Không thể phổ cập danh hiệu "Gia đình văn hóa"

Chủ Nhật, 20/12/2015, 08:00
Quy phạm đạo đức luôn phải được đề cao hơn quy phạm pháp luật. Khi một đất nước coi thường những quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức thì sẽ bị lệch chuẩn, dễ dẫn đến những vi phạm pháp luật khác. Không thể có một gia đình văn hóa, một xã hội văn hóa nếu không vun trồng những cá nhân có văn hóa...

Đừng vì danh hiệu ảo

Hà Anh

Tại lễ tổng kết phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2015 và triển khai công tác năm 2016 diễn ra vào ngày 3-12 vừa qua, khi con số 19/22 triệu gia đình đạt chuẩn "Gia đình văn hóa" được công bố (đạt tỉ lệ 85%, tăng 2% so với năm 2014) đã khiến dư luận rất quan tâm. Bên cạnh đó là 71.000 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận (đạt tỉ lệ 69%, tăng 7% so với năm 2014), cũng là con số đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Nếu những con số được công bố này là "thực chất", Việt Nam chắc hẳn đã là một đất nước hoàn hảo, có môi trường sống đáng mơ ước nhất hành tinh.

Thực ra, những con số trên không phải là lần đầu tiên được công bố. Năm 2012, con số gia đình văn hóa được công bố là 16/21 triệu gia đình. Có nghĩa là, từ năm 2012 đến nay, số gia đình văn hóa đã tăng nhanh chóng mặt: Trung bình 1... triệu gia đình mỗi năm. Dư luận cũng đang đặt câu hỏi, nếu cứ giữ vững đà "tăng trưởng nóng" như 3 năm vừa qua, chỉ đến năm 2018, cả nước sẽ hoàn thành chỉ tiêu 22/22 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Có nghĩa là, danh hiệu "Gia đình văn hóa" sắp được phổ cập tới 100% hộ gia đình...

Nhiều hội nghị, hội thảo nhưng chất lượng danh hiệu "Gia đình văn hóa" không tăng lên.

Nhưng tại sao tại thời điểm những ngày cuối năm 2015 này, khi con số "khủng" này được công bố, nó lại trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận, thậm chí trở thành nỗi băn khoăn, đáng suy ngẫm không của riêng ai? Đó là bởi vì năm 2015 là năm có nhiều vụ thảm án xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại nỗi đau khôn cùng cho gia đình nạn nhân - tội nhân và nỗi lo sợ trong cộng đồng; là năm có hàng chục clip nữ sinh đánh nhau dữ dội được tung lên mạng; là năm cộng đồng mạng dậy sóng bởi những vụ con đánh chửi, đẩy cha mẹ già cả ốm đau ra ngoài đường trong thời tiết giá lạnh..., mẹ đốt con, vợ đốt chồng, chồng giết vợ....

Hằng ngày, mở báo ra là đầy rẫy những mảng tối: Anh em truy sát nhau vì tranh chấp tài sản; không có tiền chơi game, nam sinh rủ nhau đi cướp; những câu chuyện đau lòng về bạo lực gia đình, bạo lực học đường, những vụ án mạng xảy ra do cãi vã sau va quệt xe... Tình trạng sản xuất - kinh doanh thực phẩm "bẩn" vô lương tâm diễn ra tràn lan đến mức ở kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chủ tịch Quốc hội đã phải nêu ra vấn đề đại ý con đường từ dạ dày ra nghĩa địa của người Việt Nam đang ngày một ngắn đi, một nhanh hơn.

Người dân trồng rau, trồng hoa trái luôn để riêng một phần cho gia đình mình dùng, còn phần để bán thì thoải mái phun thuốc trừ sâu, ngâm tẩm thuốc bảo quản... Rất nhiều người đang vì lợi ích cá nhân mà "đầu độc" cộng đồng, hủy hoại tương lai của giống nòi. Đấy là chưa kể khi đi ra đường, thấy cảnh người khác không may gặp tai nạn, người ta chỉ túm tụm lại xem, không ai can ngăn hay giúp đỡ; thấy kẻ móc túi trên xe buýt, bến tàu, nhiều người cúi mặt im lặng vì sợ liên lụy, sợ bị rạch mặt trả thù.

