Không phải cứ hát là vui

Thứ Ba, 17/11/2015, 08:00
Tiếng hát, một đặc ân được ban tặng cho loài người, là thứ thường được hình dung như một kênh chuyển tải xúc cảm và tâm trạng của chủ thể. Bởi thế, có những tiếng hát buồn, có những tiếng hát vui, có những tiếng hát hào hùng, có những tiếng hát bi tráng… Tiếng hát, nó gắn liền với đời sống con người và nói một cách nào đó, cùng với bản ngữ của giọng hát, nó như một tiếng nói đặc trưng của một dân tộc, một xã hội...

Khi tiếng hát thể hiện sự bất lực

Hà Quang Minh

Tiếng hát, một đặc ân được ban tặng cho loài người, là thứ thường được hình dung như một kênh chuyển tải xúc cảm và tâm trạng của chủ thể. Bởi thế, có những tiếng hát buồn, có những tiếng hát vui, có những tiếng hát hào hùng, có những tiếng hát bi tráng… Tiếng hát, nó gắn liền với đời sống con người và nói một cách nào đó, cùng với bản ngữ của giọng hát, nó như một tiếng nói đặc trưng của một dân tộc, một xã hội.

Nhưng ở giai đoạn này của xã hội Việt Nam, dường như tiếng hát không còn là kênh chuyển tải cảm xúc nữa mà nó chỉ như một thông điệp thể hiện sự bất lực của chúng ta, sự bất lực trong sáng tạo đến mức độ dễ dãi. Và điều đó là một cảnh cáo thực sự đối với phát triển xã hội. Khi một xã hội thiếu sáng tạo, đó là một xã hội đang sống "thực vật" thì đúng hơn.

Đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi hát trên truyền hình đang là mơ ước của nhiều cô bé, cậu bé (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Khi chàng trai Đức Phúc đăng quang cuộc thi The Voice 2015, nhiều bài báo đã kể lại câu chuyện "hành trình đi thi hát" của đời cậu. Hoá ra, trước The Voice, Đức Phúc đã từng thi vài cuộc thi tương tự khác trên truyền hình, và thất bại. Tất nhiên là thất bại rồi. Bởi nếu thành công từ những lần thử sức đầu, chẳng dại gì cậu thi thêm một lần thứ hai. Nhiều người sẽ đưa ra một vấn đề cũ rích, và rất chung, rằng giới trẻ không còn đường lập nghiệp nào khác ngoài đi hát sao?

Thực ra câu hỏi ấy là thừa. Nếu giới trẻ ý thức được họ có tiềm lực để trở thành ca sỹ, thì lựa chọn đi hát của họ chẳng có gì sai. Và nếu thi trượt cuộc thi này, thi tiếp cuộc thi khác cũng không có gì là xấu cả. Cái đáng quan tâm nhất chính là những người lợi dụng vào khát vọng của giới trẻ ấy, khát vọng chính đáng (khát vọng vươn lên đỉnh cao nhờ vào năng lực của mình thì luôn là chính đáng rồi), để làm giàu cho chính mình. Một công ty truyền thông, như Cát Tiên Sa chẳng hạn, sở hữu một loạt chương trình thi hát, từ The Voice cho tới X Factor, và chiếm hàng loạt khung giờ vàng của sóng truyền hình trung ương, sẽ kiếm được rất nhiều tiền sau mỗi mùa rộn ràng ứng thí của những người trẻ mang khát vọng nổi tiếng sau một đêm thần kỳ.

Đánh được vào nhu cầu của cộng đồng để kinh doanh, đó là điều đáng quý nhưng suy cho cùng, thực hiện việc kinh doanh của mình dựa trên những thứ phi quy luật thị trường (như mối quan hệ cá nhân chẳng hạn) cũng như dựa vào sự dễ dãi, thiếu sáng tạo thì chỉ cho thấy rằng các đơn vị sản xuất kiểu ấy đang vô cùng bất lực. Họ sẽ làm giàu được như thế không nếu như họ không có cơ hội quan hệ? Họ sẽ làm giàu được như thế không nếu như họ đi chính trên đôi chân sáng tạo của mình? Chắc chắn là không. Cách họ làm vô cùng dễ dãi, như một công thức rập khuôn: mua một công thức làm chương trình của nước ngoài và Việt hóa nó thành một phiên bản copy, thậm chí copy đến hoàn hảo. Họ không nghĩ được ra một chương trình nào mà ý niệm cơ bản của nó hoàn toàn là một sáng tạo độc lập của người Việt, truyền hình Việt; một sản phẩm họ có thể hãnh diện về bản quyền…

Và trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt với nhau để tranh giành thị phần, họ biến thị trường giải trí Việt thành một điểm tập kết đổ bộ của những show truyền hình có nguồn gốc nước ngoài. Để rồi từ đó, không ít lần, chúng ta phải tranh cãi nhau về những điểm lệch pha văn hóa bởi cách nhìn nhận của người phương Tây và người Việt về một sự việc, hiện tượng bao giờ cũng khác nhau mà khốn khổ thay, để trung thành với công thức đã mua, nhiều lúc họ phải sử dụng những chi tiết lệch pha như thế.

