Học phí và những biện minh lỗi thời
- Hà Nội xem xét điều chỉnh học phí
- Thành lập Trường Đại học phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam2
- Tín dụng cho sinh viên sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức tăng học phí
- Học phí bậc đại học sẽ được điều chỉnh tăng 10% mỗi năm1
Ngay sau chia sẻ ấy, một giảng viên trẻ của NEU cũng đã phản pháo bằng một bài viết dài có nhan đề "Học phí tăng - Học đi kẻo phí". Lập luận của giảng viên này nghe cũng khá có lý, nhất là khi mối quan hệ nhà trường - sinh viên được đặt dưới lăng kính tương quan "người bán - người mua" và coi việc học đại học là một phi vụ đầu tư mà nhà đầu tư chính là sinh viên và gia đình mình.
Người giảng viên nhấn mạnh đến chuyện học đại học là một lựa chọn, và khi lựa chọn thì "khách hàng" phải chấp nhận, không nên đổ tại gia cảnh. Thậm chí, giảng viên ấy còn đưa ra quan điểm rất rõ ràng rằng, nếu không đủ tiền thì đi làm thêm, đi vay tín dụng sinh viên… thay vì ngồi đó than thở.
Cả ý kiến "kêu ca" của cộng đồng sinh viên lẫn ý kiến phản bác đanh thép của người giảng viên đều thu hút rất mạnh mẽ những bình luận cả ủng hộ lẫn phản biện. Và tất cả những luồng quan điểm xoay quanh đó cho thấy 2 điều rất lý thú.
Sinh viên Việt Nam làm thêm ở các nhà hàng. |
Thứ nhất, sự cởi mở trong tranh luận giữa học sinh, sinh viên với giáo viên đã và đang tồn tại, như một nền tảng dân chủ thực sự. Và thứ hai, nó đưa ra một vấn đề không hề cũ nhưng lại tối quan trọng của người Việt suốt nhiều năm qua. Đó chính là thói quen biện minh, để lấy cái lý cho riêng mình trong tranh luận, mà không mấy khi quan tâm tới điều kiện chung của cả xã hội và hoàn cảnh thực tại riêng của từng cá thể trong ngành Giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Sinh viên biện minh gia cảnh nghèo khó, việc làm thêm không đủ trang trải chi phí học hành vì ngay cả cử nhân tốt nghiệp đại học vẫn dài cổ thất nghiệp thì việc làm đối với sinh viên là rất khó. Trong khi đó, bản thân các giảng viên đại học, các giáo sư của các đại học, đặc biệt là ở các ngành khoa học cơ bản lại dùng chính những biện minh của các em gia cảnh khó khăn để bao biện cho việc mình không thể có công trình khoa học nào ra hồn trong cả quãng thời gian lao động tại các trường đại học uy tín.
Nếu bây giờ chúng ta đặt câu hỏi cho một giáo sư đại học nào đó rằng "Tại sao bao nhiêu năm gắn với giảng đường, gắn với môi trường nghiên cứu mà ông/ bà lại không có công trình nào?", nhiều khả năng chúng ta nhận được câu trả lời "điều kiện không cho phép. Nếu nghiên cứu thì lấy tiền đâu nuôi vợ, nuôi con". Đó là một câu trả lời mang nặng tính thực tế, nhưng nó cũng là một câu trả lời mang tính biện minh chủ quan và nhàm chán.
Một ví dụ mà chúng ta có thể muốn lưu tâm chính là trường hợp của gia đình nhà khoa học vĩ đại người Anh Stephen Hawkin. Trong những năm đầu của cuộc hôn nhân giữa Stephen và Jane, họ đã rất cơ cực, khó khăn, nhất là trong chuyện phải trả tiền thuê nhà. Họ cần một căn nhà gần nơi Stephen Hawkin làm việc (Trung tâm toán học ứng dụng và vật lý lý thuyết DAMTP), trong khi đó Jane lại còn phải loay hoay giữa việc làm việc nội trợ, chăm sóc con cái, đồng thời hoàn tất bậc học của mình ở trường Westfield, nơi sau này bà nhận học vị tiến sỹ.
Cũng đồng thời gian ấy, Stephen Hawkin đã có những công trình nghiên cứu giúp ông được ghi nhận là nhà khoa học xuất sắc bậc nhất của thế kỷ XX, sánh ngang cùng Einstein.
Giả sử, cả hai vợ chồng Stephen cùng đổ lỗi tại lý do "đời sống", có lẽ họ sẽ vĩnh viễn chỉ là một gia đình gồm một ông giảng viên đại học và một bà nội trợ đơn thuần. Nhưng sự đổ lỗi cho hoàn cảnh là không hề có, không chỉ với vợ chồng Hawkin, mà với rất nhiều nhà khoa học trên thế giới. Điều đó được thể hiện bằng chính câu nói bất hủ của Hawkin khi ông tham gia một buổi nói chuyện ở Mỹ, câu nói đơn giản nhưng giàu ý nghĩa rằng "Còn sống thì vẫn còn hi vọng".
Khi còn trẻ, chúng ta bước chân vào đại học với hi vọng được làm khoa học, hoặc được thông thạo một nghề nào đó ngõ hầu có thể trở thành con người độc lập, vững vàng trong cuộc sống. Nhưng rồi chúng ta bỏ quên hi vọng ấy ở đâu, khi chúng ta nhận ra những khó khăn bắt đầu lộ diện.
Chúng ta đã quên mất rằng ai cũng có khó khăn cả, thậm chí còn có những người khó khăn gấp vạn lần mình. Nhưng giữ được niềm hi vọng để vượt qua những thách thức mới là điều quan trọng nhất. Và để giữ niềm hi vọng, người ta không thể chỉ cố gắng chiến thắng nhau trong các cuộc tranh luận vô bổ, như cuộc tranh luận giữa thầy - trò trường NEU kể trên mà phải cần những hành động cụ thể.
Mà vượt trên hết, trong những hành động cụ thể ấy, rất cần sự hỗ trợ lẫn nhau, như người tốt nghiệp trước hỗ trợ người tốt nghiệp sau; thầy giáo hỗ trợ sinh viên; bạn học hỗ trợ bạn học. Có như thế, giáo dục và khoa học của Việt Nam mới có thể mơ đến một tương lai khác, với những cách tân khác.