Giáo dục Việt Nam

Hành trình tìm kiếm mục tiêu

Thứ Ba, 15/09/2015, 08:00
Nền Giáo dục Việt Nam đang thiếu hẳn một triết lý giáo dục. Thay vì vội vã nghiên cứu và áp dụng các mô hình thay đổi, đã đến lúc giáo dục Việt Nam cần bình tâm nhìn lại để xác định cho rõ: Triết lý giáo dục (cần thiết) là gì?

Cần xây dựng một triết lý giáo dục bền vững

Từ  đầu thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, cải cách giáo dục đã diễn ra liên tục. Không như dự định, cứ sau mỗi đợt cải cách, ngành giáo dục lại nhận được hàng loạt sự phản đối, ca thán, chỉ trích của các thế hệ phụ huynh, học sinh lẫn của chính đội ngũ những người đang công tác trong ngành Giáo dục. Dự định tốt, phương pháp có thể cũng không tồi, vì sao kết quả cải cách chưa bao giờ được như mong đợi, cũng hiếm khi được xã hội đón nhận với sự đồng thuận và khen ngợi?

Nếu trả lời chính xác, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ: Vì chúng ta tiến hành cải cách mà vẫn không chắc là đang cải cách cái gì, để làm gì. Những cuộc cải cách bộc lộ quá rõ tính chất tư duy nhiệm kỳ, ăn xổi, duy ý chí, thiếu hẳn tính bền vững, thiếu phù hợp với thực tiễn. Nói cách khác, ngành Giáo dục đang vận động phát triển với định hướng tương lai không mấy rõ ràng. Nền Giáo dục Việt Nam đang thiếu hẳn một triết lý giáo dục. Thay vì vội vã nghiên cứu và áp dụng các mô hình thay đổi, đã đến lúc giáo dục Việt Nam cần bình tâm nhìn lại để xác định cho rõ: Triết lý giáo dục (cần thiết) là gì?

Thí sinh nhốn nháo làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển trong kỳ thi quốc gia 2015.

Ngay trong nhiệm vụ chính - theo cách tiếp cận giản đơn - là truyền thụ tri thức, đào tạo nhân lực, gắn với việc dạy và học, thiếu triết lý giáo dục đã khiến nhiều cuộc cải cách rơi vào ngõ cụt. Sau đợt cải cách chữ viết bắt đầu từ năm 1982, thay vì đạt được mục tiêu nhanh hơn, gọn hơn và (hy vọng) đẹp hơn, chúng ta lại tạo ra một thế hệ học sinh… chữ xấu hơn. Những bậc thức giả có khuynh hướng duy mỹ từng la toáng lên: chữ xấu làm sao con người hoàn thiện? Chữ xấu, chắc chắn khả năng thẩm mỹ của một thế hệ cũng sẽ bị giới hạn!

Rõ ràng là không vì áp lực cực đoan này, song không lâu sau đó, cải cách chữ viết đã phải đình lại. Suy cho cùng, cũng chỉ là một bộ phận của chữ Latin, hà tất người Việt phải tỏ ra thông minh, vượt trội về thẩm mỹ hơn khi tự mình đơn phương thay cả thế giới làm một cuộc Cách mạng đổi chữ?

Thiếu triết lý, nhiệm vụ đào tạo tri thức, việc dạy và học cũng bị sức ép xã hội chèn ép, trở thành méo mó: Học để điểm cao, học để thi, học để lên lớp… Kéo theo nó là hàng loạt vấn nạn làm nảy sinh các hành vi tiêu cực.

Ngay trong mặt đào tạo nhân lực, "trồng người" cho tương lai, thiếu triết lý cũng ảnh hưởng không nhỏ đến không chỉ một mà nhiều thế hệ học sinh. Thay vì thi đua, học sinh mang sẵn tính ganh đua và đua đòi. Thay cho hướng đến sự hoàn thiện để thành công, một - hay nhiều - thế hệ luôn tìm cách để được hơn người khác. Thay vì đạt được sự khẳng định cá nhân, độc lập, học sinh cố lao theo sự cá biệt, dị biệt. Là bởi vì nền giáo dục thiếu triết lý với sự khích lệ lẫn chế tài không minh bạch đã không giúp được nhiều cho việc khu biệt năng lực và phẩm chất, dễ có xu hướng đẩy học sinh vào tâm lý tự ái mà không giúp nhiều cho các em trong việc củng cố, phát huy và rèn luyện lòng tự trọng.

