Khi giám khảo... đại chiến

Thứ Ba, 09/08/2016, 08:05
Đêm Liveshow 6 chương trình "X - Factor - Nhân tố bí ẩn" hồi cuối tháng 7 vừa qua gây xôn xao trên các diễn đàn vì màn tranh cãi kịch liệt của dàn huấn luyện viên sau tiết mục biểu diễn của thí sinh 17 tuổi Trần Minh Như. Chưa nói đến sự đúng sai của những tranh luận, có rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ về cách ứng xử của những người "cầm cân, nảy mực" trước một vấn đề "có quan điểm trái chiều", nhất là khi chương trình đang lên sóng trực tiếp.


Những "cuộc chiến" trên sóng truyền hình

Ngay sau khi Minh Như trình diễn ca khúc "Không quan tâm" do chính giám khảo Dương Khắc Linh sáng tác, Tùng Dương đã thẳng thắn phản đối, đại ý rằng, anh cảm thấy rất lo ngại vì bài hát không thấy thú vị gì. Thông điệp "Tôi chẳng quan tâm" có nghĩa là những lời nói ở đây (ý nói lời nhận xét, đánh giá của Ban Giám khảo) chẳng có giá trị gì với những bạn trẻ. Đó là điều rất nguy hiểm và thông điệp "rất chi là vội vã". Lời nhận xét của giám khảo Tùng Dương đã "châm ngòi" cho một cuộc chiến ngay trên sóng truyền hình.

Giám khảo Hồ Quỳnh Hương "chữa cháy" rằng, nên quan tâm giọng hát và cảm xúc mà thí sinh truyền tải chứ không nên chú trọng đến vấn đề khác. Cô còn dí dỏm nói rằng: "Trong bài hát của anh Linh có câu "tôi sẽ không buồn về những lời ghen tuông chứ đâu phải "tôi sẽ không buồn vì huấn luyện viên".

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó khi Tùng Dương tiếp tục đưa ra quan điểm "Tôi cảm thấy bị xúc phạm với bài hát này, bởi một tuyên ngôn dành cho giới trẻ như vậy không chấp nhận được". MC Thành Trung phải "can ngăn" bằng cách đưa ra lý lẽ, "Nói gì thì nói tôi là MC của chương trình, cho tôi được nói". Anh được coi là "người hùng" sau đêm thi kết thúc.

Màn tranh luận gay gắt được cư dân mạng gọi là "chợ vỡ" trong chương trình "X-Factor - Nhân tố bí ẩn" 2016 hôm 24-7 vừa qua.

Nhiều người đã dùng khái niệm "chợ vỡ" để nói đến màn tranh luận của các huấn luyện viên "Nhân tố bí ẩn". Sau khi đêm thi kết thúc, một đoạn video clip rò rỉ trên mạng quay cảnh "khẩu chiến" giữa giám khảo Hồ Quỳnh Hương và Thanh Lam. Trong đó có đoạn, Thanh Lam nổi giận nói với "đàn em" rằng "Tại sao em lại nói như thế, em nói như vậy là láo!".

Chưa hết bức xúc trên sân khấu, Thanh Lam và Tùng Dương đã bày tỏ quan điểm của mình trên facebook cá nhân, tiếp tục gây nên những tranh cãi trong cộng đồng mạng. Xét về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ "tôn chỉ nghệ thuật" của Thanh Lam và Tùng Dương.

"X-Factor - Nhân tố bí ẩn" không đơn thuần là một cuộc thi mà nó còn là môi trường để những tài năng được rèn luyện, thử thách và khẳng định mình. Với hàng triệu khán giả theo dõi chương trình thì những thông điệp nghệ thuật sẽ có tác động rất lớn đến nhận thức, tư duy của khán giả, nhất là những người trẻ tuổi. Tất cả mọi thứ khi lên sân khấu đều phải "chỉn chu", có định hướng và mang tính giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, cách ứng xử của các huấn luyện có đúng hay không lại là vấn đề khác. 

Vào thời điểm này, chương trình "The Face - Gương mặt thương hiệu" mùa đầu tiên cũng đã đi được chặng đường khá dài. Sự chú ý của chương trình không phải ở dàn thí sinh - những ứng viên tiềm năng của ngôi vị quán quân "Gương mặt thương hiệu" mà lại nằm ở dàn huấn luyện viên gồm Hoa hậu hoàn vũ Phạm Hương, Hoa khôi Áo dài Lan Khuê, ca sĩ - người mẫu Hồ Ngọc Hà. Trong đó, mâu thuẫn giữa Phạm Hương và Lan Khuê gần như đã chi phối kết quả của mùa giải năm nay.

Theo Format của chương trình, sau phần thử thách của các đội trong mỗi tập, đội nào giành chiến thắng thì huấn luyện viên của đội đó sẽ có quyền loại một thí sinh trong hai đội còn lại. Liên tiếp giành phần thắng trong các thử thách, huấn luyện viên Phạm Hương đã "không thương tiếc" loại thí sinh của đội huấn luyện viên Lan Khuê. Khi chỉ còn lại thí sinh duy nhất, Lan Khuê đã bật khóc nức nở trên sóng truyền hình và lên xe bỏ về.

