Khoảng tối phía sau tác phẩm nhạy cảm

Thứ Sáu, 01/06/2018, 08:40
Người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng đã lên tiếng tố cáo hoạ sĩ NL có hành vi hiếp dâm, khi cả hai đang hợp tác thực hiện một tác phẩm body painting. 


Nơi tiếp nhận nghi án là Công an quận 10 - TP Hồ Chí Minh đã có những biện pháp nghiệp vụ ban đầu như xác định hiện trường và đưa nạn nhân đi giám định pháp y.

Dư luận đã dậy sóng với nhiều góc độ hỉ nộ khác nhau, bởi lẽ show biz vừa trải qua scandal quấy rối tình dục của ca sĩ Phạm Anh Khoa, bây giờ lại phát sinh thêm một trường hợp mới, trắng trợn hơn và nhức nhối hơn!

Body painting là nghệ thuật vẽ trên cơ thể. Dù đã hình thành từ phương Tây rất lâu, nhưng body painting vẫn còn khá mới mẻ với người Việt. Thậm chí, với một bộ phận công chúng, loại hình trình diễn này có chút gì hơi mang tính xác thịt.

So với chụp ảnh khoả thân thì body painting cũng nhạy cảm không kém, vì sự tiếp xúc gần gũi giữa hoạ sĩ và người mẫu. Để có một tác phẩm body painting thật sự, không đơn giản chút nào. Ý tưởng của hoạ sĩ và những đường cong của người mẫu phải kết hợp khéo léo để tạo ra một giá trị thẩm mỹ.

Hiện trường một cuộc sáng tác body painting!

Tác phẩm body painting không thể trưng bày như một bức tranh sống động để chiêm ngưỡng trực tiếp, mà chỉ được lưu lại bằng hình ảnh hoặc video. Để làm người mẫu body painting phải chấp nhận ngồi yên hoặc nằm yên trong tư thế không quần áo che chắn trong một thời gian dài, rất mỏi mệt và rất căng thẳng. Đã có nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới show biz làm người mẫu body painting cho những dự án từ thiện như Hồng Ánh, Vân Trang, Phương Trinh…

Sở dĩ cần nói qua  như vậy để thấy rằng hoạ sĩ muốn tìm người mẫu cho đam mê sáng tác body painting không dễ dàng gì. Nếu quá trình bắt tay nhau nhân danh nghệ thuật mà xảy ra hành vi đồi bại giữa hoạ sĩ với người mẫu, thì khó nhận được sự thông cảm của đám đông.

Người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng năm nay 24 tuổi, đang làm mẹ đơn thân của một bé trai 5 tuổi. Cuộc sống của một phụ nữ quê Tiền Giang xuôi ngược mưu sinh để nuôi con ở chốn đô thị, là một điều đáng sẻ chia và ủng hộ. Nguyễn Thị Kim Phượng là một người mẫu chuyên chụp ảnh khoả thân, một nghề không phải ai cũng thấu hiểu nhưng không có gì để định kiến hoặc chê bai.

Người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng công khai danh tính để tố cáo hoạ sĩ NL, chứng tỏ chị đã gánh chịu nhiều uất ức, không thể không lên tiếng. Bức tâm thư mà người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng công bố trên trang cá nhân rất lủng củng, càng cho thấy chị không có nhiều cơ hội học hành, phải dấn thân vào chốn thị phi để tồn tại rất cay cực.

Ngược lại, hoạ sĩ NL năm nay 39 tuổi, được xem như gương mặt tiên phong trong trào lưu body painting. Họa sĩ NL từng có những phát biểu rất hùng hồn, rất tâm huyết về những tác phẩm vẽ trên cơ thể: "Khi tiếp xúc với người mẫu, tôi không phủ nhận sự cảm nhận bản năng. Nhưng cảm giác đó sẽ đi qua rất nhanh khi bắt tay vào công việc. Màu sắc, đường nét và những ý tưởng thể hiện lên người mẫu làm tôi bị cuốn theo. Tôi chỉ còn lại cảm giác mình đang vẽ. Nếu người họa sĩ không vượt qua được cảm xúc bản năng thì anh ta sẽ không thể cầm nổi cây cọ chứ đừng nói là vẽ lên đó bất kỳ hình gì.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhiều người sợ dư luận ném đá, kiểu như "tiếp xúc gần gũi như thế, chẳng có gã họa sĩ và cô người mẫu nào không nảy sinh chuyện tình cảm trai gái". Bởi body painting không chỉ sử dụng cọ vẽ, đôi khi người nghệ sĩ trực tiếp vẽ trên cơ thể mẫu bằng chính ngón tay của mình. Theo tôi, sự sợ hãi đến không dám thử nghiệm vì những quan niệm như thế thật tào lao.

Thực tế, một dự án body painting lúc nào cũng có ít nhất bốn người: họa sĩ, thợ trang điểm, mẫu và nhiếp ảnh. Có thể trong quá trình làm việc, người này, người kia nảy sinh những cảm xúc khác lạ, nhưng trong môi trường tập thể họ biết quên nó đi vì công việc chung. Khi làm việc, tôi thường không để đầu mình nghĩ đến những chuyện khác…".