Vào bệnh viện thì ít thấy "từ mẫu" xuất hiện, mà còn có nhiều trường hợp  thấy bác sĩ, nhân viên y tế quát mắng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xa xả. Hay tình trạng xả rác bừa bãi, dẫn chó mèo ra công viên, vườn hoa "đi bậy", vượt đèn đỏ liên tục ngay cả khi đang chở con thơ, đái bậy, khạc nhổ ở nơi công cộng... Tất cả những "thành phần xấu", những "mảng tối", những "vết đen" kia được sinh ra từ đâu nếu không phải là từ trong 22 triệu gia đình, trong đó có 19 triệu vừa được phong danh hiệu "Gia đình văn hóa"?

Tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội không gì khác chính là biểu kế đo lường sự xuống cấp của các giá trị văn hóa. Gia đình là hạt nhân của xã hội, nếu 85% gia đình đoạt danh hiệu văn hóa thì chắc hẳn xã hội ta phải tốt đẹp gấp nhiều lần so với hiện thực. Muốn có gia đình văn hóa, tổ dân phố, làng xóm văn hóa trước hết phải có những con người văn hóa. Nếu chưa có những con người văn hóa, thì đừng vội bàn đến những thiết chế to lớn hơn như gia đình, khu phố, làng xã. Dường như chúng ta đang tốn quá nhiều công sức, tiền của cho một phong trào chỉ mang tính hình thức, phô trương và chỉ có giá trị ảo. Danh hiệu phải là thứ có giá trị nào đấy, là thứ khiến người ta muốn hướng đến, mơ ước đạt tới chứ không phải là thứ được "phổ cập", cho chẳng ai buồn nhận như thế này.

Nhà văn hóa Giang Quân: Phải giữ được nếp nhà

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa ông, bên cạnh là một nhà văn hóa có nhiều công trình nghiên cứu sâu, kỹ về văn hóa Hà Nội, ông còn có quá trình công tác lâu năm tại Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, ông có thể chia sẻ quan điểm về chủ trương phong tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa" được thực hiện thời gian vừa qua?

+ Tôi công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội từ năm 1954 cho đến khi về hưu nên có thể nói mọi phong trào của văn hóa tôi đều kinh qua hết. Tôi cho rằng chủ trương ban đầu thì đúng, với mong muốn có sự khác biệt, để mỗi gia đình khắc phục những điều chưa hoàn thiện nhưng đưa vào thực tế thì không phù hợp. Khi còn công tác, tôi đã từng phản đối việc trao tặng và treo biển "Gia đình văn hóa". Vì ngay từ việc bình bầu danh hiệu đã không nghiêm túc. Tôi đã từng chứng kiến những cuộc họp bình xét về vấn đề này ở địa phương nên tôi biết. Người này nể nang người kia, không nói hết khuyết điểm của nhau. Hàng xóm với nhau, nhà này không bình bầu cho nhà kia thì lại mất đoàn kết nên cuối cùng nhà nào cũng "văn hóa" tất. Tại các cuộc họp này, thường là một người đề xuất, mọi người đều gật gù đồng ý cho nhanh còn... về.

Một thời gian dài như thế khiến chúng ta có một con số thống kê trên giấy và thực tế trái ngược nhau. Con số không phản ánh đúng sự thật. Đấy là kết quả của việc phong trào không đi vào đời sống. Chủ trương chưa đúng vì chưa có điều tra thấu đáo, tìm hiểu kỹ lưỡng. Con số 80 - 90% gia đình văn hóa là kết quả của cuộc chạy đua và đôn nhau lên. Tôi cho rằng chỉ cần 50% gia đình văn hóa thôi cũng đã là tốt lắm rồi, là không có nhiều chuyện đâm, giết nhau như bây giờ.

- Và một trong những điều nhiều người phản ứng nhất là việc treo biển "Gia đình văn hóa" trước cửa nhà, đúng không ông?

+ Treo biển "Gia đình văn hóa" là việc làm vô bổ nếu không muốn nói còn phản tác dụng. Vì nếu gia đình không được treo biển thì có phải cả nhà người ta không có văn hóa không? Trong gia đình, có khi chỉ một hay hai người thôi có hành vi chưa đẹp nhưng không vì thế mà chụp mũ cho cả gia đình là không văn hóa. Chưa kể tới việc nếu ta treo một cái biển "Gia đình văn hóa" bên cạnh một gia đình không được treo biển. Nhà không được treo biển sẽ mang tâm lý "mặc kệ": Xả rác cũng không sao, to tiếng cũng không sao vì gia đình mình có văn hóa đâu!