Tại sao chỉ là ca hát và ca hát? Có bao giờ họ đặt ra câu hỏi ấy không? Chẳng lẽ, ngoài ca hát ra, nhu cầu giải trí của người Việt không còn gì khác nữa hay sao? Người già hát, người trẻ hát, thanh niên thi hát, trẻ em thi hát. Người Việt bây giờ chỉ có hát là cách nhanh nhất để nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền chăng? Hay là những người làm truyền hình giải trí họ quan niệm rằng, sóng truyền hình quốc gia là miễn phí, nên cho gì thì khán giả phải dùng nấy. Còn nếu muốn thưởng thức đa dạng hơn, mời khán giả làm quen với truyền hình trả tiền. Vậy thì từ sự bất lực trong sáng tạo của họ, phải chăng đã hình thành sự bất lực của chính khán giả, trong việc phản ứng lại với sự thừa mứa đến phát ngán, và dần dần chấp thuận chúng, như một phần bình thường của đời sống mỗi người.

Nhưng khán giả dù sao cũng chỉ là nạn nhân. Nhà đài cũng bất lực trước cám dỗ quá mạnh của một thị trường dễ dãi được chi phối bởi vài ông trùm truyền thông dễ dãi. Một ví dụ nhỏ, nhưng đáng buồn, là một kênh truyền hình trả tiền mới xuất hiện khoảng 6 - 7 năm nay mới đây đã quyết định dẹp bỏ 3 chương trình không liên quan gì đến hát hò mà các chương trình ấy được sáng tạo ra bởi chính những nhân viên trẻ trung, tâm huyết của họ. Các chương trình đó tồn tại mấy năm nay và rất thu hút khán giả nhưng nó không mang lại lợi nhuận nhiều như những thứ ca hát tầm phào kia. Và thế là họ quyết định khai tử, bất chấp những khán giả trung thành cảm thấy hụt hẫng, bất chấp nỗi buồn đến ngơ ngác của cả một ê kíp trẻ bỗng dưng bị tước đoạt những đứa con mình rứt ruột đẻ ra, để thay thế bằng những thứ hứa hẹn lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Và với cái biện minh "doanh thu-trả lương" cũ rích, họ bỗng dưng luôn nắm trong tay mình chân lý.

Vậy thì cuối cùng, trong chúng ta, có ai là người không bất lực đây? Hay là thôi, cứ hát đi, cho hòa chung vào tiếng của thời đại, một thời đại đầy rẫy sự rập khuôn và dễ dãi…

PGS.TS. Nguyễn Văn Dững (Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Làm kinh tế báo chí - truyền thông cần chú ý đến những hiệu ứng xã hội dài lâu

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Dững, gần đây có ý kiến cho rằng chưa bao giờ khán giả Việt Nam lại đang bị bội thực các cuộc thi hát trên truyền hình đến vậy. Là một người giảng dạy nhiều năm trong lĩnh vực báo chí truyền thông, ông lý giải hiện tượng này như thế nào?

+ Đúng là nhu cầu giải trí của các nhóm công chúng đang ngày một tăng nhanh. Và truyền hình có ưu thế riêng trong đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, quá trình đáp ứng nhu cầu giải trí của nhóm công chúng nào đó, có biểu hiện "chạy" theo trào lưu, thậm chí gây phản cảm và lo âu cho xã hội.

Đã có những năm, các đài truyền hình thi nhau làm gameshow và đã tạo ra sự "thừa thãi", rồi lại nhanh chóng bỏ, không chỉ ở đài địa phương. Có đài truyền hình khoán cho mỗi chương trình gameshow 700 triệu thu về, nếu không đạt mức thu, sẽ tự xóa sổ chương trình. Thậm chí đã có chương trình bị đóng là do đưa ra những thông điệp vi phạm pháp luật, trái với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Mấy năm nay các đài truyền hình lại rộ lên các gameshow thi... hát. Các chương trình này cũng có tác dụng nhất định, nhưng sự phản cảm và hệ lụy cũng không ít. Không chỉ người tham gia, cách tổ chức mà còn ngay cả hội đồng giám khảo có những phát biểu và cách nói năng, ứng xử gây sốc, trên sóng truyền hình mà như trong... quán nhậu, hay trà đá vỉa hè.

