Khát vọng về một nền hành chính công minh bạch

Thứ Năm, 24/01/2019, 07:48
Việc Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong xã hội. Với những nội dung được đúc kết quy định về chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.


Theo Đề án, trong giao tiếp với người dân, phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn và thực hiện "4 xin, 4 luôn": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đi liền với đó, Đề án cũng đề cập nội dung văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các khía cạnh: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục… 

Trước đây, khi có việc phải đến các cơ quan công quyền, người dân nói chung các doanh nghiệp nói riêng luôn ở vị thế "kẻ dưới", vị thế của "người đi xin", còn các công chức, quan chức Nhà nước ở vị thế "người trên", vị thế "kẻ có quyền cho". Những "người chủ" là nhân dân đang bị các "công bộc, đầy tớ" hoạnh hoẹ, nhũng nhiễu, hạch sách, chỉ đành ngậm đắng nuốt cay vì chẳng biết kêu ai, nói với ai.

Thủ thuật để hành dân của một bộ phận cán bộ, công chức vô cùng đa dạng và tinh vi. Chỉ cần có một chút quyền lực trong tay là có thể tự ý đặt ra những điều kiện, những cửa ải mà doanh nghiệp và người dân phải vượt qua; thậm chí, có trường hợp đặt những điều kiện trái pháp luật một cách trắng trợn.

Để qua những cửa ải ấy, hoàn thành những thủ tục ấy doanh nghiệp và người dân lương thiện buộc phải luồn cửa trước hoặc đi cửa sau, từ đó xuất hiện việc biếu xén, quà cáp, cảm ơn… Đây đã trở thành một rào cản kìm hãm sự phát triển lâu nay, là những bất cập trong bộ máy hành chính nhà nước, mà "thủ phạm" trong bộ máy đó không ai khác là các cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.

Đề án “Văn hóa công vụ” nói không với thói nịnh bợ.

Cán bộ, công chức là bộ mặt của các cơ quan công quyền. Do là "mặt tiền" thì phải tươi tỉnh, niềm nở, ân cần bất kể cả việc nhỏ nhặt nhất, như thế, chưa cần làm gì đã tạo nên sự thiện cảm, lòng tin của người dân. Khi người dân gặp những khó khăn, vướng mắc mặc dù cán bộ công chức đều nhiệt tình giải quyết, chưa chắc đã làm được nhưng cũng khiến người dân được an ủi rằng họ cũng đã cố hết sức.

Ấy vậy, mà ngay cả sự cố gắng hình thức như thế mà các cán bộ, công chức nhà ta cũng chả buồn làm, thì đúng là vừa không nghe lời "cấp trên" lại vừa là công bộc của dân nhưng coi thường dân. Thế thì đúng là phải chỉnh đốn thật!

Năm 2019, Đề án Văn hóa công vụ sẽ được triển khai một các đồng bộ, thống nhất. Có thể thấy rằng, Đề án này sẽ "đánh thẳng, trực diện" vào những thói xấu của cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, "chí công, vô tư", góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội; đồng thời đẩy lùi nạn quan liêu, hách dịch đang tồn tại khiến người dân và doanh nghiệp phải phiền lòng. Tuy nhiên, cần phải có căn cứ đánh giá tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống…

Vì thế Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cần phải có ngay những giải pháp như việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp trực tiếp chấm điểm, đánh giá cán bộ, công chức, chất lượng hành chính công ngay tại chỗ, sau mỗi lần tiếp xúc, sau khi thực thi xong công vụ bằng những tiêu chí đo lường cụ thể, việc đánh giá chất lượng công chức sẽ chính xác hơn. Đối với công chức, họ cũng sẽ phải thay đổi cung cách làm việc, điều chỉnh thái độ phục vụ người dân, bởi vì dân đang thực hiện cái quyền làm chủ thực sự, trong phạm vi quan hệ giữa Nhà nước với công dân tại một cơ quan công quyền.

Cải cách hành chính chỉ thực sự có kết quả khi chúng ta công khai, minh bạch và đây là một phương thức rất minh bạch và ít ra cũng nói lên được quan điểm của một công dân trước hành vi ứng xử, giải quyết công việc của cán bộ, công chức và cơ quan công quyền. Dân chủ là đây, không ở đâu xa cả, nhưng điều quan trọng là sau khi tập hợp thông tin từ người dân và doanh nghiệp thì việc xử lý như thế nào?

Những người không làm được việc, bị người dân chê trách có được tiếp tục ngồi cái ghế công chức hay không? Nếu như có sự sàng lọc nghiêm túc căn cứ vào kết quả chấm điểm của dân chúng thì chắc chắn chất lượng hành chính công sẽ được nâng cao và mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực và đây cũng là mong mỏi của tất cả chúng ta.

Cù Tất Dũng
.
.