Khi lòng tốt được sẻ chia

Thứ Năm, 06/12/2018, 08:35
"Cho đi là còn mãi" là thông điệp mà chương trình muốn gửi tới tất cả chúng ta, để rồi từ đó cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa mà thông điệp này mang lại, đó là tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng thông cảm.


"Trái tim của chồng tôi vẫn còn đập". Đây là lời thổn thức, nghẹn ngào xúc động của chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở Thái Bình tại chương trình "Cho đi là còn mãi" được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia vào ngày 29-11 vừa qua, khi lần đầu tiên chị Hằng gặp ông Trần Tuấn, người đang mang trái tim của anh Nguyễn Ngọc Khiêm, là chồng chị Hằng hiến tặng sau khi chết não.

Tại buổi gặp gỡ, giao lưu "Cho đi là còn mãi" giữa những người được ghép tạng với thân nhân các gia đình đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng là những câu chuyện cao đẹp, xúc động, đầy nhân văn có ý nghĩa lan tỏa những hành động tốt đẹp trong cộng đồng. Những số phận, những sự sống mong manh đang nằm ở ranh giới giữa sự sống cái chết đã vỡ òa hạnh phúc khi một lần nữa sự sống được hồi sinh.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc làm cao đẹp này, các cá nhân, gia đình tình nguyện hiến mô, tạng đã phải vượt qua không biết bao rào cản của định kiến xã hội và ngay chính cả từ bạn bè, người thân, họ hàng; vừa phải vượt qua nỗi đau tột cùng của sự mất mát, họ vừa phải chịu những lời dị nghị, gièm pha, trong đó có cả những lời ác ý "có họ hàng, thân thích gì với nhau đâu mà hiến tặng… nghèo quá phải bán tạng lấy tiền thì có…".

Chị Hằng xúc động khi gặp lại người đàn ông đã nhận trái tim chồng chị hiến tặng.

Người ta thường nói "cát bụi lại trở về với cát bụi", "chết là hết", nhưng sau sự kiện bé Hải An hiến tặng giác mạc là hàng loạt trường hợp như Thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Vân Nhi, anh Nguyễn Ngọc Khiêm hay kỹ sư Nguyễn Xuân Hải… ra đi và gia đình đã trao tặng lại mô, tạng của họ để cứu sống nhiều người bệnh đang mắc bệnh hiểm nghèo, đã gây xúc động toàn xã hội và khiến cho nhiều người thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, lạc quan hơn.

"Cho đi là còn mãi" là thông điệp mà chương trình muốn gửi tới tất cả chúng ta, để rồi từ đó cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa mà thông điệp này mang lại, đó là tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng thông cảm.

Cuộc sống hiện đại đã kéo mỗi chúng ta vào vòng xoáy của những sự cạnh tranh, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực rất nhiều chạy theo những mong muốn, mục tiêu đáp ứng nhu cầu cá nhân… Bởi thế những câu hỏi: Tại sao tôi phải mất thời gian quan tâm đến việc chia sẻ? Chẳng thấy ai cho không tôi cái gì cả, mọi thứ tôi có được đều do sự phần đấu của bản thân, thế thì tại sao tôi phải chia sẻ với người khác ngày càng phổ biến và trở nên hiển nhiên.

Nhưng chính từ những câu chuyện của những thân phận bất hạnh, thiếu may mắn họ đã chia sẻ và mang lại tương lai và hạnh phúc cho nhau, đã khiến chúng ta không khỏi giật mình "Biết đâu chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh đó?" và rồi tự hiểu ra rằng, chia sẻ không phải là điều gì quá vĩ mô, không chỉ là tiền bạc, của cải mà đôi khi, chia sẻ một nụ cười, chia sẻ niềm hy vọng. Những thứ rất nhỏ nhưng đủ để sưởi ấm trái tim biết bao người! … Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho mọi người. Và chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi cao đẹp đó.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn khi mà quan điểm về hiến mô, tạng tại Việt Nam còn hạn chế, nhiều người vẫn hoài nghi và sợ hãi khi nhắc đến lĩnh vực này. Vì sự sống của người bệnh, một hành trình không biết mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Điều phối và ghép tạng quốc gia, công tác vận động hiến tặng mô tạng liên tục được thực hiện. Cùng với sự giúp sức của Hội Chữ thập đỏ, các chức sắc tôn giáo, nhiều cuộc vận động giải về nghĩa cử cao đẹp của việc đăng ký hiến tạng, nhận thức của người dân cũng dần thay đổi.

Sau 5 năm Trung tâm Điều phối và ghép tạng quốc gia đi vào hoạt động, từ con số 200 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não năm đầu tiên 2013, đến nay đã có 19.300 người đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đăng ký nghĩa cử cao đẹp này.

Dù đáng được trân trọng nhưng đó là con số quá khiêm tốn so với khoảng 93 triệu dân của Việt Nam. Bởi hiện nay, vẫn còn khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, 1.500 bệnh nhân suy gan cần được ghép gan thay thế, hơn 300 ngàn người bị bệnh lý giác mạc cần thay thế giác mạc… Vì cuộc sống, vì cộng đồng, chúng ta cùng hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa các ca hiến tặng tạng để cho hàng ngàn người bệnh đang bị suy tạng có cơ hội được tiếp tục sống.

Ngạn ngữ có câu: "Với thế giới, bạn chỉ là một người bình thường, nhưng với riêng một người nào đó, bạn có thể là cả thế giới". Cả người trao lẫn người nhận đều có được những tặng phẩm quý giá nhất của cuộc đời. Sự chia sẻ này góp phần làm cho nhân cách mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện hơn. Những hành động cao cả sẽ đọng mãi nơi ký ức tốt đẹp của bạn bè, gia đình và xã hội, còn niềm đau sẽ vơi đi và dần bị lãng quên theo lớp bụi thời gian.

Cù Tất Dũng
.
.