Hậu Vietnam Idol 2012: Đâu là quyền lực của khán giả?
Sự lên ngôi của chàng trai người dân tộc Chu Ru Ya Suy trong chương trình truyền hình thực tế Vietnam Idol 2012 đã gây ra cuộc tranh cãi lớn trong làng giải trí Việt. Giới làm nghề và khán giả chia làm hai phe. Một phe cho rằng Ya Suy không xứng đáng và một phe cho rằng Ya Suy hoàn toàn xứng đáng. Sự tranh cãi đó phải chăng một lần nữa khẳng định quyền lực khán giả chỉ là điều mơ hồ?
Không cần so sánh với á quân Hoàng Quyên, cô gái có bản lĩnh sân khấu và kỹ thuật thanh nhạc cực tốt, chỉ cần so sánh với Bảo Trâm của Top 3 cũng đã thấy Ya Suy yếu hơn về mọi mặt. Phong độ của Ya Suy tỏ ra khá thất thường. Lúc thì anh hát hỏng, phô. Lúc lại khiến Ban giám khảo và khán giả ngỡ ngàng khi lời hát chạm vào tim. Mỗi khi Ya Suy chuẩn bị cất giọng, khán giả lại hồi hộp không biết hôm nay Ya Suy sẽ hát như thế nào. Ya Suy đứng trên sân khấu có vẻ khá lóng ngóng, vụng về đến tội nghiệp. Ya Suy cũng tự ý thức được điều đó nên mới có chuyện anh nhường vé hụt vào vòng trong cho Bảo Trâm. Anh chân thành và mộc mạc trong cả giọng hát và cách ứng xử. Và đó là điều khiến Ya Suy chinh phục khán giả, đưa anh lên ngôi vị cao nhất mà đến anh cũng không ngờ.
Ya Suy lên ngôi, kéo theo đó là cái lắc đầu ngán ngẩm, những phát ngôn gay gắt của đa số giới chuyên môn. Ca sĩ M.L ghi một dòng trạng thái trên trang cá nhân rằng "Ya Suy không có tài". Điều đáng nói là trước đó, trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, với tư cách là người cố vấn thanh nhạc cho Top 2, M.L đã đánh giá cao giọng hát của anh. Mới đây nhất, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh đã không ngần ngại bộc lộ ý kiến của mình trong một cuộc phỏng vấn: "Nếu bạn ấy đại diện cho cả một thế hệ âm nhạc Việt Nam để thi thố với các nước khác thì vô hình trung thế hệ Idol sẽ đẩy cả thế hệ âm nhạc này xuống cùng với Ya Suy". Ngay lập tức, hàng loạt ý kiến của khán giả phản pháo lại những nhận định trên. Rất nhiều ý kiến của khán giả cho rằng sự lựa chọn của họ đang bị nghi ngờ, hay chính họ đang bị giới chuyên môn xúc phạm. Tất nhiên mỗi người đều có một quan điểm cá nhân của riêng mình. Nhưng những ý kiến công khai trên không khác gì gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt công chúng. Bởi Ya Suy là sự lựa chọn của số đông khán giả.
Sự tranh cãi xung quanh quán quân Vietnam Idol 2012 một lần nữa gợi nhớ đến nhận định chua xót của nhạc sĩ Tuấn Khanh, người từng ngồi ghế nóng của Sao Mai Điểm hẹn 2010 và Vietnam Idol những mùa đầu: "Khán giả trước đây là những người rất quan trọng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thì… không. Chính các nhà sản xuất, ban tổ chức, ban giám khảo đã cùng nhau thương mại hóa các chương trình và họ tự cho họ cái quyền quyết định mọi thứ. Không ai chịu hiểu rằng chính khán giả là những người nhắn tin bầu chọn… để đem đến những con số tiền tỷ cho Ban tổ chức và nhà sản xuất, đem đến những con số rating cao ngất cho chương trình. Đến khi xảy ra sự cố, hay không hài lòng vì điều gì đó thì họ lại quay qua đổ vấy cho khán giả, đổ lỗi cho đám đông... Khán giả là những người đang bị xem là thứ gì đó mơ hồ và bị coi rẻ…".
