Khi nhạc sĩ viết theo đơn đặt hàng

Thứ Hai, 19/10/2009, 11:00
Trong nền kinh tế thị trường luôn tôn trọng và đề cao mối quan hệ cung - cầu, đơn đặt hàng là minh chứng thuyết phục nhất. Sản phẩm nghệ thuật đang dần được xem như một dạng hàng hóa đặc biệt, vì thế đặt hàng sáng tạo cũng một chuyện bình thường. Và giới âm nhạc đã mở đầu với những ca khúc viết theo đơn đặt hàng!

Ca khúc viết theo đơn đặt hàng có gì đặc biệt chăng? Ưu điểm dễ thấy là bảo đảm sự tin cậy giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Phải có mối quan hệ "hiểu biết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau" cỡ nào thì người ta mới đặt hàng chứ. Bên cạnh đó, đã đặt hàng thì thù lao luôn ở mức tương đối cao. Viết theo đơn đặt hàng của ca sĩ chỉ có thể kêu giá vài triệu, nhưng qua "kiểm định chất lượng" ca sĩ mới chịu nhận hàng và giao tiền.

Riêng viết theo đơn đặt hàng của một số đơn vị Nhà nước, quả thật nhiều lúc, chỉ cần có tác phẩm "nộp quyển" là xong, chả ai hạch họe, chả ai đòi hỏi gì. Vì thế, nhạc sĩ nào được đặt hàng cũng thuộc loại gạo trên sàng cả, đều có quan hệ ngoại giao tương đối tốt và có danh tiếng cả. Danh sách nhạc sĩ được đặt hàng được đưa ra, không phải không có tiếng bấc tiếng chì, nhưng nói ngược nói xuôi gì cũng chỉ nói cho có nói, chứ quyền đặt hàng hoàn toàn nằm trong tay người cầm tiền. Cho nên, công chúng dù có "dị ứng" với những ca khúc viết theo đơn đặt hàng thì chỗ đứng của các nhạc sĩ được đặt hàng cứ cao chói lói và lấp lánh vẻ đẹp bí ẩn!

Thực tế, ca khúc viết theo đơn đặt hàng chả mới mẻ gì. Gần chục năm qua, rất nhiều nhạc sĩ được mời về các tỉnh để viết theo đơn đặt hàng các thể loại "tỉnh ca", "huyện ca", "hợp tác xã ca"…

Cứ vậy thôi, không cần phân loại đô thị lớn nhỏ đến đâu, không cần tính tiềm năng giàu đẹp ra sao, chỉ cần có "đô" là có "ca". Và cấu trúc của bài hát chỉ quanh quẩn "Bài ca thị xã A", "Tình khúc thị trấn B", "Tự hào công ty C". Còn đi vào cụ thể nội dung thì nghe dịu dàng " Anh đưa em về thăm lại…" hoặc êm ái "Đẹp làm sao quê ta…" hoặc rực rỡ "Hãy cùng chúng tôi hát vang bài ca xí nghiệp…".

Khổ, nghe ríu rít cái lỗ tai thế, cũng đừng vội trút hết giận dữ lên các ngài nhạc sĩ, vì đã viết theo đơn đặt hàng thì trước tiên phải làm hài lòng người đặt hàng. Nhạc sĩ Văn Chừng, người viết khá nhiều bài ca truyền thống cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên từng kể rằng: Có những khi ông phải tốn hàng tháng trời mới tìm ra được một đoạn nhạc thích hợp để đưa tên tỉnh vào ca khúc. Vất vả lắm, đừng tưởng các nhạc sĩ nhận được đơn đặt hàng rồi là thoải mái ôm đàn lãng mạn cùng gió trăng, đắm đuối theo giai điệu, bay bổng trong ca từ, họ phải "cày" dữ lắm, nếu không thấy địa-danh-cần-có đi vào ca khúc thì…miễn lấy tiền nhé!

Ca khúc đặt hàng, ngoài chuyện tiền nong, phải mong mỏi cái tâm cái tài của nhạc sĩ nữa. Tỉnh Trà Vinh mời một đoàn nhạc sĩ về sáng tác để có album "Bài hát trên quê hương Trà Vinh", nhưng nghe qua đã thấy 2/10 ca khúc cùng thánh thót "ao Bà Om thắng cảnh miền Tây". Còn những ai đã từng đặt chân đến huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh thì sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nghe các nhạc sĩ đắm đuối "biển Ba Động- biển xanh cát trắng", vì tỉnh này nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên nước biển cũng mang đậm màu đỏ phù sa!

Trong số các nhạc sĩ viết theo đơn đặt hàng suốt ngày lẩm nhẩm "quê mẹ của tôi" cho mọi địa phương, có trường hợp rất độc đáo, khi một khán giả viết thư cho biên tập viên âm nhạc thắc mắc: "Tôi thấy nhạc sĩ  ấy khi thì quê mẹ Bình Dương, lúc thì quê mẹ Cần Thơ, lại còn quê mẹ Tây Ninh. Vậy thì nhạc sĩ ấy, quê ở đâu?". Lúng túng và bất ngờ, biên tập viên đành lấp liếm: "Các nhạc sĩ của chúng ta rất nhạy cảm, ngủ đâu là nhà, đến đâu là quê nên mới đa mang như thế. Dù có nhận tỉnh nào là quê mẹ thì cũng ngợi ca đất nước chúng ta cả thôi!".

Đơn đặt hàng ca khúc không phải là tất cả. Không có đơn đặt hàng thì các nhạc sĩ vẫn sáng tác, như những con tằm chăm chỉ rút ruột nhả tơ cho cuộc sống mến thương. Ví dụ, Tổng công ty Dệt may 28 đặt hàng cho 5 nhạc sĩ viết ca khúc cho đơn vị mình, nhưng hát đi hát lại vẫn thấy chưa hợp tai, bèn bỏ thêm 30 triệu để đặt hàng tiếp nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng sáng tác "Tình em là đường kim". Hoặc một đơn vị hỏa táng đặt hàng một nhạc sĩ tương đối nổi tiếng viết bài ca truyền thống, nhưng mới biểu diễn được một lần thì nhận ra sự phản cảm của những ca từ như "Đêm ngày hăng say thiêu xác…

Có những ngày lò thiêu vắng bóng người, lòng anh bỗng dâng lên niềm nhớ" nên đành ngậm ngùi cất luôn vào kho lưu trữ. Tuy nhiên, có thêm đơn đặt hàng thì có thêm chất xúc tác để đánh thức những nguồn cảm hứng sáng tạo đang còn tiềm ẩn đâu đó trong sâu xa tâm hồn các nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng cho rằng, hầu như anh chỉ viết theo đơn đặt hàng, chẳng hạn ca khúc "Về quê" viết theo đơn đặt hàng của Đoàn quan họ Bắc Ninh. Công chúng âm nhạc đã có nhiều ca khúc hay ra đời nhờ đơn đặt hàng, như "Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng viết theo đơn đặt hàng của ê-kíp làm phim "Hà Nội mùa chim làm tổ", hoặc ca khúc "Một thoáng quê hương" của nhạc sĩ Thanh Tùng viết theo đơn đặt hàng của cuộc thi Hoa hậu Áo dài! Khi đã "chọn mặt" rồi thì cứ "gửi vàng", yên tâm đặt hàng cho các nhạc sĩ tài danh

Tuy Hòa
.
.