- Một đất nước với nhiều người dân yêu văn nghệ hẳn là điều đáng mừng nhưng dường như giờ đây, tình yêu văn nghệ hồn nhiên ấy đã chứa đựng trong đó những toan tính, tham vọng... Và điều đáng lo ngại là những toan tính ấy đã lan xuống cả những trẻ em thưa ông?

+ Tôi cho rằng nhận xét này cũng có thể được nhiều người có hiểu biết, tâm huyết và trách nhiệm xã hội đồng tình. Quá trình đáp ứng nhu cầu giải trí này có thể hướng tới đa mục tiêu. Với xã hội, báo chí góp phần giữ gìn, quảng bá hệ giá trị văn hóa dân tộc và giáo dục nhân cách cho giới trẻ. Với người tham gia chương trình thì tìm kiếm cơ hội thành ca sĩ chuyên nghiệp và nổi tiếng. Với các nhà đài, ngoài mục đích thỏa mãn nhu cầu công chúng như là trách nhiệm xã hội thì chủ yếu nhằm mục đích kinh tế. Đây đều là những mục đích chính đáng trong điều kiện kinh tế thị trường, nhưng không phải tất cả. Bởi nếu không khéo, nếu làm cho công chúng mất niềm tin thì không tiền nào kêu họ quay lại được. Mặt khác, nhà đài có thể thu về mỗi chương trình dăm trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng, nhưng xã hội này có thể phải chi nhiều hơn mà không khắc phục được hậu quả của nó tạo ra. Cho nên làm kinh tế báo chí - truyền thông cần chú ý đến hệ giá trị tư tưởng, văn hóa và những hiệu ứng xã hội dài lâu là thế.

- Truyền hình với chủ trương xã hội hóa đang quá chạy theo lợi nhuận mà chưa chú ý nhiều tới việc phân bổ các chương trình giải trí cho đa dạng, hợp lý và thực sự có ý nghĩa với khán giả trẻ?

+ Chúng ta rất cần tạo sân chơi và thu hút giới trẻ nhưng nên chú trọng mục tiêu giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, góp phần giữ gìn, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc cũng như giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình hội nhập. Có lẽ do chưa có nghiên cứu tổng thể, thiếu hoạch định chiến lược phát triển các trò chơi giải trí cho các nhóm công chúng chưa tạo được chất lượng hay thương hiệu các chương trình nói riêng và truyền hình nói chung. Xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình là xu hướng tất yếu, nhưng khó khăn nhất là kiểm soát chất lượng. Qua theo dõi, có thể thấy rằng, nhiều phương thức truyền thông phổ biến và hiệu quả ở các nước trên thế giới khi được (mua format hoặc bắt chước học theo) áp dụng ở Việt Nam đều có vấn đề và tác dụng, hiệu ứng xã hội ngoài mong đợi nhiều hơn.

- Vậy theo ông, làm thế nào để những gameshow ca nhạc trở về đúng ý nghĩa của nó là nâng cao đời sống tinh thần, tình yêu âm nhạc của người dân?

+ Có lẽ vấn đề này là việc của các nhà đài. Và theo tôi thì các chương trình giải trí trên truyền hình của chúng ta chưa nhiều như nhiều nước trên thế giới, như Thái Lan hay Singapore thôi. Nhưng số chương trình giải trí chất lượng cao, có thương hiệu so với họ thì lại quá ít ỏi. Vì vậy theo tôi, nên chú trọng mấy vấn đề chính sau đây. Một là, nên đa dạng hóa các chương trình giải trí theo hướng đáp ứng nhu cầu của các nhóm công chúng khác nhau. Hai là, nên nghiên cứu để làm các chương trình giải trí có nội dung và hình thức hấp dẫn, bảo đảm yêu cầu giáo dục giá trị, giáo dục nhân cách cho giới trẻ, góp phần giữ gìn hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa. Thứ ba, chú ý kết hợp giữa các vấn đề phân tầng xã hội, phân tầng văn hóa và đa dạng hóa nhu cầu giải trí trong các loại format chương trình gameshow. Thứ tư, những người làm chương trình, nhất là các ban giám khảo luôn nhớ rằng mình là người làm chương trình giải trí và là nhà giáo dục, cho nên trước hết bảo đảm rằng mình là nhà văn hóa. Nếu chưa đủ nền tảng kiến thức, hệ kỹ năng và tính chuyên nghiệp mà đã "hăng hái" sản xuất chương trình thì có lẽ vẫn còn nhiều hiệu ứng ngược. Sản phẩm truyền thông, nhất là các gameshow truyền hình không cho phép "hàng" kém chất lượng.

