Giữ gìn tết Việt là giữ gìn cội nguồn văn hóa

Thứ Ba, 09/02/2021, 12:40
Có nhiều người khi đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa Tết truyền thống và Tết trong đời sống đương đại, hiện đại hôm nay; Tết gói bánh chưng, đoàn viên sum vầy và Tết du lịch, nghỉ ngơi riêng tư đã vội sợ nó là vấn đề quá cũ, không đáng bàn. Với tôi, văn hóa là một vấn đề không bao giờ cũ, đặc biệt là với một nguồn văn hóa quý giá, tuyệt vời như văn hóa Tết truyền thống Việt.


Quan họ Bắc Ninh có cũ không? Tết, đến hẹn lại lên, người ta vẫn hát quan họ cho nhau nghe, thậm chí nhiều nơi còn đổ về Kinh Bắc nghe quan họ. Chèo có cũ không? 

Đất Thái Bình, xuân không thể thiếu tiếng í a của chèo. Người Nghệ Tĩnh đi xa, trong tiết xuân, vẳng nghe làn điệu dân ca, khẽ rơi nước mắt… Và quan họ, chèo, dân ca Nghệ Tĩnh… vẫn đang sống/ song hành cùng với rock, rap Việt. Đó là quá trình sáng tạo và tiếp biến văn hóa. 

Tết truyền thống của người Việt là dịp cả gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.

Và trong quá trình sáng tạo và tiếp biến văn hóa ấy, có nhiều vấn đề chúng ta phải luôn nghĩ tới, để tâm, luận bàn, để có thể gạn đục khơi trong, để lưu giữ những giá trị cốt lõi mà không phải tất cả cộng đồng, ở tất cả các thời khắc, đều đồng thuận.

Và nữa, Tết với nhẽ được hưởng niềm sum vầy, hạnh ngộ, đoàn viên, vẫn còn đó những gia đình ấm ức, mệt nhọc bởi lựa chọn đi ở, lựa chọn câu hỏi muôn thủa “ta sống vì ai?”. Cái hiện thực ấy vẫn chường ra trong đời sống Việt hôm nay vào mỗi dịp Tết. Vậy ứng xử với nó thế nào? Làm thế nào để Tết truyền thống – một nguồn văn hóa tuyệt vời của dân tộc Việt trở thành cội nguồn của sự phát triển bền vững đất nước, luôn là một câu hỏi lớn và mới.

TS. Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian ứng dụng: Tết di động thay Tết đoàn viên

TS Trần Hữu Sơn.

-Thưa TS. Trần Hữu Sơn, ông có thể phác thảo vài nét về Tết trong đời sống đương đại hôm nay?

+ Đời sống đương đại ngày nay có bốn yếu tố ảnh hưởng đến Tết: Thứ nhất là truyền thông, công nghệ phát triển rất mạnh; thứ hai là kinh tế thị trường tác động cho nên người ta thấy thời gian quý lắm, lúc nào con người cũng vội vàng. Đây không còn là thời gian nông nhàn mà là thời gian cực kỳ vất vả. Thứ ba là Tết du lịch. Du lịch ảnh hưởng rất mạnh. Tất cả các nơi đổ về ta ăn Tết, ta lại đổ về các nơi ăn Tết. Thứ tư là khoảng cách giữa tính cộng đồng của thôn xóm, láng giềng, cộng đồng huyết thống có sự phai nhạt đi. 

Mấy yếu tố ấy tác động thì nó xảy ra hiện tượng gì? Trước hết, cộng đồng mạng phát triển, thì nó kéo dài không gian ra. Trước đây, ta ăn Tết gia đình ở một xóm/ làng nhỏ ở Việt Nam, giờ thì chúng ta ăn Tết với con cháu bên Mỹ, con cháu bên Đức, con cháu bên Nhật bằng facebook, face time. Ông bà ăn Tết ra sao, gói bánh chưng thế nào, thắp hương cho tổ tiên... luộc nồi bánh chưng như thế nào, thậm chí cô con dâu nước ngoài gọi điện về cho bố chồng mẹ chồng hỏi gói bánh chưng thì lạt như thế nào, nếp làm ra sao... 

