẫn độc giả bước vào trong để cùng chia sẻ đồng điệu. Đã là nhà văn thì không bao giờ là người chạy theo và thỏa mãn nhu cầu đám đông.

- Văn chương trẻ bây giờ muốn phá phách, muốn thể hiện cái tôi cá nhân, bởi họ muốn tiếng nói của thế hệ. Vậy theo chị, tiếng nói đó là gì?

+ Để nói tốt tiếng nói thế hệ, trước hết, họ cần đủ khả năng để nói lên tiếng nói cá nhân của chính họ đã. Quá nhiều người viết ngộ nhận về khả năng của mình, không có ý thức cũng như nhận biết rằng họ đang viết ra cái gì, để làm gì, và những điều ấy có ý nghĩa gì cho sự phát triển tâm thức của chính họ. Ngoài ra nhiều người viết trẻ bây giờ viết ra những trang viết nghèo nàn không nghệ thuật, không có chất riêng, cũng chẳng thể diễn đạt biểu cảm do vốn ngôn từ  hạn chế, nhưng lại rất giàu dục vọng được tạo nên bởi các tham muốn thể hiện cái tôi cá nhân nằm ngoài văn học.

- Nhìn vào những cuốn sách bestseller của  văn học mạng như Gào với "Yêu anh bằng tất cả những thứ gì em có", hay Nguyễn Thành Trung với "Lòng dạ đàn bà", hay các tác phẩm của Thủy Anna, Ngô An Kha, Nồng Nàn Phố…. chúng ta có niềm tin lạc quan vào văn học trẻ hay không?

+ Rất tiếc, những tác phẩm phục vụ đám đông ấy thuần túy giải trí hơn là mang tính  văn chương đích thực.

- Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn từng nhận định: "Các tác giả trẻ vẫn quẩn quanh trong cái tôi của mình mà không chịu nhìn ra và bước vào thân phận của người khác. Điều đó khiến tác phẩm của họ nhiều khi rất nông cạn, hạn hẹp, không có sự bứt phá và tầm vóc riêng". Chị nghĩ sao?

+ Tôi thấy anh Sơn nói đúng. Gần đây nhất, khi có dịp trò chuyện về văn chương, tôi đồng nhất ý kiến khi anh Sơn nói rằng: Thế hệ những tác giả sinh năm 1990, chưa có ai được gọi là "nhà văn" cả.

- Tôi thấy nhiều người viết trẻ không nặng lòng với văn chương, họ mượn văn chương như một thứ trang sức để làm màu cho mình mà thôi?

+ Đáng buồn là ý kiến của chị hoàn toàn đúng trong thực trạng văn chương Việt Nam hiện nay. Những người viết có khả năng thì chưa tìm được lối thoát ra khỏi những cảm xúc tâm lý cá nhân hoàn toàn bản năng để đến với được đám đông người đọc, còn những người viết có ý thức trong việc dùng văn chương để đánh bóng bản thân hay thỏa mãn sự phù phiếm bản ngã thì nặng về tính truyền thông quảng bá thông qua mọi phương tiện hơn là đưa ra tác phẩm tốt về nội dung và nghệ thuật. Đời sống kinh tế thị trường làm biến đổi biến dạng nhận thức thực sự về văn chương. Chính vì thế, các tác phẩm được viết vội bán vội thì cũng mau chóng bị lãng quên trong lòng người đọc.

- Nguyễn Quỳnh Trang là một nhà văn trẻ. Văn chương của chị dường như đã vượt qua nỗi buồn đau của cá nhân, để chạm đến tiếng nói của cả một thế hệ. Chị đến với văn chương bằng một lối đi riêng, và tôi nghĩ sẽ bền lâu, điều mà không nhiều nhà văn trẻ bây giờ có được. Chị có thể chia sẻ những tâm sự với nghề viết nhọc nhằn này.

