Hãy để người trẻ được "nhập cuộc"

Thứ Sáu, 16/12/2016, 09:22
Sự ồn ào xoáy quanh chàng Vụ phó 32 ngày đã để lại một câu hỏi rất lớn, và rất thiết thực đối với công cuộc phát triển quốc gia hôm nay. Những thắc mắc của dư luận về việc vì sao một người trẻ 26 tuổi lại được bổ nhiệm nhanh như thế, thần tốc như thế, và bổ nhiệm ngay vẫn còn trong thời gian tập sự và được đặc cách cho hoàn thành nốt khoá học để làm luận văn tiến sỹ. 


Không một ai nói đến tư cách đạo đức hay năng lực của chàng trai 26 tuổi ấy, và họ có lý để không nhắc đến chuyện đó. Đơn giản, công bằng xã hội dường như không thể hiện ở trong trường hợp bổ nhiệm này.

Trong lúc rất nhiều quan chức sử dụng bằng giả, hoặc làm luận án tiến sỹ trên những đề tài cực kỳ trời ơi đất hỡi như kiểu "Tối ưu hoá việc sử dụng Microsoft PowerPoint" thì việc một "cận" tiến sỹ trẻ, có thực học, sử dụng được 5 ngoại ngữ được bổ nhiệm đáng lẽ ra phải là tin mừng cho phát triển và đổi mới chứ không phải bị chỉ trích như vậy.

Song, chàng trai 26 tuổi ấy không phải nhân tài hiếm hoi của thế hệ mới và những thắc mắc bắt nguồn từ đó. Tại sao giữa bối cảnh rất nhiều thạc sỹ, tiến sỹ không thể kiếm tìm nổi một vị trí trong bộ máy thì lại có sự bổ nhiệm gấp rút đến vội vã như vậy? Phải chăng đó lại là một bổ nhiệm theo đúng định dạng 1 trong 3 thế mạnh phổ biến hôm nay là: 1) gia đình có quan hệ; 2) gia đình có điều kiện tài chính để chạy chức và 3) kết hợp giữa cả quan hệ lẫn tiền bạc?

Giữa bối cảnh đầy ngờ vực như thế, chúng ta nhận ra một việc rất đáng lưu tâm lúc này chính là việc sử dụng, tạo cơ hội cho nhân tài, tức là nguyên khí quốc gia, đặc biệt là những nhân tài trẻ tuổi. Việc tạo cơ hội, tận dụng nguyên khí quốc gia có phải chỉ gói gọn ở trong hành động bổ nhiệm hay không? Và nếu mới chỉ gói gọn trong hành động bổ nhiệm ấy thì tính minh bạch của nó nằm ở đâu, khi đối tượng được bổ nhiệm không phải là lựa chọn tối ưu duy nhất?

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trò chuyện với tài năng trẻ Đỗ Nhật Nam trong lễ vinh danh Tài năng trẻ.

Tại sao không có một cuộc sát hạch, hoặc "đấu thầu" những ý kiến sáng tạo, các chính sách có thể tư vấn để hoạch định của các ứng viên tương đồng nhau về tri thức, năng lực cũng như lĩnh vực? Khuất tất nằm ở chính điểm đó, và khuất tất ấy dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ xã hội là cũng phải thôi.

Và hơn nữa, trong một bối cảnh xã hội mà chúng ta chưa bao giờ được làm quen với việc người trẻ được mời gọi tham gia vào các cuộc "động não" tập thể để tìm giải pháp phát triển quốc gia, những hành động bất thường càng trở nên khuất tất hơn.

Bao lâu nay, chúng ta vẫn quen với một tranh luận rằng "định nghĩa thế nào là trẻ" và "nếu người đi trước không biết nhún mình lại để tạo cơ hội, những người trẻ sẽ bị thui chột". Vậy mà tại sao khi một người trẻ được bổ nhiệm, phản ứng xã hội lại gay gắt đến thế?

Dễ hiểu, chúng ta chưa từng để người trẻ được nhập cuộc, được tham gia cùng với tiến trình phát triển xã hội, đặc biệt là những người trẻ ngoài năng lực và tri thức ra thì không có bất kỳ điều kiện gia tăng nào như vị thế xã hội của gia đình hay điều kiện vật chất để có thể chạy đua vào những ghế "thơm tho" trong bộ máy nhà nước.

Đã đến lúc không thể gạt người trẻ ra ngoài cuộc được nữa. Nhưng không thể để họ nhập cuộc theo cái cách mà cả cộng đồng đều ngờ vực tính chính đáng của sự nhập cuộc ấy. Bao nhiêu năm qua, chúng ta tốn kém quá nhiều cho những hội thảo không đầu không cuối, không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, rất nhiều người trẻ có năng lực, trình độ lại đang mong mỏi có cơ hội được tham gia vào những diễn đàn cấp quốc gia để đóng góp ý tưởng của mình cho những chính sách, thậm chí là quyết sách lớn.

Thực sự, chúng ta đã và đang lãng phí nguồn tài nguyên nhân lực cao cấp rất lớn và thêm vào đó, còn tạo ra những ngờ vực về bất công xã hội ngày một rõ rệt hơn.

Giả sử, chàng trai 26 tuổi kia không phải được bổ nhiệm vào ghế Phó vụ trưởng mà thay vào đó, được trao nhiệm vụ kiến tạo diễn đàn ý tưởng trí thức trẻ phục vụ phát triển quốc gia, khi đó hẳn sẽ không có những điều tiếng gì. Thay vào đó, người ta sẽ nhìn vào bằng cấp (cứ cho là thật) và trình độ của cậu để nhìn nhận cậu như một thanh niên hiện đại, có khát vọng, có hoài bão, có tri thức và đáng là tấm gương để học tập.

Điều giả sử ấy không diễn ra. Và những ẩn ức của nhiều, rất nhiều trí thức trẻ vẫn tồn tại là như vậy. Họ cảm thấy mình lạc lõng, không được coi trọng, không được tạo điều kiện, bị gạt ra ngoài lề và tất cả những hứng chịu ấy chỉ để mục đích phục vụ sự thăng tiến của một vài cá thể có điều kiện hơn hẳn họ chứ không phải có năng lực vượt trội họ.

Hãy tiếp tục bổ nhiệm người trẻ tài năng, nếu họ xứng đáng, nếu bổ nhiệm ấy là minh bạch, công khai, trong sáng và liêm chính. Nhưng vượt trên hết, hãy kéo người trẻ vào cuộc bởi hiện tại và cả tương lai của quốc gia là của họ, chứ không phải của chúng ta, những người run sợ vì sự lạc hậu của chính mình và chỉ biết bảo toàn vị thế trong lúc nhẩm đếm từng ngày mình còn tồn tại ở một vị trí nào đó.

Hà Quang Minh
.
.