Cũng tương tự như thế, các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết, hữu ích đang dần bị đẩy ra xa. Học sinh chỉ dành thì giờ để nhồi nhét kiến thức mà một phần không nhỏ trong đó chỉ là sự lãng phí. Rất nhiều kiến thức phổ thông, học sinh gần như quên ngay lập tức sau khi gấp sách.

Thiếu triết lý, giáo dục Việt Nam trở nên quá nặng nề và khốc liệt trong khâu thi cử. Học để thi. Thi để học. Ra trường để kiếm việc làm. Những  định đề khô khan, vô cảm được phủ áo thực tiễn, thực tế, thực dụng… đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận. Sau bậc phổ thông, học sinh và phụ huynh chỉ chăm chăm nhìn tương lai là một chỗ ngồi ở trường đại học, như thể sau bậc học cấp 3 là bậc học cấp 4. Miễn đậu đại học, còn sự phù hợp, năng lực, ngành, việc yêu thích chỉ là thứ yếu.

Một hình ảnh hệ lụy của nền giáo dục thiếu triết lý.

Một nền giáo dục thiếu triết lý, hiển nhiên sẽ đào tạo ra  những thế hệ nhân lực thiếu tự tin. Tự chúng ta đang bó hẹp khả năng hội nhập của con  em, của xã hội tương lai trong những mục tiêu  thực dụng và thiển cận.

Thiếu triết lý giáo dục không chỉ là chuyện của ngành Giáo dục và của nhà trường, nó còn là thói quen tư duy cố hữu, cố chấp  của cả bao nhiêu thế hệ phụ huynh và học sinh - những người trực tiếp thụ hưởng và kỳ vọng vào quá trình giáo dục. Kỳ thi 2 trong 1 vừa  qua, rõ ràng là một giải pháp giảm tốn kém xã hội. Thế nhưng, khi được áp dụng, xã hội lập tức náo loạn lên. Hàng tháng trời, việc hồ sơ chọn trường nộp vào, rút ra luôn là đề tài tranh luận, tranh cãi thường trực. Những chỉ trích gay gắt về việc điểm cao vẫn trượt, mất cơ hội nguyện vọng 1,2, 3 đang phủ lấp thực tế: Xã hội chạy theo kỳ vọng, không tự đánh giá đúng năng lực và sở nguyện, chưa hề quen với sự công khai minh bạch. Đối diện nó - điểm sáng đấy chứ - người ta sẽ loạn lên. Và tất nhiên, sẽ đánh giá nó bằng sự bài xích, ca thán.

Cũng như thế, tư duy phản biện của toàn xã hội đang có xu hướng bị bào mòn qua từng thế hệ. Nếu như có ai đó đưa ra ý kiến kiểu như nên khôi phục việc dạy và học tiếng Trung, tiếng Nga… chẳng hạn, lập tức  "gạch đá" dư luận sẽ bay rào rào. Người ta quên rằng, việc học không chỉ là để sau này sử dụng, quên rằng học tri thức còn là để làm người…

Cuối cùng, triết lý giáo dục cho Việt Nam là gì? Câu hỏi đó, chúng tôi xin gửi lại  cho các  nhà  chuyên môn, các bậc thức giả và những người đang chèo lái con thuyền giáo dục nước nhà. Chỉ mạo muội mà thưa rằng, những khẩu hiệu thi đua, những băng rôn ghi đầy quyết sách, quyết tâm… đang được dựng lên theo thông lệ trước mỗi dịp khai trường đã và sẽ không bao giờ thay thế được một triết lý giáo dục khoa học, giàu tính nhân văn, phù hợp thực tiễn. Thay cho cải cách nông nổi và khẩu hiệu mơ hồ, đã đến lúc giáo dục Việt Nam cần xây dựng một triết lý giáo dục bền vững.

