Siết chặt thi "chui", tổ chức thi nhan sắc sai quy định:

Không thể nhẹ tay

Thứ Sáu, 18/03/2016, 08:00
Ngày 11-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sử dụng hình ảnh và phát tán bản ghi âm - ghi hình. Cùng với đó, Nghị định quy định rõ về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu; điều kiện và thủ tục cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế... Một lần nữa, sợi dây quản lý đã được siết chặt hơn với hy vọng có thể hạn chế dẫn tới chấm dứt được tình trạng thi "chui", tổ chức thi người đẹp, người mẫu sai quy định tràn lan suốt thời gian qua.


1.Câu chuyện làm thế nào để chấm dứt tình trạng người đẹp thi "chui", tổ chức thi người đẹp, người mẫu sai quy định không còn là điều mới mẻ nữa nếu không muốn nói nó là vấn đề bức xúc lâu nay khiến dư luận và các nhà quản lý thực sự đau đầu. Có một nghịch lý là Nghị định 79/2012/NĐ - CP được đưa ra năm 2012 để quản lý tình trạng tổ chức biểu diễn, đưa người ra nước ngoài biểu diễn và một số vấn đề liên quan đến quản lý văn hóa thì cũng bắt đầu từ thời điểm đó, tình trạng thi "chui" trở nên bùng phát và ngày càng tràn lan, trắng trợn.

Chỉ trong vòng 3 năm qua, đã có hơn 10 trường hợp người đẹp bị Cục Nghệ thuật - Biểu diễn xử lý vì thi "chui" các cuộc thi nhan sắc. Năm 2013, Phan Hoàng Thu mở hàng cho phong trào này khi âm thầm đại diện cho Việt Nam tham dự "Hoa hậu Du lịch thế giới" diễn ra tại Malaysia vào tháng 12.

Riêng năm 2014 được coi là đỉnh cao khi có tới 6 đối tượng tham gia các cuộc thi nhan sắc không xin phép, trong đó người đẹp Huỳnh Thúy Anh là người vi phạm nhiều nhất. Vừa bị phạt vì sang Mỹ thi "Hoa hậu cộng đồng người Việt" không có sự đồng ý của cơ quan chức năng, cô lại tiếp tục sang Đức thi "Hoa hậu Liên lục địa" cũng theo con đường cũ.

Cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam thế giới” tại Nhật Bản chỉ có 10 người tham gia nhưng có tới 5 người đội vương miện.

Năm 2015 góp thêm 3 người đẹp ghi tên vào sổ phạt của cơ quan chức năng. Tiêu biểu như người đẹp Hồ Thị Oanh Yến dù đã có 2 con nhưng vẫn thi chui "Hoa hậu toàn cầu" tại Philippines. Đặc biệt, không chỉ những người mẫu nữ, phong trào này đã lan sang cả nam giới mà tiêu biểu là vận động viên Taekwondo Nguyễn Văn Sơn cũng tranh thủ sang Thái Lan tham gia cuộc thi "Nam vương toàn cầu" khi chưa có sự đồng ý ở trong nước.

Vấn nạn thi "chui" đã trở thành một thứ "mốt" phổ biến, công khai và thách thức các cơ quan chức năng. Ban đầu, các người đẹp còn rụt rè đi thi, khi có yêu cầu phải ra cơ quan chức năng giải trình, nộp phạt còn ngại ngùng đổ lỗi do "mình không biết quy định". Sau này, trở về từ các cuộc thi, những người đẹp chủ động đến cơ quan chức năng ký biên bản nộp phạt và ngang nhiên tuyên bố "biết là xin phép thì sẽ không được tham gia nên cứ tiền trảm hậu tấu".

Tiêu biểu như trường hợp nhà thiết kế Văn Thành Công mang "gà cưng" của mình là Lâm Thùy Anh đi thi "Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu" tại Hàn Quốc. Theo quy chế, để cấp phép cuộc thi quốc tế chỉ cho 3 người đẹp đoạt giải trong các cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Trong khi đó Lâm Thùy Anh mới chỉ tham gia một vài cuộc thi người mẫu. Nhà thiết kế Văn Thành Công công khai: "Biết chắc chắn sẽ không được cấp phép nên cứ đi thi rồi về nộp phạt".

Rõ ràng, quy định đã có nhưng việc chỉ xử phạt tiền vài chục triệu đồng với hành vi thi "chui" đã tỏ ra không có chút hiệu quả nào. Chỉ cần nhìn vào đời sống showbiz hào nhoáng và nhốn nháo ấy sẽ hiểu vì sao chiếc roi quản lý ấy không phát huy được hiệu quả. Chỉ cần bỏ ra vài chục triệu chịu phạt để có được một danh xưng - dù chỉ là danh xưng của một cuộc thi tầm cỡ "ao làng" - thì các người đẹp vẫn sẵn sàng lao vào như thiêu thân. Bởi số tiền ấy quá nhỏ so với những gì họ thu lại được khi khoác trên mình một danh hiệu.