Trong tập phát sóng gần đây nhất, khi được quyền loại thí sinh, Lan Khuê cũng đã loại thí sinh của đội Phạm Hương khiến Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nói rằng, cô không phục kết quả này và cho đó là một "đòn trả thù" của Lan Khuê. Trong khi đó, hai huấn luyện viên này thường xuyên đưa ra những lời nhận xét không hay về đội của nhau cũng như không ngần ngại chê nhau trên sóng truyền hình.

Trong một cuộc thi, các huấn luyện viên sẽ tìm cách loại thí sinh mạnh của đội khác, tìm cách để cho team của mình giành ngôi vị cao nhất nhưng rõ ràng, những hiềm khích mang tính cá nhân giữa các huấn luyện viên đã chi phối kết quả của cuộc thi năm nay. Nếu không có cái nhìn khách quan, tổng thể và công tâm thì những ứng viên tài năng sẽ bị loại sớm, trong khi những ứng viên kém tài, sắc hơn lại có khả năng đăng quang. Đánh giá ở góc độ này thì cá nhân huấn luyện viên có thể thành công nhưng lại là sự thất bại của một chương trình tìm kiếm tài năng.

"X-Factor - Nhân tố bí ẩn" 2016, "The Face - Gương mặt thương hiệu" không phải là những chương trình đầu tiên chứng kiến mâu thuẫn của giám khảo trên sóng truyền hình. Còn nhớ, trong một show của chương trình "Bài hát yêu thích" năm 2014, Trác Thúy Miêu và đạo diễn Lê Hoàng đã có màn tranh cãi kịch liệt sau phần biểu diễn ca khúc "Gần lắm Trường Sa" của ca sĩ Long Nhật. Thậm chí hai người còn tranh mic nhau ngay trên sân khấu để thể hiện quan điểm, nhận xét riêng của mình. Trác Thúy Miêu không ngần ngại chê Lê Hoàng là "rất có vấn đề về thưởng thức âm nhạc".

Ngư ông đắc lợi?

Nghệ sĩ là những người có cá tính mạnh mẽ và họ có quyền nói lên quan điểm của mình. Trong những cuộc tranh luận, ai cũng có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng rõ ràng, việc tranh luận, "bất chấp khán giả" trên sóng truyền hình trực tiếp đã mang đến những góc nhìn khác về "người của công chúng".

Tranh luận, phản biện là điều cần thiết để tìm tiếng nói chung, nhất là trong bối cảnh showbiz Việt đang "nhập nhèm" những giá trị nghệ thuật như hiện nay. Trên diễn đàn đó, mọi quan điểm đều phải được tôn trọng và ngay cả khán giả cũng phải được tôn trọng. Không thể lấy cái "tôi", quan điểm cá nhân của mình để lấn át quan điểm của người khác bởi những gì anh nghĩ cũng chỉ là quan điểm cá nhân mà thôi.

Lan Khuê bật khóc khi một thí sinh của đội mình bị huấn luyện viên Phạm Hương loại trong tập 6 của chương trình.

Quay trở lại câu chuyện gây tranh cãi của huấn luyện viên "X-Factor - Nhân tố bí ẩn" 2016, tôi ủng hộ quan điểm của Tùng Dương nhưng không đồng tình với cách mà anh phản ứng "thái quá" với các đồng nghiệp trên ghế nóng. Vẫn quan điểm đó nhưng nếu cách ứng xử có "điểm dừng" và "văn minh" hơn thì có lẽ, hình ảnh của Tùng Dương cũng như chương trình sẽ đẹp hơn trong mắt công chúng.

Tương tự như vậy, nếu MC Trác Thúy Miêu và đạo diễn Lê Hoàng lựa chọn cách tranh luận bớt gay gắt, tôn trọng khán giả hơn thì có lẽ, câu chuyện sẽ không tốn bút mực của báo giới đến vậy. Rõ ràng, khi ngồi ghế nóng, người nghệ sỹ cần nhiều yếu tố hơn tài năng, mà chính xác hơn là cần có "Tài - Tâm và Tầm".

Một câu hỏi đặt ra là, ai sẽ được hưởng lợi từ những cuộc "đại khẩu chiến" của giám khảo. Huấn luyện viên, khán giả hay thí sinh? Câu trả lời là không ai trong số họ mà người được hưởng lợi nhất chính là nhà sản xuất. Giờ đây, khi sự cạnh tranh giữa các chương trình truyền hình thực tế ngày càng khốc liệt trong khi thí sinh tài năng trở thành hàng "hiếm", việc khai thác đời tư thí sinh làm "chất liệu" câu khách bị lên án kịch liệt thì tất cả "trông chờ" vào sự hoạt ngôn, độ "hot", màn trình diễn của giám khảo. Giám khảo trở thành "con át chủ bài", quyết định sự thành bại của một chương trình.

Với các nhà sản xuất, họ cần một chương trình "ăn khách" để "tối ưu hóa" lợi nhuận và như vậy, những màn đấu khẩu của giám khảo vô hình chung lại tạo nên sự chú ý cho chương trình. Thế chẳng phải những nhà sản xuất là "ngư ông đắc lợi" hay sao?

Phạm Thiên Giang
.
.