Hãy là thiên thần trong mắt trẻ

Thứ Sáu, 01/12/2017, 08:11
Chỉ trong vòng vài ngày, chúng ta cùng lúc phải chứng kiến nhiều câu chuyện thật xót lòng về những đứa trẻ: Từ việc bé gái 20 ngày tuổi bị bắt cóc ở Thanh Hoá, và vài ngày sau người ta tìm thấy thi thể em ở một bãi rác; đến việc một bà Osin quăng quật, tát vào mặt một em bé chỉ gần 2 tháng tuổi ở Hà Nam, và mới nhất là việc những bà bảo mẫu mặt người dạ thú, không ngừng đánh đập, hành hạ những đứa trẻ trên dưới 3 tuổi ở Trường mầm non Mầm Xanh, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. 


Cả ba câu chuyện đều khiến người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc xót xa, đau đớn và phẫn nộ. Nhưng nếu câu chuyện xót xa thứ nhất liên quan đến những kẻ chủ động đi bắt cóc thì hai câu chuyện sau lại liên quan đến chính những con người được trả tiền để chăm sóc những đứa trẻ.

Xem clip bà Osin ở Hà Nam nhiều lần tung đứa bé 2 tháng tuổi vút lên cao rồi lấy tay tát vào mặt đứa bé ấy - những hành động có khả năng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bộ não về hệ thần kinh của một thực thể, một câu hỏi cứ nhói lên trong tôi: người đàn bà này có chồng, con không? Liệu bà có mang trong mình một ẩn ức kéo dài nào đó liên quan tới chuyện sinh nở hay không?

Cô giáo đừng trở thành mụ phù thủy độc ác trong mắt trẻ thơ.

Tìm hiểu thì biết hoá ra bà ta có chồng, có con bình thường. Như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác. Ấy thế mà không hiểu sao bà ta lại có thể thực hiện những hành vi bất bình thường, phi nhân tính đến như thế. Mà nghe đâu thoạt tiên bà còn tìm mọi cách chối cãi, chỉ đến khi chiếc camera được mở ra, khi không thể chối cãi được nữa thì người đàn bà - người mẹ của những đứa trẻ này mới buộc phải thừa nhận những hành vi phi nhân tính của mình.

Và câu chuyện ở Trường mầm non Mầm Xanh có lẽ cũng vậy: nếu không có những chiếc camera giấu kín, tố cáo từng hành vi nạt nộ, quăng quật, đánh đập không ghê tay của mình thì có lẽ những bà bảo mẫu sẽ lại chối đây đẩy. Thậm chí, họ vẫn sẽ hiện lên với hình ảnh những bảo mẫu tươi tắn, nhân hậu như cái cách mà họ vẫn thể hiện khi tiếp nhận những đứa bé từ tay những ông bố, bà mẹ vào buổi sáng mỗi ngày. Đến chỗ này thì phải giật mình tự hỏi: còn bao nhiêu bà bảo mẫu tưởng là tươi tắn, nhân hậu nhưng thực chất lại là những kẻ tàn ác, mất hết tính người như thế nữa? Còn bao nhiêu kẻ vẫn mang "mặt người" nhưng chưa bị những chiếc camera tố cáo cái phần "dạ thú" phía sau hình hài một con người?

Vẫn biết trong xã hội, dưới những mái nhà đây đó, trong những trường mầm non đây đó, vẫn có những bảo mẫu nhân hậu, đầy tình yêu thương; và vẫn biết không thể chỉ vì một, hai sự vụ cá biệt, liên quan đến một, hai... bảo mẫu vô lương tâm mà vẽ nên cả một bức tranh đen đúa và xám xịt, nhưng rõ ràng cấp độ thú tính của những đối tượng trong những câu chuyện này là điều không ai có thể tưởng tượng ra. Nó liệu có phản ánh sự xuống cấp, thậm chí là sự băng hoại đạo đức nói chung của xã hội hiện nay không?

Nhân tính và đạo đức xã hội bây giờ nghiêm trọng đến mức từng có ý kiến đề nghị phải thành lập cả một viện Đạo Đức. Nếu cái viện ấy có thật thì những bà bảo mẫu giống như những mụ phù thuỷ ác độc có bớt đi không? Những kẻ sát nhân dám bất chấp tất cả để lao vào cướp một cháu bé chưa đầy tháng tuổi, sau đó ném xác cháu bé vô tội ấy vào một bãi rác liệu có ít đi không? Nếu cái viện ấy có thật, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm khi gửi con cái mình vào những trường tư thục, không có camera giám sát từng giờ, từng phút, từng giây không?

Chúng ta đã nói về vấn đề đạo đức từ rất lâu rồi, thế thì tại sao nó vẫn giống như một một lưỡi dao, từng ngày, từng giờ lại cứa vào trái tim chúng ta những vết thương rỉ máu? Liệu có cần đến một viện Đạo Đức, không phải là để dạy dỗ về đạo đức, mà  để những người vô đạo đức tới đó mà xưng tội hay không?

Có lẽ, trong lúc chưa thể tìm ra những gói giải pháp hữu hiệu mang tầm chiến lược, vĩ mô thì mỗi người, với mỗi vị trí, mỗi hoàn cảnh cần tìm đến những giải pháp cá thể, có ý nghĩa nhắc nhở và hướng thiện tâm hồn mình. Ví dụ như với những bà bảo mẫu, một bạn đọc của báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất một giải pháp rất đáng suy ngẫm rằng: hãy nhìn sâu vào mắt của những đứa trẻ.

Những đứa trẻ ấy có thể là những đứa trẻ mà mình được trả tiền để chăm bẵm mỗi ngày. Những đứa trẻ ấy cũng có thể là chính những đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Những đôi mắt ngây thơ, trong sáng, an lành của những đứa trẻ ấy sẽ khiến cho phần nhân tính của chúng ta được thức dậy và nhắc nhở nhiều hơn.

Nhìn sâu vào những đôi mắt ấy, chúng ta sẽ thấy rõ mình phải có trách nhiệm trở thành những thiên thần!

Phan Đăng
.
.