Hễ soi là lòi ra đạo, nhái?

Thứ Sáu, 25/08/2017, 08:08
Các MV, ca khúc của dòng nhạc thị trường hiện nay liên tiếp bị nghi án đạo ý tưởng bủa vây. Một sản phẩm mới ra mắt, thể nào cũng xuất hiện một rừng “thánh soi” tự nguyện làm không công để tìm cho ra cái gọi là đạo, nhái. Người khóc vì bị vu là kẻ cắp, kẻ cười vì nhờ nghi án mà “bỗng dưng nổi tiếng”.


Mới đây, nhạc sĩ Khắc Hưng không khỏi thảng thốt khi điệp khúc bản hit “Đâu chỉ riêng em” do Mỹ Tâm trình bày bị cho là đạo giai điệu bài hát nhạc Hoa "Tình lay động lòng nhói đau" của Hải Sinh. Không thảng thốt sao được khi anh nổi tiếng là người làm nghề có năng lực, chưa từng dính tai tiếng nào. Khắc Hưng khẳng định chưa từng nghe ca khúc này bao giờ cho đến lúc xảy ra ồn ào. 

Và khi nghe, anh mới giật mình bối rối vì không ngờ đoạn điệp khúc hai bài lại giống nhau đến thế. Ngay sau đó, nhạc sĩ Hải Sinh xác nhận hai ca khúc không hề giống nhau mà chỉ có vài chỗ trùng hợp ngẫu nhiên thì lùm xùm mới tạm lắng xuống.

Năm 2017 có thể coi là vận xui đeo đuổi Khắc Hưng. Vì cách đó mấy tháng, anh bị “lên thớt” khi MV “Ghen” làm mưa làm gió. Dân mạng cho rằng ca khúc có nhiều điểm tương đồng về giai điệu với "I Got You" của Bebe Rexha. 

Vụ việc càng lúc càng mất kiểm soát với những đồn đoán vô tội vạ buộc anh phải lên tiếng: "Không có đồng nghiệp nào trong nghề lên tiếng, cũng không có một cơ quan chức năng nào vào cuộc, mà chỉ một vài cá nhân suy đoán rồi quy chụp là đạo nhạc, Hưng nghĩ câu chuyện này thật quá buồn cười và phiến diện. Nếu mọi người muốn đẩy đi xa hơn thì cứ việc chứng minh bằng pháp lý, đừng nên chỉ suy đoán”.

Ngoài giai điệu ca khúc “Ghen” của Khắc Hưng bị cho là giống một bản nhạc ngoại, nhiều cảnh trong MV cũng không thoát án đạo ý tưởng.

Không chỉ giai điệu bị cho là na ná bài này bài kia của nước ngoài mà ngay cả phong cách trình diễn, cách ăn mặc hay nội dung, hình ảnh, tình huống trong MV cũng bị dò xét kỹ lưỡng. Dù được giới trong nghề ca tụng là “đẳng cấp quốc tế”, MV “Đừng buông tay” của Lưu Hương Giang vẫn bị dính nghi án ăn cắp ý tưởng hình ảnh từ MV “Hymn for the Weekend” do Coldplay và Beyonce thực hiện. Các chi tiết trùng hợp được chỉ ra như các hình ảnh đều quay tại Ấn Độ; phân cảnh tung bột màu Holi; Lưu Hương Giang đội vòng hoa lên đầu giống hệt Beyonce... Thế nhưng nếu xem kỹ sẽ thấy ở MV quốc tế, hết 70% là hình ảnh của lễ hội ném bột màu Holi còn MV “Đừng buông tay” chỉ sử dụng một đoạn nhỏ, quần áo đầu tư cũng rất hoàng tráng và khác biệt.

