Khi trẻ em gồng mình hát ca khúc người lớn

Thứ Năm, 26/03/2015, 08:00
Câu chuyện về học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) đồng thanh hát bài hát "Chắc ai đó sẽ về" - một bản hit của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong buổi sinh hoạt ngoại khóa thời gian gần đây khiến nhiều nhà quản lý "nóng mặt". Không ít người đặt câu hỏi, vì sao một bài hát trung tính, không hay cũng không dở như "Chắc ai đó sẽ về" lại có thể len lỏi vào tận học sinh tiểu học?

Sẽ còn nhiều tranh cãi về vấn đề này nhưng theo tôi, một thực tế không thể phủ nhận là thị trường ca khúc dành cho thiếu nhi đang thiếu, thậm chí "khủng hoảng" trầm trọng. Không có ca khúc mới, thiếu ca khúc hay thì các em hát "Chắc ai đó sẽ về" hẳn cũng là điều dễ hiểu...

Đào mãi cũng không tìm ra ca khúc mới

Không chỉ có ca khúc "Chắc ai đó sẽ về", nhiều ca khúc khác của Sơn Tùng M-TP như "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần"…. rất được thiếu nhi yêu thích. Có lẽ với nền nhạc sôi động, giai điệu dễ nghe và ca từ dễ nhớ, dễ thuộc, những sáng tác của Sơn Tùng rất thu hút người nghe.

Tôi được biết, có em thiếu nhi dù không biết chữ nhưng vẫn có thể hát karaoke bài hát "Cơn mưa ngang qua" đúng nhạc, đúng lời, "chuẩn không cần chỉnh". So với học sinh tiểu học hát "Chắc ai đó sẽ về" thì em thiếu nhi này đúng là "không phải dạng vừa đâu".

Một thực tế đáng buồn là thiếu nhi dường như không mấy mặn mà với những ca khúc dành cho chính mình. Điều này cũng dễ hiểu bởi "hệ thống" ca khúc cho thiếu nhi không xuất hiện "nhân tố mới" trong khi ca khúc cũ dù hay đến mấy nếu được sử dụng nhiều cũng tạo cảm giác nhàm chán.

Còn nhớ, trong chương trình "Giai điệu tự hào" về chủ đề ca khúc thiếu nhi của một thời, có nhà báo đã thốt lên rằng, "trẻ con Việt ngày nay không có bài hát mới nào cả". Hiện nay, những ca khúc dành cho thiếu nhi phần lớn là những bài hát được xếp vào hạng "lão". Tập hợp những ca khúc hay cho thiếu nhi là hàng "hiếm" trên thị trường.

Theo những gì tôi được biết thì chỉ có Tuyển tập "50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20" do Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn vào năm 2010. Hiện có khoảng 100 bài hát viết trước năm 2000 được đưa vào chương trình sách giáo khoa âm nhạc giảng dạy tại các cấp học.

Vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi được coi là cách làm hiệu quả để tìm kiếm ca khúc mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, những cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi những năm gần đây không mang lại kết quả tích cực. Khi chương trình "The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí" mùa thứ nhất lên sóng, Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi với mong muốn có thêm những ca khúc hay cho các em nhỏ.

Thiện Nhân - quán quân "Giọng hát Việt nhí 2014" với ca khúc "Mẹ yêu con" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Theo thống kê, sau 6 tháng phát động, Ban Tổ chức chỉ nhận được 49 ca khúc của 12 tác giả và điều đáng buồn là, tất cả các ca khúc đều không đạt chất lượng như mong muốn. Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam 2011 nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi. Cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi do Trung tâm Văn hóa TP HCM phối hợp với Nhà thiếu nhi TP HCM, Công ty Maseco tổ chức năm 2010 nhận được gần 600 tác phẩm của 248 tác giả. Những giải thưởng cao nhất cũng đã được trao nhưng không hiểu vì sao, rất ít ca khúc được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và "sống" được với thị trường.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, "kho bài hát thiếu nhi xưa cũ, nội dung lời ca, âm nhạc không cập nhật phù hợp với thiếu nhi hiện nay, nói chung là vừa thiếu, vừa yếu. Có lẽ chính vì vậy mà thiếu nhi tìm đến một nguồn khác - nhạc người lớn, nhạc ngoại".

Trẻ em "gồng mình" hát ca khúc người lớn

Những năm gần đây, xu hướng "nhí hóa" những chương trình truyền hình thực tế nở rộ trên các cánh sóng. Trong làn sóng đó, những chương trình ca hát dành cho thiếu nhi cũng xuất hiện khá ồ ạt, nổi bật là "The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí" và "Đồ rê mí". Quan tâm, theo dõi chương trình lên sóng từ những mùa đầu tiên, tôi thấy rằng, cả hai chương trình này đều được "người lớn hóa".

Nếu những mùa đầu tiên, "Đồ rê mí" là "điểm hẹn" cho các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi mỗi tối chủ nhật hằng tuần thì đến mùa giải 2014, sức hấp dẫn của chương trình đã "giảm nhiệt" đáng kể. Từ việc chỉ thuần túy sử dụng ca khúc cho thiếu nhi, cách dàn dựng sân khấu phù hợp với lứa tuổi thì giờ đây, sân chơi này đã được dàn dựng, "nhào nặn" theo ý đồ của người lớn. Những ca khúc người lớn được sử dụng thông qua màn trình diễn chung giữa thí sinh nhí và khách mời là ca sĩ nổi tiếng.