Tức không gian Tết nó xoá nhoà, nó không còn ở một gia đình, một xóm nhỏ nữa mà mang tính toàn cầu, xuyên biên giới. Đây là một ưu điểm rất hay. Nó kéo không gian Tết Việt ra muôn nơi, văn hoá Tết Việt cũng ra muôn nơi chứ nó không ở luỹ tre làng như trước nữa. 

Một cái nữa của Tết là xu hướng du lịch phát triển làm cho giữa con cháu và ông bà cha mẹ có mong muốn hưởng thụ Tết khác nhau. Người già thì mong con cái về sum họp. Con cái trẻ thì đồng ý sum họp với bố mẹ chiều 30 thôi, sáng mồng 1 chúng con bay đi du lịch. Thế là thành Tết di động. Mọi người ăn Tết di động, có nhà đưa bố mẹ đi, có gia đình bố mẹ nhất định không đi vì già rồi, vì lo lắng tục lễ hoá vàng... điều này gây ra mâu thuẫn giữa các thế hệ.

- Và có lẽ cho đến bây giờ, mâu thuẫn thế hệ vẫn chưa được giải quyết khi mà ngày càng nhiều gia đình trẻ muốn đi du lịch thay vì ăn Tết đoàn viên?

+ Ngày xưa chúng ta có “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngày xưa sau khi gặt hái xong, cả thời gian nông nhàn kéo dài, nhưng đó là thời nông nghiệp, còn bây giờ là thời của công nghiệp, hậu công nghiệp vì thế thời gian không còn như trước. Không chỉ chúng ta đâu, chúng ta quan sát Trung Quốc cũng thế, các nước Đông Á cũng thế. Ai cũng chen chúc mong về Tết, có những người sáng 30 mới về được, thậm chí có người tối 30 mới về được. Về đến nhà 1-2 hôm thì họ muốn đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm vất vả. 

Du lịch trước kia là mốt, còn bây giờ trở thành một nhu cầu. Ta phải đi Trung Quốc xem Tết Trung Quốc ra sao, Tết Campuchia, rồi thậm chí, với những gia đình có điều kiện thì đi các nước châu Âu, châu Mỹ... Ta cần phải có thái độ chấp nhận đối với cái mới. Dù ta nhiều tuổi, ta không muốn Tết di động, ta muốn Tết đoàn viên nhưng cái làng ta mở cửa rồi, nước ta mở cửa rồi, xuyên quốc gia rồi, xuyên biên giới... tác động đến ta thì ta muốn hay không cũng không được nữa. Như vậy, thì ta học cái đặc tính của người Việt đó là rất giỏi thích nghi. Ta thích nghi với cái Tết di động.

Tôn trọng sự sáng tạo và tiếp biến văn hóa

- Đi du lịch vào ngày Tết, ở một góc nhìn nào đó, cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế? Nếu gạt bỏ/ chối bỏ trào lưu đi du lịch vào ngày Tết có thể xem là đi ngược sự phát triển hay không?

+ Có nhiều người rất kỳ quặc, bảo sao Nhà nước lại cho nghỉ Tết dài thế, sao lãng phí thế. Họ quên rằng, nền kinh tế, có hai khối. Một khối là sản xuất, một khối là dịch vụ. Du lịch thuộc khối dịch vụ đang chiếm một tỉ lệ cao trong nền kinh tế nước ta. Nghỉ Tết dài như thế là cơ hội để thúc đẩy du lịch. Người dân Sa Pa chẳng hạn, chỉ cần nghe nói Tết được nghỉ dài và khách đặt kín phòng thì họ vui lắm. Không chỉ có ta đi du lịch mà người châu Âu, châu Mỹ cũng đến ta để đón Tết. Đó là nguồn lợi nhuận rất lớn, cho nên chúng ta phải coi trọng du lịch Tết.

