Hài “phủ sóng” đời sống: Thức ăn nhanh trong cuộc sống công nghiệp

Thứ Bảy, 31/10/2015, 08:00
Không còn thời kỳ "làm mưa làm gió" các tụ điểm sân khấu nhưng có lẽ chưa bao giờ các diễn viên hài lại diễn nhiều như thời điểm này. Hài tràn ngập các chương trình từ truyền hình đến mạng trực tuyến. Nhiều chương trình tưởng chừng không bao giờ "có đất" cho diễn hài cũng bắt đầu mời gọi diễn viên hài tham gia để chọc cười khán giả...

Mới đây nhất, chương trình giao lưu nghệ thuật "Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc" do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP  Hồ Chí Minh, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức đã khiến nhiều người bất ngờ. Từ trước đến nay, với những chương trình tương tự như thế này, diễn viên hài thường vắng bóng. Lý giải về sự thay đổi này, ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cho biết, việc xuất hiện của một số gương mặt diễn viên hài và kịch mục dành cho hài trong chương trình là để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Có một thực tế mà người có kinh nghiệm làm truyền hình lâu năm như ông quan sát được, là khán giả hiện nay hầu như chỉ thích hài. Vì sao khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ thường "chỉ thích cười" thì bản thân ông cũng không hiểu hết được. "Có lẽ là do cuộc sống hiện nay nhiều áp lực,dễ khiến con người căng thẳng nên các khán giả tìm xem hài để xả stress?!" - ông Nguyễn Quý Hòa chia sẻ.

"Danh hài đất Việt" tìm đến với khán giả qua Đài Truyền hình tỉnh Vĩnh Long.

Sự phát triển rầm rộ của các kênh truyền hình đã, đang tạo thêm ngày càng nhiều những "mảnh đất màu mỡ" cho diễn viên hài "canh tác". Các chương trình, kịch mục cho hài đua nhau "chào đời". Chỉ cần lướt qua các kênh truyền hình, gần như bất kể giờ giấc, người xem đều dễ gặp giải trí hài. Với các Đài truyền hình lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, người xem có một loạt các chương trình hài "đình đám": "Ơn giời cậu đây rồi", "Chết cười", "Gặp nhau để cười", "Bí mật đêm chủ nhật", "Hội ngộ danh hài", "Thách thức danh hài"… Để thu hút khán giả, ê kip sản xuất các chương trình đều nỗ lực làm mới hơn. Trong đó, được ưa chuộng trong thời gian gần đây là hài tình huống. Đặt ra nhiều thử thách cho người tham gia, các chương trình này đòi hỏi khả năng ứng biến nhanh của diễn viên, dễ tạo bất ngờ và tiếng cười. Nhưng, dao sắc dễ đứt tay. Cũng từ các chương trình này, không ít lần dư luận phản ứng vì những tình huống chọc cười bị cho là phản cảm.

Một xu hướng khác được phần lớn nhà sản xuất phim, chương trình hài lựa chọn là chuyển đích đến cho sản phẩm là các kênh thuộc truyền hình cáp, truyền hình các tỉnh. Bật các kênh này, người xem gặp hài được trình chiếu ào ào. Ngoại trừ các phim truyền hình hài, thử điểm sơ sơ trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, người xem đã có hàng loạt các chương trình giải trí hài được sản xuất, phát sóng dài kỳ: "Hội quán tiếu lâm", "Cười xuyên Việt", "Diêm vương xử án", "Danh hài đất Việt"… Không chỉ làm các chương trình theo kiểu chọc cười khơi khơi, giải trí hài cũng dần được các nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn theo hướng "cười để ngẫm". Mỗi tập phát sóng, ê kip thực hiện đều cố gắng chuyển tải ít nhất một vấn đề được quan tâm của xã hội…

Chương trình sản xuất ngày càng nhiều trong khi số lượng diễn viên có tên tuổi có giới hạn dẫn đến tình trạng các diễn viên hài được chú ý xuất hiện trên truyền hình với tần suất dày đặc. Từ phim truyền hình đến chương trình quảng cáo, từ chương trình truyền hình thực tế đến các gameshow lớn nhỏ, diễn viên hài đều hiện diện. Những gương mặt hài còn xuất hiện với rất nhiều vai trò khác ngoài chuyên môn. Trong cùng một thời điểm, người xem truyền hình vừa thấy diễn viên xuất hiện trong một bộ phim truyền hình dài tập, chuyển sang kênh khác, họ lại bắt gặp anh trong vai trò giám khảo chương trình truyền hình thực tế "ăn khách". Bấm qua kênh khác nữa, người xem đã lại thấy anh "bám" màn hình trong vai trò người dẫn chương trình. Trên kênh khác cũng vẫn lại là anh nhưng trong vai trò… người dự thi!