Số MV Việt bị tố bê nguyên xi ý tưởng nhiều vô số kể. Có thể kể đến MV “Xin anh đừng” của ca sĩ Đông Nhi bị nghi đạo ý tưởng MV “oup detat” của G-Dragon với chi tiết bức tượng mặt người chảy máu, tuyết trắng rơi... Cảnh thân mật của hai nhân vật chính trong MV “In the night” của Bảo Anh cũng bị cho rằng có nhiều điểm tương đồng với MV “Don't let me be the last to know” của nữ ca sĩ Britney Spears. Văn Mai Hương trong MV “Mona Lisa” bị cộng đồng mạng chế giễu vì giống Katy Perry trong “This is how we do”.

Trình độ “soi” của dân mạng đạt đến độ thượng thừa khi cảnh hôn nhau của Hồ Ngọc Hà trong MV “Cả một trời thương nhớ” bị cho là bắt chước Ryan Gosling và Rachel McAdams trong “The Notebook” (2004) hay cảnh nắm tay trong xe hơi của “Lamant” (1992). Ngoài giai điệu bị quy là ăn cắp, MV “Ghen” cũng không thoát án đạo nhái. Cụ thể, cảnh đập phá, đổ vỡ đồ đạc của hai nhân vật chính giống các cảnh trong phim "Emergency Couple" của Hàn Quốc.

Bị gọi là “đạo sĩ” phải kể đến Sơn Tùng M-TP. Gần như tất cả các MV, bài hát, cách ăn mặc của ca sĩ gốc Thái Bình đều dính nghi án. Ngay cả ca sĩ nổi tiếng là làm nghề nghiêm túc, bài bản thì cũng bị dân tình đem ra cân lên đặt xuống. Như MV “Thật bất ngờ” của Trúc Nhân dù thực hiện ở một khu tập thể thời bao cấp của Hà Nội nhưng vẫn không ít người gân cổ lên bảo MV sao chép ý tưởng phong cách Châu Tinh Trì.

Cách “soi” thái quá này khiến không ít nghệ sĩ Việt nổi đóa. Đạo diễn Denis, người thực hiện MV “Ghen” không khỏi buồn cười và thấy phản cảm vì cư dân mạng quá lố khi quy chụp MV này “đạo”. Đó là cách quy kết hoàn toàn vô căn cứ bởi không thiếu MV có cảnh đập đồ đạc. “Soi” đến mức đó thì những ca sĩ đứng giữa vườn hoa công viên hát và quay MV là đạo ý tưởng hết ráo?!

Cũng như MV về tuổi học trò thì thể nào chẳng có ghế đá, hàng cây, áo dài, đôi trẻ nam nữ đạp xe trên con đường rợp hoa phượng? Chỉ khi nào một MV có yếu tố sáng tạo cao, có cốt truyện, hình thức phá cách... thì lúc đó nếu MV khác bắt chước nguyên xi hoặc khai thác 70% thì chuyện tố đạo nhái mới tạm thuyết phục.

MV “Đừng buông tay” của Lưu Hương Giang dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng vẫn bị cư dân mạng tố là đạo nhái hình ảnh của một MV quốc tế.

Chị Hà Đỗ, giám đốc sáng tạo của MV “Mona Lisa” ngán ngẩm cho rằng nhiều bạn trẻ cứ thấy cái gì nhang nhác nhau là ngay lập tức “chụp” cho người làm sáng tạo cái mác “đạo”. “Tôi nghĩ các bạn ấy không hiểu thấu đáo định nghĩa của sự sáng tạo, không phân biệt được thế nào là “copy”, là sáng tạo và kế thừa từ những cái cũ để tạo nên cái mới”.

Giai điệu ca khúc là thứ dễ bị đưa ra vành móng ngựa nhất. Bởi số lượng các bài hát có giai điệu na ná nhau nhiều vô kể, nhất là âm nhạc thị trường. Trong thời đại internet kết nối mọi thứ, nghệ sĩ dễ tiếp cận và học hỏi nghệ sĩ quốc tế. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khẳng định bản thân nhạc nhạc Việt bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nền âm nhạc của Mỹ, Anh, Hàn Quốc nên không tránh khỏi nhiều sản phẩm na ná nhau.