Thí sinh nhốn nháo làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển trong kỳ thi quốc gia 2015.

Giáo dục nhìn ra thế giới

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu (Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh).

Với triết lý "Shữshin" gói gọn trong từ "đạo đức", đất nước Nhật Bản đã lấy đạo đức làm nền tảng trong mọi nội dung, phương pháp giáo dục kiến thức, đời sống, sinh  hoạt, kỹ năng làm việc cho mọi lứa tuổi, cấp học. Đạo đức trước hết là tinh thần kỷ luật được thể hiện trong mọi hoạt động từ việc quản lý thời gian, tuân thủ qui trình làm việc, nguyên tắc hợp tác, phối hợp, đến tinh thần tự phê bình, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi, văn hóa từ chức…

Đạo đức còn là ý thức tự lực cánh sinh, chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện. Giáo dục Nhật Bản dạy cho học sinh "không có chân lý đúng vĩnh viễn". Do đó, trước một vấn đề học sinh phải có trách nhiệm tìm kiếm, phản biện, với nhiều góc nhìn đa chiều, khác biệt, mới mẻ. Với triết lý giáo dục đó, Nhật Bản trở thành một dân tộc có tính kỷ luật, khoa học cao và cũng là một trong những quốc gia có bằng phát minh, sáng chế nhiều nhất trên thế giới.

Giáo dục Mỹ với triết lý "Tự do - dân chủ" đã được Tổng thống thứ 2 John Adams khẳng định: "Trẻ em phải được giáo dục theo nguyên tắc tự do". Triết lý đó suốt hơn 200 năm phát triển vẫn được trung thành trong mọi ngôi trường nước Mỹ. Theo đó, "Tự do" để phát huy sáng tạo, để chủ động thay đổi và thích ứng với thế giới hội nhập, đa dạng đang phát triển từng giây. "Tự do" gắn liền với "Tôn trọng và bình đẳng".

Tự do theo giáo dục Mỹ là tự do về tư tưởng - quyền được giữ quan điểm khác biệt của bản thân nhưng vẫn tôn trọng ý kiến (sự tự do của người khác). Giáo viên luôn nhắc nhở học sinh: "Em có quyền không thích, có quyền tẩy chay một nhãn hiệu nhưng em không có quyền ép người khác đứng về phe mình. Đó là thiếu tôn trọng quyền tự do của người khác". Họ luôn khích lệ học trò: "Không có câu hỏi ngu ngốc, chỉ có câu trả lời mới ngu ngốc".

"Dân chủ" để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bắt đầu từ cơ chế quản lý dân chủ: Hiến pháp Mỹ tách bạch Nhà nước với Nhà trường và Nhà thờ. Giáo dục giao về cho chính quyền địa phương quản lý nhưng có sự phân cấp rõ ràng. Thành phố, thị trấn chịu trách nhiệm bổ nhiệm lãnh đạo trường, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tuyển chọn đầu vào. Cấp tỉnh thì chịu trách nhiệm đánh giá, kiểm định chất lượng, khảo sát, qui hoạch mạng lưới trường lớp. Dân chủ ở phương pháp, nội dung giảng dạy. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến tính trải nghiệm, khám phá, phát hiện, lý lẽ lập luận với những góc nhìn khác, không áp đặt. Dân chủ trong sự lựa chọn học tập theo ngành học phù hợp với sở thích, nguyện vọng, ước mơ.

Từ triết lý đó, trả lời cho câu hỏi tại sao giáo dục Mỹ đào tạo nên nhiều nhân tài, các trường học ở Mỹ luôn nằm trong các tốp đầu về Giáo dục. Giải Nobel bao giờ ở Mỹ cũng nhiều nhất trên thế giới.

