Khi nhạc xưa thành mốt

Thứ Bảy, 14/05/2016, 08:00
Chưa bao giờ nhạc xưa trỗi dậy mạnh mẽ với hàng loạt gương mặt trẻ như hiện nay. Sức sống của nó áp đảo trong đời sống âm nhạc đương đại khiến công chúng không biết nên mừng hay lo?


Từ album đến truyền hình thực tế

Ngoài những tên tuổi hải ngoại ồ ạt trở về Việt Nam khơi dậy dòng nhạc bolero như Phương Dung, Giao Linh, Chế Linh, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Quang Lê… thì trong nước, các ca sĩ trẻ không bỏ qua dòng nhạc đang trở nên thịnh hành này. Nếu Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Lệ Quyên đã trở thành những cái tên đình đám khi chuyển sang hát bolero thì mới đây xuất hiện nhiều gương mặt mới rất đắt show như: Giáng Tiên, Hà Vân, Hoài Lâm, Lâm Ngọc Hoa…

Các ca sĩ của dòng nhạc trẻ cũng ra mắt album hay MV nhạc xưa như một cuộc lột xác mới mẻ, mang hình ảnh hoài cổ, sang trọng. Ngỡ như chất giọng khàn hát rock của Phương Thanh không hợp với bolero thế nhưng chị đã gây ngạc nhiên với 3 album được người nghe tán thưởng. Album "Tình ca vượt thời gian" của Quốc Thiên thì mang đến các bài hát những năm 90 của thế kỷ trước được phối khí hòa âm hiện đại.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng chọn nhạc Trịnh để thể hiện mình. Hàng loạt ca sĩ khác như Uyên Trang, Phương Vy, Phan Đinh Tùng, Thanh Thảo, Nhật Tinh Anh, Dương Triệu Vũ… đều thử sức với nhạc xưa mà đa phần là bolero. Ngay cả nữ hoàng nhạc pop như Mỹ Tâm cũng ngẫu hứng hát "Sầu lẻ bóng" trong một đêm nhạc.  

Một tiết mục của thí sinh trong cuộc thi "Thần tượng bolero".

Từ album, MV được công chúng đón nhận, họ đàng hoàng đưa nhạc xưa lên sân khấu. Các chương trình ca nhạc chuộng nhạc tiền chiến, trữ tình, dân ca quê hương lẫn bolero… dày đặc trên truyền hình. Ông Phạm Thái Bình, người từng góp công xây dựng chương trình "Những khúc vọng xưa" cho kênh TodayTV, khoe rằng khi chương trình ra đời lượng ratting tăng rất nhanh. Khán giả gửi thư về đều phản hồi rất tích cực và yêu cầu phát nhiều bài hát quen thuộc.

Nếu "Sol vàng", "Tình khúc vượt thời gian", "Thay lời muốn nói", "Ngôi sao phương Nam", "Những nốt nhạc ngân"... thường mang đến bolero hay nhạc trữ tình thì "Những bài hát còn xanh", "Giai điệu tự hào" lại chú trọng đến ca khúc cách mạng, ca ngợi quê hương đất nước. "Những bài hát còn xanh" là sân chơi mà các ca sĩ trẻ hát lại nhạc xưa với tư duy và hơi thở hiện đại.

Nói như NSƯT Quang Lý, thành viên ban giám khảo: "Ca sĩ trẻ là người giữ sợi dây gắn kết âm nhạc giai đoạn trước đây với những thế hệ sau này. Với những giá trị sẵn có, dòng nhạc cách mạng luôn sống được ở mọi thời đại". Còn  nhạc sĩ Tô Thanh Tùng - tác giả của "Giã từ", "Sao anh nỡ đành quên", "Xót xa"- thì khẳng định: "Các bài hát bolero có ca từ bình dân, dễ hiểu và lời hay ý đẹp. Giai điệu dễ đi vào lòng người nên nó được người ta ưa chuộng là chuyện bình thường. Đời thường, nó vẫn âm ỉ sống, có điều kiện thuận lợi thì nó sẽ phát triển trở lại".