+ Khi đã theo đuổi con đường văn chương một cách thực sự, người viết không chỉ mệt nhọc trong từng câu chữ, mà còn phải dám hy sinh cho nó, và chịu nghiệp khẩu từ chính các con chữ mà mình viết ra, khi sức hút ngôn từ trong văn chương không chỉ tác động lên tinh thần tư tưởng người đọc, mà nó còn làm biến đổi số phận người viết. Không thể sáng tác một trang văn hay, khi tác giả chưa từng trải nghiệm tình huống, trạng thái, hoàn cảnh đó một cách thực sự.  Bên cạnh đó, cơ chế xuất bản ở nước ta hiện nay đang có rất nhiều bất cập, đặc biệt là nạn sách lậu, sách giả lan tràn làm nhà văn không thể sống được bằng nghề, mà phải làm nhiều việc phụ khác để kiếm sống. Lắm khi nghề phụ át nghề chính, nhà văn bị cuốn theo bài toán kinh tế, không còn tâm thế để ra được tác phẩm thỏa mãn đam mê ước nguyện của chính mình, và họ bỏ nghề.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang.

Đỗ Nhật Phi, tác giả "Người ngủ thuê", Giải nhất cuộc thi "Văn học tuổi 20":Ai cũng có cuộc chơi của riêng mình

Đậu Dung (ghi)

- Nhiều nhà phê bình nhận xét rằng sáng tác của những người viết trẻ hiện nay phần lớn chạy theo thị trường và viết những tác phẩm dễ dãi. Phi nghĩ sao?

+ Nhà văn Đoàn Thạch Biền có lần nói với Phi, họ viết kiếm sống, kệ họ. Còn Phi, Phi muốn chơi trò chơi của riêng mình. Và để được thế, mình phải bỏ công bỏ sức ở những công việc khác để có thể tồn tại được.

- Trong bối cảnh văn học mà nhiều người có suy nghĩ giống Nhật Phi thì sẽ như thế nào?

+ Thực ra, chúng ta không thể kiểm soát được điều đó. Độc giả cần họ. Độc giả thấy thích và muốn đọc họ nhiều. Quy luật cung cầu ở đây giống như một bàn tay vô hình thao túng tất cả.

- Nghĩa là, đôi khi độc giả chính là người quyết định dòng văn học, thậm chí cả một nền văn học?

+Trên khía cạnh thị trường mà nói, độc giả là vua. Họ bỏ tiền mua sách. Họ chính là những người nuôi sống tác giả, những nhà xuất bản, công ty sách.

Tác giả trẻ Đỗ Nhật Phi.

- Trong tọa đàm "Những người viết văn trẻ Hà Nội", có đại biểu phát biểu đại ý rằng, nhà văn có thể bằng vốn tri thức để đẩy xa lao động văn chương, đồng thời đào tạo độc giả?

+ Xéc-van-téc, trong đoạn đầu cuốn "Đôn Ki-hô-tê" có viết rằng, độc giả là vua trong căn phòng của họ. Nếu họ là vua thì ai đào tạo được họ. Dù cho tác giả có đánh giá tác phẩm đó "5 sao" đi chăng nữa thì cũng không thể nhét vào mắt người đọc tác phẩm đó được. Có chăng, việc tiếp cận văn học một cách tự nhiên, đi từ giáo dục, đời sống văn hóa phổ thông rồi văn học, rồi họ có nhu cầu đọc những thứ cao hơn. Chúng ta không thể chăm chăm viết ra những thứ thật thẩm mỹ, mang tính nghệ thuật cao mà mong độc giả có thể đọc được. Khi viết ở mức độ cao, những người viết nên hiểu mình đang chơi trò chơi của mình. Và mình sẽ chờ đợi sự thừa nhận từ giới chuyên môn hoặc các giải thưởng. Người viết ở đây có 2 sự lựa chọn, hoặc "ăn sẵn" hoặc đủ khả năng để tạo ra thị trường của riêng mình. Mà thị trường là thứ không bao giờ đoán được. Thị trường ấy bất định, phụ thuộc vào độc giả mà đôi khi họ còn không hiểu cả chính bản thân mình.

