Không được im lặng trước tiêu cực

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:27
"Sếp Thanh" bị vạch mặt, những tiêu cực của "sếp" bị phanh phui, thể nào nhân viên trong Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam cũng như cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Công thương cũng xôn xao bình luận giống như những bình luận về những vụ việc đã từng xảy ra trước đó, đại thể như: "Những việc làm của tay này tôi lạ gì, toàn chuyện khuất tất, cậy tiền, cậy thế bày đặt lắm trò, nay bị bắt chẳng oan, chết là phải…";  "đúng là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt"…


Ngày 18-7-2016, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 1578-CV/VPTW, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận số 89-TB/UBKTTW, ngày 11-7-2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ có sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm như nêu tại Thông báo kết luận; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương…

Khi báo chí đưa tin, lên án mạnh mẽ việc ông Trịnh Xuân Thanh với hàng loạt sai phạm trong quản lý kinh tế gây thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng khi làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam không bị xử lý trách nhiệm mà còn được cất nhắc làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương rồi Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, tiếp đó ông Thanh lại được luân chuyển về tỉnh Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, được giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, dư luận xã hội dậy sóng với nhiều bình luận: "Ông Thanh không có chỗ tựa lưng thì làm sao thoát được tội chứ chẳng nói tới chuyện leo cao, chui sâu"; "Chúng ta có cả một hệ thống tổ chức, quản lý nhưng con voi vẫn chui lọt lỗ kim"…

Ngày 18-7-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có ý kiến chỉ đạo những việc mà các cơ quan chức năng cần làm ngay sau khi có Thông báo kết luận số 89-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi theo dõi các bài viết trên báo chí về việc này đã phải bức xúc thốt lên: "Tại sao cả một hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền của Bộ Công thương như thế mà công tác tổ chức cán bộ lại có thể tùy nghi, tùy tiện đến thế?".

"Sếp Thanh" bị vạch mặt, những tiêu cực của "sếp" bị phanh phui, thể nào nhân viên trong Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam cũng như cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Công thương cũng xôn xao bình luận giống như những bình luận về những vụ việc đã từng xảy ra trước đó, đại thể như: "Những việc làm của tay này tôi lạ gì, toàn chuyện khuất tất, cậy tiền, cậy thế bày đặt lắm trò, nay bị bắt chẳng oan, chết là phải…";  "đúng là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt"…

Việt thất thoát 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam chắc chắn lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam biết, cán bộ, nhân viên trong Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam biết nhưng không ai ngăn chặn, không ai lên tiếng phê phán lấy nửa lời để lỗi lầm, sai phạm của các đồng chí, đồng nghiệp ngày càng lớn, rồi trượt dài vào vòng tội lỗi.

Thực tế qua nhiều vụ án vi phạm về kinh tế, tham nhũng, nhiều cán bộ, nhân viên cơ quan biết rõ lãnh đạo của mình cửa quyền, có tham nhũng, có nhận hối lộ, có sách nhiễu cấp dưới, sách nhiễu dân, thậm chí có bồ bịch… nhưng họ chỉ dám xì xào to nhỏ, ấm ức tâm sự khi ngồi riêng với nhau lúc uống chén trà, ly rượu.

Tóm lại, mọi việc nhất cử nhất động của thủ trưởng, cán bộ, công chức, nhân viên trong từng cơ quan, đơn vị ít nhiều đều nắm rõ. Điều đáng nói là, trong các cuộc họp chi bộ, công đoàn, trong các buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng không thấy ai nói ra những gì mình biết, tất cả đều im lặng, im lặng cho đến ngày, đến giờ vụ việc vỡ lở, người này bị bắt, người kia bị khởi tố, khi ấy trong cơ quan mới râm ran, thi nhau soi mói, bàn tán, nói xấu, kể ra vô số tội lỗi mà những người vi phạm đã mắc phải.

Biết rõ thủ trưởng vô tài, kém đức, nhưng khi đánh giá cán bộ vào mỗi dịp tổng kết năm vẫn bỏ phiếu xuất sắc, vẫn tín nhiệm, vẫn im lặng ủng hộ. Vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Câu trả lời thường là: Nói ra không khéo còn bị thù, bị ghét, lợi chưa thấy đâu, đã thấy họa; thân ai người nấy lo, ai làm thì người đó phải chịu; tốt nhất là im cho nó lành…

Qua sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta mới thấy sự im lặng đáng sợ nhường nào khi biết sai trái mà không dám nói thì sẽ trở thành một ẩn họa khôn lường cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội. Nói cách khác, khi người tốt im lặng trước cái xấu, cái ác là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự băng hoại những giá trị tinh thần.

Một lời góp ý thẳng thắn, chân thành bao giờ cũng xuất phát từ mong muốn giúp người khác tiến bộ, ngoài việc chỉ ra những sai sót, chỗ chưa được để người nhận góp ý tỉnh ngộ, sửa đổi theo những ý kiến đóng góp đúng đắn, khắc phục ngay thì những lỗi lầm sẽ không trở thành tội lỗi và chắc chắn ông Trịnh Xuân Thanh sẽ không có kết cục buồn như ngày hôm nay.

Cù Tất Dũng ( Ban Nội chính Trung ương)
.
.