Hội nhập và vấn đề an ninh nội địa

Thứ Sáu, 01/04/2016, 13:33
Bốn tháng sau vụ nổ bom, xả súng tại Paris, châu Âu lại oằn mình lên một lần nữa vì cơn bạo bệnh mới của mình khi hai quả bom phát nổ tại sân bay Zaventem và một quả bom khác phát nổ trong ga xe điện ngầm tại Bruxelles, Bỉ. Và điều đáng nói hơn cả là 3 quả bom ấy phát nổ chỉ vài ngày sau vụ bắt Salah Abdeslam, nghi phạm trong vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015. 


Dường như đó là cú trả đòn bạo liệt của Hồi giáo cực đoan đối với những biện pháp thắt chặt an ninh châu Âu. Và cú trả đòn này quá ác hiểm và ngạo mạn khi nó xảy ra ở thành phố mà NATO và EU đặt trụ sở đầu não. Nhưng chúng ta sẽ không lạ lùng gì khi các phần tử khủng bố lựa chọn Bruxelles. Đơn giản, chỉ cách đầu não của hai cơ quan kia vài cây số, tức là ở ngoại vi Bruxelles, thị trấn Sint - Jans - Molenbeek vẫn được coi là cái lò đào tạo khủng bố ngay trong lòng châu Âu.

Vụ khủng bố vừa rồi càng làm phong trào Brexit, phong trào đòi hỏi phải rời khỏi Liên minh châu Âu của người Anh dấy lên mạnh mẽ hơn trong lòng Vương quốc Anh. Đòi hỏi ấy thể hiện sự thiếu tin tưởng của người Anh đối với tính an toàn khi tham gia vào EU, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, xã hội mà còn cả ở lĩnh vực an ninh, chính trị.

Nhắc đến nước Anh, chúng ta phải nhìn nhận rất rõ rằng an ninh nội địa của Anh vẫn đảm bảo hơn hẳn so với các thành viên EU khác. Và một trong những nguyên nhân khiến người Anh được an toàn hơn phần còn lại của châu Âu cũng bởi vì hai lý do lớn. Thứ nhất, năng lực an ninh nội địa của họ tốt hơn hẳn các nước châu Âu khác.

Nước Bỉ báo động an ninh tối đa sau loạt vụ khủng bố.

Thứ hai, Vương quốc Anh mới chỉ tham gia vào Hiệp ước Schengen một cách dè chừng, có nghĩa là họ chỉ ký thoả thuận hợp tác về an ninh và cảnh sát chứ không ký thỏa thuện bãi bỏ kiểm soát biên giới. Bởi vậy, các phần tử khủng bố có thể dễ dàng di chuyển từ Pháp qua Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Ý… chứ khó có thể đặt chân lên nước Anh, nơi chính sách nhập cảnh vẫn còn vô cùng khắt khe.

Sự khác biệt giữa các nước thành viên EU tham gia hoàn toàn vào hiệp ước Schengen so với nước Anh và các minh chứng từ những vụ khủng bố gần đây giúp chúng ta rút ra một kết luận về bản chất của thế giới hôm nay. Vấn đề còn tồn tại và rất khó giải quyết ấy là kết qủa của các tiến trình hội nhập, một xu hướng mà không quốc gia nào có thể cưỡng lại được. Đó chính là sự bất tương xứng trong công tác an ninh giữa các quốc gia là thành viên của một liên minh vốn dĩ không còn tồn tại một rào cản nào với nhau. Chính vì vậy, không chỉ khủng bố mà các loại tội phạm khác có thể sẽ len lỏi từ một quốc gia thành viên có công tác an ninh nội địa chặt chẽ sang các quốc gia thành viên khác có sự kiểm soát lỏng lẻo hơn, dễ dãi hơn.

Vấn đề này, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi và chúng ta cần phải lấy bài học của những diễn biến đang xảy ra trên thế giới để tiến tới xây dựng một hệ thống an ninh nội địa chặt chẽ nhất khu vực, khi mà chúng ta đã là thành viên của ASEAN được nhiều năm rồi. Sự dịch chuyển của dòng chảy tội phạm là điều không thể không tồn tại và chỉ có sự nâng cao năng lực kiểm soát an ninh nội địa mới giúp chúng ta tránh khỏi những hậu quả khôn lường.

Và không chỉ đối với các quốc gia cùng chung một khối hợp tác nào đó mà ngay cả đối với những quốc gia khác, kể cả không chung đường biên, chúng ta cũng phải thắt chặt an ninh hơn trước những dòng chảy nghi ngờ là dịch chuyển của tội phạm.

Mấy năm gần đây, có một thực tế không thể phủ nhận là đã có hiện tượng một số băng nhóm ở Việt Nam câu kết với các băng nhóm ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Thậm chí, có những mâu thuẫn đã được giải quyết bằng cách thuê tội phạm từ các khu vực kể trên về Việt Nam để gây án. Đó chỉ là những mâu thuẫn xã hội rất nhỏ song nó có thể mở đường cho những loại hình tội phạm nghiêm trọng hơn, mà cụ thể là khủng bố, căn bạo bệnh ngày nay đã lan ra toàn cầu.

Như vậy, trước mỗi cơ hội hội nhập, hợp tác, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo nhận ra rằng các rủi ro an ninh có thể phát sinh. Và bởi thế, nâng cao năng lực an ninh nội địa là một nhiệm vụ tối quan trọng để đời sống xã hội mới có thể được ổn định, bình yên và làm nền tảng cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

Hà Quang Minh
.
.