- Dường như có sự mâu thuẫn ở đây, chúng ta thích đi du lịch để nghỉ ngơi trong dịp Tết nhưng sự thực để kéo được du khách các nước đến Việt Nam du lịch dịp Tết, chúng ta phải giữ gìn truyền thống Tết đoàn viên sum vầy mới thu hút được họ? Hơn nữa, giới trẻ chính là tương lai của đất nước. Đời sống, nếp sống của giới trẻ hôm nay sẽ hình thành/ định hình đời sống văn hóa đất nước tương lai, ông có lo lắng cho Tết truyền thống Việt đang dần mất đi?

+ Chúng ta đừng lo lắng quá, Tết truyền thống là một di sản văn hóa phi vật thể, mà đã là di sản văn hóa phi vật thể thì nó có một đặc trưng là tái sáng tạo. Cha ông ta sáng tạo nên, nhưng đến thế hệ trẻ cũng sẽ tiếp tục sáng tạo. Mỗi thế hệ sẽ để một dấu ấn của mình vào đó. Tuy nhiên, có một chiều khác, đó là dù có sáng tạo đến đâu, ta cũng nên giữ hồn cốt. Cái hồn cốt của Tết truyền thống Việt là Tết đoàn viên. 

Nhưng hình thức đoàn viên như thế nào? Ví dụ, đến giờ giao thừa, tất cả ông bà, cha mẹ con cháu cùng face time, dù bên Nga, bên Mỹ nhưng cùng nhau bóc bánh, cùng nhau nâng ly... thì đó là sự sáng tạo của lớp trẻ, là tình cảm con cháu với tổ tiên... tất cả những cái đó, nói như Giáo sư Trần Quốc Vượng, nó là hằng số xuyên suốt cuộc đời của mỗi người Việt, làm nên bản sắc văn hóa của người Việt.

- Trân trọng cảm ơn TS về cuộc nói chuyện!

Bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tết Tân Sửu - cần thận trọng và tiết kiệm

Bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Thưa bà, bà nghĩ gì khi các gia đình trẻ hôm nay có xu hướng đi du lịch thay vì đón Tết ở nhà?

+ Tôi tôn trọng đời sống cá nhân của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, nhìn những gia đình đóng cửa từ chiều 28-12 đi chơi đến mồng 5 Tết mới về, tôi rất buồn, tôi không ủng hộ việc này. Tết là để thờ cúng tổ tiên, đằng này lại để cho ngôi nhà mình khói tàn hương lạnh. Số ít người như thế thì được, còn nếu là đại trà thì thật không ổn. Nhưng tôi vẫn tin rằng đây là số ít. Phần lớn người dân, đặc biệt là người dân nông thôn vẫn yêu Tết cổ truyền, vẫn chờ đợi Tết để sum vầy, yêu thương, gắn kết.

- Thực ra, du lịch là để kích cầu kinh tế?

+ Chúng ta có truyền thống du xuân, truyền thống này tốt. Nó chính là du lịch văn hóa. Du lịch văn hóa có nghĩa là chúng ta lấy văn hóa làm tài nguyên, làm lõi để phát triển du lịch, điều này rất phù hợp với Tết. Chúng ta đi du lịch bằng cách đến với các công trình văn hóa, là chúng ta làm giàu có thêm văn hóa Việt.

- Nghĩa là chúng ta có thể đi du lịch/ du xuân sau khi đã thực hiện các nghi lễ truyền thống?

+ Đó là với những năm bình thường. Còn Tết năm nay, năm 2021 là một năm đặc biệt. Chúng ta thấy, thế giới còn đang lo lắng về dịch COVID. Du lịch cũng là phát triển kinh tế nhưng kinh tế đang suy giảm trên mọi mặt, cho nên nếu cho tôi được nói với nhân dân một câu trong dịp Tết này thì đó là: Hãy tiết giảm chi tiêu để đảm bảo an toàn. Dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì ở nhà là yêu nước. Ở Mỹ, mỗi ngày 3.000 người chết cho nên chúng ta đừng vui mừng vội. 

