Danh hiệu cho người xứng đáng:

Khách quan, công tâm với nghệ sỹ

Thứ Hai, 21/08/2006, 08:00

“Thời gian 15 năm để đánh giá hoạt động của một nghệ sĩ cho việc xét tặng danh hiệu có phần chưa thuyết phục. Để có 15 năm làm nghệ thuật một nghệ sỹ thường xấp xỉ 40 rồi. Mà thời kỳ nở rộ của các  tài năng là ở tuổi trên dưới 30.Chúng ta phải đánh giá, trao tặng danh hiệu cho họ lúc họ đang ở đỉnh cao của nghệ thuật, như thế mới khích lệ, động viên họ đóng góp nhiều hơn”, NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội NSSK bày tỏ.

- Thưa NSND Trọng Khôi, xin ông cho biết Hội NSSK đã triển khai công việc lựa chọn những người đủ tài năng, tiêu chuẩn để đề nghị phong tặng danh hiệu NSND - NSƯT như thế nào, và theo ông thì liệu có khách quan không?

- Tôi cho rằng Hội NSSK chúng tôi đã triển khai việc này đúng như quy định, hướng dẫn của Bộ VH-TT. Tất nhiên, khi chuyển danh sách lên Hội đồng quốc gia về xét tặng danh hiệu, nhiều người có thắc mắc vì sao Hội NSSK lại đề nghị nhiều nghệ sĩ thế? Cần phải hiểu rằng Hội chúng tôi có số lượng hội viên tới gần 10.000 người, bao gồm nhiều bộ môn khác nhau, như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, xiếc… Số lượng hội viên ấy thậm chí là có thể lớn gấp 10 lần số lượng hội viên của một hội chuyên ngành khác.

-  Những điểm nào trong cơ chế xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ mà theo ông là chưa phù hợp?

-  Trước tiên, tôi nghĩ việc quy định 5 năm xét tặng danh hiệu nghệ sĩ một lần là quá dài, và thay đổi quy định thành 2 năm là cần thiết. Vì ở một ngành đông hội viên như sân khấu thì 5 năm xét tặng một lần sẽ dẫn đến tình trạng “dồn cục” lại, rất khó để đánh giá, đề xuất.

Việc đánh giá tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ thuộc biên chế các đơn vị nghệ thuật của nhà nước ở miền Bắc cũng có gì đó không ổn. Không nên tính tuổi với người làm nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ lao động nghệ thuật và sáng tạo cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Vừa rồi, bên ngành sân khấu chúng tôi mà sơ sểnh một chút thì có thể đã bỏ qua trường hợp xét tặng danh hiệu cho họa sĩ Bùi Huy Hiếu, một người có nhiều đóng góp và được người trong nghề rất kính trọng.

Điều nữa, là thời gian 15 năm để đánh giá hoạt động của một nghệ sĩ cho việc xét tặng danh hiệu cũng có phần chưa thuyết phục. Thông thường, một diễn viên, khi tốt nghiệp ra trường tuổi đã ngoài 20. Để có 15 năm làm nghệ thuật họ đã xấp xỉ vào tuổi 40 rồi. Mà thời kỳ nở rộ của các  tài năng là ở tuổi trên dưới 30. Chúng ta phải đánh giá, trao tặng danh hiệu cho họ lúc họ đang ở đỉnh cao của nghệ thuật, như thế mới có thể khích lệ, động viên họ đóng góp nhiều hơn.

-  Nhiều người quan tâm đến sân khấu thắc mắc rằng, không hiểu sao Hội đồng xét tặng chuyên ngành sân khấu không có mặt các tên tuổi như NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Lê Hùng… Thực chất đây là những nghệ sĩ có nhiều năm lăn lộn với sân khấu trên phạm vi cả nước, hiểu biết thực trạng của sân khấu cũng như có thể đánh giá chính xác tài năng, đóng góp của nhiều nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật khác nhau. Thưa ông, ý kiến của ông thế nào?

- Tôi không cho rằng các nghệ sĩ vừa được nhắc tới có thể đánh giá chính xác về các diễn viên, dù tôi thừa nhận họ hoạt động sân khấu rộng rãi trên phạm vi cả nước. Họ là những người làm nghề, và họ làm công việc cụ thể của họ. Trên bình diện chung, họ không hoạt động xã hội nhiều và sự đánh giá của họ có thể rất tốt nhưng chưa chắc đã có được một sự tổng quan. Cơ cấu của hội đồng chuyên ngành sân khấu bao gồm đội ngũ những người đứng đầu các loại hình, có kiến thức về lĩnh vực của họ, theo dõi hoạt động của nghệ sĩ trong nhiều năm và có được một cái nhìn tổng thể. Tôi cho rằng, một hội đồng như Hội chúng tôi đã thành lập, là không có gì bất hợp lý cả.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Quỳnh
.
.