Hotnews Minh Béo và trách nhiệm xã hội của báo chí

Thứ Năm, 29/12/2016, 14:12
Minh Béo, một diễn viên hài, chỉ trong vòng chừng hơn một năm, hai lần trở thành tâm điểm của nhiều tờ báo, trong đó có cả những tờ báo lớn. Lần đầu, vì một tội ác kinh tởm của anh ta - tội ấu dâm ở Mỹ và bị bắt giam, nhục nhã. Lần sau, cách đây vài hôm, là sự trở về quê nhà sau khi mãn hạn tù, cũng nhục nhã không kém...


1. Lần đầu, thông tin cũng đậm đặc, không gặp được thủ phạm thì gặp thân nhân, phỏng vấn đủ kiểu; lặn lội vào tận nhà tù ở Mỹ, vẫn không gặp được thì tán chuyện, kiểu cộng tác viên của chúng tôi đã tới đó như thế nào, thủ tục ra sao, ai dẫn đường, vất vả lắm nhưng không gặp được, đành ngồi ngoài hóng… Nhưng thôi, chuyện đã xa, không bàn nữa.

Còn lần sau, mới hôm 21-12, trong ngày đưa tin đầu tiên, thông tin về sự trở về nhục nhã ấy của Minh Béo được nhiều tờ báo và trang thông tin điện tử xử lý theo 2 kiểu:

Kiểu thứ nhất là bê nguyên xi từ FB cá nhân của anh ta sang, không bình luận, không bày tỏ thái độ. Những dòng trạng thái trơ trẽn kiểu "Minh Béo đã về tới Việt Nam", "Minh Béo rất khỏe", "Sẽ liên lạc với cả nhà sau" trên FB cá nhân của anh ta được những người làm tòa soạn dẫn lại trở thành thông tin chính thống.

Kiểu thứ hai, cũng bê nguyên nguồn từ FB cá nhân anh ta sang nhưng kèm theo lời dẫn có tính chất tôn vinh như: "Ngắm dung nhan ngày trở về của Minh Béo", "Sao Việt chào đón Minh Béo trở về" hoặc thương cảm, như "Minh Béo gầy nhom khi trở về Việt Nam', "Minh Béo đã trở về Việt Nam, già, sút cân trông thấy".

2. Đã có nhiều Fbker phân tích về mức độ nguy hiểm của tội ấu dâm cũng như thái độ của các nhà làm luật trên phương diện cộng đồng quốc tế và sự khó tha thứ của cộng đồng với loại tội phạm tình dục, nhất là khi đối tượng xâm hại là trẻ em. Phản ứng của cư dân mạng với cách đưa tin kiểu "chân thật, hồn nhiên" về Minh Béo của một số tờ báo chính thống đã không chỉ chứng minh sức mạnh của mạng xã hội mà còn phần nào đo được thái độ của công chúng với báo chí.

Lý thuyết về cơ chế tác động của truyền thông (trong đó có báo chí) với công chúng đã chỉ ra rằng, một trong những cách đo tác động hiệu quả của tác phẩm báo chí với công chúng chính là tác động phản hồi (feedback) của công chúng với các tác phẩm báo chí và thông điệp truyền thông.

Trong thời đại của công nghệ số như bây giờ, mạng xã hội được coi là một trong những kênh feedback tức thì nhất và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thì phản ứng của cư dân mạng với các tin bài "hồn nhiên một cách vô cảm" của một số tờ báo đã khiến cho những người cầm bút chuyên nghiệp thực sự phải suy nghĩ.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo, nghe có vẻ rộng lớn và to tát nhưng thực tình, khi làm công việc Tòa soạn cũng như làm nghề với tư cách là phóng viên chuyên nghiệp, thực ra cũng khá giản dị. Đó có thể chỉ là sự không lựa chọn cho đăng tải chi tiết một kẻ phạm tội giết người hàng loạt nhưng lại "béo tốt, trắng trẻo hơn sau khi ở tù", hoặc từ chối những thông tin kiểu như tung hô một kẻ phạm tội ấu dâm trở về.

