Khi nghệ sĩ đưa đời tư lên phim

Thứ Sáu, 06/03/2020, 08:03
Thay vì ấn hành sách, nhiều nghệ sĩ ưu ái cách kể chuyện đời mình bằng điện ảnh. Và để “nặng đô” hơn, họ vào vai chính mình.  Những bộ phim dạng này luôn thu hút sự tò mò, chú ý của công chúng ngay từ khi ekip rục rịch công bố dự án.


Người mẫu Ngọc Trinh có thể xem là người mở đầu cho trào lưu mang đời tư lên màn ảnh. Năm 2016, bộ phim “Vòng eo 56” do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đảm nhiệm gây náo loạn làng nghệ thuật thứ bảy. Chẳng ai ngờ Ngọc Trinh lại “chịu chơi” như vậy khi chi hàng chục tỷ đồng để làm một bộ phim về cuộc đời mình.

“Vòng eo 56” kể về cuộc đời của “nữ hoàng nội y” từ khi còn là cô bé nghèo ở Trà Vinh cho đến lúc trở thành người mẫu nổi tiếng và thị phi bậc nhất showbiz. Tuổi thơ mồ côi mẹ và phải nghỉ học dở dang để mưu sinh, thời thiếu nữ chật vật trong cạm bẫy ở quán bida, dấn thân vào nghề mẫu nội y…, tất cả bước ngoặt của Ngọc Trinh đều là chất liệu lâm li, kịch tính để xây dựng thành phim.

Và không ngoài dự đoán, dù bị đánh giá xuề xòa về khâu kịch bản, nhiều tình tiết được giải quyết vô lý nhưng “Vòng eo 56” nhanh chóng trở thành “át chủ bài” phòng vé. Người ta tò mò trước những câu hỏi mà Ngọc Trinh hứa hẹn sẽ giải đáp chân thực trong “Vòng eo 56” như: vì sao cô cặp kè đại gia, vì sao cô lại phát biểu "không có tiền thì cạp đất mà ăn", vì sao cô bỏ học năm lớp 9, vì sao cô khai gian tuổi để thi hoa hậu?...

Tiếp bước Ngọc Trinh, gây sốt sình sịch thời gian gần đây là Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 Hương Giang. Hương Giang có câu chuyện thu hút không kém cạnh Ngọc Trinh: cô là người chuyển giới Việt Nam đầu tiên chạm tay đến vương miện hoa hậu. Xuất hiện lần đầu tiên ở chương trình “Vietnam Idol”, Hương Giang đã gây chú ý khi cô công khai mình là người chuyển giới. Giọng hát rất nữ tính càng khiến công chúng ngạc nhiên trầm trồ.

Diễn viên Hương Giang trong phim “Sắc đẹp dối trá”.

Bước ra từ cuộc thi này, Hương Giang đắt show và dần khẳng định vị trí của một ca sĩ. Đến khi cô đoạt danh hiệu cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 thì cái tên Hương Giang gây bão. Khác với Ngọc Trinh, vì từng ra mắt cuốn sách ảnh tự truyện “Tôi vẽ chân dung tôi” nên bộ phim “Sắc đẹp dối trá” do Hương Giang thủ vai chính không bê nguyên xi cuộc đời cô vào kịch bản mà chỉ lấy cảm hứng. Vì chỉ lấy cảm hứng nên “Sắc đẹp dối trá” thêm thắt khá nhiều tình tiết không có thực.

Phim kể về Dương - một chàng trai nhà nghèo luôn mong muốn trở thành con gái. Trong một lần vô tình chứng kiến bọn xã hội đen giết người, anh trở thành nhân chứng nguy hiểm mà chúng cần bịt miệng. Để trốn sự truy lùng ráo riết của bọn sát nhân, Dương quyết định mạo hiểm sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.

Rồi do cha bệnh nặng cần tiền chữa trị, cô đăng ký thi hoa hậu để lấy tiền thưởng. Nhồi nhét khá nhiều thể loại nhưng kết phim cho thấy “nàng hậu chuyển giới” đang cố gắng truyền đi thông điệp về quyền tự do, quyền được hạnh phúc của giới LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).

Hai năm qua, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã bắt tay lên ý tưởng kịch bản bộ phim về cuộc đời trầm luân của mình. “Ông hoàng nhạc Việt” đang háo hức để vào vai chính, phác họa lại thuở xa xưa làm anh thợ cắt tóc đam mê ca hát. Đàm Vĩnh Hưng từng  trắng tay nhiều lần trong các cuộc thi âm nhạc. Bằng sự kiên trì, chịu khó, anh vươn lên thành một ca sĩ hạng A, có catse “khủng” mà nhiều nghệ sĩ ao ước. Thông điệp anh muốn gửi gắm là hãy cố gắng và nuôi dưỡng đam mê của mình, một ngày nào đó bạn sẽ thành công.

Cũng lên ý tưởng từ lâu, cuốn hồi ký “Để gió cuốn đi” của ca sĩ Ái Vân sẽ được chuyển thể sang phiên bản điện ảnh. Số phận lênh đênh ba chìm bảy nổi của cô ca sĩ nức tiếng tài sắc một thời là chất liệu cực kỳ hấp dẫn với nhà làm phim. Đặc biệt, hai cuộc hôn nhân nhiều đỗ vỡ, nước mắt và những ngày tháng tìm cách tồn tại ở hải ngoại của Ái Vân là điểm nhấn hứa hẹn cuốn hút người xem.

