Hãy yêu lấy đất

Thứ Sáu, 23/10/2020, 15:50
Vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, rồi vụ sạt lở vùi lấp doanh trại Quân đội ở Hướng Hóa, Quảng Trị đã làm chấn động dư luận vì những mất mát, thương vong quá kinh khủng. Cộng hưởng thêm bởi hình ảnh của bà con miền Trung khốn khổ trong đỉnh lụt càng khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về trách nhiệm đối với đất đai.


Không có đất thì sẽ không có cây cối và sự sống. Tương quan giữa đất đai và cây cối là một mối quan hệ hai chiều. Hiểu đúng và đủ, phải thêm một vế nữa: "Không có cây cối, đất sẽ là đất chết".

Một trong những nguyên nhân lớn gây ra tình trạng sa mạc hoá trên thế giới chính là do canh tác nông nghiệp bừa bãi dưới lớp áo "công nghiệp hoá nông nghiệp". Đây chính là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay đối với mọi chính phủ. Một trong những quốc gia tiên phong trong việc bảo vệ đất chính là Pháp, khi họ có một cơ quan nghiên cứu để "hồi sinh đất" đã tồn tại gần 100 năm qua. Và trong các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, cơ quan này vẫn tham vấn cho đoàn dự hội nghị của chính phủ Pháp trong các bài trình bày thuyết phục các quốc gia khác không nên lạm dụng đất.

Ở Mỹ đã bắt đầu có những nông dân từ chối nhận trợ cấp nông nghiệp của chính phủ để theo đuổi chương trình trồng trọt gần gũi với tự nhiên này. Những phương pháp điển hình của chương trình này chính là không cày xới đất trước mùa vụ, không để đất ở tình trạng trống cây trồng ở bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm, không sử dụng phân bón hoá chất, tăng cường nuôi thả gia súc gia cầm đan xen với trồng trọt… Tất cả các phương pháp kể trên đều chỉ nhằm mục đích "duy trì khả năng hấp thụ carbon dioxide của đất để tránh hiệu ứng nhà kính và gìn giữ nguồn vi sinh vật trong đất để đảm bảo tính màu mỡ cho đất đai".

Nhìn lại hình ảnh, khung cảnh của Thủy điện Rào Trăng 3 là cả một khu vực xây dựng thủy điện đều trơ trọi đất đá chỉ vì cây xanh tự nhiên đã bị đốn hạ.

Từ năm 2013, Chính phủ đã có yêu cầu rà soát lại việc cấp phép thủy điện vừa và nhỏ. Suốt ngần ấy năm, tình hình không hề khá hơn. Hôm 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải tuyên bố chắc chắn "Quảng Nam sẽ không phát triển thêm thuỷ điện". Đó là một quyết định đúng đắn mà nhiều địa phương khác cần phải noi theo. Thậm chí, Chính phủ cũng cần phải vào cuộc dù muộn còn hơn không.

Trả lại rừng bằng cách thắt chặt bảo tồn rừng tự nhiên song song phủ xanh thêm rừng trồng là nhiệm vụ bắt buộc hôm nay. Cải tiến nông nghiệp là đòi hỏi tiên quyết. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu tại Trung ương Hội Liên hiệp Nông dân Việt Nam hôm 11/10 đại ý rằng "quyết liệt chỉ đạo, xử lý vấn đề đầu vào cho các sản phẩm nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thiệt hại cho nông dân". Rõ ràng, phải cải tạo cách làm nông nghiệp thì mới hạn chế, kiểm soát tốt được đầu vào để đất không bị "ngược đãi" bởi chất hoá học thêm nữa.

Xuất khẩu gạo 2019 so với 2018 dẫu tăng về sản lượng với 6,259 triệu tấn nhưng chỉ thu về khoản ngoại tệ 2,758 tỷ USD, tụt 10% về giá trị. Như vậy, nông nghiệp có nên chỉ trông chờ vào xuất khẩu nông sản được sản xuất kiểu cũ, với giá rẻ mạt hay bắt đầu phải chuyển hướng để sản xuất theo kiểu gần gũi với môi trường, cho ra ít sản lượng hơn nhưng giá trị lại cao hơn nhiều lần?

Thế hệ sau không chờ đợi được thế hệ hiện tại nữa rồi. Hãy tập yêu lấy đất, bảo vệ đất đúng nghĩa như một nguồn sống của dân tộc.

Văn Đoàn
.
.