Hai câu chuyện về văn hoá quảng cáo

Thứ Sáu, 28/02/2014, 09:00
Như một bộ phận không thể tách rời của kinh tế - thương mại, dù cơn suy thoái tài chính vẫn chưa phục hồi, thì mỗi năm giới doanh nghiệp chi tiêu khoản tiền không nhỏ cho quảng cáo. Thế nhưng, hình ảnh và ngôn ngữ quảng cáo nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với sự kỳ vọng của công chúng...

1.Nếu có một cuộc khảo sát đầy đủ và nghiêm túc, có lẽ quảng cáo là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong tất cả các ngành tại nước ta suốt hơn một thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Với sự xuất hiện của hàng loạt công ty quảng cáo cùng sức hấp dẫn của công việc copywriter đã thu hút được không ít bạn trẻ tham gia vào thị trường lao động mới mẻ này. Tuy nhiên, dù Hiệp hội quảng cáo Việt Nam đã được thành lập cũng chỉ giống như bước đệm cho lộ trình chuyên nghiệp hóa nghề quảng cáo.

Như một bộ phận không thể tách rời của kinh tế - thương mại, dù cơn suy thoái tài chính vẫn chưa phục hồi, thì mỗi năm giới doanh nghiệp chi tiêu khoản tiền không nhỏ cho quảng cáo. Thế nhưng, hình ảnh và ngôn ngữ quảng cáo nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với sự kỳ vọng của công chúng. Quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam hầu hết dựa trên hai phương pháp "ăn to nói lớn" và "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Người tiêu dùng không được tiếp nhận thông điệp quảng cáo một cách hứng thú, mà luôn phải tiếp nhận một cách cưỡng bức.

Nhiều người vẫn quan niệm lệch lạc rằng quảng cáo có quyền nói quá sự thật, do đó sản phẩm nào tung ra cũng khẳng định vị trí số một và không ngần ngại... chê bai các đối thủ cạnh tranh. Thường gặp nhất là các slogan "bột giặt X hơn hẳn mọi bột giặt thường" hoặc "nước uống Y khác biệt hoàn toàn với những nước uống mà bạn từng sử dụng". Thái độ không lành mạnh ấy rất dễ gây xung đột.

Bao giờ Việt Nam có văn hóa quảng cáo? Câu hỏi thật nan giải. Bởi lẽ, có những điều luật không cấm, nhưng khi quảng cáo thì cực kỳ phản cảm. Ví dụ, năm 2013 tiêu thụ 3 tỷ lít bia, thì có gì đáng tự hào để phô trương cho thiên hạ tỏ tường? Chia bình quân đầu người cho 90 triệu dân, mỗi năm một người Việt tiêu thụ hơn 33 lít bia, đáng buồn hơn đáng vui chứ. Giá như mỗi năm một người Việt đọc 33 cuốn sách sẽ thú vị biết bao.

Chưa hết, cũng vì luật không cấm, nên nhiều sản phẩm tranh thủ sử dụng hình ảnh danh nhân để quảng cáo. Từ Napoleon cho đến Beethoven đều bị đưa vào quảng cáo vô tội vạ. Hơn nữa, Balzac có sự nghiệp văn chương đồ sộ nhờ tài năng thiên phú và sự sáng tạo miệt mài, chứ có liên quan đến loại thực phẩm nào đâu.

Ngành quảng cáo ở nước ta đang tồn tại nhiều bất cập. Doanh nghiệp lớn cậy nguồn lực tài chính cứ chiếm lĩnh phương tiện truyền thông mà quảng cáo kiểu "Tăng Sâm giết người", còn doanh nghiệp nhỏ cũng không ngần ngại trình diễn sự đắc ý kiểu như "Kẹo dừa Bến Tre - Thương hiệu thắng kiện của bà Hai Tỏ". Không lẽ quảng cáo không cần ý tưởng độc đáo và không cần thẩm mỹ nhất định chăng?

2. Rất nhiều cá nhân và tổ chức đã không khỏi ngạc nhiên một cách thú vị khi nhận được tấm danh thiếp của ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh họ tên và chức vụ của mình, ông Trần Công Chánh in hình ảnh 5 loại đặc sản của quê hương là lúa gạo, mía, bưởi năm roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc và cá thác lác.

Được tách ra từ Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang non trẻ tương đối khuất nẻo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, những ai quan tâm đến Hậu Giang đều biết vùng đất thuần nông này có nhiều ưu điểm để phát triển. Ngoài đôi tay cần cù của người dân chăm chỉ, Hậu Giang có kênh Xà No là con đường lúa gạo nức danh, và ngay trên chiến khu Long Mỹ hào hùng thuở nào cũng có giống quýt đường Long Trị tiếng lành đồn xa. Trở ngại duy nhất của Hậu Giang là đầu ra cho các loại hàng hóa độc đáo mà họ gieo trồng gặt hái được.

Bằng thiện chí của một nhân vật đứng đầu tỉnh Hậu Giang, ông Trần Công Chánh đã bày tỏ thái độ tích cực: "Thông qua danh thiếp cá nhân gửi đến doanh nghiệp xem như đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh mời chào doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, xúc tiến liên kết tiêu thụ các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh!". Rõ ràng, đó là một hành động đáng trân trọng và đáng cổ vũ!

Ngành tiếp thị hiện đại có nhiều cách làm khác nhau. Tuy nhiên, cách làm phổ biến nhất và cũng bền vững nhất là tạo dựng đại sứ thương hiệu. Dùng ngôi sao thể thao hay tài tử nghệ thuật ở vai trò đại sứ thương hiệu không phải không tốt, nhưng chưa hẳn đã đạt hiệu quả như mong đợi. Tại sao lãnh đạo mỗi địa phương không đảm đương nhiệm vụ đại sứ thương hiệu cho cộng đồng mình? Khi lãnh đạo gánh vác thêm tư cách tiếp thị nông sản thì sẽ giúp nông dân thêm yêu cánh đồng, thêm yêu mảnh vườn, thêm yêu vụ mùa cày cấy, thêm yêu dòng sông giăng lưới mỗi ngày!

Chúng ta đang vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thì mỗi lãnh đạo hãy làm một tấm gương kiên trì và bền bỉ. Không chỉ lãnh đạo địa phương mà lãnh đạo mỗi ngành nghề cũng cần xuất hiện như một đại sứ thương hiệu cho lĩnh vực chính bản thân đang phụ trách.

Lãnh đạo làm đại sứ thương hiệu, thì chuyện in danh thiếp như ông Trần Công Chánh chỉ là bước đầu tiên. Quan trọng hơn, mỗi lãnh đạo phải làm người tiêu dùng thông minh đối với mỗi sản phẩm của dân mình, của nước mình

L.T.N.
.
.