- Xin cảm ơn ông!

Nhà báo Dương Bình Nguyên, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam - Truyền hình CAND (ANTV): Cuộc giành kéo khán giả khắc nghiệt

Chỉ chưa đầy một thập kỷ, ngành truyền hình Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng và đuổi kịp các xu hướng của truyền hình giải trí thế giới. Sự chuyển hướng nhanh chóng từ talkshow, gameshow sang reality show cho thấy, các nhà sản xuất đã bắt nhịp rất nhanh với nhu cầu của khán giả. Dẫu vậy, tại Việt Nam, các show tìm kiếm tài năng, đặc biệt là ca hát và nhảy múa được ưa chuộng hơn cả. Một là các format này dễ thu hút công chúng, mặt khác, tính cạnh tranh và loại trừ trong các cuộc đua của các tài năng mới dễ tạo được sự tương tác với khán giả. Cùng với sự lan truyền nhanh của mạng xã hội và các kênh truyền thông online, các cuộc thi ca hát vẫn luôn dẫn đầu trong ưu tiên phát sóng của nhiều kênh truyền hình.

Nhưng, nhìn từ thực tế, chỉ số rating của các chương trình truyền hình thực tế như The Voice, Vietnam Idol, The Voice Kids, Bước nhảy hoàn vũ… mùa sau đều thấp hơn mùa đầu tiên. Tất nhiên, cái "đầu tiên" bao giờ cũng được chú ý và kỳ vọng hơn, nhưng đường dài của các show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng tại Việt Nam là không bền. Một phần do lực của nhà sản xuất, phần khác do sức hút tự nhiên của format. Chính vì thế, có những chương trình gây sửng sốt ở những mùa đầu như "Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo"… thì nay đã gần như không còn hiệu ứng. Hoặc các format như "Sao Mai", "Sao Mai - Điểm hẹn", "Ngôi sao tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh"… đã từng tìm kiếm được nhiều ca sỹ tài năng và tạo được hiệu ứng rất lớn trong xã hội, nay dường như đã không còn được quan tâm nhiều. Và chính các nhà sản xuất phải suy nghĩ, họ có nên tiếp tục hay không, nếu tiếp tục thì sẽ thay đổi như thế nào để tăng sức hấp dẫn…

Dẫn giải như vậy, để thấy rằng, cũng giống như cuộc cạnh tranh trên các phương tiện kỹ thuật số, sau cuộc "trưng trổ" về công nghệ hay các format choáng ngợp của nước ngoài, thì truyền hình đang phải cạnh tranh trực tiếp với nhau bằng nội dung. Các cuộc thi ca hát và nhảy múa bị giảm sút mạnh về chỉ số khán giả cho thấy một tín hiệu phản hồi rằng, chúng ta cần thay đổi.

Tại ANTV, là một kênh truyền hình chuyên biệt, ngoài mảng phim truyện thì các format chương trình chuyên biệt về đề tài An ninh như "Hành trình phá án", "Phía sau bản án"… và 10 bản tin mỗi ngày như "An ninh ngày mới", "Nhật ký an ninh", "Thời sự an ninh", "Bản tin 120 giây"… luôn có chỉ số khán giả rất cao. Tất nhiên, chỉ với chỉ số của một kênh truyền hình không đánh giá được cho toàn bộ ngành truyền hình. Nhưng từ góc nhìn này, có thể coi là một dẫn chứng, rằng không chỉ có các cuộc thi ca hát mới gây được sức hấp dẫn. Với các format độc đáo và riêng có, các kênh truyền hình đều có thể thu hút được khán giả. Và muốn làm được điều này, có lẽ lại phải bắt đầu từ một ê kíp sáng tạo do nhà sản xuất lựa chọn. Và cuộc đua về nội dung sẽ là cuộc đua sống còn, trong việc giành kéo khán giả của các kênh truyền hình, vốn ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết…

Giáo sư, Nhạc sĩ Vĩnh Cát (Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội): Chúng ta đang có một nền âm nhạc khập khiễng

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa Giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát, là một nhạc sĩ, một người thầy âm nhạc, lại từng là một nhà quản lý về văn hóa, chứng kiến sự bùng nổ đến thừa thãi của các chương trình thi hát trên sóng truyền hình, tâm trạng của ông thế nào?

