Phim truyền hình Việt Nam:

Hụt hơi trước “hàng” ngoại

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:05
Vì sao phim truyền hình Việt nhạt nhẽo? Theo tôi, một trong những nguyên nhân rất quan trọng là yếu tố văn hóa Việt chưa được khắc họa đậm nét. Văn hóa Việt với những con người, phong cảnh thuần Việt mới có thể giúp Việt Nam tạo ra màu sắc riêng biệt, không thể trộn lẫn với phim của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. 

Thông tin về bộ phim truyền hình Ấn Độ "Cô dâu 8 tuổi" phát sóng trên kênh Today TV vào khung giờ "vàng" mỗi tối sẽ kéo dài đến gần 2.000 tập trở thành tâm bão dư luận những ngày gần đây.

Có ý kiến cho rằng, nên "tẩy chay" bộ phim vì quá dài, mạch phim chậm nhưng cũng không ít người lên tiếng khẳng định, "Cô dâu 8 tuổi" là một siêu phẩm truyền hình có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất trong vài năm trở lại đây. "Cô dâu 8 tuổi" chỉ là một trong số những bộ phim châu Á tạo được sức hút với khán giả Việt. Trong cuộc "chạy đua" với phim ngoại, phim truyền hình Việt Nam dường như đang bị lép vế hoàn toàn.

Trông người…

Trên các kênh sóng hiện nay, làn sóng phim châu Á đang chiếm thị phần lớn. Nếu như một vài năm trước, phim Hàn Quốc, Trung Quốc "làm mưa, làm gió" thì giờ đây, phim Philippines, Thái Lan, đặc biệt là Ấn Độ đang mang đến những khẩu vị mới trong thực đơn giải trí ngày càng đa dạng.

Mặc dù không có quá nhiều phim từ kinh đô điện ảnh Bollywood được trình chiếu tại Việt Nam nhưng bộ phim nào cũng tạo được dấu ấn. Có thể kể tên một số bộ phim Ấn Độ đã và đang được trình chiếu tại Việt Nam như "Mối tình kỳ lạ" phát sóng trên HTV3, Truyền hình Vĩnh Long có "Con gái của cha", "Âm mưu và tình yêu"; VTV9 phát sóng "Hẹn tái hôn"; HTV7 có "Trái tim mỹ nhân"; Today TV có "Cô dâu 8 tuổi", "Mưu đồ ẩn giấu"; SCTV11 đã phát sóng "Tình yêu và thù hận", "Ngôi sao may mắn"… Ngoài ra, những bộ phim Ấn Độ khác như "Vợ tôi là cảnh sát", "Bí mật gia đình họ Khan", "Lời nguyền sắc đẹp", "Mẹ chồng hắc ám", "Mãi mãi bên nhau"… cũng lần lượt được xoay vòng lên sóng nhiều kênh truyền hình.

Một cảnh trong phim "Cô dâu 8 tuổi" của Ấn Độ.

Nổi bật nhất của loạt phim Ấn Độ là "Cô dâu 8 tuổi". Bộ phim đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, thu hút đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi, trên khắp mọi miền đất nước. Sức hút của phim Ấn Độ nằm ở việc khai thác đề tài gia đình phù hợp với văn hóa Á Đông. Mặc dù diễn tiến phim chậm, mạch phim dài nhưng kịch bản trong phim Ấn Độ khá chặt chẽ với nhiều tình tiết hấp dẫn. Bên cạnh đó, phim Ấn Độ còn thu hút người xem nhờ đậm nét văn hóa. Qua mỗi bộ phim, khán giả Việt được biết thêm về văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc của đất nước này.

Nếu như phim Thái Lan có thế mạnh từ dàn diễn viên thần tượng, tình huống phim bất ngờ, hài hước, văn hóa Thái Lan đậm nét thì phim của Philippines phản ánh cuộc sống khá hiện đại, mang màu sắc phương Tây. Phim của Phillippines có đề tài đa dạng nhưng nổi bật nhất là đề tài tình yêu.

…mà ngẫm đến ta

Nếu "điểm danh" phim truyền hình Việt Nam từ đầu năm đến nay thì có lẽ, rất khó để kể tên bộ phim "ổn" nhất bởi có quá ít phim chất lượng lên sóng. Qua theo dõi, tôi cho rằng, "Tuổi thanh xuân" (bộ phim hợp tác giữa VTV và Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M (Hàn Quốc)) là phim nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm nay. Có không ít ý kiến chê bai bộ phim, nhất là khoảng cách về diễn xuất của diễn viên Việt Nam và Hàn Quốc; sự "áp bức" văn hóa Hàn Quốc lên văn hóa Việt… nhưng "Tuổi thanh xuân" vẫn là bộ phim đáng xem vì sự mới lạ trong dòng chảy phim truyền hình nói chung.

