Trào lưu làm phim nhiều phần ở kinh đô điện ảnh Hollywood:

Khi lợi nhuận là mục tiêu tối thượng

Thứ Tư, 06/05/2015, 08:41
Các nhà làm phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood đang phải đối mặt với nỗi lo doanh thu "tụt dốc không phanh" trong những năm gần đây. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trào lưu sản xuất phim "phần kế tiếp" vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và mang lại nguồn thu khá ổn định. Trong năm 2015, trào lưu làm phim nhiều phần sẽ tiếp tục được khai thác mạnh. Tuy nhiên, đã có nhiều người lên tiếng về chất lượng của dòng phim này. 

Những "cỗ máy in tiền"

Theo thống kê, danh sách 20 phim ăn khách nhất mọi thời đại thì có tới bốn phần của "Star War", ba phần của "The Lord of the Rings", hai phần của "Spider Man" và phim hoạt hình "Shrek 2". Trong số 10 phim có doanh thu đứng đầu thị trường điện ảnh thế giới năm 2014 thì có đến 7 phim thuộc dòng phim phần kế tiếp. Bộ phim "Transformers: Age of Extinction" của hãng (Paramount Pictures) còn là bộ phim duy nhất vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD và vượt mốc 100 triệu USD trong tuần đầu ra mắt.

Cùng với đó, "Captain America: The Winter Soldier", "The Amazing Spider-Man 2", "Dawn of the Planet of the Apes" cũng đạt mức doanh thu ấn tượng trên 700 USD. Thành công của phim nhiều phần trong năm qua không thể không nhắc tới "X-Men: Days of Future Past".

Trải qua hơn một thập kỷ, loạt phim "X-Men" của hãng 20th Century Fox vẫn tiếp tục đem đến cho khán giả nhiều điều thú vị mới. "X-Men: Days of Future Past" được đánh giá là bộ phim dị nhân ăn khách nhất từ trước tới nay. "Days of Future Past" là phim có kinh phí sản xuất thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử: 225 triệu USD, chưa kể các chi phí cho hoạt động quảng bá. Con số kinh phí trung bình cho 6 bộ phim X-Men trước đó là 137 triệu USD và doanh thu trung bình của các phim là 383 triệu USD, trong khi đó "Days of Future Past" thu được hơn 660 triệu USD.

Phần 7 của loạt phim "Fast and Furious" được phát hành trong tháng 4 này hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu lớn cho nhà sản xuất.

Hiện nay, kinh đô điện ảnh Hollywood phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu trầm trọng. Ước tính, doanh thu thị trường phim Bắc Mỹ năm 2014 đạt khoảng 10,4 tỷ USD, giảm hơn 5% so với năm 2013 (năm 2013 đạt 10,9 tỷ USD). Chỉ tính riêng phim hè 2014, doanh thu phòng vé đạt 2,25 tỷ USD, giảm 19,3% so với mùa hè năm 2013 (mức sút giảm doanh thu nhiều nhất trong vòng 9 năm trở lại đây), nhưng phần lớn nguồn thu cho phim hè cũng nhờ những bộ phim nhiều phần.

Năm 2013, doanh thu phòng vé mùa hè cũng đạt kỷ lục nhờ những phần tiếp theo như "Iron Man 3", "Despicable Me 2", "Fast and Furious 6". Những con số đó khiến các nhà làm phim vẫn tin tưởng rằng, năm 2015, những bộ phim phần kế tiếp sẽ giúp "xốc" lại doanh thu của Hollywood. Đáng chú ý là phần 7 của loạt phim "Fast and Furious" sẽ được Universal Pictures phát hành trong tháng 4 này.

"Fast and Furious 7" hứa hẹn sẽ tạo nên "cơn sốt" vé do gián đoạn bởi cái chết của nam tài tử Paul Walker. Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ có "Terminator Genisys", "Avengers: Age of Ultron", "Star Wars: The Force Awekens", "Hunger Games Mockingjay 2", "Mission Impossible 5", James Bond phần thứ 24 mang tên "Spectre"… ra rạp.

Tạo nên sự "phản xạ có điều kiện" của khán giả

Theo các nhà nghiên cứu, một trong những lý do khiến phim nhiều phần trở thành trào lưu được ưa thích là việc sản xuất phim ngắn, có thời lượng 2 -2,5 giờ (thay vì 3-4 giờ như trước kia), có lợi rất lớn về tài chính cho các nhà sản xuất. Phim ngắn cho phép "quay vòng" phòng chiếu nhiều lần. Rõ ràng, trào lưu phim nhiều phần ra đời không hẳn vì sự phát triển của khoa học kỹ thuật hay công nghê,å mà là một bước để tối đa hóa lợi nhuận trong việc sản xuất phim. Phim nhiều phần có thể được đầu tư khoản kinh phí khác nhau, dao động từ 200-250 triệu USD mỗi phim. Phim sau khi phát hành như "Harry Potter" và "The Hobbit" dễ dàng thu hồi số tiền đó với doanh thu lên đến 900 triệu USD.

"Thương hiệu phim" là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công cho những phần kế tiếp. Đây chính là sự "an toàn" cần thiết mà những nhà làm phim triệt để khai thác. Với bộ phim thành công, phần tiếp theo thường là cách dễ nhất để kiếm tiền, cho dù đó là phim được chuyển thể từ truyện tranh, sách hay từ một thể loại khác. Một số bộ phim kết thúc khi phần kế tiếp kéo dài trong một, hai phần nhưng cũng có phần kế tiếp được kéo dài dường như vô thời hạn, miễn là làm sao mang lại lợi nhuận lớn.