Theo phân tích của nhạc sĩ Trần Minh Phi, ca khúc có giai điệu na ná cũng đến từ việc nghệ sĩ vô tình nghe một ca khúc nào đó và nó đi vào tiềm thức. Đến lúc sáng tác, đoạn nhạc ấy vang lên và mình cứ đinh ninh rằng nó là của mình chứ không hẳn họ lười sáng tạo. Theo nhạc sĩ Minh Châu, để thoát khỏi tình trạng này, ngoài sự tự trọng nghề nghiệp, nghệ sĩ phải chịu khó nghe càng nhiều càng tốt. Như vậy mới biết mình giống họ, không giống họ ở điểm gì chứ không thể phát biểu như một nhạc sĩ “Tôi không nghe nhạc của ai hết”. Bởi làm vậy, đến khi nó vô tình giống ca khúc nào đó, mình lại không biết nói sao.

Ngoài ra, để tác phẩm riêng biệt, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ phải đủ lớn, đủ mạnh để đánh bật sự ảnh hưởng của người khác như chính nhạc sĩ Khắc Hưng rút kinh nghiệm sau vụ “Đâu chỉ riêng em”: “Tuy hai ca khúc chỉ là trùng hợp nhưng tôi sẽ cố gắng để sự sáng tạo của mình được đa dạng hơn, được độc đáo hơn để rèn luyện kỹ năng sáng tác của mình”.

Không thể phủ nhận rằng thời đại internet và sức mạnh cộng đồng đã giúp công chúng có một công cụ hữu hiệu để phân biệt đâu là vàng, đâu là thau. Chỉ cần vài thao tác trên mạng, một khán giả dễ dàng phát hiện tác phẩm của anh có chôm chỉa của ai hay không.

Thế nên, nghệ sĩ đừng hòng qua mặt được khán giả dù thứ anh “cuỗm” được có xa xôi đến mấy hay từ thuở ngày xửa ngày xưa. Bằng chứng là rất nhiều ca khúc có vấn đề được dân mạng đào bới rõ ngọn ngành, dẫn nguồn lấy ở đâu hẳn hoi. Nó như ngọn roi răn đe để nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề, cho ra những sản phẩm nghệ thuật tử tế. Bởi rõ ràng, cây ngay thì không sợ chết đứng. Vũ Cát Tường lấy lại được sự trong sạch nhờ chủ động liên hệ với nhạc sĩ Nhật Bản đang nghi ngờ bài “Vết mưa” vay mượn bài “Rain in the Park”. May thay Vũ Cát Tường lưu được bằng chứng cô sáng tác “Vết mưa” trước nhạc sĩ Nhật Bản.

Thế nhưng, việc “đi tuần” hăm hở của công chúng lại vô tình trở thành con dao hai lưỡi. Các vụ đạo nhạc, đạo MV dù bị la ó ầm ĩ, cuối cùng mọi việc cũng chìm xuồng. Ầm ĩ đến “nhờn thuốc” có lẽ là Sơn Tùng M-TP. Giỏi lắm các nhạc sĩ thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định rồi mọi chuyện trôi vào thinh không nếu Hội Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ không nhúng tay. Nên chuyện phát hiện, lên tiếng là một chuyện, nghệ sĩ có bị xử lý hay không lại là chuyện khác. Nhưng có một điều dễ nhận thấy: từ những vụ ầm ĩ đó, tên tuổi Sơn Tùng nổi như cồn. Chính “bước ngoặc lịch sử” này khiến nhạc Việt nở rộ ca khúc, MV cố tình tạo nghi án “đạo, nhái” hòng trở thành một Sơn Tùng thứ hai.

Mai Quỳnh Nga
.
.