Một thông tin rất vui với phim truyền hình Việt là bắt đầu từ 6-7 tới đây, "Tuổi thanh xuân" sẽ được chính thức phát sóng trên Channel M - một kênh truyền hình trả tiền của Hàn Quốc hiện đang phủ sóng tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á. Đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phim truyền hình Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời, phần 2 của "Tuổi thanh xuân" cũng đang được VTV và Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M rục rịch khởi động. Sức hút của bộ phim đã khiến "Tuổi thanh xuân" xuất hiện trong bảng đề cử giải thưởng Ấn tượng VTV 2015 ở ba hạng mục: "Phim mới ấn tượng", "Nam diễn viên ấn tượng" và "Nữ diễn viên ấn tượng". Sự thành công của "Tuổi thanh xuân" là tín hiệu vui nhưng cũng khiến không ít người chạnh lòng vì phim truyền hình Việt đang "khát phim hay".

Một hướng đi mới của phim truyền hình Việt là tập trung khai thác mảng đề tài về gia đình. Tuy nhiên, nếu so với những gì mà phim Ấn Độ khai thác về đề tài này thì phim Việt còn phải… chạy xa. Một mặt, mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn trong phim Việt còn hời hợt, chưa tới. Mặt khác, "nhánh đề tài" gia đình mà phim Việt tập trung khai thác nhiều nhất là ngoại tình.

Một vài bộ phim lên sóng VTV thời gian gần đây như "Mưa bóng mây" (đạo diễn Trọng Trinh), "Hôn nhân trong ngõ hẹp" (đạo diễn Vũ Trường Khoa), "Máy bay ký sự" (đạo diễn Trịnh Lê Phong)… ít nhiều nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả. Phim về đề tài gia đình gần gũi, phản ánh được một số vấn đề nóng đặt ra với gia đình trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, sự lạm dụng cảnh nóng và tập trung quá nhiều vào vấn đề ngoại tình khiến không ít khán giả lên tiếng về sự nhàm chán. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, một số tình huống trong phim mang đến cái nhìn lệch lạc về gia đình Việt.

Một cảnh trong phim "Hôn nhân trong ngõ hẹp" của đạo diễn Vũ Trường Khoa.

Nhờ sự "kích cầu" của sóng giờ vàng, phim truyền hình Việt thời gian gần đây đã thoát khỏi tình trạng phim cẩu thả, "thảm họa"; chất lượng phim đồng đều nhưng ít phim nổi bật có thể tạo được tiếng vang. Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) và Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) là những đơn vị đầu tàu, cung cấp nhiều phim chất lượng, phần lớn trong số đó là phim chính luận. Thiếu phim hay nên phim truyền hình hiện không có khả năng tạo ra diễn viên ngôi sao như trước đây. 

Một câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có thể có phim truyền hình hay, đủ sức cạnh tranh với phim ngoại được hay không. Theo tôi, câu trả lời là có. Trước đây, chúng ta cũng đã từng có những bộ phim truyền hình tạo được dấu ấn mạnh mẽ với công chúng như "Đất phương Nam" (đạo diễn Lê Vinh Thương), "Ma Làng" (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), "Đồng tiền xương máu" (đạo diễn Đinh Đức Liêm), "Người đẹp Tây Đô" (đạo diễn Lê Cung Bắc), "Xin hãy tin em", "Phía trước là bầu trời" (đạo diễn Đỗ Thanh Hải), "Hoa cỏ may" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) hay gần đây như "Bỗng dưng muốn khóc", "Vừa đi vừa khóc" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng)…

Vai diễn trong những bộ phim này đã làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên trẻ, thậm chí đã trở thành "cái bóng" quá lớn mà họ khó có thể vượt qua trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Trường hợp Hùng Thuận vai bé An trong "Đất Phương Nam", Quyền Linh, Trương Ngọc Ánh trong "Đồng tiền xương máu", Lương Mạnh Hải trong "Bỗng dưng muốn khóc"… là những minh chứng cụ thể.

Vì sao phim truyền hình Việt nhạt nhẽo? Theo tôi, một trong những nguyên nhân rất quan trọng là yếu tố văn hóa Việt chưa được khắc họa đậm nét. Văn hóa Việt với những con người, phong cảnh thuần Việt mới có thể giúp Việt Nam tạo ra màu sắc riêng biệt, không thể trộn lẫn với phim của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. 

Thiết nghĩ, để có những bộ phim truyền hình chất lượng cần có "cỗ máy" vận hành hoàn chỉnh từ biên kịch, đạo diễn, quay phim cùng nhiều khâu quan trọng khác. Đầu tư vào con người vẫn là sự đầu tư chiến lược và hiệu quả nhất. Với đội ngũ làm phim chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu học theo kiểu truyền nghề thì hy vọng có phim hay đủ sức cạnh tranh với phim ngoại là điều không tưởng.

Đẩy mạnh hợp tác làm phim với nước ngoài để qua đó tranh thủ học hỏi công nghệ làm phim là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện, đầu tư cho đội ngũ làm phim Việt được học tập, tích lũy kinh nghiệm từ các nước có nền sản xuất phim tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Phạm Mạnh Tường
.
.