Các nhà làm phim đã xây dựng cho khán giả thói quen nhận thức và thưởng thức điện ảnh theo cách mới. Đó là gợi trí tò mò, cuốn khán giả vào những câu chuyện mới mà mỗi khi kết thúc, người ta lại phải hồi hộp, chờ đợi theo dõi phần tiếp theo có thể kéo dài trong nhiều năm. "Mạch" phim nhiều phần được tạo nên từ nhiều phần riêng nhưng thống nhất trong câu chuyện chung bao quát.

Phim bom tấn lớn như "Star Wars" là một ví dụ, phần tiếp theo của phim này đều có kịch bản, cốt truyện khác nhau nhưng vẫn được thống nhất bởi một câu chuyện chung. Phần tiếp theo có thể có nhiều cách kể chuyện khác nhau nhưng thông thường, nó phải tiếp tục câu chuyện từ phần trước. Khi câu chuyện kết thúc, đồng nghĩa với phần phim sẽ kết thúc, ngay cả khi phần tiếp theo khác muốn tiếp tục câu chuyện này. Điều này có nghĩa là, mỗi tập phim sẽ là câu chuyện hoàn chỉnh với mở đầu, giữa và cuối. Vì vậy, ngay cả khi một phần mới tiếp tục câu chuyện thì nó có thể được thực hiện theo cách riêng.

Khi lợi nhuận là mục tiêu tối thượng

Không thể phủ nhận rằng, phim nhiều phần đã mang lại những khoản thu khổng lồ cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, các nhà phê bình phim đang lên tiếng về chất lượng của phim phần kế tiếp. Họ cho rằng, phim phần kế tiếp chỉ đơn thuần vì lợi nhuận, còn chất lượng đang xuống cấp trầm trọng. Có phần tiếp theo được thực hiện theo yêu cầu của khán giả, nhưng cũng có nhiều trường hợp nó chỉ đơn thuần là quyết định của nhà sản xuất. Phần kế tiếp được coi là "cơ hội tuyệt vời" để phát triển câu chuyện từ phần trước, tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nhà làm phim chủ yếu lặp đi lặp lại cùng một công thức làm phim ở phần đầu tiên mà không có sự thay đổi đáng kể nào.

Những nhà sản xuất lập luận rằng, với phim nhiều phần, họ mang đến cho khán giả cơ hội được xem phim hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của những nhà phê bình, ngay cả bộ phim nhiều phần đạt doanh thu tốt nhất cũng bị chỉ trích vì tiết tấu phim chậm và thiếu hành động so với phần trước. Điều này dẫn đến các phần của bộ phim không có sự khác biệt là mấy. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, làm phim phần tiếp theo không cần thiết vì đó chỉ là "sự cồng kềnh" của một câu chuyện đơn giản.

"Back-to-back" là thuật ngữ được những nhà làm phim dùng để chỉ việc sản xuất cùng lúc phim nhiều phần. "Back-to-back" cho phép đạo diễn có lịch quay phim xác định với kịch bản làm phim nhiều phần đã hoàn thành. Điều này có nghĩa là, các nhà làm phim có thể cùng lúc thực hiện cả hai phần phim trong cùng khoảng thời gian để đẩy nhanh tiến độ sản xuất và tiết kiệm chi phí.

Ngày nay, các nhà sản xuất muốn rút ngắn thời gian phát hành phim giữa hai phần để khán giả không phải chờ đợi quá lâu, vì thời gian có thể làm giảm độ nóng ở phần trước cũng như khiến khán giả quên đi mạch phim. Chính vì vậy, nhiều series phim như "The Matrix", "The Lord of the Rings", "Pirates of the Caribbean"... được phát hành rất gần nhau. Hai phần tiếp theo của "The Matrix" thậm chí được phát hành cách nhau có 6 tháng.

Nhìn ở một góc độ nào đó, sản xuất phim theo kiểu "back-to-back" có thể tạo ra sự thống nhất giữa các phần vì chúng được sản xuất trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian nên các phần phim tiếp theo không phải lúc nào cũng tạo ra được sự đột phá và lôi cuốn.

Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng sản xuất phim nhiều phần đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng phim của Hollywood khi những bộ phim kế tiếp không có nhiều giá trị và chất lượng. Thay vì thêm "chất", tình tiết cho câu chuyện, nhà sản xuất lại biến nó thành "nửa cồng kềnh" của phần trước. Mặc dù vậy, sản xuất phim nhiều phần sẽ tiếp tục là xu hướng kéo dài trong vài năm nữa. Với những đơn vị đầu tư sản xuất, số lượng doanh thu luôn quan trọng hơn chất lượng. Quá trình làm phim của Hollywood đang bước vào thời đại mới mà sự tận dụng thành công của một thương hiệu quan trọng hơn việc cung cấp những bộ phim thực sự chất lượng.

Trong lịch sử điện ảnh, phim nhiều phần đã được các nhà sản xuất xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Những bộ phim đầu tiên như "Buck Rogers" hay "Flash Gordon" đã được kéo dài hàng chục năm sau đó. Thậm chí, một số bộ phim kinh dị như "Bride Of Frankenstein" hay "Dracula's Daughter" cũng được sản xuất theo xu hướng này. Phim nhiều phần đầu tiên được nhận giải Oscar cho phim hay nhất là "The Godfather: Part II". Tiếp theo đó là "The Lord of the Rings: The return of the King" giành được 11 giải Oscar, trong đó có giải "Phim hay nhất" và "Đạo diễn xuất sắc nhất" vào năm 2003. 
Phạm Mạnh Tường
.
.