Ngay từ mồng 3 -3-2020, tôi đã nói không nên thả lỏng nhưng nhiều người thấy ý kiến tôi trái chiều nên không nghe. Đến mồng 7-3-2020, khi bệnh nhân số 17 xuất hiện là náo loạn hết cả lên. Sau đó đến chuyện Đà Nẵng. Chúng ta kích cầu du lịch, nhưng riêng việc giải cứu Đà Nẵng chúng ta đã tốn gấp nhiều lần tiền mà Đà Nẵng thu được từ người dân đi du lịch. Ta phải nhìn biện chứng như thế. Chúng ta đang cần phải tích trữ, tiết giảm chi tiêu. Không phải chỉ Nhà nước cần tiết kiệm mà mỗi người dân cũng cần phải tiết kiệm. 

Tiết kiệm để làm gì, năm 2020, người dân miền Trung oằn mình chống lũ lụt như thế, nếu hôm nay chúng ta còn dư giả một ít, chúng ta nên đùm bọc đồng bào miền Trung để đồng bào miền Trung cũng có Tết. Để cho các cháu học sinh nơi đây có sách vở, người già có áo ấm, để người dân từng bước vực dậy sản xuất. Đó là truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc mà càng cần phát huy trong dịp Tết này.

Văn hóa là cội nguồn phát triển bền vững

- Điều gì ở Tết khiến bà yêu thích?

+ Phải nói thế này, Tết cổ truyền mà từ xa xưa ông cha để lại cho chúng ta đến tận ngày hôm nay là một nguồn văn hóa tuyệt vời. Có Tết là có sum họp gia đình; có Tết là có cố kết cộng đồng; có Tết là có cơ hội ta nhìn lại một năm cũ và mơ ước, xây dựng cho kế hoạch cho năm mới. Có năm, cuộc sống ta thành công nhưng cũng có năm không thành công ta cần phải đúc rút kinh nghiệm. Một năm của cá nhân ta cần như vậy, một năm của cả đất nước cũng thế, chúng ta cần nhìn lại để trưởng thành hơn.

Truyền thống người Việt mình ngày Tết, dù kinh tế khó khăn đến mấy thì mỗi gia đình cũng phải có cặp bánh chưng, mâm cơm tươm tất thờ cúng tổ tiên… Rồi truyền thống nghĩa cử: Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy cũng rất quý. Người Việt đi lễ chùa và ra về trong lòng thảnh thơi, thanh thản. Đó là đời sống văn hóa tinh thần quý giá cần gìn giữ. 

Rồi giây phút giao thừa tiễn năm cũ, đón năm mới vô cùng linh thiêng mà người Việt mình rất giỏi. Đón giao thừa xong, du xuân, ra nhìn lộc non chồi biếc, nhìn bầu trời, cảm nhận không khí là biết ngay năm nay mưa thuận gió hòa hay có bất trắc mùa màng, thậm chí là có giặc ngoại xâm không để mà lên kế hoạch, để mà phòng trừ, để chuẩn bị các phương án… Tất cả những thứ đó làm nên một nguồn văn hóa tuyệt vời đến thế, sao ta nỡ để mất đi.

- Tôi nghe nói bà thường đón nhiều ngài Đại sứ văn hóa về quê ăn Tết. Tôi tò mò không biết họ cảm nhận về Tết Việt như thế nào?

+ Đó là niềm vui của tôi. Có năm tôi đón 12 ngài Đại sứ về quê tôi ở Bắc Giang ăn Tết. Khi các ngài Đại sứ đến, họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Họ nhìn cảnh mọi người quây quần bên nhau, người giã giò, người lo củi, người rửa chè, người đãi nếp, người gói bánh… rất nhịp nhàng. Họ không thể nghĩ là chúng ta có thể quây quần và tự tạo ra thức ăn, hương vị ngày Tết đặc biệt như vậy.