Nước Đức - cái nôi của các nhà hiền triết đề cao triết lý giáo dục "Nhân bản - Thực tiễn". "Nhân bản" là yêu thương bắt đầu từ yêu thương cây cỏ, con vật đến yêu thương trẻ em, người già, người tàn tật. "Nhân bản" còn là bình đẳng mọi đối tượng trong lớp không phân biệt giai tầng, giới tính. Do đó, lớp học không có "lớp trưởng, chủ tịch" mà chỉ có "phát ngôn viên" - người sẽ thay mặt cả lớp đề đạt ý kiến, mong muốn đến giáo viên, nhà trường và ngược lại. "Nhân bản" còn là coi gia đình là nền tảng của mọi giá trị, là trường học đầu tiên và cuối cùng quan trọng nhất.

"Thực tiễn" trước hết là chú trọng thực hành, thực nghiệm, hoạt động. "Learning by doing" (học để hành) xuyên suốt mọi cấp học. Bởi lẽ theo họ, kiến thức trong sách vở sẽ lỗi thời, chỉ có cuộc sống sinh động, thay đổi hàng ngày mới là quyển sách vĩ đại nhất. Mọi học sinh, sinh viên phải tham gia các hoạt động xã hội và đó là một trong những tiêu chí đánh giá thành tích, kết quả học tập. Tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa cao tạo cho người học có được ngành nghề phù hợp. Do đó, Đức là một trong những nước không chỉ có nền kinh tế - văn hóa phát triển mà còn là đất nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới.

Tìm hiểu triết lý giáo dục các nước tiên tiến để có thể dễ dàng trả lời câu hỏi: "Giáo dục Việt Nam có triết lý giáo dục chưa?" và triết lý giáo dục có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc?

Câu trả lời là chúng ta đang loay hoay, chưa có triết lý rõ ràng cho cả một nền giáo dục. Con đường đi tìm và nhận diện triết lý giáo dục Việt Nam vẫn đang còn nhiều trăn trở.

Giáo dục liên quan đến vận mệnh của cả một dân tộc, một quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn Liên hiệp quốc năm 2013, cô bé 17 tuổi Malala Yousafzai đã làm lay động toàn thế giới bằng lời kêu gọi: "Một đứa bé, một nhà giáo, một quyển sách và một cây viết có thể làm thay đổi cả thế giới. Mở mang trí tuệ là biện pháp duy nhất cho phát triển. Việc giáo dục cần phải được ưu tiên số 1… kẻ cực đoan rất sợ sách vở và sức mạnh của sự hiểu biết… vũ khí vô cùng lợi hại của chúng ta là những quyển sách và cây bút".

Không thể có một nền giáo dục phát triển bền vững mà thiếu triết lý giáo dục. Và vấn đề cốt lõi nhất, quan trọng nhất, cấp thiết nhất hiện nay: Lựa chọn nào cho giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và đổi mới hôm nay.

Kỳ thi 2 trong 1: Chưa thành công không hẳn đã là sai

 PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh (Phó Chủ nhiệm khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH và Nhân văn)

Đã có rất nhiều ý kiến ca thán, vạch ra không biết bao nhiêu là khuyết điểm của kỳ thi "hai trong một" vừa qua. Là người trong ngành Giáo dục, tôi thấy ý kiến phản biện xã hội, dù rất đáng quan tâm suy nghĩ cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Xét cho cùng, sự chê bai, chỉ trích - dù đúng hay sai - cũng đa phần dựa trên cảm xúc, lo lắng và cái nhìn thực tiễn khá bó hẹp, chưa nhìn nhận thấu đáo được mục đích lâu dài, tích cực của vấn đề.

Tôi cho rằng kỳ thi vừa rồi có nhiều điểm được.

Thứ nhất, rõ ràng là đỡ tốn kém cho xã hội hơn. Những trường hợp báo đưa lên như thuê xe cứu thương đi nộp hồ sơ, chầu chực canh nộp - rút hồ sơ,… cho dù có nhiều cũng chỉ là chuyện thiểu số của một số gia đình có điều kiện. Trên bình diện chung, nó không thể gây tốn kém cho xã hội như mọi năm với 2 kỳ thi. Người nghèo, họ "liệu cơm gắp mắm", mức độ tốn kém được giảm thiểu đáng kể. Các nhà giáo dục đã chỉ ra sự vô ích của kỳ thi tốt nghiệp, thì việc gộp lại chỉ còn một kỳ thi là tiến bộ hơn, khỏi phải bàn. 