Tôi nghĩ rằng, ngay trong mỗi con người cũng tồn tại cái tốt và cái xấu, không ai xấu hết cả. Chính vì thế không nên phân biệt một cách rạch ròi, quá đáng. Không gia đình nào là không văn hóa hoàn toàn. Có thể trong gia đình, có một người con nóng tính, to tiếng với hàng xóm nhưng còn bố mẹ và các anh chị khác nữa. Không nên vì một người này mà cả nhà chịu cảnh không văn hóa.

- Vậy theo ông, để có một cái nhìn thấu đáo về "gia đình văn hóa" ta nên xét ở khía cạnh nào?

+ Bên cạnh việc mỗi thành viên trong gia đình phải thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tôn trọng pháp luật thì gia đình văn hóa phải là gia đình nuôi dưỡng, giáo dục con cái tốt để tạo dựng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng. Việc giáo dục con trẻ trước hết thuộc về trách nhiệm của gia đình. Muốn giáo dục con cái thì bố mẹ phải gương mẫu trước đã. Thật khó có thể dạy con đức tính trung thực, thương người nếu người bố tham nhũng, mẹ có thái độ coi thường người khác...

Chính vì thế, theo tôi, nếp nhà vô cùng quan trọng. Trong những gia đình tiêu biểu đều gìn giữ được những truyền thống đáng quý trong ứng xử, lối sống, trong học tập, công tác. Con nhìn bố để học, bố lại học theo ông. Ngày xưa tôi còn bé, ông bà bố mẹ tôi đều dạy có chuyện gì cũng phải đóng cửa bảo nhau. Không có chuyện hai anh em ruột chỉ vì tranh chấp nhau viên gạch, thước đất rồi đưa nhau ra tòa. Bây giờ chuyện này xảy ra khá phổ biến cũng chính vì cuộc sống chúng ta văn minh, hiện đại thật nhưng không giữ được nếp nhà. Trước đây, người ta thường lấy cái tình để ứng xử với nhau chứ không phải pháp luật. Giờ đây tình nghĩa bị phôi pha đi nhiều. Từ nếp nhà, sẽ dẫn đến việc giao tiếp ứng xử với hàng xóm láng giềng phải tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau.

Tôi cho rằng những chủ trương, chính sách phải đưa ra được mẫu quy chuẩn chính xác, thiết thực để "Làm thế nào để cái tốt chiến thắng cái xấu" như lời Bác Hồ căn dặn.

- Xin cảm ơn ông!

Nhà viết kịch Chu Thơm: Bình xét chiếu lệ khiến không mấy ai cảm thấy tự hào

Theo tôi, con số 19 triệu gia đình (cả nước có 22 triệu gia đình) đạt chuẩn "Gia đình văn hóa", chiếm tỉ lệ 85,3% là một con số không chính xác. Nếu sự không chính xác đó là do lỗi của người tổng hợp kết quả, lỗi của máy tính thì vấn đề không quá trầm trọng chứ nếu lỗi là do con người lập ra thì đó là sự tô hồng, bệnh thích thành tích đã được thể hiện một cách quá lộ liễu. Bởi vì, không thể có chuyện cứ mười gia đình thì có đến tám gia đình rưỡi đạt "chuẩn văn hoá" trong khi những năm qua, tệ nạn xã hội trên đất nước ta không hề giảm. Số lượng quan chức thoái hoá biến chất, tham nhũng hối lộ tiền tỷ ngày càng bị lộ ra nhiều, các vụ thảm án xảy ra mật độ dày hơn, các vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường ngày càng ở mức độ trầm trọng hơn.

Điều đó cho thấy chẳng phải cơ quan, cơ sở nào khác mà chính là gia đình phải chịu trách nhiệm về những bất ổn về an ninh trật tự đó. Bởi những kẻ phạm tội kia không phải đến từ hành tinh khác, từ đất nước khác mà từ ngay các gia đình, trong đó rất nhiều gia đình được công nhận đạt chuẩn "Gia đình văn hoá". Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào có sạch có khoẻ thì xã hội mới khoẻ mạnh được. Nếu trong các gia đình ấy tiềm ẩn những ung nhọt khi thành viên của chúng là những kẻ nghiện ngập, trộm cướp, giết người và tham nhũng thì ngay cả yên bình thôi cũng khó rồi chứ đừng nói xã hội phát triển được. 