+ Trước hết, phải ghi nhận nhà đài trong những năm qua đã có sự cố gắng học hỏi các chương trình âm nhạc ở nước ngoài để đưa lên sóng Việt Nam, theo kịp trào lưu chung của thế giới. Song, vì quá coi trọng chức năng giải trí, nói cách khác, chức năng giải trí được đưa lên hàng đầu, thậm chí là độc tôn nên đã lấn át hầu hết các chức năng cần được coi trọng khác là chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ. Đã có thời kỳ chúng ta coi nhẹ chức năng giải trí của âm nhạc, nhưng theo tôi là có thể thông cảm và "tha thứ" được. Đó là quãng thời gian chúng ta tiến hành hai cuộc kháng chiến và lúc ấy, đó là nhiệm vụ quan trọng sống còn, cho nên chức năng giải trí đã bị xếp lại. Giờ đất nước hòa bình, đổi mới, nhu cầu giải trí được mở rộng, nâng cao là điều đương nhiên, nhưng vẫn phải cân bằng với các chức năng khác. Vì thế tôi không chỉ cảm thấy rất buồn mà còn thấy lo ngại. Cứ đà này không biết nền âm nhạc của chúng ta sẽ đi về đâu?

- Các bạn trẻ ngày nay đang lao như thiêu thân vào các cuộc thi hát để tìm kiếm cơ hội thể hiện mình và nhanh chóng nổi tiếng. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?

+ Nhiều bạn trẻ lựa chọn cách này vì đều muốn "đi tắt", muốn "trốn học" chính quy. Theo tôi đó là hiện tượng tiềm ẩn nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Lựa chọn, mong muốn nổi tiếng bằng cách lao vào các cuộc thi hát, sau đó nhờ công nghệ lăng xê mà nổi tiếng sẽ khiến chính các thí sinh hiểu không đúng về mình, thậm chí là ngộ nhận. Vì thế sẽ rất khó để tiến bộ trong nghệ thuật và không thể đi đường trường được. Tôi đã thấy nhiều em thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi hát ấy được báo chí lăng xê nổi như cồn, nhưng sau đó những cố gắng của họ không nhằm vào chuyên môn mà chỉ là những chuỗi tiểu xảo, mánh khóe trong nghề, kể cả việc lăng xê thì đều là những tiến bộ không chân chính. Một cá nhân thì không thành vấn đề, nhưng nhiều người thì sẽ thành vấn đề mà xã hội cần quan tâm. Nếu không sẽ trở thành "bệnh hoạn" và chính nó sẽ góp phần hủy hoại những giá trị nghệ thuật chân chính.

- Quá nhiều chương trình giải trí bằng âm nhạc và chủ yếu là hát hò còn gây nên một hiện tượng là mất cân bằng trong đời sống âm nhạc hiện nay. Xem ra, âm nhạc đương đại Việt Nam đang chẳng có gì ngoài ca khúc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Đó là điều băn khoăn, trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là đau khổ của tôi. Chúng ta đang có một nền âm nhạc quá "khập khiễng". Nền âm nhạc chỉ toàn ca khúc về những nhu cầu, cảm xúc đời thường, riêng tư thì không thể chứa đựng những tư tưởng lớn mang tầm cỡ thời đại, quốc gia được. Nhưng nghịch lý là: viết ca khúc "ngon ăn" hơn, dễ nổi tiếng hơn lại có tiền hơn, trong khi viết khí nhạc đã khó lại không có bàn tay của "bà đỡ" là chính quyền và chính sách đãi ngộ, không được dàn dựng thì không ai còn muốn làm nữa. Theo tôi, để giải quyết câu chuyện đầy mâu thuẫn này, ngoài việc nâng cao dân trí cho người dân còn phải nâng cao "quan trí" nữa. Chính vì "quan trí" về văn nghệ, đặc biệt là về khí nhạc hiện nay chưa ổn nên không thể cụ thể hóa bằng đường lối, cơ chế, chính sách đối với âm nhạc nói chung và khí nhạc, nhạc giao hưởng nói riêng, trong đó có cả việc hạn chế những chương trình đáp ứng nhu cầu giải trí bằng âm nhạc của số đông công chúng, nhất là công chúng trẻ với những tiếng cười sống sượng, nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt như hiện nay.

- Xin cảm ơn Giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát! 

PV
.
.