Giới trẻ khởi nghiệp bắt nguồn từ niềm đam mê ẩm thực

Thứ Bảy, 26/01/2019, 13:15
Công việc của một food stylist không chỉ đem đến những hình ảnh đẹp đẽ cho thực khách trong nước mà còn mang cả ẩm thực của dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế. Như vậy là họ đã mang đến cho thực khách 1 món ăn được thưởng thức trước tiên là bằng “thị giác”...


Food Stylist là gì?

Food styling (tạm dịch: trang trí món ăn) là một bộ môn nghệ thuật, một nghề đã có từ rất lâu nhưng lại rất mới mẻ ở Việt Nam. Công việc này bắt nguồn từ nước Mỹ và thường gắn liền với những món ăn phương Tây mang đầy vẻ tinh tế và sang trọng. Những người đầu bếp nổi tiếng hay chỉ đơn thuần là người có tâm hồn mê ẩm thực khi đã bước chân vào thế giới trang trí món ăn thì họ được gọi với tên là Food stylist.

Được tiếp xúc với vô vàn những món ăn, đồ uống hấp dẫn, là một trải nghiệm vô cùng thú vị của những bạn trẻ có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật ẩm thực. Tuy nhiên, đây cũng là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiến thức và cả kĩ năng chế biến món ăn. Làm thế nào để có một món ăn hấp dẫn khiến người xem chỉ muốn thưởng thức ngay, đó cũng là một sự thách thức rất lớn. Công việc này yêu cầu người thực hiện phải rất công phu, tỉ mỉ và cẩn thận đến từng chút một.

Công việc trang trí món ăn không đơn thuần chỉ là một bộ môn nghệ thuật nhằm thỏa mãn đam mê của cá nhân những bạn trẻ, mà đa phần những thiết kế trong menu nhà hàng, tạp chí và cả những cảnh quay, quảng cáo thương hiệu ẩm thực đều có sự đóng góp không hề nhỏ của các Food stylist. Rõ ràng đây là một môn nghệ thuật  thiết thực, cũng là một nghề đáng để theo đuổi.

Chân dung người sáng lập ra Liam Food Photography.

Điều đầu tiên mà food stylist cần, đó chính là những kiến thức về ẩm thực. Một người đầu bếp chuyên nghiệp, họ sẽ có khả năng cao trở thành một food stylist thực thụ, bởi lẽ họ đã quá am hiểu thành phần trong món ăn. Họ biết rằng món Âu thì phải đi với những loại salad ăn kèm nào, hay là nguyên liệu của phở gà thì cần những gì. Đôi khi chỉ cần nhìn những làn khói bay trên bát phở, chúng ta cũng có thể cảm nhận được độ hấp dẫn của nó.

Công việc của một food stylist không chỉ đem đến những hình ảnh đẹp đẽ cho thực khách trong nước mà còn mang cả ẩm thực của dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế. Như vậy là họ đã mang đến cho thực khách 1 món ăn được thưởng thức trước tiên là bằng “thị giác”.

Một bức hình chụp mâm cơm cúng cổ truyền với gà, xôi, giò luộc... với cành đào và mâm ngũ quả trên một nền lụa đỏ vàng đặc trưng cho không khí Tết cũng khiến người xem cảm nhận được một sự đầm ấm, một không khí gia đình hạnh phúc và ấm áp của ngày Tết cổ truyền.

Hay có thể là một bức hình chụp phở Việt Nam cùng một chút thảo quả, hoa hồi, những thanh quế xung quanh, còn bên cạnh là vài lát chanh, miếng ớt, vừa thể hiện được cái sự mộc mạc của tô phở Việt vừa mang tới một hình ảnh chân chất đặc trưng của đất nước nhưng cũng không kém phần tinh tế.

Ngoài ra thì mỗi một tác phẩm ảnh ẩm thực còn ẩn chứa phong cách và cá tính riêng của mỗi một stylist, nó cũng là một cách để họ khẳng định bản thân và tạo nên những điểm nhấn cho riêng cá nhân mình.

Lựa chọn cho mình công việc “makeup” và lưu lại khoảnh khắc cho món ăn, ba bạn trẻ Phan Thành Sơn, Nguyễn Hồng Ngọc và Đỗ Hải Long đã tạo nên những dấu ấn riêng cho sự nghiệp của mình.

 “Nhiếp ảnh ẩm thực như một phần cơ thể”

Đó là chia sẻ của anh Phan Thành Sơn (SN 1996, chủ Studio Liam Food Photography). Bén duyên với ngành nhiếp ảnh ẩm thực cách đây 3 năm, chàng trai trẻ đầu quân cho một công ty chụp ảnh sự kiện và sản phẩm. Sau một thời gian làm việc có kinh nghiệm và sự tin tưởng nhất định đối với khách hàng, anh Sơn quyết định mở một studio chụp ảnh món ăn chuyên nghiệp mang tên Liam Food Photography.

Tâm sự về ngày đầu thành lập studio, anh Sơn kể lại chi phí vận hành studio, đầu tư trang thiết bị khá lớn, ngoài ra còn phải trả công cho nhân viên khiến anh cũng rất lo lắng. Nhưng một thời gian sau, với sự chăm chỉ và thái độ làm việc tích cực, anh đã vượt qua mọi khó khăn.

 Anh Sơn chia sẻ: “Mình là photographer nhưng cũng đồng thời có thể làm cả stylist. Nếu như công việc của stylist là chuẩn bị đồ props (đạo cụ), lên ý tưởng trước khi buổi chụp diễn ra thì công việc của photo là hậu kì, chỉnh sửa lại màu ảnh, sửa lỗi món ăn rồi mới trao đến tay khách hàng”.