Người ta gọi căn bệnh thổi phồng thành tích một cách trắng trợn đó là "căn bệnh tự sướng", "tự huyễn hoặc mình" hoặc là "tự túm tóc kéo mình lên". Có rất nhiều nguyên nhân làm nên cái con số 85% kia. Người thì bảo do người đề ra "chuẩn" văn hoá quá chung chung hoặc chưa cao. Đặc biệt là những người xét chuẩn lại làm việc trên tinh thần xuê xoa, đại khái và "kém miếng không chịu" nên phải cố "ép" địa phương mình quản lý phải đạt nhiều. Điều đó biến việc bình xét trở thành hình thức chiếu lệ khiến những gia đình thật sự xứng đáng chuẩn "Gia đình văn hoá" cũng không thấy tự hào.

Rất có thể những người bình xét để cấp giấy chứng nhận "Gia đình văn hóa" cũng chưa hiểu thấu đáo nghĩa của từ "văn hoá". Họ quan niệm cứ học hành, đỗ đạt tử tế, không làm điều gì khuất tất thì có thể gọi là người có văn hoá. Gia đình có văn hoá mà không nghĩ đến việc gia đình đó có sống hoà đồng và giúp đỡ gì cho các gia đình ở khu dân cư hay không, có là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, sự cống hiến cho xã hội một cách hiệu quả để các gia đình khác noi theo hay không?

Từ việc các "chuẩn" văn hoá chung chung và dễ đạt đã khiến người dân coi danh hiệu "Gia đình văn hoá" chỉ là một phong trào "tự sướng", vì vậy, chủ trương này không những không phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao văn hóa với người dân mà ngược lại còn biến việc xét tặng là một công việc hình thức, tầm phào. Vì vậy, những chính sách văn hoá chỉ thực sự đi được vào đời sống xã hội khi được đồng hành cùng những chủ trương, chính sách thiết thực mang lại tự do, hạnh phúc cho người dân của Đảng và Nhà nước.

Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang: Văn hóa xuống cấp, danh hiệu lên ngôi

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang, là người nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương thuộc BCH Trung ương Đảng, ông có suy nghĩ gì về con số 19 triệu gia đình văn hóa vừa được công bố?

+ Đầu tiên, tôi phải nói luôn rằng đây là con số không có nhiều ý nghĩa nếu không muốn nói là vô nghĩa. Bởi vì nếu thực sự có 19/22 triệu gia đình văn hóa thì thực trạng văn hóa nước mình nó đã khác. Nền văn hóa Việt Nam đang có rất nhiều bê bối, xuống cấp. Ấy là chỉ so với trước đây chứ không phải so với một chuẩn chung. Nước ta đã có những lúc trải qua thời bao cấp nhiều khó khăn, nghèo về vật chất nhưng người ta sống có tình nghĩa hơn. Còn bây giờ, người ta sống theo kiểu chụp giật, sẵn sàng vì những lợi ích riêng của mình mà chà đạp lên quyền lợi, nhân phẩm của đồng loại.

Con số 19 triệu gia đình văn hóa một là nó không đúng với thực tế, hai là nó chứa đựng ý nghĩa gần như là ngược lại. Tôi nhớ không nhầm thì có tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long là 100% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thì lại càng vô nghĩa nữa. Nếu tất cả các gia đình đều là gia đình văn hóa, thì danh hiệu chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Kiểu tính đếm số học này thể hiện cách làm chiếu lệ, hình thức với mục đích là "ghi công ghi điểm" cho một số cá nhân để báo cáo với cấp trên mà thôi. Tôi nhớ hồi cuối những năm 90 thế kỷ trước, tôi đi khảo sát ở Cần Thơ thì thấy nhà nào cũng có một cái biển gia đình văn hóa nên tò mò mới hỏi người dân, thì người ta nói: "Ông ơi, đây là người ta yêu cầu đóng 50 ngàn để người ta gắn cái biển, chứ nhà chúng cháu đâu có thích để cái biển này làm cái gì!". Ngay với gia đình tôi, có nhiều lần tôi đi vắng, khi về đến nhà thì thấy giấy chứng nhận gia đình tôi là gia đình văn hóa được gài trên cổng, hoặc luồn qua khe cửa nằm lăn lóc dưới đất. Trao danh hiệu "gia đình văn hóa" một cách đại trà và thiếu tôn trọng cũng là một cách xúc phạm những gia đình thực sự có văn hóa.