Cơn sốt nhạc xưa khiến nhà sản xuất đứng ngồi không yên. Họ hiểu rõ đây là dòng nhạc vốn có một lượng khán giả nhất định, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi yêu thích nên các cuộc thi truyền hình thực tế lấy dòng nhạc xưa ra tranh tài bắt đầu nở rộ. Và họ quả không lầm. Mùa đầu, "Solo cùng bolero" đã gây choáng ngợp khi có gần 6.000 người chen chân, đội nắng đến đăng ký tham dự. Mùa hai con số đó là hơn 20.000 thí sinh! 

Trong khi đó, "Thần tượng bolero" của VTV lại lập kỷ lục ngay mùa đầu với 40.000 người đăng ký tham gia. Chương trình "Nhân tố bí ẩn" cũng mừng như bắt được vàng khi có giọng ca bolero mùi mẫn là Hà Vân và Quang Đại. "Hãy nghe tôi hát" tạo được ấn tượng tốt với khán giả khi các ca sĩ vốn gắn bó với nhạc trẻ như Quách Thành Danh, Nhật Kim Anh, Chi Dân… thử hát lại ca khúc làm nên tên tuổi của các ngôi sao như Ngọc Sơn, Bảo Yến, Nguyễn Hưng… Riêng "Tuổi 20 hát" thu hút sinh viên khắp mọi miền đất nước vì làm sống lại những ca khúc nhạc đỏ hào hùng.

Nhạc xưa không dễ “ăn theo”

Dù được đông đảo khán giả yêu thích và không ai không thuộc một, hai bài nằm lòng, nhưng các album, chương trình nhạc xưa xuất hiện ồ ạt đã bắt đầu bị trùng lắp. Nguyên nhân: Số lượng bài hát không nhiều dù đó có là nhạc đỏ, nhạc bolero hay tiền chiến, dân ca quê hương. Các bài của bolero thường có giai điệu na ná, hơn nữa nhạc xưa không chỉ gắn liền với thời đại mà nó còn gắn liền với tên tuổi ca sĩ đã thành danh với bài hát đó.

Do vậy, người hát sau không khỏi bị đem ra so sánh hoặc họ bị ảnh hưởng lối hát của đàn anh. Chẳng hạn, ở cuộc thi "Solo cùng bolero" xuất hiện giọng ca giống hệt Duy Khánh (thí sinh Lê Minh Trung) hay ở "Thần tượng bolero" thì có người được ví như bản sao Quang Lê (thí sinh Đình Nguyên, Bảo Nam) hay bản sao Tuấn Vũ (thí sinh Tiến Vinh)…

Đàm Vĩnh Hưng là một trong những ca sĩ khá thành công khi chuyển sang hát nhạc xưa.

Đó là chuyện thí sinh, còn với ca sĩ nếu muốn thành danh khi chuyển sang dòng nhạc xưa thì họ buộc phải lột xác cho cả chính mình và bài hát. Dù tốn kém công sức nhưng để đổi mới, tạo sức hút thú vị, nhiều ca sĩ không ngại trầy vi tróc vẩy để xin cấp phép cho bài hát xưa ít người biết và hát. Người hăng hái nhất ở phong trào "săn lùng và xin cấp phép nhạc xưa" là Đàm Vĩnh Hưng.

Tháng 8-2013, Đàm Vĩnh Hưng thực hiện hai album nhạc xưa mang tên "Xóa tên người tình" và "Chờ đông". Trong đó có 7 bài hát đã xin được giấy phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn: "Hồi tưởng", "Hỡi người còn nhớ đến ta", "Sương lạnh chiều đông", "Chờ đông", "Nếu đời không có anh", "Đoạn cuối tình yêu", "Bài Tango tím". Ca sĩ Vi Thảo, Dương Triệu Vũ cũng xin cấp phép cho nhiều bài nhạc trước năm 1975 để thực hiện album. Hiện nay, danh mục ca khúc xưa được cấp phép đang dài ra. Năm 2015, khoảng 100 ca khúc trước năm 1975 được phép phổ biến.

