Khi hoa hậu bị “ném đá” vì nhan sắc…

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:17
Câu chuyện về nhan sắc của Hoa hậu Đại dương 2017 - Lê Âu Ngân Anh là chủ đề nóng được bàn tán trên khắp các diễn đàn những ngày gần đây. Là một Hoa hậu, tổn thương lớn nhất có lẽ là bị chê xấu và "ném đá" là không xứng đáng. Suy cho cùng, Hoa hậu Ngân Anh không có lỗi mà lỗi nằm ở Ban Tổ chức, Ban Giám khảo - những người "cầm cân, nảy mực" để lựa chọn ra người xứng đáng nhất. Cũng có thể, lỗi do quan điểm "tuyệt đối hóa vẻ đẹp bề ngoài" đang tồn tại phổ biến trong giới trẻ.

    Khi nhan sắc bị ném đá

    Nói đến hoa hậu là nói đến hiện thân của vẻ đẹp nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. Công chúng có quyền đòi hỏi hoa hậu đẹp vì đó là đại diện tiêu biểu nhất trong hàng ngàn người đẹp đến từ khắp mọi miền đất nước tham gia dự thi. Tuy nhiên, việc phản ứng như "lên đồng", ném "đá" tân Hoa hậu Đại Dương không thương tiếc của công chúng trên mạng xã hội những ngày qua là điều không nên. Tôi tin chắc rằng, chủ yếu những người chê bai nhan sắc của Lê Âu Ngân Anh là theo trào lưu, bị "ám thị" bởi một vài góc ảnh xấu chứ chưa mấy ai được ngắm nhìn dung nhan của tân Hoa hậu ngoài đời thực.

    Quan niệm đẹp, xấu còn tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Thực tế cho thấy, không ít người đẹp được vinh danh tại các cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế cũng bị dư luận chê là xấu, không xứng đáng khi đăng quang.

    Gần đây nhất, Karen Ibasco, thí sinh nước chủ nhà Philippines đăng quang "Hoa hậu Trái đất 2017" hôm 4/11 cũng bị chê là gây thất vọng vì... già và kém sắc. Tuy nhiên, dường như mọi người quên mất một điều rằng, nhan sắc chỉ là một yếu tố tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Vẻ đẹp từ trí tuệ, tâm hồn, nhân cách cũng là những yếu tố hết sức quan trọng. Đôi khi, chúng ta chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài mà đánh giá Hoa hậu xứng đáng hay không xứng đáng.

    Vẻ đẹp của Hoa hậu sẽ được hoàn thiện qua thời gian. Hoa hậu không phải là người mang vẻ đẹp hoàn hảo mà là người xuất sắc nhất trong những thí sinh tham gia cuộc thi. Qua thời gian, nhờ danh hiệu Hoa hậu cùng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, những người đẹp sẽ ngày càng hoàn thiện về nhan sắc, hình thể, trí tuệ…

    Mong rằng, Lê Âu Ngân Anh có đủ bản lĩnh, bước qua "búa rìu" dư luận để hoàn thiện, khẳng định mình, hoàn thành sứ mệnh của một Hoa hậu Đại Dương. Bước chân vào showbiz, trở thành người của công chúng phải sẵn sàng đối mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Điều này cũng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của một Hoa hậu.

    Nhan sắc tân Hoa hậu Đại Dương 2017 - Lê Âu Ngân Anh (giữa) bị "ném đá" do lỗi của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo hay do quan điểm "tuyệt đối hóa vẻ đẹp bề ngoài" trong giới trẻ.

    Đừng tuyệt đối hóa vẻ đẹp bên ngoài

    Tôi luôn có một cảm nhận rằng, dường như giới trẻ trong xã hội hiện đại đang bị cuốn theo trào lưu tuyệt đối hóa vẻ đẹp bên ngoài. Những "Hội phát cuồng về trai xinh, gái đẹp" xuất hiện ồ ạt trên mạng xã hội. Nguyên nhân của hiện tượng này thì nhiều, nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận là sự "tiếp tay" của những trang báo mạng, diễn đàn dành cho giới trẻ.

    Thử lướt qua một vài trang báo mạng giành cho giới trẻ, đầy rẫy những bài viết về hot boy, hot girl. Chỉ là một nam sinh cầm cờ trong lễ khai giảng, một chàng trai ngủ gật trên xe bus, một huấn luyện viên thể hình, một bác sĩ nam khoa sản, một nữ cổ động viên trên sân vận động, một tấm ảnh thẻ của nữ sinh xinh đẹp nào đó… cũng trở thành đề tài được khai thác tỉ mỉ. Nhân vật trong các bài viết được lùng sục trên các mạng xã hội.