Ngay mâm cơm cúng chiều Ba mươi họ cũng ngạc nhiên lắm. Họ bảo, làm sao có thể có 4 mâm cơm, 4 thế hệ cùng quân quần thế này được. Tôi trả lời, đất nước tôi là như thế đấy. Sống sum vầy nhau. Rồi họ dự lễ Mừng Thọ ở làng tôi. Phải nói họ ngạc nhiên và thích lắm. Họ hỏi, thế còn năm sau thì sao? Tôi giải thích, năm nay người này 70, 75, 80…. Năm sau lại đến lượt người khác… cứ thế luân phiên, tiếp nối nhau, không bao giờ kết thúc. Cảm giác của tôi lúc ấy là tự hào về đất nước mình, văn hóa mình.

- Có phải vì thế mà bà buồn, không ủng hộ khi một số gia đình trẻ đi du lịch xuyên Tết?

+ Người nước ngoài họ tôn trọng văn hóa Tết Việt mình, bởi Tết của người Việt là cái Tết của nhân bản, Tết của nhân văn, Tết cố kết gia đình, cố kết anh em làng xóm, cố kết cộng đồng. Đây là hồn cốt dân tộc, cần phải giữ. Chúng ta cần phát triển nhưng là phát triển bền vững. Mà văn hóa chính là cội nguồn để phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: 

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển bền vững

- Thưa GS, ông có thể chia sẻ một kí ức Tết mà ông nhớ nhất trong cuộc đời mình?

+ Có quá nhiều thứ để nhớ về Tết xưa, nhưng tôi nhớ nhất là nồi bánh chưng. Gia đình tôi, bao giờ cũng gói và nấu bánh chưng đúng đêm Ba mươi Tết. Hơi ấm của củi lửa, của con người các thế hệ quây quần xua tan tiết trời giá lạnh. Sau này, do phải đi công tác, nhiều lần ăn Tết xa nhà nhưng lúc nào tôi cũng thương nhớ Tết của gia đình, quê hương. Đó là Tết của hội ngộ, sum vầy, yêu thương, đoàn viên, hòa giải (làng xóm cãi nhau nhưng Tết là hóa giải/ thuận hòa), là lời chúc tụng cầu mong điều tốt lành cho nhau...

- Ngày trước, chúng ta chỉ được nghỉ Tết 3-4 ngày nhưng Tết thường thuận hòa, ấm cúng. Còn bây giờ, khi chúng ta được nghỉ Tết lên đến 7 ngày, thậm chí 9 ngày thì có vẻ như nhiều xung đột xảy ra trong các gia đình. Chúng ta hóa giải những xung đột này như thế nào thưa ông?

+ Không phải bây giờ chúng ta mới cảm giác Tết mất đi đâu, thế kỷ trước nhà thơ Vũ Đình Liên cũng đã thốt lên “Những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ”. Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt. Mà khi động vào thì xúc động lắm. Bây giờ giới trẻ lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết, đây là một sự mất mát. Nhưng nó là quy luật cuộc sống hiện đại. 

Không chỉ ở Việt Nam, ở các nước châu Âu, ngày xưa ngày 25-12 của họ cũng là ngày đón năm mới, với những nghi lễ truyền thống nhưng rồi giới trẻ châu Âu ngày nay vẫn thích đổ ra đường vào dịp lễ Giáng sinh thay vì ngồi nhà nấu nướng những món ăn xưa cũ. Nói thế để thấy đó là quy luật phát triển, chúng ta không cưỡng lại được.

- Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để giữ lại được bản sắc văn hóa Tết truyền thống?

