Người hâm mộ và thần tượng

Khi người hâm mộ... phát cuồng

Thứ Hai, 30/04/2012, 08:00
Trong cuộc đời mỗi người, dường như ai cũng có một hình mẫu nào đó để ngưỡng vọng, theo đuổi. Hình mẫu đó chính là thần tượng. Mỗi thế hệ cũng có những hình mẫu thần tượng riêng, là động lực để phấn đấu, hoàn thiện. Tuy nhiên, trong xã hội kinh tế thị trường hôm nay, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều biến thái của khái niệm thần tượng. Rõ nhất là nhìn vào lớp trẻ - những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhiều ước mơ và khát vọng...

Có một điều đáng buồn là, trong khi ngày càng ít đi các bạn trẻ có hiểu biết về lịch sử đất nước, ngưỡng vọng các anh hùng hào kiệt, những người đã không tiếc xương máu bảo vệ Tổ quốc, thì những "đám đông" bạn trẻ hâm mộ các ngôi sao showbiz ngày càng nhiều. Khắp các diễn đàn trên mạng Internet, ở đâu ta cũng gặp những fan club của diễn viên này, ca sĩ kia. Họ tranh luận, cãi cọ để bảo vệ "thần tượng" của mình. Không ít bạn trẻ sẵn sàng làm tất cả để đến gần thần tượng, để chứng tỏ sự nhiệt tình của mình với thần tượng. Họ đứng cả buổi dưới mưa ngoài sân bay để đón thần tượng, coi rẻ tính mạng khi chạy theo ôtô hàng kilomet để đuổi theo thần tượng; không ngần ngại hôn ghế của thần tượng, thậm chí sẵn sàng "tình một đêm" với thần tượng của mình, chỉ để chứng tỏ lòng hâm mộ.

Đông đảo người hâm mộ đứng đón thần tượng tại sân bay.

Chúng ta không thể không suy nghĩ trước sự nực cười, kệch cỡm (thậm chí chua xót) trong mối quan hệ của không ít người hâm mộ trẻ và thần tượng của họ. Tâm lý học đòi, chạy theo đám đông, kém hiểu biết đã biến không ít bạn trẻ trở thành nạn nhân của chính mình trong việc hâm mộ một ai đó. Một cô học trò bị thần tượng lợi dụng, cưỡng hiếp, chỉ bởi cô đã chọn làm thần tượng cho mình một ca sĩ mà tên tuổi vẫn còn bặt vô âm tín trong đời sống ca nhạc, thiếu văn hóa và đạo đức sống. Không ít bạn trẻ khác sẵn sàng nhập cuộc vào những đám đông hỗn loạn tôn vinh một ca sĩ có lối sống thác loạn, đầy rẫy Scandan tình ái, chụp ảnh khỏa thân, có con với người không yêu… làm thần tượng của mình. Đó là những ví dụ đáng buồn cho thấy thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ hôm nay đang rất có vấn đề.

Căn nguyên của câu chuyện này phải nhắc tới vai trò giáo dục của gia đình và nhà trường. Phải chăng những người có trách nhiệm đang bỏ rơi con em mình, không định hướng cho các em theo các chuẩn mực đạo đức và thẩm mỹ, để các em có đủ hiểu biết và bản lĩnh khi lựa chọn một ai đó làm thần tượng? Mặt khác, phải nhắc tới hệ lụy của truyền thông. Nhan nhản trên các trang báo, đặc biệt là các trang báo mạng là những thông tin giật gân, câu khách, lá cải về đời tư của nghệ sĩ. Không ít người trong giới showbiz trở thành "thần tượng" của một đám đông nào đó vì trò "lộ hàng", "khoe thân", phát ngôn gây sốc hơn là bằng chính tài năng và nhân cách của mình.

Trong điều kiện như vậy, để có thể tạo ra một khả năng "miễn dịch" tốt, các bạn trẻ rất cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cha mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội, để hoàn thiện bản thân về tri thức và bản lĩnh. Khi đó, việc thần tượng một ai đó sẽ là sự lựa chọn của trí tuệ, lòng ngưỡng mộ thực sự, chứ không phải chạy theo đám đông không định hướng

Quỳnh Hoa
.
.