Cô nàng Hồng Ngọc và cơ duyên đến với ngành ẩm thực

Cái tên Ngọc food chắc hẳn không còn gì xa lạ với giới trẻ hiện nay. Xuất phát điểm là một foodreviewer (người đánh giá đồ ăn), cô nàng Nguyễn Hồng Ngọc với độ tuổi còn khá trẻ nhưng đã có hơn 37 nghìn người theo dõi trên mạng xã hội instagram và hiện nay Ngọc có gần 2 năm kinh nghiệm với vai trò là food stylist.

Học chuyên ngành ngôn ngữ nhưng lại có niềm đam mê với ẩm thực, Ngọc chia sẻ rằng mình may mắn có cơ hội được tiếp xúc với ẩm thực từ những ngày còn học cấp 3. Công việc làm thêm khi đó của chị là foodreviewer. Việc đánh giá món ăn này cũng chính là tiền đề để chị có thêm nhiều kiến thức về văn hóa của các vùng miền Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

Là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Trường Đại học Phương Đông chuyển sang lĩnh vực ẩm thực, tưởng chừng như không một chút liên quan nhưng chị chia sẻ rằng chính chuyên ngành ngôn ngữ đã giúp chị có thể đọc và tham khảo một số cuốn sách dạy styling của nước ngoài. Khi mới chuyển sang hướng stylist ẩm thực, chị Ngọc cũng gặp khá nhiều khó khăn. Để có thể theo đuổi nghề foodstylist, chị vẫn làm song song công việc đánh giá món ăn để có thêm thu nhập. Chị Ngọc chia sẻ: “Không có gì dễ dàng dành cho người mới bắt đầu cả”.

Nhớ lại về những ngày đầu trên con đường đầy đam mê của mình, chị Ngọc vui vẻ: “Gia đình mình sống ở Hà Nội nên hầu như việc bếp núc mình không phải động tay, nhưng từ khi được thưởng thức nhiều phong cách ẩm thực khác nhau, mình bắt đầu thấy có sự tò mò về các nguyên liệu và thành phần trong món ăn. Rồi mỗi cuối tuần mình lại trổ tài một món lạ, mình cũng chẳng nhớ mình biết nấu ăn từ lúc nào”.

Được hỏi về các khâu chuẩn bị sau khi tiếp nhận công việc, chị Ngọc hào hứng: “Mỗi người có một cách làm việc khác nhau, tuy nhiên đối với cá nhân mình, khi khách hàng liên lạc thì mình sẽ là người trực tiếp trao đổi, tiếp nhận ý tưởng từ khách hàng và định hướng thẩm mỹ. Sau đó mình sẽ phác thảo lên concept (ý tưởng)  để họ dễ hình dung về sản phẩm của mình.

Chị Ngọc trong buổi chụp món ăn của mình.

Tiếp theo sẽ đến công đoạn tìm thực phẩm, phông nền (props) và dụng cụ. Mình sẽ tạo một danh sách đi chợ gồm thực phẩm gì, số lượng bao nhiêu cho mỗi loại thực phẩm. Cố gắng chuẩn bị đa dạng màu sắc, kích cỡ khác nhau với số lượng dư vì có khi bạn phải chuẩn bị gấp 2 gấp 3 lần số lượng thực phầm cần thiết. Sau khi buổi chụp diễn ra thuận lợi thì file ảnh sẽ được chuyển cho đội retouch bên mình để gửi tới cho khách hàng”.

Stylist Đỗ Hải Long: “Phía sau các món ăn là cả một câu chuyện”

Hải Long là chàng kỹ sư Trường Đại học Điện lực, nghe có vẻ khô khan chả liên quan nhưng thực chất anh lại là người có tâm hồn rất sâu sắc và nhạy cảm.

Thời gian làm food stylist, anh nhớ nhất mỗi lần được gặp và trò chuyện với các đầu bếp khác nhau. Việc nhìn cách họ chế biến món ăn, tỉ mỉ và chỉn chu đến từng chi tiết, mới thấy họ tinh tế và say mê với công việc đến thế nào. Mỗi một lần gặp là một người đầu bếp khác nhau, họ có riêng cho mình một phong cách, không ai giống ai. Họ mang trong mình những câu chuyện về cuộc sống, về những trải nghiệm trong nghề và hơn hết, họ hiểu những món ăn của họ.

Với một công việc cần rất nhiều sự tỉ mỉ và khéo léo như Food styling, anh Long cho rằng yếu tố quan trọng đầu tiên là sự kiên nhẫn. Thứ hai là tư duy và định hướng thẩm mỹ tốt mới có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo cho khách hàng. Cuối cùng là sự ham học hỏi. Việc trau dồi vốn kiến thức về ẩm thực là cần thiết vì công việc đòi hỏi chụp đa dạng món ăn: từ châu Á như Thái Lan, Trung Quốc đến các món phương Tây như Pháp, Italia… Khởi đầu nào cũng không tránh khỏi khó khăn. Sự cố gắng và ham học hỏi sẽ là yếu tố quyết định dẫn đến thành công của mỗi người.

Đại học luôn là con đường bằng phẳng và dễ đi nhất, nhưng việc đánh đổi tất cả để theo đuổi đam mê không phải dễ dàng. Tuy con đường đi đến ước mơ có thể có những thất bại, vấp ngã nhưng chắc chắn sẽ có một ngày thành công.

Hà Phương Trang
.
.