Hãy xem phim Việt hóa như một tác phẩm độc lập
- Với tên tuổi và uy tín chuyên môn của mình, nhiều người ngạc nhiên khi tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh lại là bộ phim Việt hóa từ bộ phim "Miss Granny" từng gây "bão" phòng vé Hàn Quốc và cũng vừa có phiên bản Trung Quốc. Tại sao không phải là một bộ phim thuần Việt hoàn toàn mới mẻ?
+ Với tôi, một trong những điều quan trọng nhất khi làm phim chính là bạn phải trả lời được câu hỏi "Bộ phim này nói về cái gì?" và "Tại sao bạn muốn làm bộ phim này?". "Em là bà nội của anh" là một bộ phim về giá trị gia đình, về tình mẫu tử thiêng liêng và vẻ đẹp của tuổi thanh xuân. Đó là những giá trị quan trọng đối với bản thân tôi. Tôi luôn muốn được làm một bộ phim đề cao những giá trị ấy. Trong khi điện ảnh Việt Nam gần như không có những kịch bản phim hay, vừa hài hước nhưng lại cảm động, vừa giải trí vui vẻ nhưng cũng sâu lắng với những thông điệp nhân văn, thì không có lý do gì để tôi từ chối một kịch bản xuất sắc như "Em là bà nội của anh" để chạy theo những kịch bản phim được gọi là "thuần Việt", "mới mẻ" nhưng nghèo nàn ý tưởng, hời hợt về thông điệp và yếu kém về chất lượng. Đây là phim mang đậm dấu ấn cá nhân của tôi, bởi ở đó có sự hài hước không lố lăng, có sự rung cảm chạm trái tim người xem.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (bìa trái) và đoàn làm phim "Em là bà nội của anh" giao lưu với ekip Hàn Quốc. |
- Dù rất được lòng khán giả nhưng tên phim cũng vấp phải ý kiến trái chiều? Sao anh không giữ lại tên cũ?
+ "Em là bà nội của anh" là một tựa phim rất "thuần Việt" bởi chỉ có tiếng Việt mới tạo được cái tựa đa nghĩa này. Nếu bạn dịch tựa phim này sang tiếng Anh, "I am your grandmother", nó không thể nào phản ánh được cái hài hước. Trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng phản ánh bên trong đó cả vai vế và thái độ. Từ "bà nội" trong tiếng Việt cũng mang đa nghĩa, nó vừa có nghĩa là "bà nội" - là "mẹ của ba" nhưng cũng có nghĩa là cách gọi có thái độ bên trong với ai đó - và tùy vào mỗi người mà thái độ ấy thay đổi. Với tôi, chữ "bà nội" vang lên rất dễ thương, có lẽ vì tôi là người thương yêu bà nội. Nhưng có thể với những người khác, đó là cái gì rất hỗn láo. Và tôi thì không biết điều ấy cho đến khi gặp phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ một số khán giả.
Người Sài thành vẫn thường gọi đùa nhau "bà nội này", "bà nội kia". Và nếu bạn đã xem bộ phim này, bạn sẽ thấy Sài thành là một nhân vật trong bộ phim nên tựa phim cũng không nằm ngoài chủ đích đó. Cuối cùng, bộ phim này kể về một bà lão 70 tuổi biến thành cô gái trẻ 20 tuổi, gặp lại đứa cháu trai của mình và bị nó bắt phải gọi bằng "anh". Thế thì dĩ nhiên bà ấy phải nghĩ trong đầu "Em là bà nội của anh đó", vậy thì tựa phim "Em là bà nội của anh" chẳng phải thể hiện chính xác nội dung ấy hay sao?
- Việt hóa phim Hàn nói riêng và phim nước ngoài nói chung trở thành xu hướng thịnh hành của truyền hình từ nhiều năm nay. Riêng điện ảnh cũng không hiếm phiên bản Việt như "Bộ ba rắc rối" (bản gốc: The Hangover), "Tình + Tình" (50 sắc thái), "Tốc độ và đường cong" (Fast & Furious)… Phải chăng chúng ta làm lại phim nước ngoài ăn khách vì thiếu kịch bản hay lại có vẻ dễ "ăn theo", không tốn nhiều công sáng tạo?
+ Ở Việt Nam thì quả đúng là chúng ta thiếu kịch bản hay. Thế nhưng nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Trung Quốc và ngay cả Hollywood, đều thịnh hành xu hướng làm lại kịch bản thành công của các nước khác. Họ làm lại không hẳn vì thiếu kịch bản hay mà muốn tiết kiệm thời gian đầu tư nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Bởi họ biết các kịch bản này đã được kiểm chứng về sự thành công ở phòng vé. Kinh doanh điện ảnh là một ngành đầy rủi ro. Và việc làm lại một tác phẩm điện ảnh đã thành công giúp giảm thiểu rủi ro ấy. Hơn nữa, nó giúp cho thời gian để có một kịch bản hoàn hảo được giảm xuống đáng kể, bởi nhiều kịch bản hay phải mất từ ba tới năm năm để hoàn thiện. Trong trường hợp của "Miss Granny", kịch bản gốc bộ phim này mất gần năm năm để hoàn chỉnh.
