Học thuật và đẳng cấp vẫn có chỗ đứng

Thứ Năm, 14/12/2017, 08:35
Kể từ thời kỳ Làn Sóng Xanh cho tới hôm nay, sau 20 năm sôi động, làng nhạc nhẹ Việt Nam (tạm gọi là V-Pop) vẫn chưa thoát ra khỏi những tranh luận (có khi rất gay gắt) giữa một phe là những người bảo vệ giá trị và sức mạnh của âm nhạc đại chúng, dành cho khán giả bình dân diện rộng (mass audience) và một bên là những người trân trọng giá trị của học thuật, theo đuổi con đường art - music và coi art - music mới là thước đo của nền âm nhạc chứ không phải là những hào quang lộng lẫy của ngành giải trí đơn thuần.


Đỉnh điểm của những tranh luận ấy, cứ như thể theo chu kỳ, là các cuộc cãi vã nảy lửa mỗi khi đụng đến cái gọi là "bolero" nói riêng hay "nhạc xưa" nói chung. Từ lần lên tiếng của nhạc sỹ Quốc Trung cho tới lần đăng đàn lập ngôn của ca sỹ Tùng Dương gần đây, chúng ta đều nhận ra rằng dường như đang tồn tại một lo lắng của những người làm nghề nghiêm túc, khi e sợ rằng sự dễ dãi, của khán giả ở thời đại công nghệ này sẽ nuôi dưỡng cho những sản phẩm cũng dễ dãi và dần dần họ càng xa lánh những thứ âm nhạc có đẳng cấp, có học thuật mà vốn dĩ đòi hỏi người nghệ sỹ theo đuổi phải dày công học hỏi, trau dồi và tu dưỡng.

Lo lắng ấy, tất nhiên, là có thật, và nó đã và đang là mối đe dọa thực sự. Nhiều người cũng đã lên tiếng bảo vệ những nghệ sỹ, những sản phẩm có thiên hướng nghệ thuật hơn là giải trí khi họ cảm thấy xót xa vì những sản phẩm như vậy không được đón nhận nhiều.

Đặc biệt là khi nhiều chương trình ca nhạc nghiêm túc trên truyền hình, tạo sân chơi cho sáng tạo thực thụ, những sáng tạo nghệ thuật chứ không phải giải trí, đã không trụ nổi trước áp lực của doanh số, những người bảo vệ càng cảm thấy lo lắng hơn, thậm chí là hoảng hốt vì một viễn cảnh ảm đạm cho V-Pop.

Nhà sản xuất Dương Cầm và ca sỹ Dương Hoàng Yến sau tiết mục "Lũ đêm" trong “Sao đại chiến” (ảnh VTV).

Tất cả những lo lắng, ám ảnh kia đã lần nữa được thể hiện trong một chương trình mới ra mắt trên truyền hình gần đây, có tên là "Sao đại chiến". Trong chương trình, khoảng gần chục nhà sản xuất âm nhạc (producer) trẻ trung, kết hợp với cũng chừng ấy ca sỹ, sẽ đua tranh với nhau và được chấm điểm bởi chính khán giả tại hiện trường.

Và qua 3 số đầu tiên phát sóng, thứ đọng lại không phải là dấu ấn nghệ thuật, mà chỉ là những ồn ào tranh cãi giữa một bên là diễn viên Miu Lê và một bên là nhà sản xuất Dương Cầm sau khi Dương Cầm có những nhận xét khá thẳng thắn về trình độ cũng như giọng hát của Miu Lê. Thậm chí, căng thẳng còn lên đến đỉnh điểm khi có một tài khoản facebook được cho là của mẹ Miu Lê, vì bênh con, đã mắng mỏ Dương Cầm bằng những lời lẽ không kém nặng nề.