Để "cạnh tranh" với "Đồ rê mí" lên sóng cùng thời điểm, "The Voice Kids" dường như nói "không" với ca khúc thiếu nhi. Màn biểu diễn của thí sinh trên sân khấu "The Voice Kids" luôn làm người xem cảm thấy "nghẹt thở" và tội nghiệp. Những cô bé, cậu bé vẫn còn run khi đứng trước hàng ngàn khán giả đã phải gồng mình hát ca khúc mà phải nhiều năm sau nữa các em mới có thể hiểu hết ca từ của bài hát. Làm sao các em hiểu được hết ý nghĩa của "Mẹ yêu con", "Cát bụi" hay "Giai điệu Tổ quốc", "Làng lúa làng hoa"… Đó là những tâm hồn hát hay "cái máy", "công cụ" để truyền tải ý đồ nghệ thuật của huấn luyện viên?

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh cậu bé Hữu Đại (thí sinh dự thi The Voice Kid mùa thứ nhất) gân cổ lên hát "Vết chân tròn trên cát". Một cậu bé tiểu học làm sao hiểu được tâm trạng của "anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương"? Nhiều em khi tham gia các show truyền hình thực tế đã phải "lớn" trước tuổi, hát những bài hát không phù hợp, hát tiếng Anh trong khi tiếng Việt còn chưa "sõi", phải đối mặt với thị phi quá lớn từ showbiz.

Cần một "cú hích" trong sáng tác ca khúc cho thiếu nhi

Theo quan sát của tôi thì việc quảng bá các ca khúc thiếu nhi hiện đang rất "hổng". Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo giới, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện từng cho biết, "hàng trăm cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi từ trước tới nay chỉ như "gió vào nhà trống" bởi sau sáng tác, trao giải thì không hề có một cuộc tuyên truyền nào. Với cách quảng bá nửa vời như vậy, những ca khúc đoạt giải sẽ nhanh chóng bị lãng quên". Hai kênh quảng bá ca khúc hiệu quả nhất là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng không có nhiều chương trình chuyên biệt về ca khúc cho thiếu nhi.

Nếu VTV có "Đồ rê mí" lên sóng vào dịp hè hằng năm thì VOV có "Em yêu làn điệu dân ca", "Kể chuyện bài hát em yêu", "Sinh hoạt âm nhạc thiếu nhi"… "Đất" để quảng bá âm nhạc thiếu nhi không nhiều, cộng với đó là chất lượng chương trình chưa thực sự hấp dẫn nên không thu hút được số lượng lớn khán giả quan tâm theo dõi.

Ngoài ra, những chương trình liên hoan ca múa nhạc cho các nhà văn hóa thiếu nhi trên toàn quốc như "Búp sen hồng", "Liên hoan tiếng hát thiếu nhi" cũng rất "im hơi lặng tiếng". Báo chí dành cho thiếu nhi như Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng, Khăn quàng đỏ… hiện cũng không còn cho đăng tải, giới thiệu những ca khúc thiếu nhi như những năm trước.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm ca khúc thiếu nhi là các nhạc sĩ trẻ không mấy "mặn mà" với mảng đề tài này. Những nhạc sĩ tâm huyết, đã sáng tác được nhiều ca khúc hay cho thiếu nhi hiện đã có tuổi, khó cập nhật xu hướng mới trong khi nhạc sĩ trẻ lại không toàn tâm toàn ý sáng tác cho các em nhỏ.

Trong thị trường âm nhạc hiện nay, có lẽ rất khó để tạo dựng tên tuổi bằng việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Với nhạc sĩ trẻ, sáng tác ca khúc theo "đơn đặt hàng" của ca sĩ là ưu tiên số 1 vì đó cũng là kênh để quảng bá ca khúc hiệu quả, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ trẻ cũng thiếu kinh nghiệm viết cho thiếu nhi nên ca khúc mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ. Đây là nguyên nhân mà nhạc sĩ trẻ ngại viết cho thiếu nhi.

Tôi cho rằng, âm nhạc dành cho thiếu nhi có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách của trẻ em. Những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, trong sáng sẽ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các em trong suốt quá trình phát triển sau này. Sẽ là điều rất đáng tiếc nếu các em không được hát những ca khúc theo đúng lứa tuổi của mình.

Đã đến lúc phải đầu tư một cách nghiêm túc để có thêm những ca khúc thiếu nhi chất lượng. Điều quan trọng nhất là phải động viên, khích lệ được lớp nhạc sĩ trẻ, kể cả những nhạc sĩ không chuyên quan tâm đến mảng đề tài này. Bên cạnh đó, công tác quảng bá ca khúc cũng cần phải được đầu tư, chú trọng trên mọi phương diện. Nếu không có được ca khúc mới thì tình trạng học sinh hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Tường Phạm
.
.