Thế nhưng, những người ngoài nghề không có chuyên môn dễ lầm tưởng rằng việc làm lại các bộ phim ăn khách là một việc "dễ ăn" và "không tốn nhiều công sáng tạo", mặc dù họ vẫn luôn thấy có hằng hà sa số những bộ phim làm lại thất bại. Nếu nhìn vào Hollywood vốn từng làm lại rất nhiều tác phẩm điện ảnh thành công của các nước khác, từ châu Á đến châu Âu, chúng ta sẽ thấy vô số trong những bộ phim làm lại ấy trở thành thảm họa điện ảnh. Ví dụ như "Bangkok Dangerous" với Nicolas Cage (làm lại từ một phim Thái cùng tên), "Old Boy" với Josh Brolin (làm lại bộ phim thành công vang dội của điện ảnh Hàn Quốc), "The Tourist" với Angelina Jolie và Johnny Depp (làm lại từ phim "Anthony Zimmer" của Pháp)...
"Em là bà nội của anh" là bộ phim Việt hóa được khán giả yêu thích. |
- "Em là bà nội của anh" là một trong những bộ phim Việt hóa hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của khán giả. Rất nhiều phim Việt hóa trước đó bị cho là không vượt qua cái bóng quá lớn của bản gốc, thậm chí là phiên bản lỗi. Theo anh, Việt hóa phim ngoại, các nhà làm phim Việt gặp những khó khăn gì và lỗi họ thường mắc phải?
+ Trước nhất, điều kiện làm phim (từ kinh phí đến đội ngũ làm nghề) của chúng ta không được như các nước. Trong khi đó khán giả Việt luôn đòi hỏi các nhà làm phim trong nước phải làm phim hay hơn bản gốc, cộng thêm định kiến mạnh mẽ rằng "phim Việt Nam dù thế nào đi nữa cũng không có cách gì hay hơn phim nước ngoài". Trong trường hợp của "Em là bà nội của anh", chúng tôi thua xa các bạn làm phim Hàn Quốc và Trung Quốc về mặt kinh phí - 600.000 USD so với 3,2 triệu USD của Hàn Quốc và 7 triệu USD của phiên bản Trung Quốc. Khi không đủ kinh phí, chúng tôi bắt đầu phải "liệu cơm gắp mắm" và thay đổi kịch bản để phù hợp với điều kiện sản xuất phim thay vì thay đổi kịch bản để phù hợp với văn hóa xã hội Việt Nam trong bộ phim.
Nhiều nhà làm phim nỗ lực làm cho giống hoặc làm cho khác với phiên bản gốc. Dù chọn cách làm nào, họ cũng mắc phải sai lầm trong cách tiếp cận ngay từ đầu. Mọi "cố gắng" không nên đặt vào việc so sánh với phiên bản gốc mà phải đặt vào việc "làm sao để làm một bộ phim hay". Nên nỗ lực để tạo ra một bộ phim độc lập, có đời sống riêng của nó. Một số nhà làm phim cũng chưa thực sự hiểu được giá trị cốt lõi của bộ phim là gì, thông điệp của nó ra sao. Để từ đó có thể phát triển, nhào nặn bộ phim theo ý riêng của mình mà không lo lắng về việc nó sẽ bị so sánh với bản gốc.
-Theo kinh nghiệm của bản thân anh, khi Việt hóa những tác phẩm đình đám, làm thế nào để vượt qua khỏi cái bóng quá lớn của bản gốc, tạo nên một tác phẩm độc lập thu hút?
+ Khi nhận kịch bản "Em là bà nội của anh", tôi đã xem đây là một kịch bản phim như mọi kịch bản phim khác và đặt phiên bản gốc qua một bên. Những gì thú vị trong kịch bản gốc thì tôi giữ lại, những gì nhàm chán thì tôi thay đổi. Nếu như đội ngũ biên kịch Hàn Quốc có 5 năm để viết, đội ngũ Trung Quốc có hai năm để chuẩn bị, thì tôi chỉ có 4 tháng để chỉnh sửa kịch bản, và vì thế giải pháp "đứng trên vai người khổng lồ" là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất. Mục tiêu duy nhất của tôi dành cho "Em là bà nội của anh" là làm sao tạo nên một tác phẩm điện ảnh có đầy đặn cảm xúc, giữ được tinh thần "hài hước nhưng cảm động" và giữ được giá trị cốt lõi của bộ phim. Dĩ nhiên, vì tôi yêu đất nước Việt Nam cũng như TP Hồ Chí Minh và những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử của mảnh đất này, nên mỗi hơi thở của bộ phim đều mang trong đó nhịp đập của tình yêu ấy.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!