- Theo ông, danh hiệu "Gia đình văn hóa" được bình xét theo những tiêu chí mà cả nước đang làm là: Chấp hành tốt chủ trương chính sách của nhà nước, vợ chồng hòa thuận, nuôi con khỏe, dạy con ngoan..., thì chữ "văn hóa" ở đây nên được hiểu theo nghĩa nào mới là đúng?

+ Trên thế giới có tới vài trăm định nghĩa về hai chữ "văn hóa", có cả nghĩa hẹp và có nghĩa rất rộng. Trong bối cảnh dùng chữ cụ thể ở đây, theo tôi chữ "Gia đình văn hóa" đang dùng để chỉ các "gia đình có ứng xử văn hóa" thì đúng hơn. Nên gói gọn trong nghĩa "ứng xử", là cái người ta có thể nhìn thấy được, cảm nhận, đánh giá được như: Gia đình hòa thuận, không có bạo lực gia đình, chấp hành các quy tắc chung ở nơi công cộng, không vi phạm pháp luật... Đó là những nội dung hết sức cụ thể thuộc về phạm trù ứng xử, thì nên gọi là "gia đình ứng xử có văn hóa".

- Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm ở Việt Nam tăng thêm 1 triệu gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, nhưng thực tế văn hóa và đạo đức xã hội vẫn đang xuống cấp như ông đã chia sẻ ở trên. Ông nhận định thế nào về "nghịch lý đáng buồn" này?

+ Đúng là đang tồn tại một nghịch lý: Văn hóa xuống cấp, danh hiệu lên ngôi. Sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội đã được thừa nhận trong các văn kiện của Đảng, điều này không cần phải nghiên cứu mới biết, không thể chối cãi và không phải giấu giếm. Thế nhưng số "gia đình văn hóa", khu phố văn hóa, làng xã văn hóa cứ tăng lên không ngừng như thế, nó chỉ biểu hiện thứ chủ nghĩa hình thức, chỉ chạy theo thành tích ảo, mắc bệnh thành tích.

Người Việt xấu xí nhất là khi đi ra nước ngoài, dễ bị lộ liễu cái xấu ra giữa môi trường văn minh và dễ mắc các lỗi về văn hóa mà không thể bị bỏ tù như thô tục, cười nói to hể hả, chen lấn xô đẩy chứ không chịu xếp hàng, lấy quá nhiều thức ăn bỏ thừa mứa, khạc nhổ, xả rác bừa bãi... Theo tôi, quy phạm đạo đức luôn phải được đề cao hơn quy phạm pháp luật. Khi một đất nước coi thường những quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức thì sẽ bị lệch chuẩn, dễ dẫn đến những vi phạm pháp luật khác. Không thể có một gia đình văn hóa, một xã hội văn hóa nếu không vun trồng những cá nhân có văn hóa.

- Một phong trào chứa đựng bệnh thành tích, phô trương hình thức một cách phản cảm và không mang lại hiệu quả thực chất gì nhưng đã tồn tại đến nay gần 20 năm. Theo ông, đã đến lúc "khai tử", "dẹp bỏ"?

+ Thực tiễn đã và sẽ luôn là thước đo chân lý. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã làm đến nay gần 20 năm nhưng không mang lại hiệu quả thì chẳng có lý do gì để nó tồn tại mãi. Nên "dẹp" đi càng sớm càng tốt. Ít ra cũng đỡ mất thì giờ và đỡ mất tiền tỉ của ngân sách. Dẹp phong trào này không có nghĩa là xã hội không phấn đấu, không cố gắng mà là phải thực hiện bằng giải pháp khác. Đã là giải pháp thì không thể làm theo phong trào, theo đợt phát động mà phải làm liên tục, lâu dài. - Xin cảm ơn Tiến sĩ Phan Hồng Giang! 

PV
.
.