Danh ca Phương Dung cho rằng bolero không bị quên lãng là nhờ sự đóng góp mới mẻ đầy sáng tạo của các ca sĩ trẻ. Liveshow "Thương hoài ngàn năm 2" của Đàm Vĩnh Hưng từng kết hợp các tuyệt phẩm bolero trên nền những bản hòa âm đầy ấn tượng: Bài hát "Hàn Mặc Tử" hát trên nền đàn tranh hòa tấu với violon.

Bài "Con đường xưa em đi", "Chuyến tàu hoàng hôn" có nguyên một dàn hợp xướng hỗ trợ. Nó tạo cho bolero một lớp áo sang trọng. Trong "Những bài hát còn xanh", ca khúc "Lá đỏ" đã được nhóm PAK Band hát đầy phóng khoáng, tự do với bản phối rock. Bản phối không đánh mất khí thế hào hùng mà còn tiếp thêm tinh thần rừng rực của những người lính ra trận.

Theo danh ca Phương Dung, ai cũng có thể hát được nhạc xưa nói chung và bolero nói riêng nhưng nó không hề dễ hát. Nhiều người hát vẫn quá chú ý đến kỹ thuật trong khi cảm xúc mới là quan trọng. Hiểu biết hời hợt về bối cảnh, xuất xứ, nội dung bài hát khiến nhiều người không hiểu tinh thần bài hát, họ hát vô hồn, tệ hơn là phá nát tác phẩm. Như Quách Tuấn Du hát nhạc xưa theo kiểu giật gân, gây sốc.

Ca sĩ Đồng Lan bóp méo "Lá xanh" theo kiểu sexy, dịu dàng thì một sinh viên trong "Tuổi 20 hát" lại thể hiện "Lá xanh" theo kiểu ỏn ẻn, rụt rè đối ngược với tinh thần cổ vũ khí thế tòng quân ra trận. Có ca sĩ còn hứng chí chế lời cho ca khúc "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" hay "Cô gái Pakô" bị làm mới theo phong cách R&B kết hợp với rap.

Hiểu biết kém cũng gây nên tranh cãi ở cuộc thi "Thần tượng bolero" khi ban tổ chức đưa cả tân nhạc, tiền chiến, trữ tình như nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… vào chung thành bolero. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng quan niệm đưa các bài hát bất hủ đến với công chúng là điều đáng quý nhưng không nên đánh đồng lộn xộn các dòng nhạc với nhau.

"Bolero có thể điệu riêng của nó nhưng người nghe bolero đã hình thành nên một cảm thức thẩm mỹ chung. Đó là ca từ mộc mạc, dễ hiểu mang nhiều tính tự sự, bộc bạch thân phận con người với giai điệu đều đều, buồn man mác gần với chất oán của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ dễ đi vào lòng người. Vậy nên có nhiều bài dù viết theo điệu tango như "Kiếp nghèo" nhưng nó vẫn gợi lên cảm thức thẩm mỹ của bolero. Có những bài nhạc viết theo điệu bolero nhưng ca từ không bình dân, dung dị thì nó cũng không phải là bolero. Còn nhạc Trịnh thì kiên quyết không phải bolero rồi vì ca từ rất triết lý".

Có ý kiến cho rằng, trân trọng và phát huy nhạc xưa là điều tốt nhưng nên bớt lại các chương trình về nhạc xưa để tập trung vào các sáng tác mới. Bởi nhìn lại đời sống âm nhạc đương đại, ai cũng sẽ giật mình khi các nhạc phẩm mới chỉ sống được dăm bữa nửa tháng rồi chìm nghỉm.

Phan Thi Uyên
.
.