Ham quá hóa... lỗ

Thứ Sáu, 12/10/2018, 08:06
Việc nhà sản xuất bộ phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" tuyên bố trên báo chí có thể sẽ khởi kiện hai diễn viên chính trong phim vì đã để chuyện cá nhân ảnh hưởng đến doanh thu của phim là một trong những sự việc hy hữu của giới điện ảnh Việt vừa qua. 


Sự việc không chỉ là bài học cho bất kỳ một cá nhân, thành phần đoàn làm phim cần cẩn trọng, nghiêm túc với công việc của mình mà còn là kinh nghiệm xương máu cho việc ham quảng cáo, tiếp thị phim.

Lâu nay, việc quảng cáo, tiếp thị phim (thường được mọi người gọi tắt là PR) cho một sản phẩm nghệ thuật nào đó trước khi ra mắt đã không còn là chuyện lạ nữa. Thậm chí, nó đã trở thành một khâu quan trọng, góp phần không nhỏ giúp sản phẩm đó đến được với đông đảo công chúng hay có được doanh thu như mơ ước.

Điện ảnh cũng không ngoại lệ nhất là khi thị trường này ngày càng phát triển. Từ đó, các chiêu thức PR cho phim cũng nở rộ với thiên hình vạn trạng nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng dành cho tác phẩm của mình.

Không những quảng cáo lố bịch cho vai diễn, hai diễn viên của “Chú ơi đừng lấy mẹ con” còn đối mặt với nguy cơ bị kiện.

Chỉ ngay trước khi phim ra mắt một tuần, thông tin Kiều Minh Tuấn và An Nguy - hai diễn viên đảm nhận 2 vai chính của phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" úp mở chuyện yêu nhau trên một số báo mạng khiến dư luận dậy sóng.

Việc hai người độc thân yêu nhau sau một thời gian làm việc chung sẽ không có gì phải ầm ĩ nếu Kiều Minh Tuấn thời điểm đó không đang trong mối quan hệ với Cát Phượng - một nghệ sĩ khá nổi tiếng. Đáng nói hơn nữa là trước đó không lâu, Kiều Minh Tuấn không ít lần dành cho người yêu Cát Phượng của mình những lời có cánh.

Thông tin ấy thực sự thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông, nhất là báo mạng. Nhất cử nhất động của cặp đôi này đều được chú ý. Tuy nhiên, hầu hết những ý kiến của dư luận đều nghiêng về việc kết luận Kiều Minh Tuấn là người đàn ông phụ bạc, không hay ho gì khi kể lể chuyện tình éo le của mình....

Việc Kiều Minh Tuấn và An Nguy có thực sự yêu nhau không hay chỉ là một chiêu PR cho vai diễn của mình của cặp diễn viên này trước khi bộ phim ra mắt khán giả đến thời điểm này chỉ có người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác nhưng tác dụng ngược thì đã nhìn thấy rõ.

Nhiều khán giả lên tiếng tẩy chay phim vì họ cho rằng Kiều Minh Tuấn không xứng mặt nam nhi, rồi cho đó là chiêu PR rẻ tiền. Và sự thất bại phòng vé của phim, trong khi nhiều ý kiến khách quan cho rằng, chất lượng phim không đến mức bị như thế đã cho thấy tác dụng ngược của những thông tin  thật giả chưa được kiểm chứng mà người trong cuộc vội vàng tung ra.

Thậm chí, sự việc còn bị đẩy lên một bước khi để chứng minh cho sự vô can của mình, nhà sản xuất phim mà đại diện là bà Phan Thị Kim Dung lên tiếng cho rằng việc Kiều Minh Tuấn và An Nguy không liên quan gì tới họ. Phía nhà sản xuất đòi kiện hai diễn viên này vì khiến phim thất thu và ảnh hưởng uy tín của đơn vị.

Theo phía nhà sản xuất của phim, con số thất thu của phim không phải là nhỏ, lên tới hơn 20 tỷ đồng. Hiện tại câu chuyện phim giả - tình thật giữa hai diễn viên này vẫn chưa có hồi kết nhưng hậu quả nặng nề mà bộ phim phải gánh chịu thì đã thực sự nhãn tiền. Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, đây là chiêu PR cho phim cũ kỹ và không thực tế trong điều kiện hiện nay.

Nhận thức, trình độ của khán giả ngày càng cao, không phải bất kỳ thông tin nào đưa ra cũng khiến họ tò mò, háo hức. Khán giả luôn đặt ra câu hỏi cũng như kiểm chứng thông tin xem độ thật giả ra sao hay chỉ là một cách gây sự chú ý của dư luận...

Chuyện lấp lửng "phim giả tình thật" sau mỗi bộ phim đã không còn là chuyện lạ ở điện ảnh thế giới cũng như trong nước. Tâm lý tò mò, hiếu kỳ trước thông tin đời tư của nghệ sĩ là điều thường thấy ở một bộ phận khán giả. Lợi dụng tâm lý này, nhiều bộ phim đã chọn cách tung những tình huống phim giả tình thật giữa các diễn viên đóng cặp để thu hút sự quan tâm của công chúng trước khi phim ra mắt. Trước Kiều Minh Tuấn - An Nguy, từng có các đôi dính vào nghi án phim giả tình thật như Kim Lý - Trương Ngọc Ánh (phim "Hương ga"), Trường Giang - Nhã Phương (phim "49 ngày"), Will - Kaity Nguyễn (phim "Em chưa 18"), Trấn Thành - Hari Won (phim "Bệnh viện ma")...