Một chuyên gia phân tích truyền thông của Thụy Điển, người đã từng có 15 năm làm báo chuyên nghiệp tại quốc gia này với vai trò là phóng viên chuyên đưa tin về tội phạm, trong một cuộc hội thảo mới đây tại Hà Nội đã chia sẻ rằng, bà đã từ chối kể cả các thông tin phân trần kiểu đổ lỗi cho nạn nhân của thủ phạm trong nhiều vụ án giết người bởi người đã chết thì không còn nói được gì nữa.

3. Với các feedback phản ứng, có vẻ như hiệu lực truyền thông trong trường hợp Minh Béo đã không phù hợp với mong muốn của chủ thể truyền thông. Ngỡ Minh Béo là từ hot, các thông tin về Minh Béo sẽ thu hút được lượng view khủng, nhưng thực tế ngược lại.

Ngay những ngày  sau 21-12, những bài viết có bình luận phê phán thái độ "xin chào" thay vì "xin lỗi" của Minh Béo đã được nhiều tờ báo cho đăng tải. Đó là một chỉ báo đáng mừng về trách nhiệm của báo chí trong việc tiếp thu và xử lý feedback của công chúng.

Nhưng đâu đó vẫn còn những ý kiến cho rằng, với một số tờ báo và trang thông tin điện tử sẽ được đứng ngoài sự giận dữ của công chúng khi lựa chọn cách thức khôn ngoan - ấy là đưa tin không bình luận. Chỉ cần bê nguyên xi những hình ảnh từ FB cá nhân của anh chàng Minh Béo về và chính thức hóa nó trên trang báo là có view vì "nhận thức của công chúng bây giờ cao, họ sẽ tự định hướng cho họ".

Sản phẩm của truyền thông đại chúng là dư luận xã hội. Con đường hình thành dư luận xã hội diễn ra liên tục, đầy các yếu tố tự phát nhưng là một quá trình có quy luật. Và, cũng chính bởi nó đầy các yếu tố tự phát nên rất cần định hướng.

Với báo chí, việc định hướng dư luận bắt đầu từ việc lựa chọn thông tin nào để đưa. Và điều đó lý giải báo chí tại sao lại lựa chọn đưa thông tin A mà không phải là thông tin B, tại sao một số tờ báo  lại chọn đưa lên vị trí đáng chú ý nhất những hình ảnh hớn hở của Minh Béo, đưa ảnh chụp màn hình stt "xin chào" của anh chàng này mà không phải là thông tin về mức độ nguy hiểm của tội ấu dâm? Xin đừng hiểu, báo chí nhân văn là phải "cho anh ta một lối về vinh quang" đến thế!

Nhân văn là một trong những nguyên tắc cơ bản của báo chí nhưng nhân văn là bảo vệ những giá trị cao đẹp của con người chứ không phải là cố gắng mô tả tội phạm như người hùng như một cách gián tiếp làm tổn thương nạn nhân. Một bài viết trên FB vừa mới đây phân tích rằng, những bình luận kiểu "Minh Béo bị gài bẫy đấy" hoặc "Bạn có chắc rằng cả cuộc đời này bạn không có lỗi lầm không, hãy rộng lượng tha thứ cho Minh Béo…" đã vi phạm những lỗi ngụy biện rất nghiêm trọng: ngụy biện lợi dụng lòng thương hại ("Minh Béo bị gài bẫy") và ngụy biện sai thành đúng ("Ai mà chẳng có lỗi lầm").

Vả lại, hoàn lương là một quá trình và quá trình ấy sẽ bị (được) tác động bởi nhiều yếu tố nhưng trước hết và bắt buộc nó phải bắt đầu từ ý thức chủ quan, từ nhận thức của chính họ. Bằng không, con đường ấy sẽ trở nên xa ngái…

Đặng Huyền
.
.