Ở đời, lời nói và hành động lắm khi trùng khớp mà lắm khi cũng như hai đường thẳng song song. Dù người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng ngấn lệ ngắn dài nêu đích danh mình, thì hoạ sĩ NL cũng lạnh lùng im lặng. Đó là cách tự vệ khôn khéo chăng?

Chưa chắc, nếu anh tôn trọng người hợp tác và có sự tự trọng cần thiết, thì phải đối diện với thị phi để làm rõ trắng đen. Nếu hoạ sĩ NL hoàn toàn trong sáng và không hề làm gì sai trái, thì anh ta cần phải nói rõ ràng, để cứu lấy một quan hệ người mẫu - hoạ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật, đồng thời bảo vệ body painting đang chấp chới giữa nhiều nghi ngại của công chúng.

Đâu rồi, cái khao khát cháy bỏng mà ngày nào hoạ sĩ NL ngạo nghễ thuyết giảng trước người yêu cái đẹp: "Tôi thấy rất tiếc khi ở Việt Nam rất nhiều người biết vẽ và vẽ đẹp nhưng không thử nghiệm với một chất liệu mới là cơ thể con người.

Một vài nghệ sĩ body painting được coi là có tiếng, theo tôi biết, họ vốn là thợ trang điểm. Cái nhìn và những nét vẽ của họ không thể mạnh mẽ như dân học mỹ thuật chính thống. Nếu có thêm nhiều họa sĩ làm body painting, tôi tin hội họa Việt Nam đương đại sẽ phát triển với tốc độ nhanh".

Trong đơn tố cáo, người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng kể rất chi tiết rằng, hoạ sĩ NL đã chở cô vào khách sạn Tường Vy nằm trên đường Trần Thiện Chánh - quận 10, TP Hồ Chí Minh để chụp vài kiểu ảnh chuẩn bị cho ý tưởng body painting. Thế nhưng, diễn biến bất ngờ và éo le "anh ta bảo tôi nằm trên giường để lấy góc nằm và phác thảo.

Lúc tôi nằm sấp trên giường cầm phone bấm thì anh ta có va chạm và tôi chỉ nghĩ anh đang phác thảo trước trên lưng và xung quanh ở dáng nằm. Đột nhiên anh ta khum người hôn vào vùng kín của tôi, lúc đấy tôi mới giật mình bật ngồi dậy và bảo nhiêu đây đủ rồi em mặc áo chở em về. Thì anh ta đè người tôi xuống và khống chế thực hiện hành vi cưỡng bức.

Tôi có la, có vùng vẫy nhưng không đủ sức để chống cự và đã bị cưỡng hiếp". Sự thật ê chề đến mức ấy chăng? Một phút giây hoạ sĩ NL không làm chủ được chính mình, hay đó là một kế hoạch xâm hại đã được dàn dựng hợp lý?

Nếu nhân danh nghệ thuật để thoả mãn nhục dục thì hành vi của hoạ sĩ NL đáng chê trách một phần. Nếu dùng cách xác định người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng chuyên làm mẫu khoả thân và đang túng thiếu về vật chất, để ngang nhiên cưỡng đoạt thì hành vi của hoạ sĩ NL đáng chê trách mười phần. Thuê người mẫu để vẽ, khác hoàn toàn với thuê người mẫu để thoả mãn thèm khát giới tính! Tình dục là một nhu cầu tự nguyện, chứ không thể thực hiện bằng sự khống chế và sự khinh miệt đối tượng.

Hoạ sĩ NL cách đây không lâu từng chia sẻ câu chuyện rất lý thú về body painting: "Khi ở Philippines, tôi có vẽ cho một cô người mẫu Mỹ. Cô ấy đến và dắt theo cả bạn trai. Trong lúc đó, nguyên cả êkíp chụp hình và trang điểm của chúng tôi gồm 7 người toàn là đàn ông. Cô ấy muốn mọi người phải ra ngoài chỉ còn tôi và cô để dễ làm việc. Tôi tỏ vẻ ái ngại và nói, anh người yêu có thể ở lại. Nhưng cô ấy nhất quyết không chịu.

Tôi cứ nghĩ anh ta sẽ giận dỗi hoặc rất khó chịu. Nhưng sau khi vẽ xong, anh ta nhìn người yêu và trầm trồ khen ngợi. Sau đó, anh bắt tay tôi và cảm ơn rối rít. Anh còn xin số điện thoại và đề nghị tôi vẽ thêm cho cô ấy một vài kiểu nữa vào ngày hôm sau. Thái độ đó khiến tôi phải ngẫm nghĩ hoài về sự trân trọng nghệ thuật trong văn hóa ứng xử của họ".

Đành rằng, chứng cứ để người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng tố cáo hoạ sĩ NL rất mong manh, nhưng việc nào người đã làm thì không chỉ có trời đất biết mà chính họ cũng biết. Hơn nữa, dù không có nhân chứng và cũng không có camera ghi hình, nhưng những dấu vết trầy xước trong quá trình kháng cự hoặc trong móng tay nạn nhân còn dính lại tế bào da của người hiếp dâm, thì qua giám định AND vẫn có thể định tội thủ phạm đấy!

Tuy Hòa
.
.