Không gian nào cho trẻ thơ?

Thứ Năm, 02/06/2016, 14:55
Nhiều năm trở lại đây, chúng ta vẫn thường nói với nhau về việc phát triển, cải thiện các thế hệ tương lai của nòi giống. Nhiều chương trình đã được đề cập tới, từ thay đổi chế độ dinh dưỡng cho tới cải thiện môi trường giáo dục và thậm chí có những chương trình đã đi vào hoạt động được một thời gian, mang lại những hiệu quả nhất định...


Chúng ta mừng vui khi bắt đầu nhìn thấy trẻ em hôm nay có chiều cao hơn, có thể chất tốt hơn, cập nhật hơn với công nghệ. Song, chúng ta vẫn sống bên cạnh những băn khoăn lớn, đặc biệt là những băn khoăn về kỹ năng sống, thứ vô cùng thiết yếu để đứa trẻ có thể trưởng thành một cách độc lập và vững vàng trong xã hội hiện đại.

Và càng sống ở thành thị, những đứa trẻ càng có nguy cơ thiếu kỹ năng sống, bị béo phì và thiếu năng động hơn. Vấn đề đó đơn giản đến từ chính không gian hoạt động cho trẻ thơ đang ngày một bị thu hẹp dần trong sự thiếu quan tâm của người lớn.

Hãy thử bỏ ra một ngày để đi quanh khu nội đô Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng có rất nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở gần như không có đủ không gian mở cho học sinh hoạt động ở giờ ra chơi.

Mỗi một ngày đi học, thực sự trẻ gắn bó với phòng học nhiều hơn và chỉ có thời gian giải lao rất ngắn. Vậy mà trong khoảng thời gian rất ngắn đó, sân chơi lại không đáp ứng được so với lượng học sinh. Chính điều đó đã khiến trẻ tập thành một thói quen ít hoạt động, thụ động từ vô thức. Và chúng ta sẽ cảm thấy âu lo thực sự khi nhận ra rằng học sinh hiện nay gần như không có điều kiện để chơi thể thao một cách thường xuyên, đủ để giúp chúng trưởng thành một cách cân bằng.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Nếu nhìn những đứa trẻ ở bậc tiểu học hôm nay, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng chúng vụng về hơn, kém linh hoạt hơn về thể chất so với thế hệ chúng ta trước đây. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi ở những thập niên trước, khi đô thị hoá vẫn chưa mạnh mẽ, không gian mở ở đô thị luôn sẵn có cho trẻ em vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao.

Còn hôm nay, sự phát triển chóng mặt đã khiến đô thị không còn an toàn cho trẻ em nữa. Hơn thế, sự đông đúc của giao thông đô thị đã khiến không phụ huynh nào dám để con mình chơi với chúng bạn trên lề đường hay vườn hoa, nơi chúng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của những tai nạn được gây ra bởi sự cẩu thả, thiếu ý thức của người lớn. Trẻ em trở thành tù nhân trong chính căn nhà của mình, với những thú giải trí có thể tạo nên các tác hại về nhãn khoa hoặc hệ thần kinh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay…

Trong khi đó, những học sinh con nhà giàu lại được hưởng những không gian học tập và sinh hoạt lý tưởng như tiêu chuẩn quốc tế ở các ngôi trường sang trọng, đắt tiền. Những ngôi trường ấy có đầy đủ, từ hồ bơi cho tới sân bóng rổ, từ sân bóng đá cho tới sân cầu lông và lũ trẻ mặc sức vẫy vùng ở đó sau giờ học.

Và đó chính là sự hình thành khoảng cách xã hội giữa chính những đứa trẻ với nhau, thứ khoảng cách được tạo ra bởi chính khoảng cách giàu nghèo, bởi sự phân hoá tầng lớp giữa các bậc phụ huynh. Và nó như một vòng quay không lối thoát.

Con nhà giàu sẽ lớn lên cân bằng, khoẻ mạnh, đầy đủ trí lực trong khi con nhà trung lưu sẽ chỉ biết học và thụ động trong hoạt động thể chất. Còn lại, con nhà nghèo, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì có được sự linh hoạt thể chất do điều kiện sống nhưng lại thiếu sự giáo dục chu đáo kèm theo thiếu cả những dinh dưỡng cần thiết để phát triển.

Để giải quyết vấn đề này không thể ngày một ngày hai và nó yêu cầu huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Đơn giản, quỹ đất để xây dựng trường học đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho học sinh được chơi thể thao, hoạt động thể chất không hề dư thừa.

Và giả sử nhà nước có kiên quyết, mạnh tay thu hồi đất đai để tạo điều kiện xây những trường học đạt chuẩn như thế đi nữa, ngành giáo dục cũng cần rất nhiều vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo dưỡng duy tu các hạng mục đã được xây dựng. Đó là còn chưa kể đến vấn đề quy hoạch, vấn đề nhức nhối nhất hiện thời và vẫn còn gần như hoàn toàn bế tắc trong việc tìm hướng giải quyết.

Cách duy nhất để tạm thời xử trí lúc này chỉ là sự chủ động của phụ huynh mà thôi. Dành thời gian thêm để đưa con mình tham gia các hoạt động thể chất ở các trung tâm chuyên biệt (như các lớp dạy thể thao, các học kỳ quân đội…) là phương án tối ưu duy nhất lúc này. Phụ huynh nào mà chẳng sốt ruột về sự phát triển của con cái. Song, cái cần là chính những người có trách nhiệm điều hành phải có trách nhiệm với các thế hệ tương lai, khi chính chúng là tài sản lớn nhất của quốc gia và dân tộc.

Hà Quang Minh
.
.