+ Chúng ta cần có văn học nghệ thuật lưu giữ lại phong tục, kí ức. Và bây giờ, chúng ta có mạng xã hội để lưu giữ, lan truyền văn hóa Tết. Ví dụ cách dạy một món ăn, cách thờ cúng... và chúng ta chắt lọc ra, những góc văn hóa nào và cuộc sống đương đại có thể chứa đựng được, cần lưu giữ lại. Chúng ta không thể bê nguyên cái Tết ngày xưa áp đặt lên giới trẻ, giới trẻ sẽ không thể chấp nhận được và như thế sẽ không thể nào giữ được.

Cái này, chúng ta nên học tập nước Nhật. Nước Nhật hiện đại hơn chúng ta nhiều nhưng họ giữ được bản sắc văn hóa của mình một cách xuất sắc. Họ thậm chí còn bỏ Tết ta, nhưng lại nhập toàn bộ hồn vía Tết ta vào Tết tây. Ví dụ họ quy định ngày Tết phụ nữ phải mặc kimono, các gia đình, thậm chí cả các quán hàng cũng chỉ làm đúng một số món truyền thống của Nhật... cho nên người Nhật, kể cả thanh niên mới lớn cũng hiểu được Tết Nhật phải như thế nào, phải ứng xử ra sao, những phần văn hóa nào là cốt lõi không thể bỏ. 

Còn ở Việt Nam thì sao, chúng ta bị cuộc sống hiện đại dẫn dắt đi mà đôi khi không biết chúng ta đang đánh mất thứ gì. Đó là hiếu thuận gia đình, đó là tình làng nghĩa xóm... Có một sự thực là ta vẫn muốn giữ tính cồng kềnh của những ngày nghỉ Tết âm lịch nhưng lại đuổi hồn cốt của Tết âm lịch đi, chỉ giữ lại ngày nghỉ để đi chơi.

Cần tiếp tục phát huy giá trị văn hóa cộng đồng

- Một câu hỏi mà rất nhiều người yêu văn hóa, yêu Tết truyền thống trăn trở, đó là làm thế nào để Tết truyền thống trở thành cội nguồn của sự phát triển bền vững, thưa ông?

+ Tôi cho rằng người Việt Nam tồn tại được đến ngày nay, không bị mất nước là nhờ tính cộng đồng của người Việt Nam trong khó khăn. Khi mất nước đó là lúc khó khăn nhất, lúc ấy tính cộng đồng cao, người Việt Nam tồn tại được là nhờ tính cộng đồng làng xã, tính đùm bọc lẫn nhau, cộng đồng khoanh lại, kẻ thù không vào được lũy tre làng. 

Ngay đất đai, mỗi một làng cũng có đất chung của làng xã để cho những người nghèo không có đất có thể được chính quyền chia cho một phần đất để cấy cày, sản xuất. 

Có thể nói, cội nguồn của tất cả mọi thứ của Việt Nam gắn kết được, đó là nhờ tinh thần của cộng đồng. Người Việt Nam muốn tiếp tục có sức mạnh cộng đồng, thì một trong những thứ nhất thiết cần phải giữ đó chính là góc văn hóa cộng đồng, mà một trong những giá trị tạo dựng được sự hòa thuận cộng đồng đó chính là văn hóa Tết.

- Và năm 2020, chúng ta chiến thắng COVID – 19 cũng nhờ vào văn hóa cộng đồng này?

+ Đúng thế! Năm 2020, nhân loại gặp thảm họa, với riêng Việt Nam, nhờ phát huy văn hóa cố kết cộng đồng mà chúng ta vượt qua thảm họa một cách thần kì. Chúng ta thuộc vào số ít những nước trên thế giới tăng trưởng dương, chúng ta được cả thế giới ngưỡng mộ. Năm 2021, thế giới sẽ có

vaccine, thảm họa COVID có thể bị đẩy lùi, nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng để gặt hái những thành tựu lớn hơn nữa trong kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hạnh Thủy (thực hiện)
.
.