Hướng tới một giải văn học uy tín, tại sao không?
Thời nền thể dục thể thao của chúng ta còn chưa phát triển như bây giờ, dân trong nghề vẫn truyền nhau câu: "Tập trước thắng tập sau, tập nhiều thắng tập ít, ăn nhiều thắng ăn ít". Đấy là ở khía cạnh đối nội. Còn ở khía cạnh đối ngoại, lại có câu truyền miệng khác: "Hữu nghị đứng đầu, thi đấu thứ hai". Nêu thế để thấy, vào thời điểm ấy, vì lượng được sức mình, nên những vận động viên ta vẫn chưa dám mơ đến thành tích (huy chương, kỷ lục), trong các cuộc "mang chuông đi đấm xứ người", cho dù trong các cuộc cọ sát mang nặng "màu cờ sắc áo", thứ hạng vẫn là điều quan trọng nhất. Và theo tôi, "hữu nghị đứng đầu" chỉ là một cách nói để che giấu sự non yếu nhất thời mà thôi.
Còn nhớ cách nay trên hai thập kỷ, nhân thấy Đoàn thể thao Việt Nam không làm nên cơm cháo gì ở ASIAD (Á vận hội), nhà thơ Yên Thao đã ngẫu hứng viết một đoạn lục bát rất vui:
A si át, A si a
Ta phá kỷ lục của ta thì tài
Đem quân thi đấu nước ngoài
Thắm tình hữu nghị gặp ai cũng nhường.
Nhưng ở thời điểm hòa nhập, hội nhập như hiện nay, cái chuyện thi đấu thể thao chỉ vì tình hữu nghị không thôi, đã xưa như cổ tích rồi.
Bằng chứng là trong đấu trường khu vực (SEA Games), chí ít ta cũng đã có lần đứng đầu về tổng số huy chương các loại khi Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức.
Đấy là trong lĩnh vực thể dục thể thao, còn trong lĩnh vực văn học, thì sao?
Câu trả lời là cái tinh thần "hữu nghị đứng đầu" vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Xin lấy Giải thưởng văn học Sông Mê Kông do Việt Nam vừa "chủ trì" vừa "chủ chi" ra làm ví dụ.
Trước hết, đây là một giải thưởng vẫn nặng về "hữu nghị". Tiếp theo, cái tên Mê Kông chưa thật thuyết phục, vì con sông này đâu chỉ có mặt ở ba nước Đông Dương, mà còn có mặt ở các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar. Năm tới, dù có thêm Thái Lan nhập cuộc nữa thì vẫn chưa đủ số lượng quốc gia có sông Mê Kông chảy qua, vẫn chưa đầy đủ.
Tính đến nay, giải thưởng này đã tiến hành được 4 lần và đã trao cho nhiều tác giả của 3 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó ít nhất cũng đã có tác giả được trao giải đến 2 lần (một giải thưởng và một tặng thưởng - còn gọi là bằng khen). Về chất lượng giải thưởng dần dà thiếu hẳn tính vượt trội. Có cảm giác việc trao giải đang là "hết nạc vạc đến xương". Nếu cứ diễn ra như thế này mãi, chắc chắn trong những năm tới, sẽ rất bí tác phẩm, bí tác giả để trao giải.
Mà bí là cái chắc. Bởi vì theo hiểu biết của tôi, một nhà văn (hoặc nhà thơ) là người Việt Nam, muốn lọt vào vòng sơ khảo, chung khảo hoặc được trao giải này, phải viết về đề tài Lào hoặc Campuchia. Chắc các nhà văn (hoặc nhà thơ) của Lào và Campuchia, cũng vậy. Khi xứ Đông Dương còn chiến tranh thì chẳng nói làm gì. Lúc ấy, cả Việt Nam, Lào, Campuchia còn cùng chung một chiến hào, cùng sát cánh bên nhau vì mục đích giải phóng dân tộc, còn có điều kiện hiểu nhau một cách kỹ càng hơn. Cho nên, cũng thật dễ lý giải khi hầu hết các tác phẩm đoạt giải đều là sản phẩm của quá khứ, sản phẩm của một thời. Nay, tình hình đã khác trước nhiều. Sẽ khó mà tìm được một người có thể lăn lộn, gắn bó với một quốc gia khác, viết một tác phẩm về một quốc gia khác, chỉ vì để được trao Giải thưởng văn học Sông Mê Kông. Sẽ chẳng có mấy ai lại đi "hy sinh" sở trường lâu dài để làm các việc rất sở đoản trước mắt ấy đâu.
Thái Lan lâu nay đã duy trì Giải thưởng ASEAN. Tiếc là giải thưởng này không có một ban giám khảo cho nên tính thuyết phục chưa cao. Hình như người ta chỉ căn cứ vào đề cử của Hội Nhà văn của từng quốc gia mà trao giải.
Nay, chúng ta đã đứng ra trao hẳn một giải thưởng khu vực dành cho 3 nước Đông Dương. Như vậy, dù sao chúng ta cũng đã "sẵn nong sẵn né" và ít nhiều cũng đã có tiền đề. Tại sao không nghĩ đến một giải thưởng đối trọng với giải thưởng ASEAN? Tại sao không vượt lên một giải "hữu nghị"? Tại sao Giải thưởng Sông Mê Kông không trở thành một giải thưởng văn học có uy tín của Đông Nam Á hoặc châu Á?
Muốn vậy, Hội Nhà văn Việt Nam nên thay đổi tiêu chí xét chọn và đối tượng tác phẩm dự giải. Điều quan trọng của giải này là nên hướng tới trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc trong năm hoặc trong 2 - 3 năm theo định kỳ, thay vì chỉ trao cho những tác phẩm viết về nhau và rất "bó" như 4 năm qua