Có danh hiệu, cũng đồng nghĩa với việc cát xê tăng vù vù, đồng nghĩa với việc có cớ để dấn thân vào ngành giải trí. Một khi showbiz vẫn quen trả tiền cát xê theo danh hiệu thì cũng có nghĩa họ sẽ tìm mọi cách để có được một danh hiệu nào đó, dù chỉ là những danh hiệu ảo. Phần lớn, những người đẹp thi chui đều là những người không có nhan sắc nổi bật để đường đường chính chính đi thi quốc tế. Chính vì thế, họ chỉ còn con đường thi chui để kiếm một danh hiệu tiến thân vào làng giải trí. Những cuộc thi mà các người đẹp này lựa chọn là những cuộc thi quy mô nhỏ, thí sinh cũng không quá xinh đẹp và chi phí cho nó cũng không quá nhiều.

Một bài toán đơn giản được các người đẹp cùng những ông bầu lắm chiêu của mình nhìn ra ngay: Bỏ ra hơn trăm triệu tiền phí và nộp phạt cùng với việc đầu tư ít tiền dự thi, những người đẹp này đã mang trên mình một danh xưng hoa hậu, á hậu quốc tế. Nhờ những danh xưng này, giá cát xê mà họ nhận được cũng lên tới 2.000 - 3.000 USD và chỉ cần vài sự kiện là họ hòa vốn. Nhiều người cho rằng với cái giá quá rẻ và tương lai hứa hẹn như thế, số lượng người đẹp thi nhan sắc quốc tế chui có lẽ sẽ còn tiếp tục nối dài.

2. Suốt một thời gian dài, các cơ quan chức năng thực sự loay hoay khi thực tế chứng minh hình phạt tiền tỏ ra không hiệu quả với hành vi thi "chui". Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP mới ban hành được cho là đã  siết chặt hơn với các trường hợp này. Cụ thể là nghị định nêu rõ quy định các người đẹp "không công bố, sử dụng danh hiệu đạt được tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu do tham dự trái phép mà có".

Nghị định cũng quy định rõ về đối tượng tổ chức thi người đẹp và người mẫu. Theo đó, đối tượng được tổ chức gồm: Tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức nước ngoài phối hợp với tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức cuộc thi tại Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu, điều kiện thủ tục cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế...

Người đẹp Oanh Yến tự hào dù 2 con vẫn đoạt vương miện “Hoa hậu Thế giới toàn cầu” tại Philippines.

Những hình phạt quá nhẹ đã không đủ sức răn đe với những người đẹp khát thèm danh hiệu. Nhiều người cho rằng, để có thể ngăn chặn những hành vi cố tình thi chui chỉ có thể là những hình phạt xứng đáng. Bên cạnh phạt tiền, những người đẹp dự thi không xin phép có thể bị cấm diễn, không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thậm chí có thể bị cấm xuất cảnh nếu tiếp tục tái phạm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng để hạn chế nạn thi không xin phép cần mở cơ hội cho các người đẹp Việt. Nếu có điều kiện, chúng ta nên có Hội đồng thẩm định các cuộc thi nhan sắc quốc tế để có thể có nhiều hơn 3 cuộc thi như hiện nay. Như thế, cũng là một cách để nhan sắc Việt có cơ hội giao lưu, tham gia các cuộc thi nhan sắc phạm vi ngoài lãnh thổ nhưng vẫn kiểm soát được chất lượng cuộc thi. Và điều quan trọng là nâng cao ý thức cho tất cả những người đẹp tham gia các cuộc thi này. Tham gia các cuộc thi nhan sắc không chỉ để khẳng định, tạo cơ hội tương lai cho bản thân mà phải có ý thức giữ gìn cũng như đóng góp trách nhiệm cho cộng đồng, đất nước.

Hy vọng với những quy định mới này, cơ quan quản lý văn hóa sẽ có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để xử lý mạnh tay những vi phạm và tái phạm trong lĩnh vực liên quan. Từ đó chấn chỉnh một cách quyết liệt sự bát nháo của lĩnh vực tổ chức biểu diễn xảy ra lâu nay.

Tuy nhiên, để thực thi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ - CP thì thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn phải sửa đổi cả Nghị định 158 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Chỉ có sự chặt chẽ và đồng bộ của các quy định mới có thể giúp chúng ta xác lập được những danh hiệu xứng đáng và lành mạnh hóa môi trường biểu diễn.

Khánh Thảo
.
.