Biết điểm rồi mới đăng ký trường là ưu điểm thứ hai. Chưa thi đã bắt đăng ký trường, há chẳng phải làm khó học sinh sao? Việc nhiều người cứ rút ra, nộp vào, chọn ngành mình không thích như chơi chứng khoán thì cái đó có phần lỗi của chính phụ huynh và học sinh. Lẽ ra năng lực đến đâu thì phải chọn học trường tương đương, không thể nói chuyện phải được học cái ngành anh thích, khi điểm anh không vào ngành đó được.

Công khai thông tin là ưu điểm thứ ba. Cứ vài ngày, các trường lại cập nhật danh sách thí sinh nộp vào. Việc nộp hồ sơ năm nay rõ ràng có thông tin nhiều hơn. Chính vì vậy nó mới "loạn" ở cái xã hội không quen công khai, minh bạch thông tin như nước mình!

Đề thi dễ. Chấm dễ. Có nên gọi đây là ưu điểm không nhỉ? Bộ Giáo dục xem đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên ra đề, chấm cũng theo chuẩn phổ thông thôi, không phải đại học. Tôi chấm thi môn văn xong, lắc đầu, nghĩ bụng riêng môn Văn đã cao hơn mọi năm ít nhất 1-1,5 điểm/bài. Vậy thì 3 môn, chắc chắn năm nay điểm chuẩn sẽ tăng 3-4 điểm là ít. Về điều này, lẽ ra báo chí, sau khi các trường chấm thi xong, nên phỏng vấn một vài chuyên gia chấm thi để dự đoán phổ điểm cho học sinh và gia đình tham khảo.

Lẽ tất nhiên, cũng không thể không nhìn thấy kỳ thi vừa qua có khá nhiều nhược điểm.

Tên gọi và nội dung của kỳ thi là sai lầm thứ nhất. Kỳ thi này nên là kỳ thi xét tuyển đại học hơn là tốt nghiệp THPT. Cá nhân tôi đánh giá cao mô hình giáo dục Mỹ. Cứ học xong lớp 12 là tốt nghiệp phổ thông, sau đó, ai muốn đi học nghề, trung cấp, cao đẳng thì đăng ký học. Ai muốn vào đại học thì thi. Kỳ thi đó do các trường đại học (ĐH) tự ra đề, Bộ chỉ giám sát. Cái sai của Bộ trong năm nay, theo quan điểm của tôi là quản nhiều thứ quá mà không đủ sức: quản điểm, quản cổng thông tin, áp chỉ tiêu, áp học phí,… Kỳ thi đó nên do Hiệp hội các trường ĐH ra, giống ở Mỹ là kỳ thi SAT. Dựa trên điểm đó, các trường ĐH xét tuyển. Học sinh có quyền nộp hồ sơ vào cả trăm trường ĐH nếu có tiền (chứ không phải chỉ là 4-5 nguyện vọng như chúng ta), trường nào gọi thì chọn, học. Việc nộp hồ sơ có thể đến nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện, nộp online. Như vậy đỡ tốn kém. Trường nào nhận hồ sơ phải báo cho học sinh biết đã nhận. Học sinh đang học trung học, cao đẳng muốn học lên ĐH thì phải qua kỳ thi xét tuyển ĐH nhưng không nhất thiết phải thi ngay.