3 số trải qua, tức là 3 tuần với khoảng ba chục tiết mục được trình diễn mà không chút dấu ấn nào vượt qua nổi "scandal cãi vã ồn ào" kia lại càng khiến chúng ta có lí do để lo sợ âm nhạc có học thuật đã mất hẳn chỗ đứng. Đặc biệt, chúng ta nhận thấy điều đó rõ rệt hơn khi Dương Cầm gần như đơn độc khi đại diện những người sản xuất âm nhạc có trình độ, đẳng cấp để đối đầu với phần còn lại là những người đại diện cho một ngành âm nhạc giải trí đại chúng và dễ dãi.

Phải thừa nhận, trong số các nhà sản xuất ngồi ghế nóng chương trình "Sao đại chiến", chỉ có Dương Cầm, Slim V (Cao Vịnh), Đỗ Hiếu là những người học nhạc đến nơi đến chốn, nhất là trường hợp của Dương Cầm và Cao Vịnh, những người đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội.

Và chính vì thế, sự đối đầu về quan điểm âm nhạc giữa Dương Cầm với những nhà sản xuất khác, mà điển hình là Only C, thể hiện đúng sự đối đầu về nhận thức làm nghề. Giữa họ không phải là đúng hay sai mà là vẫn đề của đánh giá từ góc nhìn riêng, khi một bên dựa vào sự cảm nhận của khán giả và một bên tuy cũng đi tìm sự cảm nhận của khán giả nhưng vẫn chú trọng rất nhiều vào giá trị của học thuật, kiến thức âm nhạc.

Và khi đội của Dương Cầm không nhận được điểm số cao ở 3 tuần đầu, những người lo lắng tất nhiên lo lắng hơn cho vận mệnh của "đại sứ" âm nhạc kinh viện.

Nhưng ở tuần thứ tư, tức là tuần vừa rồi, trong phần thi nhạc dance điện tử EDM, mọi âu lo có lẽ đã được giải tỏa. Ít ai nghĩ Dương Cầm sẽ có lợi thế ở phần thi này, khi xưa nay thứ âm nhạc mà Dương Cầm theo đuổi gần như xa lạ với EDM. Dương Cầm mạnh về semi-classic, funky, jazz chứ không định danh ở lãnh địa của EDM, một thứ thuần giải trí hơn.

Nhưng khi Dương Cầm, bên cây dương cầm, giới thiệu ca sỹ Dương Hoàng Yến với ca khúc "Lũ đêm", một sản phẩm phối hợp giữa âm thanh điện tử của EDM với dàn dây, dàn hợp xướng, thì anh đã khiến khán phòng như vỡ tung. Chính những nhà sản xuất nặng tính giải trí như Only C còn phải dùng hai chữ "xuất sắc" cho Dương Cầm và ngay ngày hôm sau, khá nhiều khán giả đã chia sẻ lại video phần trình diễn này trên mạng xã hội.

Điều đó cho thấy, rõ ràng đẳng cấp và trình độ luôn có chỗ đứng rất vững chắc. Điều quan trọng là ứng dụng chúng như thế nào, vào lúc nào để đủ sức thuyết phục nhất. Việc Dương Cầm thực hiện với ca khúc "Lũ đêm" là vô cùng khó, không phải nhà sản xuất nào cũng có thể làm được và chính việc anh làm được nó, anh đã chứng minh rằng học thuật không phải lúc nào cũng chọn vị trí cao siêu, khó hiểu, khó ứng dụng và khó đi vào lòng người.

Vậy thì phải chăng câu chuyện nhỏ mà Dương Cầm mới "kể lại" đủ cho chúng ta dẹp tan những âu lo vốn có từ xưa đến nay? Thay vào đó, chúng ta sẽ phải nhìn thẳng vào một âu lo khác, âu lo rằng chính những nhà sản xuất có trình độ, có đẳng cấp, đầy học thuật liệu đã tìm đúng nguồn để khơi mạch cảm xúc của khán giả hay chưa, hay là thay vào đó, họ chỉ hoang mang, ám ảnh và lập ngôn để khiến cộng đồng cũng bị lây nhiễm cơn lo âu, ám ảnh ấy của họ?

Hà Quang Minh
.
.