Không lẽ có... hai Phùng Quán?

Thứ Tư, 05/02/2014, 08:00
Nhân đọc hai bài viết về nhà thơ Phùng Quán của tác giả Ngô Minh.

Tôi không biết tác giả Ngô Minh thân thiết và hiểu biết về nhà thơ Phùng Quán tới đâu nhưng có lẽ là phải rất gần gũi nên anh mới có nhiều bài viết về Phùng Quán đăng trên sách báo như vậy. Tôi thấy tác giả Ngô Minh kể khá nhiều chi tiết đời tư của tác giả "Vượt Côn Đảo". Hư thực, đúng sai đến đâu còn phải bàn nhưng tôi thấy có một sự việc trong đời Phùng Quán được Ngô Minh cùng kể lại trong cả hai bài viết của mình. Dẫu chỉ là một sự việc nhưng có lẽ nó không hề nhỏ vì đó là chuyện Phùng Quán đi lao động ba năm trên Thái Nguyên vào những năm 1981- 1983 mà tôi biết ngay cả đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa rõ cụ thể và vẫn còn muốn tìm hiểu.

Tuy cùng sự việc nhưng trong hai bài viết của mình, tác giả Ngô Minh lại đưa bạn đọc theo hai tình huống với hai nhận định, quan điểm rất khác nhau. Từ đó có thể khiến người đọc hiểu vấn đề theo hai hướng hoàn toàn khác nhau.

Trong bài viết "Chuyện tình của nhà thơ Phùng Quán - Hương Quân", đăng trên Nghệ thuật mới (phụ trương của Báo Người Hà Nội) số ra tháng 11/2013, trang 26 - 27, về sự việc này, tác giả Ngô Minh kể lại khi biết tin Phùng Quán "quan hệ" với Hương Quân, chị Vũ Bội Trâm - vợ anh Quán có "tìm đến" cơ quan Hương Quân. Và về phía Hương Quân cũng bị lộ, cũng gặp rắc rối chuyện gia đình và Ngô Minh viết: "Trước tình thế ấy, Phùng Quán bàn với Hương Quân đành phải tạm xa nhau một thời gian. Lúc đó cơ quan Bộ Văn hóa đang có trại tăng gia "kế hoạch 3" trên Thái Nguyên. Phùng Quán tình nguyện đi… Ba năm tăng gia ở bên suối Linh Nham vùng núi Thái Nguyên với một cán bộ tên là Hoan…". Ta có thể hiểu việc lên tăng gia Thái Nguyên là sự tự nguyện của Phùng Quán để tránh gặp rắc rối chuyện riêng tư.

Nhưng trước đó, trên tờ Đang Yêu (phụ san của Báo Phụ nữ Thủ đô) số 29  ra tháng 7/2011, trang 10 - 11, trong bài "Phùng Quán - Bội Trâm, tình yêu bất chấp tai ương" thì về sự việc này tác giả Ngô Minh lại viết: "Những năm tháng ấy Phùng Quán thường xuyên đi cải tạo lao động ở các công trường ở Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì… rồi đi tăng gia một mình ở núi rừng Thái Nguyên suốt ba năm liền. Vì phải "phấn đấu cải tạo tốt" nên có khi nửa năm không về gặp vợ con". Đọc đoạn văn trên, bạn đọc thấy ra là Phùng Quán bị "đầy ải" lên Thái nguyên lao động chỉ có một mình.

Vậy có thể hiểu thế nào về cùng một sự việc của một tác giả lại có tình tiết, vấn đề, ý nghĩa hoàn toàn đi theo hai hướng khác nhau? Chắc hẳn tôi cũng như nhiều bạn đọc khác mong một sự giải thích về sự việc trong nội dung bài viết của mình của tác giả Ngô Minh.

Nhân đây tôi cũng muốn trao đổi thêm với tác giả Ngô Minh về một số từ ngữ mà có lẽ anh đã quá "đà" khi nói về những mối tình thực ra là hoàn toàn bình thường của Phùng Quán. Như khi anh gọi mối tình giữa Phùng Quán với chị Vũ Bội Trâm là "mối tình vĩ đại" (trong bài về "Chuyện tình của nhà thơ Phùng Quán - Hương Quân"), thậm chí nói về mối tình "ngoài luồng" giữa Phùng Quán với Hương Quân, một mối tình mà thông thường mọi người phải giấu kín vì đạo đức người Việt thường lên án gay gắt thì Ngô Minh lại gọi đó là MỐI TÌNH VIẾT HOA (chữ viết hoa của Ngô Minh trong bài " Chuyện tình của nhà thơ Phùng Quán - Hương Quân"). Theo tôi, dùng từ ngữ như vậy có phần… ngoa ngôn

Nguyễn Hữu Nhân (Xuân 2014)
.
.