Hãy cho chúng tôi tác phẩm

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:00
Mấy ngày gần đây, giới làm nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung và giới hội họa nói riêng đang khá quan tâm đến bài viết của Laurent Colin, một nhà phê bình nghệ thuật, có tên là "Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói?". Bài viết lập tức nhận được nhiều ý kiến đồng tình, một vấn đề mà không ít người tâm đắc là "việc nói về nghệ thuật đã dường như từ từ thế chỗ cho chính bản thân nghệ thuật".

Sau khi bài viết kể trên xuất hiện, một nhà phê bình văn học trẻ đã nhận xét rằng "đấy là Tây viết chứ nếu phải ông nào người Việt Nam viết ra, chắc ông ấy đến khổ vì phải nhận cả rổ gạch đá thôi". Ý kiến mỉa mai của nhà phê bình văn học kia nghe có vẻ chua xót nhưng nó là một thực tế đang tồn tại trong chính xã hội Việt hôm nay. Đó là cái gì chúng ta dở, người nước ngoài nhận xét, phê phán thì ta tán đồng ngay. Còn nếu như những phê phán đến từ chính đồng hương với mình, và nếu lại là đồng nghiệp nữa, chắc chắn chúng ta sẽ phản ứng lại nó một cách đầy dữ dội.

Tôi cũng đã từng tiếp chuyện một nghệ sỹ tạo hình Nhật khi chị ghé thăm bộ sưu tập tranh của mình. Chị có hỏi ''tại sao không mở gallery đi, tôi thấy cậu yêu hội họa thế cơ mà?". Tôi trả lời nửa đùa, nửa thật rằng "bán tranh ở Việt Nam cực khó, ở giai đoạn này còn khó hơn nữa. Không phải vì các vấn đề về bản quyền tác giả vốn dĩ ồn ào lâu nay mà còn bởi vì một lý do quan trọng hơn nữa. Đó là người Việt tỏ ra thích thú được làm nghệ sỹ lắm nhưng thực ra họ chẳng yêu nghệ thuật đến cháy hết mình và thậm chí, cũng chẳng am hiểu về nghệ thuật cho lắm". Chị không coi ý kiến của tôi là đùa. Chị nói rất đơn giản: "Đúng, công chúng nghệ thuật chính là thị trường của nghệ thuật. Và khi công chúng không yêu nghệ thuật thì coi như không có một thị trường đúng nghĩa".

Nhưng đó là vấn đề của công chúng, của thị trường. Còn vấn đề của nghệ sỹ mới đáng quan tâm hơn. Thực tế, đa số nghệ sỹ ở Việt Nam, kể cả là những nghệ sỹ ở các lĩnh vực khác chứ không chỉ tạo hình, đều rất lười lao động.

Ai cũng hiểu, để có sản phẩm nghệ thuật (sản phẩm trước đã, tác phẩm tính sau), người nghệ sỹ phải lao động, thậm chí là miệt mài lao động. Nhưng những gì mà nhiều nghệ sỹ Việt Nam hôm nay đang làm không phải là lao động. Đơn giản, họ chỉ rong chơi và nói về nghệ thuật mà thôi. Họ rong chơi bởi họ cũng có chút nền tảng tác phẩm từ trong quá khứ, và cứ ăn mòn trên cái danh tiếng cũ của mình. Còn nói về nghệ thuật bởi vì họ muốn nâng tầm mình. Họ không muốn chỉ là người đã trực tiếp tạo ra một số tác phẩm mà họ còn thích được nhìn nhận ở người cấp tiến, người phê bình, người nhận dạng ra các trào lưu.

Trong âm nhạc, khá nhiều người không lạ gì một số nhạc sỹ hiện nay gần như không còn sáng tác nữa (hoặc nếu có sáng tác thì tác phẩm cũng lặn mất tăm đâu đó, không thể tìm được công chúng) nhưng lại luôn lên tiếng mạnh mẽ về tất cả những hoạt động nghệ thuật ngoài đời sống một cách vô cùng ồn ào, thậm chí là kẻ cả. Trớ trêu thay, khi họ nói về những vấn đề lớn lao như thế thì chính họ đã cố tình quên mất rằng nhạc mục của mình gần như không có gì và công chúng gần như không biết họ đã có những sáng tác nào. Nhưng với họ, phải nói như thế mới là nghệ sỹ lớn, mới là đương đại đúng nghĩa, mới là hiện đại, cấp tiến.

Bài viết của Laurent Colin là tiếng nói vang lên đúng vào lúc nghệ sỹ Việt thi nhau nói về nghệ thuật. Có lẽ, đã đến lúc họ cần thức tỉnh đúng nghĩa, thay vì cứ ngồi làm ông tiên chỉ chuyên gia phán này phán nọ và tối tối về ngáp ruồi than thở "Ôi, tiếc cho thân ta đầu thai vào xứ không phải cường quốc nghệ thuật".

Hãy cho chúng tôi TÁC PHẨM.

Hà Quang Minh
.
.