Thứ hai, theo tôi không nên áp chỉ tiêu từng ngành. Áp chỉ tiêu là điều tùy tiện và võ đoán. Làm sao biết được nhu cầu xã hội cho ngành nào đó trong 4-5 năm nữa là bao nhiêu mà áp chỉ tiêu? Tại sao chỉ tiêu ngành Báo chí là 150, còn Văn học là 100? Dựa vào cái gì? Áp chỉ tiêu tức là lấy điểm từ trên xuống dưới, nghĩa là nếu năm nay học sinh giỏi nhiều thì tôi bỏ mất nhiều em giỏi, nhưng sang năm kém thì học sinh vào trường cũng sẽ kém. Áp chỉ tiêu mới dẫn đến tình trạng "nhảy múa" điểm chuẩn như năm nay vì trường cứ lấy từ trên xuống dưới. Trong khi đó, nếu trường đề ra tiêu chuẩn (chứ không phải điểm chuẩn, ví dụ dựa trên điểm trung bình của phổ thông, điểm của kỳ thi xét tuyển ĐH, phỏng vấn…) thì năm nào cũng sẽ tuyển chất lượng đồng đều. Trường tốt thì đề ra chuẩn cao, trường chưa cao thì chuẩn thấp, học sinh cứ thế mà chọn. Chất lượng đào tạo và nhu cầu tuyển dụng sẽ quyết định việc học sinh chọn trường nào. Năm nay ngành này có nhiều học sinh đăng ký thì mở thêm lớp, ít thì mở ít lớp. Chả sao cả.

Về việc chấm thi: nên do từng trường tự quản, tránh tình trạng tỉnh này ngó tỉnh kia, thành ra điểm thi chấm cao ngất. Hướng đến việc ra đề trắc nghiệm thì sẽ tránh được tình trạng phổ điểm không đồng đều giữa các tỉnh và chênh lệch chất lượng giữa những thí sinh cùng điểm.

Việc cộng điểm ưu tiên, thật ra năm nào cũng được áp dụng, nhưng năm nay lại thành đề tài bàn luận gay gắt? Theo tôi, vấn đề là tổng điểm cộng ưu tiên nên ít lại, không nên quá 3 điểm, như hiện nay 6-6,5 điểm là cao quá. Điểm ưu tiên này nên để các trường tự chủ đưa ra. Ví dụ: Trường Y ưu tiên tuyển thẳng học sinh giỏi giải nhất quốc gia, trong khi ĐHQG có thể tuyển thẳng cả các giải nhất, nhì, ba. Mỗi trường nên công khai chính sách ưu tiên. Ở Mỹ, họ có chính sách rất rõ: Giả sử mỗi năm, họ cần tuyển 100 sinh viên, thì sinh viên của bang là 50%, ngoài bang là 30%, nước ngoài là 20%. Ngay cả tỉ lệ sinh viên nước ngoài họ cũng chia rõ luôn, châu Á bao nhiêu, châu Phi bao nhiêu… Họ cũng ưu tiên vùng miền đấy chứ? Đây là một chính sách nhân văn.  Giáo dục mà không hướng tới nhân văn thì giáo dục để làm gì?

Hiện nay học phí các trường đại học công lập quá thấp, đặc biệt là các trường lớn. Thấp đến mức khó tin! Học phí trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 5 triệu/năm học, lại cào bằng. Ngành Ngoại ngữ một lớp chỉ có 30 sinh viên, lại tốn kém cơ sở vật chất hơn, tại sao học phí lại bằng ngành Văn mỗi lớp đến cả trăm sinh viên? Vậy làm sao nâng cao chất lượng? Bộ Giáo dục nên để các trường tự chủ học phí để trường còn có thể cân đối và có chính sách ưu tiên những ngành khoa học cơ bản như Triết, Sử, Hán - Nôm… Ngược lại, trường có thể nâng học phí những ngành có nhiều người đăng ký học, cũng như có chính sách học bổng đối với sinh viên giỏi, sinh viên khó khăn, sinh viên trong địa phương...

Những điều này, thực ra, nhiều nước đã làm rồi, làm tốt. Giáo dục Mỹ cũng không hẳn tốt nhất. Nhiều nước như Đức, Phần Lan, Thụy Điển,… thậm chí còn miễn phí đại học, nhưng cho tới lúc này, giáo dục của họ vẫn hiệu quả và thành công hàng đầu thế giới. Sao ta không học họ?

Nguyễn Hồng Lam
.
.