Khôi phục niềm tin

Thứ Năm, 25/01/2018, 08:05
2017 đã qua, 2018 đã tới. nhìn lại một năm đã qua người Việt Nam có cảm xúc tươi vui, Chính phủ thì: "Một năm tăng trưởng", cử tri thì: "Năm khôi phục niềm tin".


Nhìn về một chút, từ năm 2000, Quốc hội Việt Nam đã nhận diện tham nhũng: "Tham nhũng là quốc nạn đe dọa sự tồn vong của đất nước". Sau thời gian chuẩn bị, đến năm 2005, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật phòng chống tham nhũng và năm 2006 chính thức có hiệu lực.

Còn nhớ, năm 2016 kết thúc Quốc hội 13, những đại biểu tâm huyết đã lo lắng trút bầu tâm sự cho thực trạng tham nhũng đã thành phổ biến, càng chống lại càng phức tạp. Đảng đã lắng nghe và thấu hiểu. Đại hội XII của Đảng đã nhận thanh kiếm pháp lý chống tham nhũng về mình mà đốc kiếm nắm trong tay Tổng Bí thư thì những vụ đại án mới được phanh phui và lò đã reo lửa, củi nào cũng sẽ phải cháy để sinh ra nhiệt...

2017, năm của thiên tai, song Chính phủ hành động vẫn chèo lái nền kinh tế tăng trưởng vượt dự kiến. Kế hoạch đề ra, phấn đấu năm 2017 tăng trưởng 6,28%, nhưng đã đạt 6,81%, riêng nông nghiệp tăng 2,9 %. Phân tích lý do nông nghiệp tăng trưởng, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải thích là đầu năm thời tiết có bất lợi, nhưng sau đó rất thuận lợi và bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, cho hiệu quả kinh tế cao.

Công cuộc phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã được triển khai quyết liệt trong năm qua, tạo niềm tin lớn trong nhân dân.

Con người Việt Nam thân thiện, sống khiêm nhường, thông minh, chịu thương chịu khó, có tài về tổ chức sự kiện mà minh chứng là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 thành công, nâng Việt Nam lên vị thế cao hơn về niềm tin yêu của bè bạn thế giới.

Nghe thì vui nhưng cử tri vẫn không khỏi băn khoăn khi nghe Tổng cục Khí tượng thuỷ văn tổng kết thời tiết năm 2017 rất đặc biệt, 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, đầu năm hạn hán nghiêm trọng tại miền Trung, giữa năm mưa lũ kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng các tỉnh miền núi phía Bắc, cuối năm cơn bão 12 làm 106 người chết, 25 người mất tích, phá tan 4 đập thủy điện, hàng triệu ao đầm, thùng nuôi tôm các của bà con Trung, Nam bộ một chốc đã trắng tay, hàng triệu người khốn đốn, thiệt hại không sao tính hết. Vậy cơ sở nào đánh giá tăng trưởng khi mà mức sống của hàng chục triệu người dân thực tế bị ảnh hưởng, khó khăn hơn?

Còn nhiều tin khác: hải sản xuất sang châu Âu bị phất cờ vàng về chất lượng, thép Việt Nam bị vạch chéo ở Mỹ vì sử dụng nguyên liệu Trung Quốc. Thuế, Hải quan còn thất thoát khôn lường, việc đưa khai thác cát vào quy củ thì giá cát tăng đột biến. Biên chế vẫn phình to, nợ công còn rất lớn. Cũng theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động Việt Nam quá thấp so khu vực, càng quá thấp so thế giới mà năm 2017 không cải thiện là bao.

Vậy ngoài nguyên nhân Chính phủ hành động, các công ty nước ngoài tăng vốn, chuyển đổi nông nghiệp kịp thời cho hiệu quả, còn nguyên nào khác dẫn đến tăng trưởng? Có hay không do chống tham nhũng, chống lãng phí đã hiệu quả?

Chúng ta đang quyết tâm chống tham nhũng. Tin rằng, cuộc chiến sẽ thành công vì dân ta yêu nước, có Đảng lãnh đạo, đấy là gốc rễ của ổn định, chính trị ổn định, lực lượng lao động phổ thông dồi dào nên các nhà kinh doanh mạnh dạn tăng vốn đầu tư, nhưng chỉ lớn so với cái cũ của ta mà thôi. Việc tinh giảm bộ máy chưa nhúc nhích, cuộc sống quanh ta mà nông dân, đội quân đông đảo vẫn là khó khăn vất vả nhất.

Muốn sống trọn niềm tin phải lấy lại kỷ cương phép nước. Cử tri tin vào kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương ngày 11-10-2017 phải "Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng. Cương quyết loại bỏ những người tham nhũng ra khỏi bộ máy".

Đó sẽ là hành động của Đảng, của tộc Việt Nam năm 2018.

Vũ Thế Thược
.
.