Có một quy luật chung là 20% dân số nắm giữ 80% tri thức và trí tuệ. Người viết văn có thể chọn sử dụng 20% này thay vì 80% kia. Mặt bằng dân trí ở ta chưa cao. Những người đọc văn rất là ít. Nếu một năm họ chỉ đọc mấy cuốn sách của Anh Khang, Gào, Hamlet Trương, Iris Cao… thì chỉ dừng ở đó thôi. Nếu họ đọc nhiều hơn, cho dù có những thứ khó đọc hơn, họ sẽ biết cái gì lặp đi lặp lại, họ sẽ muốn thử thách bản thân mình hơn. Ở Việt Nam, người ta đọc ít quá và họ nhảy thẳng vào tính chất thuần giải trí.

- Còn về phía người viết có những đầu sách đang bán chạy thì sao?

+ Đây cũng là vấn đề mặt bằng dân trí, dẫn đến nền tảng tri thức người viết. Một số người viết trẻ ở Việt Nam, chắc là họ có suy nghĩ sách mình viết ra đã "hot" như vậy rồi thì việc gì phải cố để hay hơn? Những tác giả có sách ở ta quá nhiều. Ít hơn thì sẽ tốt hơn.

- Tại hội nghị "Những người viết văn trẻ Hà Nội" vừa qua, nhiều người cho rằng, nhà văn trẻ bây giờ thiếu dấn thân, bàng quan trước vấn đề thời cuộc. Là người viết trẻ, Phi nghĩ sao?

+ Phi không cho là nhà văn cần phải có một thiên chức nào cả. Nhà văn thực tế họ đang chơi trò chơi của họ mà thôi. Ai cũng sẽ có cuộc chơi của mình. Có những người muốn kiếm tiền. Nhưng cũng có những người viết cho thỏa. Khi họ viết một tác phẩm nào đấy, nó ngang ngang khó đọc một chút, họ gần như thách đố độc giả, thách đố cả giới phê bình. Khi đó, nhà phê bình chơi theo kiểu của nhà phê bình, nhà văn chơi theo kiểu nhà văn. Bạn đọc cũng sẽ chơi trò chơi của bạn đọc.

Phi nghĩ chuyện này, hữu xạ tự nhiên hương. Nhà văn không phải là người mà ai đó bảo rằng hãy viết về cái này cái kia là viết được. Quá trình ấy diễn ra tự nhiên, khi mà tự họ quan hoài trong mình những vấn đề của thời cuộc, tự mình bức bối mà viết ra, chứ không thể ngồi nghĩ mà ra.

- Hình như, văn học Việt Nam đương đại đang bị "trũng" lại trong dòng chảy văn chương thế giới?

+ Thế giới vẫn mới chỉ biết đến Việt Nam thông qua cuộc chiến tranh cách mạng mà thôi. Họ không có nhu cầu tìm hiểu về chúng ta nhiều lắm. Mình đi sau thế giới đó là chuyện hết sức rõ ràng. Trong khi, những điều chúng ta nói có thể đã được họ nói đi nói lại nhiều lần. Để thay đổi tư duy đó, chúng ta sẽ phải thay đổi mình đi một chút nào đấy. Thực sự, Phi không nghĩ đồng ruộng lênh đênh như văn chị Nguyễn Ngọc Tư là điều mình nên học hỏi. Những vấn đề toàn cầu nhất chính là vấn đề cá nhân. Chưa kể, chúng ta cần tiếp thị, tổ chức tiếp thị văn chương trẻ ra nước ngoài nhiều hơn.

Việt Nam vẫn là một nền văn học bé. Họ không nhìn về chúng ta nhiều. Chúng ta chỉ còn cách là viết những sản phẩm chất lượng và biết cách giới thiệu ra thế giới. Phi thấy có một số cuốn được xem là dữ dội ở nước ngoài, thực ra cũng không phải đỉnh lắm.

- Cảm ơn Phi về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Quang Thiều - Việt Hà-Đậu Dung
.
.