So với tự truyện bằng sách thì tự truyện bằng điện ảnh được nhiều nghệ sĩ đánh giá là đẳng cấp hơn hẳn. Rõ ràng, điện ảnh là một cuộc chơi tốn kém, đòi hỏi chi phí đầu tư đắt đỏ. Câu chuyện được đưa lên màn ảnh sẽ gần gũi, chân thực và nhanh chóng tiếp cận người hâm mộ hơn là cuốn sách. Nghệ sĩ có thể trực tiếp vào vai chính mình như cách mà Ngọc Trinh, Hương Giang, Đàm Vĩnh Hưng, Nam Em… đã làm.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng dù mình không biết diễn xuất nhưng họ sẽ dễ dàng nhập vai vì đang đóng chính mình. Tuy nhiên, điểm lại các phim ra mắt gần đây mới thấy quan niệm này không phải lúc nào cũng đúng. Vì không có khiếu diễn xuất nên Ngọc Trinh, Hương Giang đều khiến người xem khó chịu vì cách diễn đơ, gượng, thiếu cảm xúc. Họ không hiểu dù tái hiện chính con người mình, nhưng đóng phim không thể theo kiểu có sao diễn vậy.

Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đang lên ý tưởng kịch bản cho bộ phim khai thác về cuộc đời mình.

Phần nhiều các phim dạng này thỏa mãn tính tò mò, nhu cầu giải trí của khán giả là chính chứ không đóng góp bao nhiêu cho nền điện ảnh. Đời tư lắm tai tiếng lúc này không khác gì mồi câu khách.Về phía nghệ sĩ, có ý kiến cho rằng họ chỉ nhân cơ hội để tô hồng, đánh bóng tên tuổi của mình. Tự truyện bằng phim của Ngọc Trinh giống như một câu chuyện cổ tích. Nó khắc họa một cô thôn nữ thanh cao và thánh thiện như Lọ Lem dù sống trong thế giới người mẫu nội y lắm điều tiếng.

Rất nhiều sự thật ì xèo ngoài đời tư của cô đã được kể lớt phớt trong phim khiến khán giả khó hiểu. Bởi đời thật, cuộc sống ngày nhỏ của Ngọc Trinh không cơ cực như trong phim, cuộc chơi thác loạn trong bar, tình yêu với Vũ Khắc Tiệp, bị tố giật chồng, phát ngôn gây sốc khác… cũng không được chỉ đề cập. Cô tự nhận làm phim về mình để giải thích những điều vướng mắc, để người đời hiểu cô hơn. Song cách giải thích vô cùng gượng gạo vì loạt tình tiết phi logic, ngô nghê.

Xem hết phim, rút cuộc “Vòng eo 56” đang cố giải thích cho Ngọc Trinh rằng “Tôi không có làm gái!” và cô cặp đại gia có vợ vì đại gia theo đuổi cô quá chân thành còn cô thì quá ngây thơ, trong sáng (!?). Điều đọng lại trong khán giả không phải là nghị lực vươn lên bằng tài năng của một cô gái nghèo mà là sự may mắn của người đẹp khi gặp đại gia nâng đỡ.

 “Sắc đẹp dối trá” của Hương Giang cũng bị liệt vào hàng thảm họa khi quá tham lam truyền tải nhiều thông điệp. Đặc biệt, thông điệp về quyền tự do của người chuyển giới không khác gì màn kịch hài. Nhân vật Dương giấu thân phận chuyển giới để đi thi cuộc thi sắc đẹp thông thường chứ không phải là cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới. Rõ ràng, cô cố ý lừa ban tổ chức và bước lên giải cao nhất một cách không công bằng. Đến khi bị lật tẩy, cô lại đánh đồng việc lên án hành vi gian lận với việc kỳ thị người chuyển giới là một và hùng hồn tuyên bố: “Tôi chỉ chuyển giới, chứ không phạm tội”.

Phải thừa nhận, dòng phim tự truyện của nghệ sĩ khiến sân chơi nghệ thuật thứ bảy đa dạng sắc màu. Nó góp thêm chất liệu để các nhà làm phim tùy hứng sáng tạo. Tuy vậy, khán giả mong mỏi chất lượng chuyên môn của dòng phim này được nâng cao hơn nữa, chỉn chu từ kịch bản đến diễn xuất, từ cái riêng để nói đến cái chung, gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn.

Chính vì vậy, trong dòng phim tự truyện sắp tới, dự án “Để gió cuốn đi” của ca sĩ Ái Vân được khán giả ngóng đợi bởi nó chứa đựng rất nhiều chi tiết thú vị về một giai đoạn lịch sử, về cuộc sống thật của giới nghệ sĩ Việt Nam trong thời bao cấp, và trên hết là tâm tư và sự trải lòng chân thật của nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn nổi tiếng nhất một thời với “Bài ca xây dựng”, “Triệu đóa hồng”...

Còn nếu chỉ chiều theo ý thích của nghệ sĩ, phim tự truyện chỉ đơn giản là dùng điện ảnh để minh họa cho cuộc đời họ. Lúc này, bộ phim không khác gì một thứ trang sức xa xỉ để các “sao” nhà ta so độ sang chảnh, thứ hạng.

Mai Quỳnh Nga
.
.