    Trong thời kỳ công nghệ số, người ta có thể nổi tiếng sau một lần xuất hiện trên truyền hình, một khoảnh khắc được ai đó ghi lại và đưa lên mạng xã hội. Sự tuyệt đối hóa vai trò của vẻ đẹp bên ngoài đã làm cho nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, sắc đẹp là chìa khóa vạn năng để mở ra cánh cửa thành công. Nếu không có sắc đẹp thì con đường tương lai phía trước sẽ không có hoa hồng mà đầy trông gai, trắc trở. Một số bạn trẻ dù nhan sắc không đến nỗi nào cũng quyết tâm phẫu thuật thẩm mỹ, lột xác để có được nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống. Rõ ràng, yếu tố nhan sắc đã được đưa lên vị trí số một, có yếu tố quyết định tạo nên thành công cho mỗi người.

    Trong showbiz Việt thì quan niệm "cái đẹp đè bẹp tài năng" càng trở nên rõ ràng. Câu chuyện của ca sĩ Đức Phúc, quán quân "Giọng hát Việt" 2015 là minh chứng rõ nét. Sở hữu giọng hát nội lực, giàu cảm xúc nhưng hạn chế về ngoại hình nên dù có "bệ phóng" tốt từ cuộc thi, rất nỗ lực, cố gắng ra sản phẩm mới đều đặn nhưng Đức Phúc vẫn loay hoay khẳng định mình. Trong khi đó, những lời rèm pha của công chúng về ngoại hình ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sự tự tin của chàng ca sĩ trẻ.

    Đức Phúc không thể vượt qua được định kiến của xã hội. Anh quyết định "đập đi, xây lại" toàn bộ khuôn mặt và được gọi với cái tên "soái ca" sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc. Đức Phúc thừa nhận rằng, với diện mạo mới, anh cảm thấy tự tin hơn trên sân khấu, đồng thời cũng nhận được nhiều show biểu diễn, đóng quảng cáo, catse cũng vì thế mà được tăng cao hơn.

    Câu chuyện "phi công trẻ" sát hại "máy bay bà già" xảy ra hồi cuối tháng 10-2017 tại chung cư Royal City đặt ra nhiều câu hỏi. Tưởng như vụ án này chẳng liên quan gì đến chủ đề bài viết nhưng sâu chuỗi lại thì có lẽ mọi thứ lại bắt nguồn từ nhan sắc.

    Thanh niên Phạm Thanh Tùng, 21 tuổi, từng là sinh viên chuyên ngành bóng rổ của một trường Đại học Thể dục Thể thao chấp nhận cặp bồ với người phụ nữ hơn mình 15 tuổi rồi ra tay sát hại người tình để cướp tài sản.

    Tôi tự hỏi rằng, nếu Phạm Thanh Tùng là một chàng trai bình thường, không nhan sắc, không từng tham gia "Next top Model" thì liệu Phạm Thanh Tùng có rơi vào vòng xoáy của tội lỗi. Được biết, Phạm Thanh Tùng và người tình quen nhau qua mạng xã hội và có lẽ, chính gương mặt điển trai cùng thân hình cao dáo của một người mẫu đã dẫn dụ Tùng tự tay khép lại cánh cửa tương lai của mình.

    Không ít diễn viên, người mẫu, hoa khôi trong những đường dây bán dâm bị các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây. Có những người đẹp quyết tâm đi thi giành lấy danh hiệu hoa khôi để rồi lại rơi vào chính vòng xoáy của sự tha hóa nhan sắc. Nhan sắc bản thân nó cũng giống như con dao hai lưỡi, vừa là "vũ khí tấn công" lợi hại, tạo lợi thế cạnh tranh cho người sở hữu nhưng đồng thời cũng chính nhan sắc lại tiềm ẩn nhiều cám dỗ.

    Tôi cho rằng, tuyệt đối hóa vai trò của nhan sắc là sự lệch chuẩn xã hội. Một xã hội quá coi trọng nhan sắc, coi đó là yếu tố quan trọng hàng đầu sẽ tạo ra những giá trị ảo. Nhan sắc là cái trực diện mà ai cũng có thể nhìn thấy nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài. Cái vỏ bề ngoài ấy cần phải chứa đựng trong đó cái đẹp tỏa ra từ tâm hồn, trí tuệ và nhân cách của con người.

    Phạm Thiên Giang
    .
    .