Hộp thư toà soạn

Thứ Bảy, 03/03/2012, 08:00

+ Bạn Trần Văn Loa (Số 45, tổ 14, phường Trần Hưng Đạo, Tp Phủ Lý , tỉnh Hà Nam): Chúng tôi đồng ý với nhận xét của bạn, rằng bài thơ "Dám đâu bếp lạnh" viết vào dịp Bác mất của tác giả Nguyễn Thị Nuôi là bài thơ có ngôn từ "thông dụng", "đơn nghĩa", và qua câu chuyện về nếp sống thanh bạch của Bác, "bài thơ giúp chúng ta nhận rõ hơn chiều sâu trong nhân cách và đạo đức của một bậc vĩ nhân". Tuy nhiên, đọc nội dung bài thơ bạn gửi kèm, cùng lời bình tỉ mỉ tới từng khổ thơ, thậm chí từng câu, từng chữ… của bạn, chúng tôi không khỏi băn khoăn: Không biết với một bài thơ lời lẽ quá giản dị, dễ hiểu như vậy, có cần thiết phải phân tích, bình luận tỉ mỉ (đến trên 1400 chữ) như vậy không? Vả chăng, bài viết của bạn có tiêu đề "Một bài thơ khóc Bác Hồ cách đây 41 năm" - đặt tên như vậy có mất thời gian tính không, khi mà đến thời điểm này, Bác Hồ của chúng ta ra đi đã được gần 43 năm rồi?

+ Bạn Ngọ Ngọc Thơ (Tiểu khu 9, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa): Qua bài thơ "Dấu chân người chiến sĩ công an", chúng tôi đọc thấy sự trân trọng hết mực của bạn đối với những người chiến sĩ đang ngày đêm sả thân bảo vệ bình yên cuộc sống. Đúng là, trong xã hội hiện nay, trách nhiệm của người chiến sĩ công an thật lớn: "Ma túy, mại dâm, cờ gian, bạc lận/ Chặt gỗ, phá rừng vơ vét tài nguyên/ Và những kẻ lợi dụng chức quyền/ Anh kiên quyết trừ tham diệt nhũng…" . Có rất nhiều việc đang chờ đến bàn tay xử lý của các anh chị em. Tuy nhiên, đọc đoạn kết bài thơ: "Vì quê hương đất nước thanh bình/ Mùa xuân về anh vẫn hành quân/ Súng chắc trong tay bảo vệ đất trời/ Cho muôn nhà đón tết vui xuân", chúng tôi lại thấy nó hợp với hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân hơn. Vâng, cùng là lực lượng vũ trang, song khác với các chiến sĩ quân đội, nhiệm vụ của người chiến sĩ công an dẫu sao cũng có đặc thù riêng, và thường là kín đáo chứ không hẳn lúc nào cũng "phơi trần" súng ống như trong mấy câu thơ trên. Người ta vẫn nói, trận tuyến bảo vệ an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống là "trận tuyến thầm lặng", là "chiến trường không tiếng súng" mà.

+ Bạn Lê Văn Phúc (Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre): Truyện ngắn “Công an viên” của bạn có những tình tiết hấp dẫn nhưng chưa thật hợp lý. Trong cuộc quyết đến giữa Tấn - một công an viên với Sáu - một nhân vật thuộc giới "xã hội đen", sau khi miêu tả ngón đòn ác hiểm của Sáu: "Thắng thế, Sáu đá mạnh vào sườn trái làm Tấn trúng đòn lảo đảo. Khi Tấn chưa kịp ngã thì đã thấy mũi dao nhằm yết hầu chọc tới", tác giả đã để cho Tấn: "Niệm khẩu quyết Thập Long trảo và xuất chiêu". Sự thể đảo ngược, với kết cục "ta thắng địch thua", song điều dễ khiến người đọc thắc mắc là trong lúc nước sôi lửa bỏng, sự đối phó phải "nhanh như chớp mắt" vậy mà tác giả còn cho anh công an viên "niệm khẩu" thì làm sao đủ thời gian tránh được mũi dao đang "nhằm yết hầu chọc tới". Bạn Phúc thử nghĩ lại tình huống này xem nhé.

+ Bạn Nguyễn Thanh Hưng (173 Nguyễn Bình, Quảng Yên, Yên Hưng, Quảng Ninh): Chúng tôi không hề thành kiến với việc bạn tự bình thơ mình, song quả tình chúng tôi cũng cảm thấy băn khoăn khi: Đối chiếu lời bình của bạn với bài thơ "Mưa xuân" của bạn, chúng tôi thấy có những điều bài bình đề cập tới nhưng trong bài thơ lại không có. Có cảm tưởng như những điều chưa nói hết trong thơ, bạn bổ sung thêm ở phần lời bình. Và tất cả những điều cần nói này, bạn muốn dành cho một người. Bởi thế mà đọc bài bình của bạn, chúng tôi có cảm tưởng như đang đọc bức thư của một người nặng lòng yêu muốn nhắn gửi cho ai đó chứ không phải cho tòa báo để giới thiệu với đông đảo bạn đọc…

+ Bạn Đinh Quận (Hộp thư 13, Bưu điện Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh): Mặc dù với truyện ngắn, nhà văn có quyền hư cấu, song với việc nhà bác học thời cổ đại Ácsimét tìm ra định luật về sức đẩy của chất lỏng (được gọi là định luật Ácsimét)  mà theo tác giả Đinh Quận kể lại như thế này: "Ácsimét một lần đang tắm biển, nước biển nâng ông lên, ông hét lên vui sướng: Tìm ra rồi! Tìm ra rồi. Vậy là ông cứ nồng nỗng chạy về phòng thí nghiệm" thì thiết nghĩ cũng nên đính chính lại cho… khoa học. Nhiều người đã biết, theo tích xưa truyền lại thì câu chuyện Ácsimét tìm ra định luật Ácsimét khá dài dòng, nhưng điểm cơ bản là nó phát lộ ra từ một lần nhà bác học dầm mình trong bồn tắm chứ không phải trên… biển. Bạn Đinh Quận có thể tra cứu thêm thông tin trên mạng về chuyện này

VNCA
.
.