Tuy nhiên, điều đáng nói là ít có phim nào mà thất bại của phim về mặt doanh thu lại rõ ràng như "Chú ơi đừng lấy mẹ con". Có lẽ chính bởi các nhân vật chính đã đẩy câu chuyện đi quá xa, ham tác động vào sự tò mò của công chúng mà quên mất rằng câu chuyện phim, khả năng diễn xuất mới là yếu tố chính thu hút khán giả tới xem phim.

Việc các diễn viên gặp và yêu nhau trên trường quay cũng không có gì là mới và cũng chẳng có gì là sai khi cả hai đều là những người độc thân và là tình yêu thật sự. Tuy nhiên, chia sẻ câu chuyện đời tư theo cách nào và mức độ nào để không phản cảm, không gây hiệu ứng ngược phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa của chính những nghệ sĩ ấy.

Không phải chỉ "Chú ơi đừng lấy mẹ con" mới nếm mùi thất bại ở phòng vé vì cách PR sai lầm này. Một số bộ phim Việt gần đây đã gặp phải trái đắng mà một phần nguyên nhân cũng vì cách tiếp cận khán giả chưa phù hợp. Cuối năm 2017, khi đội tuyển U23 vẫn còn là niềm yêu mến trong lòng khán giả vì thành tích chấn động mà đội tuyển có được thì bộ phim về bóng đá "11 niềm hy vọng" ra mắt khán giả".

Mặc dù đạo diễn, nhà sản xuất sử dụng khá nhiều cách để kéo khán giả đến rạp như hứa khán giả không hay sẽ hoàn tiền thì lượng khán giả đến xem phim vẫn thưa thớt. Hay gần đây nhất, sự thất bại của "Song Lang" ở phòng vé đã được phân tích là do phía bộ phận phụ trách PR đã xác định nhầm thị hiếu của khán giả trong việc tiếp thị và quảng bá phim.

Nhã Phương và Trường Giang nên duyên sau phim “49 ngày”.

Việc quá thổi phồng câu chuyện tình yêu đồng giới nam ở chiến dịch quảng cáo trong khi thực tế khi xem phim, câu chuyện này lại quá mờ nhạt khiến không ít khán giả thất vọng. Một mối quan hệ được xây dựng nửa vời tình yêu không phải, tri kỷ càng không, tình bạn đơn thuần cũng không đúng đã khiến khán giả cho rằng, tình yêu đồng tính đã bị gượng ép để PR cho phim. Quá sa đà vào những yếu tố nhạy cảm tưởng có thể câu khách đã khiến họ bỏ qua những giá trị văn hóa đủ sức khơi gợi sự tò mò và cảm xúc đẹp từ phía khán giả.

Hay như "Fan cuồng" - bộ phim có sự kết hợp của "cặp đôi phòng vé trong mơ" (đạo diễn Charlie Nguyễn - diễn viên Thái Hòa) nhưng lại không được thành công như mong đợi. Nguyên nhân chính là trước đó, toàn bộ những thông tin quảng bá cho phim đều hướng khán giả nghĩ rằng đây là một bộ phim hài, đúng sở trường của cặp đôi này như những bộ phim đã từng thành công trước đó.

Tuy nhiên, cách làm hài không tới và chủ đề nhạc rock không được khai thác khéo léo đã khiến phim thất bại. Câu chuyện này cho thấy, ngay cả khi nắm trong tay những lợi thế số 1 nhưng cách tiếp thị  sai lầm cũng vẫn có thể khiến khán giả hờ hững và hoàn toàn có thể biến công sức của cả một êkip xuống sông, xuống biển.

Việc quảng bá, tiếp thị cho phim thực sự là một khâu quan trọng góp phần đưa khán giả đến gần với phim, với nghệ sĩ hơn. Một số bộ phim có được doanh thu cao của điện ảnh Việt như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Để Mai tính", "Cô Ba Sài Gòn"... nhờ không nhỏ vai trò của khâu quảng bá, tiếp thị. Thực tế đã có những bộ phim nội dung chỉ "thường thường bậc trung" tức là không có gì quá xuất sắc nhưng chính chiến lược tiếp thị phim hợp lý đã khiến phim không bị rơi vào ngưỡng thua lỗ như "Siêu sao siêu ngố"...

Tuy nhiên, để phim sống được trong lòng khán giả thì ngoài hướng tiếp thị đúng đắn, điều quan trọng nhất có ý nghĩ sống còn đó là chất lượng phim. Nội dung phim nhạt nhẽo, chuyện phim kém hấp dẫn, diễn viên nhập vai nhạt nhòa thì dù có PR đến mấy cũng khó có thể thu hút được khán giả. Đầu tư vào làm phim chuyên nghiệp, PR phù hợp thì hiếu khán giả mới là nguyên nhân bền lâu để phim giữ chân người xem. Quá chú trọng vào PR tiếp thị mà không chú trọng tới nội dung cốt lõi bên trong thì thua trên phòng vé là điều dễ xảy ra với bất kỳ bộ phim nào.

Khánh Thảo
.
.