Điện ảnh Việt Nam: Ấn tượng và triển vọng

Khán giả bắt đầu yêu phim Việt Nam

Thứ Bảy, 05/02/2011, 08:51
Phỏng vấn đạo diễn Phan Đăng Di.

- Xin chào đạo diễn Phan Đăng Di. Là người làm nghề, anh cảm nhận thế nào về một năm điện ảnh đã qua?

+ Cá nhân tôi cho rằng, ấn tượng nổi bật nhất trong đời sống điện ảnh năm vừa qua là chúng ta làm được nhiều phim hơn so với những năm trước. Năm qua cũng là năm chúng ta có nhiều phim được khán giả đón nhận. Các thể loại phim cũng phong phú hơn, và ở mỗi thể loại đều ít nhiều thành công trên phương diện khán giả. Phim thương mại có khán giả đã đành mà phim nghệ thuật cũng bắt đầu có mặt trên thị trường, được thị trường chấp nhận. "Cánh đồng bất tận" là một ví dụ. Hiện tượng khán giả bắt đầu háo hức đến rạp xem phim Việt có lẽ là thành công nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm qua.

- Năm 2010 đã qua là năm của nhiều sự kiện lớn. Điện ảnh cũng không đứng ngoài những sự kiện này. Nhiều tác phẩm tập trung vào chủ đề 1000 năm Thăng Long, chủ yếu là khai thác những vấn đề, những câu chuyện của lịch sử. Theo quan sát của anh, những phim lịch sử trong năm qua có phải là một thành công đáng ghi nhận của điện ảnh hay không?

+ Tôi nghĩ rằng có nhiều bộ phim làm về đề tài lịch sử đã là một tín hiệu đáng mừng rồi. Việc phán xét một tác phẩm điện ảnh đề tài lịch sử ở một khía cạnh nào đó cũng là cần thiết, nhưng nếu thái quá thì chính những người làm điện ảnh sẽ quyết định rời bỏ đề tài này, "đi chỗ khác chơi", vì họ có cảm giác đụng vào đề tài này giống như đụng vào một cái "bẫy". Sự e ngại, né tránh đề tài lịch sử cố nhiên sẽ không tốt cho điện ảnh chúng ta, và thiệt thòi của khán giả là sẽ không được xem phim về lịch sử nước mình. Từ những cuộc tranh luận làm phim về lịch sử trong thời gian qua, tôi thiết nghĩ, các nhà quản lý và cả khán giả cần phải có một cái nhìn hợp lý hơn, thỏa đáng hơn, để có thể khuyến khích những người làm phim mạnh dạn đầu tư vào phim lịch sử.

- Nếu nói về các gương mặt mới trong đời sống điện ảnh năm qua thì cái tên Phan Đăng Di có lẽ được nhắc đến nhiều nhất. Bộ phim "Bi, đừng sợ" của anh đã có mặt ở 30 liên hoan phim trên thế giới, đã giành giải thưởng Dự án nổi bật châu Á tại Liên hoan phim Pusan (Hàn Quốc), 2 giải của Hiệp hội phê bình điện ảnh quốc tế tại Liên hoan phim Cannes… Anh cũng là một trong những gương mặt được tham dự chương trình "New voices from Viet Nam" (Những tiếng nói mới từ Việt Nam). Có mặt ở nhiều sự kiện lớn như vậy, anh thấy khán giả quốc tế đón nhận tác phẩm điện ảnh của mình như thế nào?

+ Tôi thấy rằng mỗi nền điện ảnh có một đặc điểm riêng và càng độc đáo thì càng được khán giả đón nhận. Trong khuôn khổ những kỳ liên hoan, khán giả quốc tế dường như dành cho phim Việt Nam những thiện cảm đặc biệt. Với bộ phim "Bi, đừng sợ" của tôi, khán giả có phần thích thú. Có lẽ bởi câu chuyện mà bộ phim mang tới tương đối dung dị, gần gũi với khán giả.

- Trong thế giới hội nhập hôm nay, những ranh giới, khoảng cách dường như đang được xóa nhòa đi. Theo anh, một đạo diễn trẻ để trở thành một gương mặt mới được chú ý không chỉ trong nước mà còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia thì điều quan trọng nhất là gì?

+ Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào khả năng của cá nhân mỗi đạo diễn trẻ. Nhưng dù người đạo diễn đó kể bất kỳ một câu chuyện gì, với hình thức như thế nào, thì đó chắc chắn phải là một tiếng nói chân thành. Có nghĩa là người đạo diễn phải đi đến tận cùng vấn đề, không được nửa vời, không được giả tạo. Một khi vấn đề người đạo diễn định nói trong phim trở thành vấn đề của chính anh ta thì chắc chắn bộ phim sẽ nhận được sự đồng cảm, thích thú của khán giả.

Trong chương trình "Những tiếng nói mới từ Việt Nam", tôi được tham gia cùng với một số đạo diễn Việt Nam khác. Chủ đề chính của chương trình là tôn vinh sự nghiệp của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Cùng với đó là việc giới thiệu một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam theo lựa chọn của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ. Trong số đó có các phim sản xuất từ lâu như "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và có cả phim vừa sản xuất xong như "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Phan Quang Bình, thậm chí có cả phim tài liệu. Tôi nghĩ sự lựa chọn này rất khái quát, nó có thể cho khán giả Mỹ một cái nhìn tương đối tổng thể về bức tranh điện ảnh Việt Nam đương đại. Trở thành một gương mặt mới, một tiếng nói mới có lẽ luôn luôn là mong muốn của những người bắt đầu con đường điện ảnh. Để làm được điều này, người đạo diễn phải biết cách kể cho thật hay những câu chuyện mà anh ta muốn mang tới khán giả. Anh ta phải riêng biệt.

- Xin cảm ơn đạo diễn Phan Đăng Di

Vũ Quỳnh (thực hiện) - VNCA Xuân 2011
.
.