Nhận định này hoàn toàn có căn cứ khi thời gian gần đây liên tiếp các vụ lùm xùm của các chương trình truyền hình thực tế bị vỡ lở, khán giả mất dần niềm tin khi biết mình chỉ là chiếc áo rơm bù nhìn bị Ban tổ chức dắt mũi một cách trắng trợn. Năm 2012, clip vạch trần kết quả dàn xếp của Ban tổ chức Giọng hát Việt - The Voice 2012 bị tung lên mạng trong khi chương trình vẫn đang ghi hình trực tiếp, khán giả vẫn đang hào hứng bình chọn cho thí sinh mình yêu thích sau mỗi đêm biểu diễn. Người ta sốc, tức giận rồi thất vọng. Một cuộc họp báo diễn ra sơ sài, nhốn nháo. Không một lời xin lỗi khán giả. Chỉ có lời xin lỗi đến thí sinh (!?). Rồi khóc, rồi xin từ chức, rồi năn nỉ ở lại. Như một màn kịch hề. Vậy là sao?
Ngay trong đêm biểu diễn vở nhạc kịch "Bóng ma trong nhà hát" cùng Minh Quân để mở màn chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" 2012, Minh Hằng đã dính nghi án "chôm giọng" của ca sĩ Lan Anh. Nghi án này do chính khán giả phát hiện, tuy nhiên phía Ban tổ chức và ca sĩ Minh Quân đã có những câu trở lời lập lờ với dư luận. Riêng ca sĩ Minh Hằng thì không hề có lời xin lỗi khán giả.
Đầu năm 2013, Ban tổ chức "Bài hát yêu thích" phải giải trình về những nghi vấn về tin nhắn bình chọn hàng loạt. "Chiếc khăn Piêu" của Tùng Dương bất ngờ vượt lên "Người hát tình ca" của Uyên Linh để giành chiến thắng. Nhiều khán giả bức xúc khi họ nhắn tin hoặc nghe trên website để bình chọn cho "Người hát tình ca" của Uyên Linh thì không được trong khi lượt bình chọn cho "Chiếc khăn Piêu" thì không gặp vấn đề gì. Nhiều chương trình, số lượt bình chọn không được công khai, thành viên Ban giám khảo vạ miệng về kết quả, những nghi án mua giải bằng tin nhắn ảo càng khiến khán giả nghi ngờ về tính minh bạch của chương trình.
Bắt đầu từ chương trình Sao Mai - Điểm hẹn 2004, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế và nhiều sân chơi khác hiện nay đều có hình thức bầu chọn cho thí sinh thông qua tin nhắn hay trên mạng. Điều đó có thể nói khán giả đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thi này, họ sẽ quyết định người chiến thắng. Ban giám khảo chỉ là những người định hướng khán giả, kết nối khán giả với thí sinh, cùng khán giả tìm ra người tài để họ chọn lựa. Thế nhưng quyền lực ấy ngày càng bị lợi dụng một cách không thương tiếc, dẫn đến niềm tin về chương trình truyền hình thực tế của khán giả đang mất dần. Khi quyền lực dân chủ ấy lên ngôi thì nó lại bị nghi ngờ. Rõ ràng, bản thân chương trình truyền hình thực tế đã trao "quyền sinh quyền sát" vào tay khán giả. Hơn ai hết, khi trao cái quyền ấy vào tay khán giả, ban tổ chức chương trình và giới chuyên môn thừa hiểu mặt bằng trình độ của khán giả Việt đến đâu, khán giả sẽ bầu chọn như thế nào. Vậy thì tại sao khi thí sinh được bầu chọn không đúng ý của họ, họ lại phản ứng, lại đổ lỗi cho