Sức người có hạn, chạy sô quá nhiều, khó nghệ sĩ nào đảm bảo đầu tư hoàn toàn chỉn chu cho vị trí công việc họ đảm nhận. Những sai sót cũng theo đó sinh ra. Rất nhiều cuộc thi, nghệ sĩ đóng vai trò người dẫn dắt nhưng nói tía lia, đưa nhận xét chủ quan, lấn át cả giám khảo. Có những chương trình, người dẫn bình luận, giảng giải về tiết mục biểu diễn như giáo viên dạy học sinh… Nghệ sĩ hài Phi Phụng từng chia sẻ rằng, khi nhận được lời mời đảm nhận vai trò nào đó không phải là diễn viên, chị rất e ngại. Mới đây, khi nhà sản xuất gameshow "Tài tử tranh tài" mời chị làm người dẫn chương trình, Phi Phụng lo lắm, tính từ chối. Người mời chị tham gia bảo họ là nhà sản xuất, họ không lo thì thôi, chị không việc gì phải lo. Được trấn an, Phi Phụng nhận lời. Ngày ra mắt chương trình, được Đại Nghĩa giúp đỡ nhưng chị vẫn lúng túng. Thay vì mời đại diện nhà sản xuất lên phát biểu, Phi Phụng mời đại diện nhà sản xuất "ra phát biểu". Mọi người cười ồ. Bằng bản lĩnh của diễn viên nhiều kinh nghiệm trên sân khấu, Phi Phụng ứng biến khá nhanh và xin mọi người thể tất… Những lỗi mắc phải khi nghệ sĩ hài lấn sân lĩnh vực khác như thế trong nhiều chương trình đã trở thành phổ biến như chuyện thường ngày.

Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, các kênh phát hành trực tuyến trong thời gian gần đây đang góp phần tích cực cho các chương trình hài nở rộ. Thay vì phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhiều nghệ sĩ, diễn viên tự lập nhóm sản xuất, tự thực hiện tất cả các khâu từ kịch bản đến quay phim, làm hậu kỳ đến phát hành. Tiểu phẩm hài theo đó đua nhau "trình làng", nhiều như nấm mọc sau mưa.

Xuân Bắc, Hoài Linh trong một chương trình "Ơn giời cậu đây rồi".

Diễn viên hài Thu Trang, sau một loạt các sản phẩm hài ăn theo phim, giả ma, nhát quỷ phát hành trực tuyến, được cộng đồng mạng phát tán, đột ngột trở thành "hoa hậu hài". Việc các nhóm sản xuất trẻ và "mới toanh" với công chúng liên tục cho "ra lò" các sản phẩm mới, thu hút sự chú ý của cộng đồng, được công bố là có vài vạn lượt người đến cả triệu lượt người xem chỉ sau vài ngày phát hành đã không còn quá lạ lẫm. Với ưu thế linh động, tiện lợi, dễ phát hành, dễ tiếp cận, các trang mạng xã hội, các kênh phát hành trực tuyến trở thành lựa chọn được ưu ái của cả nghệ sĩ, người sản xuất lẫn khán giả.

Với các tụ điểm sân khấu, sau thời hoàng kim, nhiều người cứ ngỡ hài hết "đất diễn". Thế nhưng, điểm qua hàng loạt các tụ điểm sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch, ít có tụ điểm nào không tập hợp một vài trụ cột làng hài. Nếu sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân, khán giả từng có các cây hài Thúy Nga, Cát Phượng, nay là Anh Vũ với khả năng chọc cười là cách nói nhanh hơn… tên bắn. Sân khấu Sao Minh Béo có Minh Béo, Trường Giang… Sân khấu Hoàng Thái Thanh - địa chỉ của những vở diễn tâm lý xã hội nhưng cũng có Xuân Hương. Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội, Ái Như, nếu cần, vẫn khiến người xem cười nghiêng ngả ngay trong những vở diễn đang lấy nước mắt khán giả. Với sân khấu, dù "sốt" với kịch ma, nghiêm ngắn với chính kịch, kịch chuyển thể văn học, kịch tâm lý xã hội thì hài vẫn đóng vị trị khó thay đổi. Nói như nhiều bầu sô là khó bán vé nếu thiếu tiếng cười.

Hài kịch đang phủ sóng rộng khắp. Nhưng, các sản phẩm hài vẫn giống như các bữa ăn công nghiệp. Chúng cần thiết song chất lượng cao đến đâu, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều hiểu. Với các chương trình phát sóng trên truyền hình, chịu sự kiểm soát của nhà đài, dù bị xếp là hài nhảm vẫn tạm chấp nhận được. Hài phát hành trực tuyến, thiếu sự kiểm soát chất lượng, hài mặc sức "tung hoành". Những sản phẩm được lưu hành kiểu "chiêu trò vô biên" trong khi chất lượng có hạn, thậm chí phản cảm xuất hiện nhan nhản trong cộng đồng mạng.  Đòi hỏi sản phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực trong môi trường này trở thành nhu cầu xa xỉ.

Diễn viên Thiết Cương, trong ngày chương trình "Gặp nhau để cười" từng chia sẻ rất thật rằng, diễn hài nhiều nhưng các nghệ sĩ vẫn khát khao có những chương trình hài ra… hài. Nếu cứ làm các sản phẩm chất lượng làng nhàng như hiện nay, hài càng dễ bị coi thường… Cứ mong ước như thế, nhưng lại có một nghịch lý là với người nghệ sĩ hài, chính những mảng miếng "độc" làm nên sự khác biệt của từng cá nhân, từng nhóm. Nếu có bao nhiêu vốn liếng, diễn viên, nhóm hài tung hết trên truyền hình, đến lúc đi diễn ngoài tụ điểm sân khấu,nghệ sĩ mới bắt đầu bước ra ngoài cánh gà, người xem đã đoán biết hết cả nội dung thì nhà tổ chức khó có thể thuyết phục khán giả bỏ tiền mua vé xem chương trình. Luẩn quẩn mãi trong vòng cơm, áo, gạo tiền nên sản phẩm hài vẫn mãi chỉ dừng ở các tiểu phẩm, tấu hài, giải trí nhất thời cho công chúng. Hài kịch thật sự vẫn ở đâu đó ngoài tầm với của chính các nghệ sĩ hài.

Ngọc Nguyễn
.
.