Hòa hợp dân tộc để phát huy nội lực

Thứ Năm, 03/05/2018, 08:47
Hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae -in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un bắt tay nhau rồi cùng tiến vào một toà nhà có tên "Nhà hoà bình", ở một ngôi làng có tên là "Làng đình chiến" chắc chắn sẽ là một hình ảnh lịch sử, buộc người ta phải suy ngẫm. 


Khi ông Kim Jong -un tiến về phía Nam, bước qua đường phân giới quân sự - cái đường mà sau đó ông phát biểu rất hình ảnh rằng: "Nó có cao đến mức không thể vượt qua đâu" để bắt tay ông Moon Jea - in thì ông còn bất ngờ đề nghị người đồng cấp cũng thử bước qua đường phân giới, tiến về phía Bắc.

Sau cái bắt tay và những bước chân lần lượt bước qua đường phân giới của nhau còn là hình ảnh ông Kim nhận một bó hoa từ hai em nhỏ Hàn Quốc. Và tiếp nữa là hình ảnh ông Moon Jea - in đề nghị hai em nhỏ cùng chụp ảnh chung với mình.

Trong cái khoảnh khắc lịch sử ấy, giới quan sát dễ gặp nhau ở cùng một suy nghĩ, nếu ông Kim, ông Moon là hiện thân của quá khứ và hiện tại thì hai em nhỏ là hiện thân của tương lai. Và giờ là lúc những người con của cùng một dân tộc hiểu rằng phải dần dần khép lại những khác biệt quá khứ để cùng tạo nên một tương lai hoà hợp. Chỉ có hoà hợp thực sự mới có phát triển thực sự.

Dĩ nhiên, hoà hợp thực sự chưa thể đến một cách trọn vẹn chỉ sau một cái bắt tay, nhưng cái bắt tay ấy là một sự khởi đầu, và sự khởi đầu ấy cho phép người dân của hai miền Triều Tiên nói riêng cũng như người dân yêu chuộng hoà bình thế giới nói chung có quyền hy vọng.

Ông Kim Jong Un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm.

Trong những ngày mà câu chuyện về cái bắt tay gắn liền với khát vọng hoà hợp trên bán đảo Triều Tiên được quan tâm đặc biệt thì trên nhiều diễn đàn báo chí Việt Nam cũng xuất hiện câu chuyện xúc động về bức ảnh "Hai người lính" - một bằng chứng không thể sống động hơn cho tinh thần hoà hợp dân tộc Việt.

Nhà báo Chu Chí Thành - tác giả bức ảnh kể rằng tháng 4 năm 1973, khi được cử đi chụp về cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ thì ông đã được chứng kiến những hình ảnh không thể nào tin nổi: "Ban ngày thì những người lính Việt Nam Cộng hoà  sang chơi, còn ban đêm thì nhóm bộ đội miền Bắc lại vẫy tay gọi í ới chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh, hút thuốc lá Điện Biên. Thực sự tôi cứ ngỡ là chuyện đùa giữa thời chiến".

Không! Nó không phải là chuyện đùa, mà là sự thật. Sự thật ấy xúc động và da diết đến mức: "Tôi đã chụp được bức ảnh một số lính thuỷ quân lục chiến phía Việt Nam Cộng hoà nói chuyện với một nữ dân quân.

Khi tôi chụp xong, người lính Việt Nam Cộng hoà bất ngờ gọi bảo tôi: "Anh nhà báo ơi, chụp cho em một bức ảnh kỷ niệm với anh lính Giải phóng. Tôi từ ngạc nhiên tới rất vui, hiểu rằng ngày đoàn tụ đã gần, liền chụp ngay lập tức". Bức ảnh người chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo và người lính Việt Nam Cộng hoà Bùi Trọng Nghĩa khoác vai nhau bây giờ đã là một bức ảnh cực kỳ nổi tiếng.

Và bây giờ, sau 45 năm với biết bao biến động thăng trầm của thời gian, ông Tạo và ông Nghĩa đã gặp lại nhau ở chính cái nơi mà thời lửa đạn ngày xưa mình từng gặp. Họ lại khoác vai nhau trong những tấm hình - của hôm nay. Thời gian làm hai người lính xưa già đi, chắc chắn rồi, nhưng cái khoác vai cùng tinh thần hoà hợp thì tuyệt nhiên không thay đổi.  

Do đặc thù của lịch sử mà có thời điểm trong lòng dân tộc, thậm chí trong lòng một dòng họ, một gia đình Việt Nam từng xuất hiện khái niệm "người phía bên này" - "người phía bên kia". Nhưng tất cả đều hiểu rằng khi súng gươm bỏ lại thì dòng máu Việt chỉ có một, con dân đất Việt chỉ có một, và dân tộc Việt là duy nhất. Cái tinh thần hoà hợp đoàn kết dân tộc ấy không ngừng được bồi đắp trong suốt những năm qua.

Thế nên người trong nước hôm nay luôn coi 4 triệu đồng bào hải ngoại là những người ruột thịt với mình. Ngược lại, đồng bào hải ngoại về nước nhiều hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Tất nhiên vẫn không thể tránh được chuyện đây đó, có một bộ phận thiểu số nào đó, vì những động cơ cá nhân tiêu cực nào đó chủ trương khoét vào những rạn nứt trong lòng dân tộc, nhưng chúng ta có quyền tin rằng xu thế hoà hợp tất yếu sẽ chiến thắng, và sức mạnh nội lực của dân tộc sẽ được phát huy một cách tối đa.

Việt Nam, Triều Tiên hay bất cứ dân tộc nào khác cũng luôn phải đối diện với những vấn đề nội tại của mình, ở từng cấp độ khác nhau, trong từng bối cảnh cụ thể khác nhau. Nhưng tất cả đều hiểu rằng, trong xu thế toàn cầu hoá hôm nay thì hoà hợp dân tộc và nội lực dân tộc càng phải được phát huy hơn bất cứ khi nào.

Vì chỉ có hoà hợp và nội lực thì một dân tộc mới có thể "hội nhập" một cách vững vàng, bản lĩnh!

Phan Đăng
.
.