khán giả. Với một cuộc thi mang tính chất giải trí mà khán giả là trọng tâm, đáp ứng tiêu chí tìm kiếm "tài năng âm nhạc" và "from zero to hero" (từ số không thành người hùng), sự lên ngôi của Ya Suy không có gì đáng tranh cãi. Ya Suy phải có tài thì anh mới có thể lọt vào Top 2, mới làm hàng triệu trái tim rung cảm mà bầu chọn cho anh. Thêm nữa, sự lựa chọn này không hoàn toàn do cảm tính tự phát của khán giả mà có sự định hướng của Ban giám khảo - đại diện cho giới chuyên môn hẳn hoi. Nếu Ya Suy hát, hết lần này đến lần khác Ban giám khảo chê tơi bời mà anh vẫn có được lượt bình chọn đông đảo thì lạ quá. Đằng này, Mỹ Tâm bật khóc khi nghe Ya Suy hát "Nơi tình yêu bắt đầu". Nhạc sĩ Quốc Trung đánh giá: "Em đã biến những điều bình thường trở thành to lớn, biến những điều to lớn trở thành bình thường". Còn Nguyễn Quang Dũng thì nói lời xin lỗi Ya Suy vì ở vòng thử giọng anh đã không lựa chọn thí sinh người dân tộc Chu Ru này. Sự chỉ trích của Ban giám khảo chỉ là cách uốn nắn, tiếp thêm kinh nghiệm cho Ya Suy trong những lần biểu diễn sau bởi vốn dĩ anh có tài năng nhưng không được đào tạo trong một môi trường nghệ thuật bài bản.
Các cuộc thi truyền hình thực tế không đòi hỏi quá cao về chuyên môn và danh hiệu chỉ là bước đệm cho thí sinh. Ya Suy lên ngôi Idol nhưng đó không phải là tất cả và vĩnh viễn. Rồi đây, Ya Suy sẽ đi học thanh nhạc tại trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Anh sẽ rèn luyện những kỹ thuật thiếu sót của mình để giọng hát hay hơn. Và anh có được công chúng đón nhận nữa hay không điều đó còn tùy thuộc vào nỗ lực trên chặng đường ca hát sau này. Hoàng Quyên cũng vậy, có thể cô chỉ là á quân, nhưng với những nỗ lực trong hoạt động âm nhạc, biết đâu Hoàng Quyên lại được khán giả yêu mến, là người thành công hơn Ya Suy. Rốt cuộc, không chỉ riêng âm nhạc mà với các lĩnh vực nghệ thuật khác, ai giữ được khán giả, người đó chiến thắng như Mỹ Tâm đã nói với Ya Suy: "Hát hay thì rất dễ nhưng để khán giả yêu thương là điều rất khó và Ya Suy có được điều đó".
Thực tế cho thấy, quyết định thành bại của người nghệ sĩ vẫn là khán giả. Có thể trình độ chuyên môn của khán giả không có, nhưng trình độ cảm thụ thì họ đều có, dù ít hay nhiều. Mà nghệ thuật thì thiên về cảm tính chứ không phải đi đo từng milimet như máy móc. Những tác phẩm, những nghệ sĩ thực thụ chạm vào xúc cảm người nghe, chiếm được lòng tin yêu của công chúng chắc chắn sẽ không bao giờ phôi phai. Có thể lúc đầu tác phẩm ấy không được đông đảo công chúng đón nhận, nhưng qua thời gian, tự khán giả sẽ nhận ra "ngọc trong đá". Ngược lại, những tác phẩm hời hợt, những nghệ sĩ tức thời dễ dãi, có thể "sống" được ngày hôm nay theo hội chứng đám đông của khán giả, nhưng qua thời gian, chính khán giả lại là người đào thải nó. Cho nên hãy tôn trọng những quyết định của khán giả