Khi một xã hội bị nhiều thương tổn

Thứ Năm, 02/11/2017, 15:06
Ông chủ "Khai Silk" đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng những người không thể kiểm tra, phát giác sự lừa dối của "Khai Silk" chắc chắn cũng phải bị xem xét trách nhiệm. Vì, nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì vụ lừa dối này không chỉ gây tác hại trong phạm vi Việt Nam đơn thuần, mà còn khiến "thương hiệu Việt" nói chung bị tổn hại trên trường quốc tế...


Thương hiệu "Khai Silk" vậy là sụp đổ. Nhiều người ngỡ ngàng, nhiều người căm giận khi đùng một cái nhận ra: Những chiếc khăn lụa vắt trên cổ mình - những chiếc khăn giúp mình đẹp thêm, tự tin thêm vì nó được mua về từ "Khai Silk" - những chiếc khăn như một biểu chứng sống động cho tinh thần ái quốc "Người Việt dùng hàng Việt" hoá ra là... một sự lừa dối. Và đấy rất có thể không phải là một sự lừa dối nhất thời, ngắn ngủi. Đấy có thể là một sự lừa dối có hệ thống, kéo dài tới hàng chục năm.

Một người bị đánh lừa đã đi một nhẽ. Mười người bị đánh lừa đã đi một nhẽ. Đằng này cả trăm, cả ngàn, cả vạn sản phẩm được tung ra, đồng nghĩa với cả trăm, cả ngàn, cả vạn lượt người đã bị đánh lừa - thế thì vai trò của các cơ quan quản lý thị trường ở đâu? Những con người được trả lương từ tiền thuế của dân đã hành động như thế nào lại để một sự lừa dối có hệ thống diễn ra tới hàng chục năm đến thế? Những con người này quá kém cỏi trước một kỹ nghệ lừa dối tinh vi, hay họ không kém nhưng vì một lý do nào đó mà chủ động biến mình thành những người kém cỏi?

Nếu chúng ta chỉ tin vào lời nói của người làm kinh doanh mà thiếu sự kiểm soát, giám sát thì hậu quả đưa đến sẽ... khôn lường.

Ông chủ "Khai Silk" đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng những người không thể kiểm tra, phát giác sự lừa dối của "Khai Silk" chắc chắn cũng phải bị xem xét trách nhiệm. Vì, nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì vụ lừa dối này không chỉ gây tác hại trong phạm vi Việt Nam đơn thuần, mà còn khiến "thương hiệu Việt" nói chung bị tổn hại trên trường quốc tế.

Nhưng "Khai Silk" có phải là sự lừa dối duy nhất và đáng kể nhất trong xã hội chúng ta bây giờ hay không?

Chắc chắn là không, bởi bên cạnh một tấm lụa giả, chúng ta đã và đang phải đối diện với tình trạng thực phẩm giả, thuốc thang giả, bằng cấp giả, quan chức giả... Từ bao giờ và vì đâu đã diễn ra cái nghịch lý này, khi những cái đáng lẽ phải thật nhất thì lại giả, và những cái mong sao chỉ là giả hoá ra lại thật - thật đến trơ trẽn, thật đến cay đắng?

Thì đấy, vụ "Khải Silk" trả lời rằng, những kênh giám sát quản lý của chúng ta trong nhiều năm dài chưa hoạt động với tất cả những công năng cao nhất có thể của nó. Chúng ta đã nhận ra, đã tìm cách khắc phục và hy vọng là trong thời gian tới sẽ cải thiện một cách triệt để. Nhưng sâu xa ra có lẽ còn là một sự hỏng hóc nào đó trong tâm hồn xã hội.

Sự hỏng hóc căn cốt ấy khiến một doanh nhân ngoài miệng luôn nói về sự tử tế, về ý chí và khát vọng vươn lên nhưng trong bụng thực chất chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, và vì lợi ích ấy mà sẵn sàng bất chấp tất cả. Sự hỏng hóc căn cốt ấy khiến người ta không còn cái khả năng tự vấn lương tâm khi để những viên thuốc chữa ung thư kém chất lượng (nếu không muốn nói thẳng là thuốc giả) chui vào bụng những con người đang từng giờ từng phút phải chiến đấu với tử thần. Sự hỏng hóc căn cốt ấy khiến người ta không thấy xấu hổ khi cất nhắc những nhân vật chưa thật chín về năng lực, nhưng lại rất chín về tiền bạc và quan hệ vào những vị trí mà mỗi một quyết định đưa ra có thể làm ảnh hưởng tới số phận của cả một cộng đồng.

Nếu sự hỏng hóc căn cốt ấy cứ kéo dài như thế này, niềm tin bị xói mòn và đổ vỡ như thế này, chỉ sợ rằng ngay cả khi một vị Bồ Tát đúng nghĩa đột ngột xuất hiện thì những người xung quanh cũng luôn nghi ngờ, và luôn phải thận trọng hỏi nhau: Bên trong bà ta có bao nhiêu phần trăm dòng máu yêu tinh? Trong "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân, Bồ Tát thường xuyên hiện ra để giúp thầy trò Đường Tăng trừng trị yêu tinh. Nhưng trong đời thực, khi mà sự giả dối bị đẩy lên cao và loang ra tràn khắp thì Bồ Tát vì yêu tinh mà phải chết oan, chết hận cũng chưa biết chừng.

Những người tốt đây đó vẫn còn. Những hành động tử tế đây đó vẫn còn. Những khát vọng diệt trừ cái xấu để kiến tạo bằng được những giá trị chân thực và liêm chính vẫn còn. Như câu chuyện vị bác sĩ về hưu mà được toàn bộ đồng nghiệp, bệnh nhân xếp hàng dài hai bên, luyến lưu từ biệt; như câu chuyện một vị quan chức nằm xuống mà cả thành phố đều như muốn thắt khăn tang...

Mong sao những câu chuyện như thế sẽ được lan toả, và từ đó sẽ tạo ra những giá trị thức tỉnh nhất định. Để cái xấu và sự giả dối tràn ngập sẽ bị thu hẹp lại, để những vết thương trong tâm hồn xã hội được chữa lành.

Và để niềm tin giữa những người đang sống với chính những người đang sống được thắp lên...

Phan Đăng
.
.